Nhớ lắm mùa lũ tuổi thơ tôi
2014-11-19 01:00
Tác giả:
Phan Thị Kim Thảo
Cơn mưa lùa xuống như thác đổ, từng làn nước vội vã rơi đều kêu rả rích trên mái tôn cũ căn nhà nhỏ của gia đình tôi. Vài ba tiếng một trận to, vài ba hồi thêm một trận nhỏ, cứ ỉ ôi như đàn bà đau đẻ ngóng mãi đứa con vẫn chưa thấy ra đời, cứ nhức nha nhức nhói đến xé ruột gan. Buổi tối cả gia đình tôi vây quanh bên mâm cơm nấu bếp với món đặc sản của mùa mưa là muối mè và sả vằm vụn với thịt ba chỉ kho ruốt. Ngọn đèn dầu leo lắt đặt trên chiếc bàn gỗ khá cao mới có thể chiếu sáng một góc nhỏ của mâm cơm. Gần mười con người vây quanh mâm cơm ngày lụt, ai nấy đều thích thú với miếng cơm nóng hổi có cháy vàng giòn, mấy chị em tôi tranh nhau vét nồi kêu ken két.
Mùa mưa, mùa lụt ở Huế kéo dài khiến lòng người sầu thảm, ước chừng mỗi mùa mưa đi qua như kéo theo cả một thế kỉ dài. Trước mái hiên nhà, gió thổi mạnh một vài tấm tôn bay xa, vài tấm còn lại thì đã rách hết phần nửa kêu bành bạch, nước tạt vào đến tận cửa chính, mấy chân cột bằng gỗ cũng đã liêu xiêu. Ba tôi phải mang chiếc áo mưa nhàu nát chạy xuống vườn lựa cây tre nào chắc chắn đốn lên để chống tạm. Mạ tôi loay hoay đào mương cho nước thoát kẻo ngập vào nhà bếp không còn chỗ nấu nướng. Chị gái đầu của tôi năm đó mới mười ba tuổi đã phải lấy giẻ lâu nền nhà cho khỏi rịn nước đi trượt, tôi và những đứa em sau còn nhỏ nên chỉ việc trùm mền chơi trò trỏ đầu tìm người.
Hết ngày này qua ngày khác, mưa vẫn không dứt mà ngày càng lớn hơn. Trong nhà chỉ còn mỗi chiếc đài bỏ pin con thỏ mới biết được thông tin thời tiết từ xa, ba tôi nghe đài rồi thở dài nói: “Còn mưa lâu lắm”. Mạ tôi nằm trên giường, không than nửa lời nhưng tôi thấy nước trong khóe mắt mạ khẽ ứa ra.

Nửa đêm tỉnh giấc, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cửa hông cứ kéo ra kéo vào kêu cọt kẹt, tưởng đâu gió thổi mạnh làm nó lung lay, tôi xuống giường định kéo chặt lại nhưng khi thấy mạ tôi đứng đó nhìn về phía vườn, tôi mới hay mạ lo lắng ngủ không được nên đi lui đi tới ngóng nước sợ vào nhà. Sáng ra, tôi mở cửa hông đứng nhìn, căng mắt hết cỡ vì ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy nước lên cao như thế, một màu vàng sền sệt rộng mênh mông lút đến tận đọt những bụi sắn sau vườn và chỉ còn cách cánh cửa hông tôi đứng chừng vài mươi mét. Nếu hôm nay mưa lớn giống hôm qua thì có lẽ gia đình tôi phải chuyển ra trường Tiểu học gần nhà mà lánh tạm, địa điểm mà ủy ban xã đã bàn trước cho mỗi hộ gia đình khi nước vào nhà. Nhưng may thay cơn lũ thôi không kéo dài nữa, mưa tạnh nên nước cũng rút dần, bầu trời hanh hao. Mấy chị em tôi chạy ra vườn xem những “chiến công” mà cơn lũ để lại và vỏn vẹn chỉ còn một lớp bùn non nhão nhoẹt trên vườn sắn nhà tôi. Đợi cho cơn lũ đã qua vài hôm, chị em chúng tôi rủ nhau đi xem nước, nước đã hạ xuống rất nhiều nhưng vẫn còn cao hơn trước mùa mưa vài mươi mét. Chúng tôi thấy vài ba chiếc ghe chèo ven sông vớt củi, vài ba chiếc khác lại giăng lưới bủa cá. Do ở thượng nguồn của sông Hương, nước lớn cá lùa về theo dòng chảy mạnh nên những mẻ cá được bủa lưới khi kéo lên chi chít các loài cá chình, cá xanh và rất nhiều cá rô phi... Rãi rác khắp mặt sông, là nồi niêu xoong chảo, chị em tôi đang loay hoay cầm sào để vớt thì tiếng ba tôi gọi lớn, đứa nào đứa nấy sợ hãi chạy lên nhà nhưng có cố gắng chạy nhanh thế nào đi chăng nữa thì vẫn bị đòn dính vào mông vì cái tội không nghe lời người lớn. Và tôi vẫn nhớ rất rõ đó là kỉ niệm của mùa lũ năm 99, mùa lũ đi vào lịch sử của Việt Nam.
Vài năm sau đó không có cơn lũ nào lớn hơn cơn lũ ấy nữa và người ta nhanh chóng cho xây dựng đập thủy điện Bình Điền theo quy mô lớn nên cũng chẳng còn ai biết đến lụt là gì. Có cái đập cản nước thì ai nấy cũng vui sướng như được vàng, không lo lụt lội, nước ngập nhà ngập cửa nữa. Chỉ riêng bọn trẻ chúng tôi lại thấy hơi tiếc vì không còn được nhìn nước lên sau vườn sắn, không còn được rong ruổi những ngày vớt xoong nồi nổi lềnh bềnh trên sông và không còn phải khó ngủ vì tiếng cọt kẹt của cánh cửa hông. Bởi vài năm sau đó, nhà tôi được xây cất lại khang trang hơn, che chắn an toàn hơn, lợp mái ngói để chống ồn, tường xây vách để nước khỏi tóe qua các khe gỗ như trước kia.
Sau khi tôi đậu Đại học phải về thành phố ở trọ, mỗi mùa lụt đến, cơn mưa mới kéo xuống ngày đêm thì các con đường chính như Bến Nghé, Đống Đa hay ngay cả Nguyễn Huệ cũng đã ngập đến gần nửa người. Thảm hại nhất vẫn là đoạn qua Đập Đá, nước lên nhanh nhưng rút lại rất chậm. Vậy là tôi lại được ngắm lụt, ngắm nước dâng cao giữa thành phố Huế. Nhưng mùa lụt ở thành phố không làm tôi thích thú như ở quê mình, vì tôi không nhìn thấy cái màu vàng sền sệt của nước và không nhìn thấy cái xoong nồi nào nổi trên mặt nước để vớt.
Tuổi thơ trôi qua, tôi đã nhìn thấy nỗi buồn của ba mạ mình trong những mùa lũ nhưng lại có chút niềm vui riêng đối với kí ức, hoài niệm của bản thân. Tôi vẫn nhớ hoài cái màu nước vàng ngập ngụa ấy sau vườn nhà mình, vẫn muốn tranh nhau miếng cháy vàng của nồi cơm nấu bếp và thèm lắm món thịt kho sả mạ tôi làm bên ngọn đèn dầu leo lắt.
- Phan Thị Kim Thảo
Bài viết tham dự tuyển tập "Mở lòng & Yêu đi!". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn like, share và bình luận bằng plug-in mạng xã hội ở chân bài viết. Lượt like, share và comment được tính bằng hệ thống đếm tự động.

Click vào đây để theo dõi thông tin chi tiết
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Cửa hàng của mẹ
Niềm vui của lao động, của sự tất bật với công việc hàng hóa của mẹ để rồi mẹ tạm gác lại những việc nhà lặt vặt. Thế nhưng giờ chắc có khi lại khó để thấy khung cảnh ấy.

Bức thư gửi đến quá khứ của tôi
Tôi trở lại nơi bắt đầu Nơi quê hương xanh mướt cánh đồng, Mối tình đầu chớm nở giữa hoàng hôn. Ánh mắt trong trẻo, tay nắm tay, Ngây thơ như cỏ, như hoa nở rộ

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!
Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên
Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)
Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?
Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?