Ông bà như ngọn đèn trước gió, hãy yêu thương họ nhiều hơn
2020-07-17 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Con biết con viết ra những dòng này nội cũng chẳng thể đọc được. Nhưng ai đọc sẽ thấy được con đã có một người bà tuyệt vời như thế nào. Những ai đọc được sẽ thấy rằng nếu họ còn ông bà, thì hãy yêu thương ông bà của mình đi. Vì họ đã già rồi, họ như ngọn đèn trước gió. Không ai cản lại quy luật của tự nhiên, gió thổi thì đèn phải tắt thôi.
***
Gởi tặng nội yêu dấu của con.
Cũng lâu lắm rồi bà cháu mình chưa nói chuyện với nhau. Con thèm được nghe nội kể chuyện cổ tích quá. Thèm được ôm nội ngủ mỗi đêm, thèm được ăn món cá ngừ kho của nội.
Con sống với nội từ năm 1 tuổi vì mẹ sinh em gái, không thể chăm con được. Kể từ đó, mỗi đêm con đều được nghe nội kể chuyện và ru ngủ. Đến lúc con biết nhận thức cũng là lúc con học được rất nhiều điều từ những câu chuyện của nội. Con còn nhớ nội kể cho con nghe nào là “Sự tích thạch sùng”, “Sự tích hạt lúa”, “Sự tích con đĩa”, “Sự tích chim chào mào”,… và nhiều lắm con không thể nhớ hết. Nhưng đọng lại trong con là những bài học qua các câu chuyện đó. Nội dạy con không được lãng phí thức ăn, không được dối trá lừa lọc, phải biết yêu thương mọi người, dạy con phải biết ơn người khác khi họ giúp đỡ mình,... Những đêm nằm ôm nội ngủ, nghe nội kể chuyện là những đêm hạnh phúc nhất trong cuộc đời con.
Con còn nhớ năm con lớp 8, con bắt đầu học môn Hóa. Trong môn này, con phải làm nhiều bài toán tính số mol, tính khối lượng,... cần dùng máy tính bỏ túi. Nhà con lúc đó rất khó khăn, con không có tiền mua máy tính để học. Con cũng không dám mở miệng xin tiền ba mẹ. Nội biết được chuyện đó, một buổi trưa, lúc ăn cơm nội đã đem cho con 100 ngàn, nội bảo rằng: “Con cầm đi mua máy tính đi, ráng học cho thật giỏi. Sau này làm có tiền thì cho lại nội”. Một trăm ngàn lúc đó đâu phải số tiền nhỏ, con cầm mà rớm rớm nước mắt. Kể từ ngày đó con rất cố gắng học Hóa. Trong lớp con ai cũng bảo môn này thật khó, nhưng con không hiểu sao con lại rất thích nó. Con liên tiếp được mười chấm môn Hóa. Con lại đại diện cho trường đi thi thí nghiệm ở tỉnh nữa. Con biết nội rất tự hào về con. Cuộc thi nào con cũng cầm theo máy tính nội cho, như là một vật may mắn đối với con vậy. Sau này lên cấp 3, ba cho tiền con mua máy tính mới tốt hơn nhưng con không chịu. Đối với con cái máy tính tốt nhất là cái mà nội cho con thuở hàn vi.
Hồi nhỏ con đau ốm triền miền. Mỗi lần con sốt cao là nội lại lo sốt vó. Nội lo lắng còn hơn mẹ con nữa. Con nhớ có một lần, con đau đến không thở nổi, không ngồi dậy được cũng không muốn ăn gì. Nội kéo áo cạo gió cho con, rồi đút con ăn từng muỗng cháo. Vừa đút con ăn nội vừa mắng: "Hư sự, ở nhà không chịu lại đi ra dang nắng cho về đau." Con sốt cả đêm hành nội không ngủ được. Cứ chốc chốc nội lại đi vắt khắn chườm trán cho con. Con thương nội lắm, con cũng rất vui vì con có một người bà yêu thương con, chăm sóc con hết mực.
Năm con lên đại học, là lần đâu tiên con phải sống xa nhà. Ngày đầu tiên con tới Đà Nẵng, cứ dăm ba mươi phút một tiếng là nội lại gọi cho con để hỏi tình hình. Con nhớ lúc con đi siêu thị, con để quên điện thoại ở trọ, nội gọi mãi mà con không bắt máy, nội liền gọi cho bác con. Đến lúc con về thì trong điện thoại mười mấy cuộc gọi nhỡ đa phần là của nội. Ngay lúc đó điện thoại con đổ chuông, là nội. Con vừa bắt máy lên đã nghe một tràng la mắng của nội. Nào là “Con đi đâu sao không bắt máy? Ở ngoài đó lỡ có chuyện gì làm sao biết được. Lần sau đi đâu nhớ cầm theo cái điện thoại…” Bla bla. Lúc đó con đã rất bực mình, con cãi lại: “Con lớn rồi nội, nội đừng có vài phút điện cho con nữa. Bạn con hắn cười con nè”. Thế là sau này nội ít gọi con hẳn. Chỉ có dăm ba hôm nội gọi hỏi con sống ổn không. Sau này con mới hiểu chả qua lúc đó con mới đi xa nhà, nội sợ con ở một mình còn buồn, con chưa quen nên gọi cho con vui. Giờ con thèm được nội gọi để nghe nội nói chuyện lắm nội ơi!
Con có một tính rất xấu là đi không bao giờ mang dép, dù lớn vẫn vậy. Nhà nội cách nhà con vài ba bước chân, mỗi tối khi ăn cơm xong là con chạy chân vịt mang sách vở xuống học bài rồi ngủ với nội. Nội cứ mắng con đi chân vịt bẩn lắm, đi chân vịt lỡ dẫm mẻ sành, mẻ sứ thì sao. Nhưng rồi nội vẫn đưa con miếng giẻ lau chân, vẫn giăng mùng cho con lên giường ngủ, vẫn cho con ôm, vẫn kể chuyện cho con nghe. Lớn lên, con lại có thêm một tật xấu là chọc cho nội la. Con vẫn cứ đi chân vịt, vẫn bị nội la. Nếu lúc nhỏ con hay đổ quạu thì bây giờ nghe nội la con lại thấy vui. Con ước được nghe nội la hoài, la mãi.
Ngày thi cuối cùng của năm nhất, bạn lớp con rủ thi xong đi suối ở Huế chơi nên con ở lại Đà Nẵng thêm một hôm. Ngày hôm đó con rất vui. Lần đầu tiên đi xa bằng xe máy, lần đầu tiên được tắm suối mát ơi là mát. Con định mai về sẽ kể cho nội nghe chuyến đi chơi hôm nay của con. Sáng hôm sau, khoảng 7h sáng con nhận được điện thoại của ba, con vui vẻ nghe máy, chắc ba hỏi khi nào con về nhà đây mà. Nhưng con vừa bắt máy, chưa kịp “Alo” đã nghe đâu bên kia ba nói với một giọng rất buồn: “Bà nội con yếu lắm rồi. Con coi về thăm nội..." Con đang nghe cái gì vậy, chắc con vẫn còn chưa tỉnh ngủ. Lúc đó tay chân con rụng rời, con quơ đại cái balo rồi phóng xe về. Con chạy rất nhanh vì con sợ con sẽ không kịp nhìn thấy nội lần cuối. Tại sao vậy chứ, mới cách đây một hôm nội còn gọi dặn con nhớ về ăn mùng Năm mà. Sao chưa gì hết nội bỏ con mà đi chứ? Chạy về tới nơi là con vô thẳng bệnh viện thăm nội. Ba bảo con hôm qua nội đi quơ củi, do trời nắng nên nội hơi mệt. Không ngờ rằng nội bị vỡ mạch máu não. Nội bị vỡ một bên não, vẫn còn ý thức được, nhưng sáng sớm hôm nay huyết áp nội lên cao. Bác sĩ nói nội vỡ luôn mạch máu bên còn lại, chìm vào hôn mê sâu. Ba sợ gọi con lúc 4 giờ sáng con cũng sẽ chạy về nên ba đợi tới sáng mới báo cho con. Con vào phòng nội nằm, xung quanh cũng có rất nhiều bệnh nhân hôn mê như nội, có người còn nói sảng, có người thì rên la vì đau đớn. Nhưng nội lại không, nội nằm bất động, hơi thở yếu ớt. Con nhìn nội lúc đó con đau lòng lắm nội biết không.
Ngày hôm sau bác sĩ bảo chuyển nội qua giường gần bên cửa sổ cho thoáng, bác sĩ nói tình trạng nội có vẻ tiến triển tốt. Con mừng lắm, rồi nội sẽ khỏe lại, sẽ về ngủ với con, sẽ kể chuyện cho con nghe. Tới chiều thì nội tỉnh. Con với em vui không nói nên lời. Nhưng nội lại nói sảng, nội không nhận ra con, nội cứ năng nặc đòi về quơ củi nấu cơm cho ông nội. Con biết giờ nội đã lẫn, nội không nhớ gì hết. Cô Sáu nói với con rằng nội chỉ nhớ những chuyện hồi còn trẻ thôi. Nhưng không sao nội ơi, chỉ cần nội tỉnh lại, nội khỏe mạnh là được rồi.
Chiều tối đến nội lại chìm vào hôn mê sâu một lần nữa. Huyết áp nội tăng cao đột ngột, bác sĩ báo tình trạng của nội đang nguy cấp, phải chuyển nội lên phòng bệnh nặng ở tầng 4. Cái gì vậy chứ? Mới lúc sáng còn nói tình trạng của nội đang ổn định, sao đùng một cái lại trở nặng. Mọi người có đùa với con không vậy?
Ba con tức tốc gọi cho bác ở Đà Nẵng gọi mọi người về vì tình trạng đang tệ đi, sợ nội đi trong đêm nay. Con hoang mang lắm, sao mọi thứ cứ diễn ra nhanh đến chóng mặt thế chứ!
Sáng hôm sau nội vẫn nằm ở phòng bệnh nặng. Hôm đó lại là ngày mùng Năm. Mọi năm vào ngày này nội bận rộn nấu nướng, rồi phụ ông cúng kiếng. Sau đó gia đình mình lại quây quần với nhau bên mân cơm, nội còn bảo con chở về thăm nhà ba mẹ của nội. Năm nay mọi người cũng quây quần bên nhau, nhưng lại không phải bên mâm cơm mà là trong hành lang phòng chờ của bệnh viện. Ông nội biết tin nội bị nặng, ông buồn lắm, cứ nằng nặc đòi vào thăm. Sáng đó ông đòi anh Hai chở vào thăm nội, rồi có các cô, các dì vô thăm. Phòng hồi sức không cho đông người vào, lúc ông vào thăm nội vẫn đang hôn mê, nhưng tới chiều nội tỉnh, minh mẫn hơn hẳn. Con nhớ cách đó 2 hôm ông nội với em con dọn tủ lấy quần áo cho nội, thì phát hiện một xấp tiền được gói ghém cẩn thận. Cũng gần hai mươi triệu chứ ít gì. Cô Tám hỏi nội sao không lấy tiền mà mua đồ ăn ngon, mua đồ mà mặc, sao lại để dành làm gì? Nội chỉ cười mà nói: “Để dành cho con cho cháu”. Nội ơi, con cháu nội nó lớn cả rồi, nó không lo cho nội được thì thôi chứ sao nội cứ đi lo lắng cho con cháu hoài vậy. Những lúc con xuống nhà nội lúc nội đang ăn cơm, vẫn chỉ đơn giản nồi canh rau dền, chỉ đơn giản nồi cá ngừ kho đi kho lại mấy ngày. Con cứ bảo nội sao không mua thịt mà ăn, nội bảo ăn tiết kiệm, có mấy ăn mấy thì tiền đâu ra.
Lúc nội tỉnh thì con đang đi học hè ở Đà Nẵng. Nghe ba báo mà sáng sớm mai con liền chạy về. Con mong được lên thăm nội, được nói chuyện với nội. Nhưng bác sĩ không cho con vô, bảo phòng bệnh cần được yên tĩnh. Con lấy trộm một cái áo blouse treo ngoài cửa, con lẳng lặng đi vào, lúc đó có mẹ con ở trong. Mỗi bệnh nhân được một người nhà vào chăm sóc, mẹ bảo con gọi nội thử. Con cứ gọi, cứ lay: “Nội ơi, con đây, nội có nghe con nói không”. Nhưng đáp lại chỉ là những nhịp thể nặng nề của nội. Bác sĩ lôi con ra, bảo con không được vô đây nữa. Thế là con vẫn chẳng thể nói chuyện với nội.
Vài ngày sau, tình trạng của nội có vẻ tích cực. Nhưng lần này con không dám lạc quan nữa, con sợ chưa kịp vui đã phải nghe tin dữ. Con chỉ thầm cầu nguyện điều đó hãy là sự thật đi. Chỉ cần nội còn thở là con biết nội vẫn còn ở cạnh con. Con xin ba ở lại qua đêm chăm sóc nội, con lau mình cho nội, da nội vẫn mát như ngày nào. Ngày trước mỗi lần nội tắm xong, da nội mát rượi, ôm nội thật thích. Tới khuya vì mệt quá nên con ngủ quên đi, lúc con giật mình dậy thì thấy cô Sáu ngồi bên. Cô bảo lúc nãy huyết áp nội lại lên cao đột ngột, bác sĩ tưởng nội sẽ đi, cô sợ lắm. Con nghe mà giận bản thân mình quá. Sao con lại lơ đãng như vậy chứ? Ngộ nhỡ con ngủ quên rồi nội đi luôn thì con biết phải làm sao đây?
Những ngày sau nội vẫn hôn mê. Mọi người ra vô thăm nội thường xuyên. Tình trạng của nội khá ổn, nếu như vậy thì có thể cho nội về nhà để người thân chăm sóc. Hôm đó ba với các cô gọi xe và đưa nội về nhà, tuy nội hôn mê nhưng nhịp tim và huyết áp bình thường. Ba mua thêm một bình ôxi nữa để lỡ hết thì thay kịp thời. Con cứ nghĩ như vậy là không sao rồi. Nhưng tới trưa nội bắt đầu thở dốc, hơi thở càng lúc càng nặng nề và mệt nhọc. Con nhìn nội mà không kìm lòng được. Bây giờ ngay cả thở thôi mà sao khó khăn thể? Hóa ra ở bệnh viện ba đã thấy được nội sẽ không trụ lâu, ba không muốn nội mất trong bệnh viện nên lo đưa nội về nhà. Nhưng cả nhà vẫn rất hi vọng nội sẽ ở nhà thêm được 2, 3 ngày nữa. Càng về chiều việc nội thở lại càng trở nên khó khăn. Con cứ ngồi bên giường nội, con sợ con chỉ cần nháy mắt thôi là nội sẽ ra đi mãi mãi. Đến hơn bảy giờ ba mươi phút tối thì hơi thở nội trở nên ngắt quãng, rất lâu nội mới thở được một lần. Mọi thứ xung quanh con lúc đó như co thắt lại. Con trân trân nhìn nội. Rồi hơi thở nội yếu dần, yếu dần, lịm hẳn. Lúc đó con không biết gì nữa. Con cũng không nhận thức được là từ nay con đã mất nội rồi. Con không biết lúc đó ai lôi con ra khỏi giường của nội, nhưng con vừa đứng lên thì lồng ngực của nội lại phập phồng. Hai mắt con sáng rỡ, trong đầu con lúc nó như vẽ lên một ảo nhiệm rằng nội sẽ khỏe, sẽ lại đi đứng, ăn uống bình thường. Con biết não con lúc đó đã lú lẫn rồi, con cứ nghĩ đại nghĩ bừa vậy thôi. Con nghe được thoang thoảng bên tại mọi người bảo rằng nội con đang luyến tiếc một thứ gì đó. Mẹ bảo nội đang đợi cô Bảy, đúng rồi cô Bảy còn chưa bay về tới nơi mà. Nhưng có vẻ như nội không còn sức để đợi nữa. Lồng ngực nội phập phồng lần cuối, rồi nội thở hắt ra, nhẹ nhàng. Con lúc đó đã không còn đứng cạnh giường nội, con lúc đó cũng không biết mình đang ở đâu nữa. Chỉ nghe tiếng khóc xung quanh con, con thậm chí không khóc. Con im lặng đi về nhà, con tắm, con ngồi vào vi tính. Con không biết mình đang làm gì cả. Con trở ra nhà nội, đi như kẻ mông du, nhìn thấy hình hài nội mềm nhũn sau bức màn che mỏng tan, tim con chùng xuống. Vậy mà con chẳng thể rơi nỗi một giọt nước mắt. Rốt cuộc con vẫn chẳng thể nói chuyện với nội lần cuối.
Ngày đám tang nội, con ngồi trực bên quan tài. Ông nội suy sụp, như già đi mấy tuổi. Lưng ông còng xuống, người ốm hắn đi. Đêm qua ông đã không ngủ được tí nào. Con thấy ông đã khóc, nhưng con để ông một mình. Con biết nếu con an ủi, ông lại sẽ buồn thêm. Tới khuya con rủ mấy đứa em lên phòng ông, ngồi nói chuyện với ông, hát cho ông nghe. Người khác nhìn vào sẽ nghĩ nhà có đám cưới chứ chả phải đám tang đâu. Nhưng con biết nội đã đi rồi, nội không muốn mọi người buồn, lại không muốn ông nội buồn. Người đi rồi thì không biết, nhưng người ở lại thì sẽ rất đau lòng. Ông với nội sống với nhau hơn 40 năm, giờ nội bỏ ông lại một mình làm sao ông chịu nổi. Con còn nhớ giờ ăn trưa nào ông bà cũng hay cãi nhau. Chỉ cãi những chuyện vặt vãnh thôi, nhưng con phải ở giữa để ngăn cuộc chiến tranh nảy lửa của hai người. Giờ nội đi rồi, lấy ai cãi với ông đây?
Ông chầm chậm bước đến quan tài của nội, ông xin người ta để ông đeo cho nội đôi bông tai. Trước kia nội tay không về ở với ông, không cưới không hỏi, không của hồi môn. Giờ nội đi, cũng không có gì cả, ngoài số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi mà nội bảo là để dành cho con cho cháu. Ông đeo cho nội đôi bông tai ngọc, như là món của hồi môn muộn màng.
Cả đời nội sống không nghĩ cho bản thân, chỉ nghĩ cho gia đình. Nội thương con vợ trước của ông còn hơn con mình. Nội bảo bác Ba với cô Tư đã mất mẹ từ nhỏ, nội phải thương thay phần mẹ của hai người. Người ta hay nói: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.” Nhưng con không nhìn thấy ở nội sự ghẻ lạnh của một bà mẹ kế, con chỉ thấy được tình yêu thương của nội - một tình yêu thương cảm hóa được mọi thứ. Chả trách sao bác với cô lại kính trọng và thương yêu nội đến vậy.
Con biết con viết ra những dòng này nội cũng chẳng thể đọc được. Nhưng ai đọc sẽ thấy được con đã có một người bà tuyệt vời như thế nào. Những ai đọc được sẽ thấy rằng nếu họ còn ông bà, thì hãy yêu thương ông bà của mình đi. Vì họ đã già rồi, họ như ngọn đèn trước gió. Không ai cản lại quy luật của tự nhiên, gió thổi thì đèn phải tắt thôi.
Hãy hạnh phúc khi ta có một gia đình ba thế hệ cùng chung sống. Mọi người yêu thương nhau, bổ khuyết cho nhau để sống vui vẻ hạnh phúc. Bạn có bao giờ nghĩ rằng rồi một ngày họ sẽ chẳng còn bên cạnh bạn nữa không? Bạn có bao giờ nghĩ rằng một ngày trở về nhà, sẽ không còn được ăn cơm mẹ nấu, không được nghe ba la rầy, không được nghe ông bà nói chuyện không? Hãy tranh thủ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tranh thủ dành thời gian ăn cơm với ba mẹ, hay chỉ đơn giản tranh thủ gọi điện hỏi thăm ông bà, ba mẹ. Nếu ta để ý, thì tóc ba mẹ đã ngày một bạc màu, trán ba mẹ đã ngày một thêm nếp nhăn, lưng ông bà lại còng thêm một chút. Ta trưởng thành, ta có sức trẻ, ta có thể đi chu du khắp đây đó. Nhưng ta càng lớn, ba mẹ lại càng già đi. Hãy yêu thương, trân trọng từng phút giây bên cạnh họ. Vì không ai biết được ngày mai mọi thứ sẽ ra sao.
Thế sự vô thường.
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Những câu chuyện về gia đình khiến bạn không ngừng khóc | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu