Một ngày... rất khác
2014-08-22 01:07
Tác giả:
Blog Family - “Cháu ngốc của ông, buồn thì làm sao mà chết được? Đâu có ai buồn chán quá mà chết? Nhưng mà, ông không buồn, cũng không cô đơn đâu.” Ông cười trầm ngâm. “Với ông, căn nhà ấy giống như bà ngoại cháu. Sống trong căn nhà ấy, cũng giống như thấy bà ngoại cháu vẫn còn ở bên ông vậy.” Ông dừng một chút rồi nói tiếp. “Hơn nữa, ông còn phải chăm sóc cây ổi của cháu nữa chứ!”
Một buổi sáng thứ hai bình thường, tôi thức dậy và phát hiện ra mình bị ốm.
“Con ăn đi rồi uống thuốc này.”
Mẹ mang bát cháo đến bên giường rồi đỡ tôi ngồi dậy. Tôi gắng gượng ngồi lên, cầm lấy cái tô và chậm chạp đút từng muỗng vào miệng. Cháo trắng nhạt thếch, nhưng tôi cũng cố và hết nửa chỗ mẹ mang đến để chốc nữa uống thuốc khỏi xót ruột.
“Sốt đến 38 độ rưỡi đấy.” Mẹ lấy nhiệt kế ra xem. “Mẹ đã dặn con mỗi lần ra ngoài là phải mang theo áo mưa cơ mà!”
“Con… quên…” Tôi lí nhí.
“Chắc chị ý tưởng người ngốc thì không không bao giờ bị bệnh đó mẹ. Đúng là ngốc!” My, con em láu táu của tôi chen vào. Mẹ tôi liền phát cho nó một cái vào mông. Dù đang lơ mơ nhưng trong lòng tôi vẫn không ngăn được chút đắc ý, con nhóc đấy bình thường toàn bày trò làm khổ tôi. “Ngốc với nghếch cái gì? Còn không lo thay quần áo đi, trễ học rồi kìa!”
Nó le lưỡi chạy đi, vừa chạy vừa xoa xoa chỗ bị đánh. Mẹ quay sang tôi bảo: “Hôm nay mẹ có cuộc họp quan trọng ở công ty, chắc không nghỉ làm được đâu.”
“Không sao đâu, mẹ cứ đi làm đi, con uống thuốc rồi, chắc lát nữa là bớt sốt thôi.”
“Con có chắc không? Hay là…” Mẹ tôi ngập ngừng, vẻ như đang suy nghĩ cách gì đó. Có lẽ bà cảm thấy tội lỗi vì không thể ở nhà chăm sóc tôi.
“Con không sao thật mà, vẫn tự chăm sóc mình được, mẹ cứ yên tâm đi.” Tôi trấn an mẹ.
“Ừm, vậy…. mẹ đi nhé.”
Tôi chưa kịp đáp lại thì My đã cắt ngang. “Mẹ ơi! Đi nhanh thôi! Trễ học con rồi!”
“Cái con bé này… Ban nãy thì cứ lừng khừng…” Mẹ đứng dậy dợm bước đi, không quên dặn lại tôi. “Cháo mẹ nấu sẵn để trên bàn, lát nữa con đói thì hâm nóng lại mà ăn nhé. Còn thuốc thì mẹ để ngay đầu giường đây, một ngày uống ba liều.”
“Mẹ ơi nhanh lên!” Nhỏ em tôi vẫn đang kêu gào thúc giục mẹ. Tôi thậm chí còn có thể tưởng tượng ra nó đang đứng ngay cửa ra vào mà nhảy tưng tưng.
“Nếu có chuyện gì thì gọi điện thoại cho mẹ nhé! Mẹ đi đây!”
“Mẹ đi ạ.” Tôi đáp lại, nhưng có lẽ mẹ không nghe thấy, vì cánh cửa phòng tôi đã đóng lại rồi. Tôi nghe thấy tiếng mẹ mắng con em, rồi nó đối đáp lại gì đó, sau đó không lâu, tôi nghe tiếng cửa ra vào đóng sập, và cả căn nhà rơi vào yên lặng.
Tôi nằm im một lúc rồi với tay lên đầu giường lấy điện thoại. Mở facebook, không có thông báo mới. Cũng phải, bây giờ lũ bạn chắc đều đang học ở trường rồi mà.
Tập trung nhìn màn hình điện thoại một lúc làm tôi chóng mặt, vậy nên tôi ném nó qua một bên và nhìn mông lung lên trần nhà.
“Hey, nhện.” Tôi đưa tay chào con nhện đang bận rộn giăng tơ trong góc tường, rồi tự cười mình ngớ ngẩn.
Yên tĩnh quá...
Bình thường những lúc tôi ở nhà cũng là lúc có mặt đầy đủ tất cả các thành viên trong gia đình, vì vậy nên lúc nào cũng ồn ã đủ loại âm thanh. Tiếng tivi bố mở xem bóng đá, tiếng con em đanh đá cãi nhau với tôi về một chuyện vớ vẩn gì đấy, tiếng xoong chảo kêu xèo xèo trên bếp, và cả tiếng mẹ nghiêm khắc cảnh cáo rằng sẽ cho cả hai đứa tôi một trận nếu không ngừng gây rối. Tôi mỉm cười. Bỗng dưng thấy mình đang nhớ những âm thanh mà bình thường thấy “khó ưa” đó.
Không biết giờ này bọn bạn mình đang làm gì nhỉ?
Tôi nhìn đồng hồ. Gần tám giờ. Giờ này chắc lớp tôi đã chào cờ xong và sắp bắt đầu tiết một. Tiết đầu tiên hôm nay là môn Công Nghệ. Cô dạy môn này nổi tiếng dễ tính nên trong giờ học sinh toàn ngồi ăn vụng thôi. Cái xóm nhà lá của tôi cũng không ngoại lệ, hôm nay chúng tôi đã hẹn hò nhau, nào là nhỏ Nhiên mang ổi, thằng Vũ mang xoài, thằng Duy mang me. Tôi cũng đã được phân công mang theo hũ muối ớt “công thức bí truyền”, thế mà giờ thì nó lại chỉ nằm im lìm trong cặp. Hây da… tụi nó ăn mấy món đó mà không có tôi chắc là nhạt nhẽo lắm. Tôi tự cười với suy nghĩ này.
Nhưng mà nghĩ kĩ lại, ba đứa tụi nó háu ăn thấy mồ, dù có muối hay không thì chắc tụi nó cũng “xực” hết thôi, và thậm chí có khi chả thèm nhớ đến tôi…
Nghĩ đến chuyện mọi việc vẫn ổn thỏa dù không có mặt mình, tự dưng tôi thấy buồn buồn.
“Aaa… chán quá đi…” Tôi nằm nghiêng qua một bên, ôm lấy con gấu bông của mình. Tự bắt bản thân không nghĩ linh tinh nữa, tôi dần chìm vào giấc ngủ mơ màng.
Giật mình tỉnh giấc bởi tiếng một chiếc xe nào đó nổ ầm ĩ ngoài đường, tôi nhìn lên đồng hồ trên tường, đã gần một giờ chiều. Tôi không ngờ mình lại ngủ lâu đến vậy.
Cái bụng rỗng không của tôi bắt đầu kêu gào biểu tình. Tôi nhổm đầu dậy một chút, định đi ra nhà bếp, thì bất ngờ một cơn đau giống như dao đâm ghim đầu tôi trở lại giường. Tôi sờ tay lên trán mình, lạ thật, mớ thuốc hạ sốt hình như không có tác dụng gì cả, đầu tôi còn nóng hơn ban sáng.
Nghĩ rằng có lẽ một liều thì không đủ, tôi cố gắng ngồi dậy, đi, hay đúng hơn là lết, với tốc độ chậm hơn rùa bò vào nhà bếp. Phải ăn thì mới có sức uống thuốc được, tôi nghĩ thế, trong khi tay run run đặt cái nồi lên bếp ga. Mấy cái nút hôm nay cũng khó vặn hơn bình thường, tôi loay hoay mất cả năm phút lửa mới cháy lên được.
Tôi nằm dài ra bàn trong lúc đợi cháo nóng, cảm thấy vừa mệt mỏi vừa tủi thân. Những cảm giác đó cộng với cơn đau làm tôi ứa nước mắt. Trong đầu lại nảy ra những suy nghĩ ích kỷ. Tại sao mẹ không ở nhà chăm sóc mình? Tại sao không ai nhớ tới mình? Rồi lại tới những suy nghĩ tự trách mình. Tại sao mình lại ngốc tới mức không nhớ mang áo mưa theo chứ? Tại sao? Tại sao? Những suy nghĩ đó cứ theo dòng nước mắt tuôn ra mãi không thôi.
Trong lúc tôi còn đang mải nghĩ ngợi, nồi cháo đã sôi đến mức tràn ra ngoài. Tôi vội vã đứng dậy đến bên chỗ bếp ga và tắt nó đi. Nhưng vì đứng dậy quá nhanh, máu không kịp lên não làm tôi choáng váng mặt mày, đầu óc quay cuồng. Tôi lả người và ngã xuống nền sàn lạnh. Trước khi ngất đi, thứ cuối cùng tôi nghe được là tiếng mở cửa.
Khi mở mắt tỉnh dậy lần nữa, tôi đang nằm trên giường mình, trên trán là một tấm khăn ướt vuông vắn. Tôi nhìn quanh, không thấy ai cả. Chắc là mẹ đã về rồi chăng?
Cạch. Cánh cửa phòng tôi mở ra, để lộ hình dáng một người đàn ông. Tôi thấy mặt mình tự động giãn thành một nụ cười khi thấy ông ấy.
“Ông ngoại!”
“Ừ, ông đây. Cháu tỉnh rồi à?”
“Dạ vâng, ông tới lâu chưa ạ?”
“Cũng hơi hơi lâu rồi.” Ông tôi cười hóm hỉnh.
“Ừ, không ông thì còn ai? May nhé, mẹ cháu vừa bảo là ông chạy sang ngay đấy, vừa kịp cứu cô cháu gái yêu quý.”
“Mình ông đỡ được cháu sao ạ?” Tôi ái ngại nhìn thân hình không lấy gì làm bé bỏng của mình.
“Uầy, ông còn khỏe lắm nhé, đừng coi thường.” Ông cười hiền từ, tôi cũng cười theo. Sự có mặt của ông ngoại bao giờ cũng khiến tôi thấy yên tâm. Từ bé, ông đã luôn bảo vệ tôi khỏi nhiều trận đòn roi của bố mẹ, ông cũng rất cưng chiều tôi nữa.
“Cháu bớt sốt rồi này.” Ông đặt tay lên trán tôi, bàn tay ông mát lạnh dễ chịu. “Nhưng mà thôi cứ ăn rồi uống thuốc vào, ông nấu cháo mới cho cháu rồi đấy.”
Tôi ngồi dậy đón tô cháo thịt băm ngon lành từ tay ông. Ông còn định đút cho tôi ăn nữa nhưng tôi từ chối. Dù gì cũng đã 17 tuổi đầu, còn để ông đút cho, ngại chết!
Ông ngồi xuống bên giường tôi, đeo kính vào và đọc báo. Còn tôi thì vừa ăn vừa ngắm ông. Lâu lắm rồi tôi mới lại nhìn ông kĩ như vậy. Tôi phát hiện ra tóc ông đã bạc hơn, da ông cũng nhiều nếp nhăn và đốm đồi mồi hơn lần trước tôi thấy ông.
Mà lần cuối cùng tôi gặp ông là bao giờ nhỉ? Hình như là một… không, hai tháng trước? Tôi giật mình khi nhận ra rằng đã lâu rồi tôi chưa đến thăm ông. Học chính, học thêm, bạn bè, công việc đoàn hội, chúng cứ cuốn tôi đi, khiến tôi không còn thời gian cho một trong những người thân trong gia đình nữa. Cảm giác tội lỗi bỗng chốc xâm chiếm tôi. Ông nghe mẹ nói tôi bệnh là sang đây ngay, thế mà tôi lại…
Bà ngoại tôi đã mất từ ba năm trước. Bố mẹ tôi muốn đón ông về ở chung để phụng dưỡng, nhưng ông nhất quyết không chịu, vì ông không muốn làm phiền con cháu. Thế là ông vẫn lẻ bóng một mình quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ chứa đầy kỉ niệm của bà ngoại lúc còn sống. Tôi bỗng thấy ông thật vĩ đại. Tôi ở một mình có một ngày mà đã không chịu nổi rồi, nói chi là ông, một người già mà phải chịu đựng nó lâu đến thế…
“Ông ơi.”
“Sao hả cháu?” Ông tôi đặt tờ báo xuống và quay sang.
“Sao ông không sang ở chung với nhà cháu ạ?”
Ông nhướn mày. “Sao đột nhiên cháu lại hỏi thế?”
“Dạ… tại tự nhiên cháu nghĩ tới ạ.”
Ông mỉm cười, xoa xoa mái tóc rối bù của tôi. “Tại ông không muốn làm phiền các con các cháu thôi.”
“Nhưng mà ông không thấy buồn sao ạ? Ở một mình cô đơn lắm ấy! Cháu ở một mình có một buổi sáng mà buồn muốn chết!”
“Cháu ngốc của ông, buồn thì làm sao mà chết được? Đâu có ai buồn chán quá mà chết? Nhưng mà, ông không buồn, cũng không cô đơn đâu.” Ông cười trầm ngâm. “Với ông, căn nhà ấy giống như bà ngoại cháu. Sống trong căn nhà ấy, cũng giống như thấy bà ngoại cháu vẫn còn ở bên ông vậy.” Ông dừng một chút rồi nói tiếp. “Hơn nữa, ông còn phải chăm sóc cây ổi của cháu nữa chứ!”
Tôi chợt nhớ ra cây ổi mà ông đã trồng vào ngày sinh nhật 5 tuổi của tôi. Cây ổi đó mỗi năm vẫn ra quả đều và vô cùng xum xuê xanh tốt.
Tôi cười hì hì, cơn sốt của tôi gần như cũng đã bay biến. Thời gian còn lại của buổi chiều, tôi và ông cùng thoải mái nói chuyện. Ông kể nhiều chuyện lắm, từ những “phi vụ bất hảo” ngày tôi còn nhỏ, cho đến chuyện ông và bà thời trẻ đã gặp và yêu nhau như thế nào. Càng nghe, tôi càng cảm động về tình cảm sâu sắc giữa ông và bà, và đầu óc khẽ mơ màng về một người con trai nào đó cũng sẽ yêu tôi như ông yêu bà vậy.
Dòng suy tưởng của tôi bị cắt bởi tiếng mở cửa, và sau đó là bố tôi xuất hiện. Trên một tay bố còn cầm vali giỏ xách lỉnh kỉnh của chuyến công tác, một tay giơ lên một cái hộp giấy màu đỏ.
“Con gái bố đỡ bệnh chưa? Bố mua gà rán con thích này!”
Ông ngoại tôi lắc đầu vẻ không hài lòng. “Cái anh này, con bé đang bệnh mà lại cho ăn mấy cái thứ…”
“Tuyệt! Sáng giờ toàn ăn cháo loãng làm con đói rã ruột ra ấy! Bố là số một!” Tôi hớn hở cắt ngang lời ông, rồi đón cái hộp từ tay bố.
“Em ăn nữa!” Nhóc em tôi từ đâu chạy tới, nhảy lên giường, chộp lấy cái hộp. Mẹ tôi xuất hiện ngay sau đó, nhăn mặt quát nó. “My! Đừng có giành ăn với chị nữa!”
“Con đâu có giành đâu! Con xin mà!” Rồi nó ngước đôi mắt cún con nhìn tôi. “Cho em ăn chung với! Nha nha nha nha nha!”
Tôi bật cười trước dáng vẻ nai tơ bất ngờ của con bé, rồi gật đầu đồng ý. Nó chẳng kiêng nể gì nữa, liền thó ngay một cái cánh gà rồi chạy biến ra bếp.
“Cái con bé này thật là…” Mẹ tôi lẩm bẩm, rồi bước lại bên giường và đưa tay lên trán tôi. “Con hết sốt rồi nhỉ. May quá!” Bà mỉm cười trìu mến nhìn tôi.
Tôi cũng mỉm cười. Mẹ tôi có vẻ là người không hay thể hiện tình cảm, nhưng trong thâm tâm, tôi biết bà lúc nào cũng thương yêu chị em tôi nhất.
Mẹ tôi quay đi vì có tiếng chuông cửa, bố thì từ lúc nào đã đi ra bếp và quay lại với bát đĩa, sẵn sàng phục vụ tôi ăn gà rán tại giường, đúng là không còn gì tuyệt hơn.
Vừa đưa miếng gà lên miệng thì tôi giật mình làm rớt nó xuống vì mặt mấy đứa bạn thân khả ố của tôi đã xuất hiện ở cửa. Nhỏ Nhiên lao tới bên cạnh tôi, rồi ôm vai tôi lắc lắc. “Con quỷ này! Mày nói mang muối ớt mà cuối cùng lại trốn ở nhà vậy hả? Làm hôm nay bọn taoăn vụng không ngon gì hết nè!”
“Không ngon nhưng mà vẫn ăn đúng hông?” Tôi cười to.
“Khỉ mốc, bỏ ăn luôn đó!” Vũ nói, rồi ngoắc ngoắc thằng Duy. “Duy! Cho nó coi mậy!”
Duy mang tới một bọc cơ man nào là me, ổi, xoài như thể chứng minh cho tôi xem. Tôi bật cười và làm bộ rơm rớm nước mắt. “Trời ơi, tụi mày làm tao cảm động quá! Tao đúng là nhân vật quan trọng mà! ”
“Thôi được rồi, đừng làm quá nhe con. Khỏi bệnh chưa?” Nhiên hỏi.
“Khỏi rồi, chắc nhờ ba đứa bây thương nhớ tao quá đó.” Tôi đùa.
Ba đứa tụi nó lườm nguýt tôi đủ kiểu, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy vui quá đỗi. Mẹ tôi vào phòng và bảo ba đứa nó ở lại ăn cơm. Ba đứa háu ăn đó chẳng mất hơn một cái chớp mắt để đồng ý.
Vũ và Duy đỡ tôi ra nhà bếp, dù tôi đã đủ khỏe để tự đi được, nhưng tụi nó vẫn cứ khăng khăng, bảo rằng “Mất công mày mà bệnh nữa thì mất muối ớt của tụi tao.”
Tôi ngồi giữa bàn ăn trong nhà của mình, vây quanh là những người thân, những người bạn vô cùng yêu quý của mình, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác ấm áp khó tả thành lời.
Đôi khi, có lẽ một chút cô đơn cũng tốt, để ta biết yêu hơn những gì mình có, phải vậy không?
- Pennie P
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.
4 con giáp là 'thần giữ của'
Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.
Đi qua sự phản bội
Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.