Thế giới của trẻ con và người lớn
2022-05-16 01:20
Tác giả: Hải Đường
blogradio.vn - Nó nhớ lại cảnh nó với cái Hương, cái Huệ đi thả diều, chơi chuyền đến chán mới thôi và ngoại nó tết cho nó hai bím tóc xinh ơi là xinh nữa, giờ thì mẹ nó đưa nó đi cắt tóc ngắn vì một người mẹ bận rộn không biết phải làm thế nào trước mong muốn tết tóc buổi sáng của đứa con gái bé bỏng…
***
Trở về sau một buổi nô đùa với lũ mèo nhà hàng xóm, con Quýt kêu lên:
- Mẹ ơi! Trưa nay ăn gì thế mẹ?
- Cá rán – Mẹ nó bảo
Mẹ con Quýt đang loay hoay với chảo cá và dầu mỡ thì bắn tung tóe, công cuộc rán cá như thể đi đánh trận, mẹ nó là một chiến binh đang cầm vung nồi chắn trước mặt. Quýt ngán ngẩm:
- Con không thích ăn cá.
Mẹ nó lườm, gắt giọng:
- Thế thì nhịn.
Mặc kệ chiến binh cá rán, con Quýt trở lại phòng, nằm dài trên giường. Nó nghĩ bụng thật ghen tỵ với con Lụa vì bố nó hỏi nó muốn ăn gì và con Lụa bắt đầu chọn mấy món ngon lành như cơm rang hay mì xào… Quýt cũng muốn được ăn cơm rang vào bữa trưa nhưng nó không dám ho he vì mẹ nó sẽ ca bài ca chất dinh dưỡng. Dĩ nhiên, dù nghe bài ca ấy bao nhiêu lần thì con Quýt vẫn thích món cơm rang vì nó là trẻ con mà. Trẻ con thì thích ăn xúc xích, ăn mì tôm, cơm rang thay bữa không như người lớn làm bạn với món canh, món mặn và cơm trắng. Đấy là con Quýt nghĩ thế vì nó cho rằng đứa trẻ con nào cũng như nó mà chắc là cũng đúng thế thật…
Trưa nay, bố Quýt không ăn cơm ở nhà. Ba mẹ con nó lại đánh vật bên mâm cơm, mẹ quát hai anh em nó ăn và vừa quát thì tay lại nhanh thoăn thoắt gỡ cá ra đĩa. Con Quýt học lớp 3, còn thằng Mía anh nó học lớp 5, nhìn qua thì có vẻ hòa thuận nhưng hai đứa này mà cãi nhau thì mười người như mẹ nó cũng hết hơi, mẹ nó hay kêu ca như thế. Một ngày chủ nhật trôi qua nhanh chóng bởi hai bữa cơm ầm ĩ tiếng quát của mẹ con Quýt.
Hôm sau là thứ hai, mẹ nó bảo ghét nhất là thứ hai nhưng không có những ngày như thứ hai thì không bao giờ có tiền. Mặt trời bắt đầu mơ màng mở mắt, chiếu những tia nắng nhàn nhạt vào khu dân cư cũ. Mẹ nó cũng mơ màng nấu ăn sáng trong bếp, con Quýt với thằng Mía đang tranh nhau đánh răng sau khi mẹ nó hét ầm lên gọi chúng nó dậy. Ăn sáng xong, mẹ bắt đầu kêu hai anh em nó đi thay đồng phục. Nó với thằng Mía lúc đấy mới bắt đầu vội, đứa học sinh nào cũng sợ bị “tuyên dương trước cờ” và ngán ngẩm cảnh bị mấy anh chị sao đỏ ghi tên vào sổ vì tội đi học muộn. Thằng Mía kéo vội chiếc xe đạp mini ra, con Quýt ngồi lên ghế sau luôn. Thằng Mía vừa đạp xe đổ đầy mồ hôi còn con em nó thì giục lên, giục xuống, cũng đúng thôi vì đi muộn thì ngại mặt lắm, huống hồ lũ bạn còn tranh nhau đi sớm.
Chúng nó vội vã phóng vào cổng trường vừa kịp lúc tiếng trống vang lên. Con Quýt cau có, kêu ca anh nó lề mề, chậm chạp, thằng Mía im lặng vì phát chán cảnh tranh luận với con em gái lắm điều này. Hai đứa mỗi đứa một đường đi lên lớp, con Quýt chạy vội vào lớp quên cả việc chào cô giáo chủ nhiệm, ngồi thụp xuống ghế, nó thở không ra hơi như thể cái người đạp xe là nó vậy. Cô chủ nhiệm nhìn nó nhưng cô không nói gì vì đây là tình trạng diễn ra hàng ngày, cô đã nhắc nhở nhiều mà vẫn không có gì thay đổi cả.
Thằng Minh kéo kéo áo con Quýt, hỏi:
- Sao mày đi muộn nhiều thế?
- Hừ! Tao vẫn đi học là được rồi.
- Hay mai mày với anh Mía đi xe cùng nhà tao đi – Thằng Minh rủ
- Không! Đi gì mà đi! – Con Quýt gắt lên
Lúc sau, không biết nghĩ gì mà nó bĩu môi, nó ghét bố mẹ thằng Minh, ghét cái ô tô của bố thằng Minh và chắc là ghét hết tất cả mọi thứ ở nhà thằng Minh chứ không riêng ra điều gì, à không nó không ghét Minh vì đấy là bạn nó cơ mà. Dẫu sao nó không muốn phải thấy cảnh mẹ thằng Minh khoe khoang với mẹ nó về chiếc váy mới mua với cái khuôn mặt đầy son phấn, đỏng đà đỏng đảnh và cả việc bố thằng Minh mỗi khi đánh xe ô tô về là lại còi ầm ĩ dù chẳng có gì cản đường cả…
Quýt nó thấy ngản ngẩm mỗi khi tới trường, ở đây nó không đặc biệt thân thiết với ai cả, nó thích cùng trường với đám bạn hồi mẫu giáo hơn. Nói trắng ra là nó thích ở nhà ngoại nó hơn là ở với bố mẹ, nó lười nghe mẹ nó càu nhàu và ghét cách hàng xóm khoe khoang lẫn nhau trong khi nhà nó chẳng có gì đáng khoe cả. Con Quýt từng bảo với mẹ rằng nó muốn về ở với ngoại và mẹ nó đã gắt ầm lên, từ đấy nó cũng không dám ho he gì cả. Có thể đó là nỗi lòng của một đứa trẻ con không ưa ồn ào lại phải sống ở thành phố và bản thân nó cũng thích quê hơn nhiều. Nó nhớ lại cảnh nó với cái Hương, cái Huệ đi thả diều, chơi chuyền đến chán mới thôi và ngoại nó tết cho nó hai bím tóc xinh ơi là xinh nữa, giờ thì mẹ nó đưa nó đi cắt tóc ngắn vì một người mẹ bận rộn không biết phải làm thế nào trước mong muốn tết tóc buổi sáng của đứa con gái bé bỏng…
…
Trời nhá nhem tối, mẹ con Quýt vẫn đang đi qua đi lại trong chợ chọn vài món đồ ăn chẳng còn tươi, chen chúc với đôi giày cao gót cao ơi là cao không biết mẹ nó mệt mỏi đến mức nào. Con Quýt và thằng Mía sẽ đã nhà sau khi tan học và ngồi trên ghế sô pha xem hoạt hình mà chúng nó yêu thích, cười tủm tỉm với nhau, trên tay cầm gói bim bim nhét vội vào miệng dù đang nhai kẹo.
Mãi muộn, mẹ nó mới bước chân ra khỏi chợ, miệng càu nhàu vì không mua được thứ gì ngon và kêu ca cả việc những người đi chợ vô thức xô đẩy nhau khiến mẹ nó xém ngã mấy lần. Khi mở cửa và bước chân vào nhà, mẹ nó như phát điên khi nhìn thấy lũ con đã bày một đống vỏ bim bim trên bàn, que kẹo đã ăn xong vứt ngay trên nệm ghế. Mẹ con Quýt định cất tiếng quát nhưng lại chọn thở dài, có thể vì đây là giờ phút một người mẹ thấy con mình vui vẻ như thế. Cô ấy đặt thức ăn trên bếp, túm vội mái tóc xoăn dài buộc cao lên, đôi khi cô thoáng nhớ về một thời con gái, thời chưa chồng con, chưa gia đình, ngỡ về những ngày đi chơi muộn lắm và nhớ cả cái thời được cầm những đồng tiền lương làm thêm đầu tiên. Người ta thường bảo sống mãi để thoát khỏi cái khổ, nhưng như thế này liệu có được coi là sướng không, trong mắt hai đứa con bé bỏng người mẹ này có bị xem là ích kỷ hay không?
Với cái tuổi ngoài 30, người ta không bàn nhau về những bộ phim hay, những món ăn ngon mà đến 90% câu chuyện những người trưởng thành bàn với nhau là về giờ tan làm, tiền lương, con cái có học giỏi hay không, thi đỗ trường nào, ở lớp đứng thứ mấy, có được đi thi thành phố không mà nếu thi thì được giải gì… Mẹ con Quýt, một người cũng có tuổi con gái vui ơi là vui mà người ta gọi văn vẻ là tuổi thanh xuân, giờ luôn dành cuộc đời loay hoay giữa phòng làm việc và phòng bếp. Thế giới của trẻ con vui thật đấy nhưng người lớn thì không phải lúc nào cũng thế…
Đôi khi, chúng ta luôn mơ về những thứ vụn vặt, dễ thương, những điều vui vẻ từ những ngày đã trôi xa. Cho dù đã lớn lên nhưng trái tim người ta luôn mơ về những điều nhỏ bé, có thể người lớn nào cũng chính là trẻ con trong vỏ bọc to xác mà gọi hay ho là trưởng thành. Có bao nhiêu đứa con hiểu được tâm sự của cha mẹ như cha mẹ đã và đang cố gắng hiểu chúng. Thế giới của lũ trẻ xoay quanh bim bim, hoạt hình, bạn bè đồng trang lứa, đôi khi ước mơ của chúng chỉ là trở thành một nhân vật trong phim nhưng chúng mãi mãi không biết được ước mơ của những người lớn chính là trở lại làm trẻ con…
…
Cuộc sống của con Quýt và thằng Mía xoay quanh học ở trường rồi lại học thêm, dù chúng nó có đứng đầu lớp học thì cũng chẳng thoát được việc học thêm bao giờ cả. Câu cửa miệng của người lớn mà chúng nó hay nghe chính là: “Không học rồi sau này làm gì…”. Nhưng với một đứa trẻ con thì “làm gì” đâu có quan trọng lắm, nhất là với những đứa mới học tiểu học và ngày ngày còn cãi nhau vì việc ăn món gì. So với học hành và đạt được những điều rực rỡ hay tương lai sáng sủa, lũ trẻ thích chơi hơn, Quýt và Mía nhớ những ngày tháng rong ruổi nơi đồng quê, dù cho ở nơi đó chúng nó không được thấy những thứ hay ho, mới mẻ như trong thành phố.
Người lớn khao khát con mình được hưởng tất cả những điều tốt nhất trên thế giới nhưng lại không nhớ ra rằng khi mình còn là những đứa trẻ mình đã mơ ước những điều nhỏ bé như thế nào. Con Quýt và thằng Mía mơ về những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc mà chúng nó quên đi nỗi sợ hãi bài tập về nhà, không có áp lực điểm số. Người ta hay bảo “tuổi thơ dữ dỗi” nhưng chắc hẳn “dữ dội” ở đây không phải là bài tập về nhà hay những kì thi mà mở sách ra cũng chẳng biết ôn tập gì. Trẻ con thích chơi, thích những thứ mới mẻ thì tại sao chúng ta lại nỗ lực gạt bỏ niềm vui của chúng, liệu những người lớn có chắc là với quyết định hiện tại rồi sau này con em họ sẽ vui vẻ ở tương lai hay không?
Trẻ con sẽ cảm thấy điều gì ở mâm cơm có những món chúng đã ngán và cũng phải nghe bố mẹ phàn nàn những câu chuyện không vui nữa. Giacomo Leopardi có một câu nói nổi tiếng: “Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì, còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả.”
Chắc hẳn bố mẹ của Quýt và Mía không nhận ra những đứa con của mình đã từng vui vẻ như thế nào. Người lớn có những khoảng trời riêng nhưng đừng quên trẻ em cũng vậy.
Qua câu chuyện của gia đình Quýt và Mía, tôi muốn nhắn nhủ tới những người lớn và cả các bạn nhỏ vài lời: “Xin mọi người dù hãy đối xử nhẹ nhàng với nhau và biết suy nghĩ vì nhau hơn, bố mẹ hãy biết quan tâm hơn đến sở thích và cuộc sống của con cái, và những người con cũng đừng bao giờ quên bố mẹ mình thích gì hay để họ một mình trong xã hội đầy cô đơn này. Và tôi cũng mong mọi người không đánh đồng quan tâm và can thiệp, hãy nhận thức đúng ranh giới của hai từ ngữ trên để cho chúng ta có khoảng trời chung với nhau và ai cũng có một ánh trăng của riêng mình.”
© Hải Đường - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio 447: Những giọt nước mắt của cha
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu