Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi! (Phần 1)
2021-03-13 01:25
Tác giả: Thùy Minh
blogradio.vn - “Họ nhắn em đừng lấy cái thai ra dù là để níu kéo hay hù dọa. Nếu thực sự cái thai có tồn tại, thì hãy nhanh chóng bỏ đứa trẻ đi, phải nghĩ đến tương lai lâu dài sau này”. Đau khổ, uất hận, Hà toan làm lớn chuyện, nhưng nghĩ đến bố mẹ, đến bản thân, Hà không đành lòng.
***
Cầm chiếc que thử trên tay, Hà như không tin vào mắt mình. Hai vạch rất đậm, dấu hiệu đó cho biết điều Hà lo lắng mấy hôm nay đã là hiện thực, chứ không còn là ý nghĩ vụt qua trong đầu để rồi Hà có thể xua nó đi ngay tức khắc: “Hai đứa đã rất cẩn thận rồi mà!”. Không rời mắt khỏi chiếc test, Hà mong đó không phải là sự thật, mong đây chỉ là sự nhầm lẫn, Hà vẫn hi vọng vào 0,1% sai số ít ỏi sẽ rơi vào mình. Hà thử tiếp chiếc test thứ hai. Ba phút chờ đợi dài như vô tận, trống ngực đập liên hồi, Hà dõi theo từng sự biến đổi màu sắc trên chiếc test, một vạch, và chậm chạp, vạch thứ hai tiếp tục hiện lên. Không còn là sự nhầm lẫn nữa, không còn khả năng nào có thể thay đổi hiện thực này nữa rồi. Hà đã có thai.
Lặng người trong phòng vệ sinh, tâm trạng Hà rối bời. Hai đứa còn đang đi học, mấy tháng nữa mới tốt nghiệp cấp ba, còn bao nhiêu dự định phía trước, bây giờ biết phải làm sao với tình huống này? Hà càng hoang mang hơn khi hai ngày nay, Hà không có cách nào liên lạc được với Hân. Sau đêm Valentine ngọt ngào ấy, Hân biến mất một cách khó hiểu, không nhắn tin, không gọi điện, không online Facebook hay Zalo. Thậm chí, hôm qua, Hà còn phát hiện, tất cả những tài khoản này đều bị khóa. Đang trong kì nghỉ Tết, nên Hà chỉ còn nghĩ được rằng Hân đi chơi nhà bà con xa, và nơi đó không sử dụng được thiết bị liên lạc. Hay là Hân vào Nam ăn Tết cùng bố mẹ? Nhưng đi đâu thì cũng phải để lại một lời nhắn cho Hà chứ? Có chết Hà cũng không bao giờ tin Hân chỉ là kẻ Sở Khanh như bao gã trai quen thói lừa tình khác, bởi Hà đã quá hiểu con người Hân. Bởi hai đứa yêu nhau bền chặt đã hai năm nay. Đôi lần giận hờn cãi cọ, nhưng bao giờ Hân cũng là người làm lành trước, bất kể đúng sai.
Hà và Hân quen nhau từ những ngày thi vào cấp ba. Hai đứa thi cùng phòng, thậm chí có môn thi còn được xếp cùng bàn. Bản tính dễ gần, dễ quen thân, Hà chủ động làm quen với Hân ngay trong buổi học quy chế thi đầu tiên. Hà bị choáng ngợp từ lần gặp gỡ ấy trước dáng vẻ thư sinh, gương mặt sáng sủa và cặp kính cận đầy tri thức của Hân. May mắn, hai đứa cùng trúng tuyển. Đến khi xếp lớp, Hà còn công phu xin chuyển lớp để được học cùng với Hân. Từ tình bạn đến tình yêu, đều phần nhiều do Hà chủ động. Hà vốn là cô bé mạnh mẽ, thích tự lập, thích chinh phục. Có lần Hà đùa: “Anh không thoát khỏi tay em được đâu, trừ khi em muốn buông tha cho anh!”.
Hân hiền lành, lần đầu bị tình yêu “giăng lưới”, không còn cách nào gỡ ra. Mà Hân cũng không muốn gỡ. Bởi cô bạn vừa xinh xắn lại cá tính kia luôn đem đến cho chàng trai mới lớn này những xúc cảm, những rung động đầu đời thú vị. Cả những “trái cấm” ngọt ngào mà gần đây Hà trao cho Hân, Hân biết là chưa phải lúc, nhưng cũng không sao thoát khỏi sự mê muội khi đắm chìm trong đó. Hân chỉ biết than thở: “Tình yêu dù đúng, dù sai/ Gái chưa mười tám thì trai đi tù. Có khi nào anh phải vào tù vì yêu em không nhỉ?”. Hà cười: “Không bao giờ em muốn anh vào tù, nhưng anh mà phản bội em thì có thể lắm, nên đừng ghĩ đến chuyện phản bội em nghe chưa?”. Hân đinh ninh: “Anh đâu dám nghĩ đến điều đó chứ! Anh còn đang lo em chán bỏ anh đây này! Yêu em nhất trên đời luôn ấy!”.
Vậy mà bây giờ, trong lúc Hà cần Hân nhất, thì Hân đang ở đâu? Không thể ngồi chờ tin tức từ Hân, Hà lấy xe, đi một mạch mười cây số đến nhà Hân. Mở cổng cho Hà là bà nội của Hân. Trước giờ, Hân sống với ông bà nội, còn bố mẹ thì lập nghiệp trong Nam. Bà đưa cho Hà một phong thư và nói:
“Thằng Hân không hiểu có chuyện gì mà sáng nay bắt xe ra sân bay rồi bay vào Nam gấp rồi cháu!”
“Bà không biết có chuyện gì sao?”
“Không biết, điện thoại nó cũng mang theo rồi, không gọi được cho bố mẹ nó nữa”
“Bà có địa chỉ hay số điện thoại của bố mẹ Hân không ạ?”
“Bà ngoài chín mươi rồi, nhớ nhớ quên quên, chỉ biết bố mẹ nó làm trong Sài Gòn?”.
Không khỏi tò mò, Hà mở bức thư ra đọc. Những gì Hân viết trong thư khiến Hà hoang mang thực sự: “Hà em! Vì một biến cố bất ngờ, anh phải thay đổi hoàn toàn dự định. Anh chuyển vào Nam học tiếp và thi đại học trong đây. Anh không phản bội em, nhưng tình yêu của chúng ta không thể tiếp tục được. Em cứ coi đó như là kỉ niệm đẹp đẽ tuổi học trò. Rồi thời gian qua đi, em sẽ dần quên thôi. Tình yêu tuổi mười bảy, có mấy khi theo ta đến suốt cuộc đời? Sau này, mong em hạnh phúc bên người đàn ông trưởng thành, chín chắn hơn anh! Đừng cố gắng liên lạc với anh! Anh xin lỗi vì tất cả!”.
Tình huống gì xảy ra thế này? tâm trí Hà quay mòng mòng như hiện hữu trong đó cả trăm chiếc cánh quạt cối xay. “Tình yêu của chúng ta không thể tiếp tục”, “hãy coi đó như là kỉ niệm đẹp” sao? Không một lần hẹn gặp, không một lời giải thích, tình yêu hai năm nay tan vỡ chóng vánh chỉ sau mấy dòng chữ ngoệch ngoạc kia sao? Có trăm ngàn lí do để một câu chuyện tình yêu kết thúc, nhưng dù giàu trí tưởng tượng đến đâu, Hà cũng không thể nghĩ được rằng tình yêu của hai đứa lại kết thúc theo cách này. Biến cố gì xảy đến khiến Hân phải quyết định vội vàng như thế? Biến cố gì khiến Hân dễ dàng dứt bỏ người mình yêu, khiến Hân rời đi tức khắc mà không thể đợi đến lúc thi tốt nghiệp dù chỉ còn vài tháng nữa? Hà nghĩ nát óc mà không thể hiểu nổi.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, Hà kiên trì tới gặp bà Hân mong biết chút tin tức gì đó từ Hân, nhưng hoàn toàn không có. Chị giúp việc mới đến ái ngại cho Hà, nên Nói: “Em đừng đến nữa, nhà họ cố ý không cho em biết thông tin thì em có đến đây mãi cũng không ích gì đâu”. Hà vẫn cố gắng vớt vát: “Nhưng em có việc thực sự quan trọng muốn nói với bạn Hân, khi nào bố mẹ bạn ấy gọi về, mong chị nhắn lại như vậy! Em năn nỉ chị hỏi xin cho em số điện thoại của Hân”. Chị giúp việc lắc đầu: “Đến mức tất cả những số mà họ gọi về hiện tại đều không liên lạc được, thì chị làm gì được chứ?”. Vứt bỏ hết sĩ diện của bản thân, Hà đi thẳng vào vấn đề: “Vậy khi nào họ liên lạc, chị cứ nhắn lại rằng, bạn gái của Hân vừa phát hiện có thai rồi!”. Hà để lại số điện thoại của mình cho chị, để khi cần, chị có thể cho Hà biết chút thông tin gì đó.
Nhưng một tuần trôi đi, trong chờ đợi mỏi mòn, Hà vẫn không nhận được tin tức gì. Hà biết, đứa trẻ đang lớn lên từng ngày, từng ngày. Nếu bố nó không biết đến sự tồn tại của nó, không đưa ra được phương án xử lí, thì mọi chuyện không kịp mất.
Rồi Hà như sụp đổ tất cả, khi nhận được tin nhắn từ chị giúp việc: “Họ nhắn em đừng lấy cái thai ra dù là để níu kéo hay hù dọa. Nếu thực sự cái thai có tồn tại, thì hãy nhanh chóng bỏ đứa trẻ đi, phải nghĩ đến tương lai lâu dài sau này”. Đau khổ, uất hận, Hà toan làm lớn chuyện, nhưng nghĩ đến bố mẹ, đến bản thân, Hà không đành lòng. Để rồi, biết bao đêm, khi bóng tối bao trùm căn phòng nhỏ, Hà lại một mình đối diện với nỗi hoang mang, lo sợ mà cô không thể tâm sự cùng ai. Chiếc điện thoại không biết bao lần sáng trong đêm, cũng là không biết bao lần Hà mở hộp thư gửi cho Hân để rồi lặng lẽ gạt nước mắt khi những dòng tin mình gửi đi bao ngày nay Hà mong chờ một trạng thái “đã xem” mà hoàn toàn vô vọng.
Nếu Hân thực sự biến mất khỏi thế giới của Hà thì mọi sự sẽ ra sao? Hà không dám nghĩ tiếp. Tưởng chừng, khi những dòng nước mắt dần vơi vợi đi trong vô vọng, là lúc lí trí trở lại với Hà. Lí trí mách bảo Hà không thể giữ đứa trẻ này, Hà còn cả một cuộc đời dài với biết bao ước mơ, dự định phía trước, Hà còn có bố mẹ, không phải lúc nào cũng vững vàng trước miệng lưỡi thế gian. Đứa trẻ sẽ khiến mọi chuyện rối tung lên, cô cần nhanh chóng đình chỉ thai kì. Hà cần một người đủ tin tưởng để đi cùng cô trong việc này. Cô chợt nhìn thấy bó hoa hồng lớn đã khô héo trên kệ để đồ ngoài gian quán, và Hà nghĩ đến Lâm – anh chàng lái xe lâu nay vẫn cố gắng có được tình cảm của Hà mà Hà thẳng thừng từ chối, vì lúc đó, Hà đã có Hân.
Lâm đứng tuổi, là người cùng xóm với Hà. Lâm đã có một đời vợ, nhưng hai người cũng chia tay một năm nay, vì không có con, đúng ra là vì ADN của họ không thích hợp để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, nên sau một vài lần hỏng thai, họ quyết định đường ai nấy đi.
Lâm thường đến quán nhà Hà để nhâm nhi một hai lon bia trong khi chờ mẹ Hà rửa xe cho. Và Hà vì thế lọt vào tầm ngắm của Lâm, dù cô bé còn chưa học xong cấp ba. Trước những lời khi thì xa xôi, bóng gió, khi thì như bánh đúc bày sàng của Lâm, Hà thẳng thừng đáp lại:
“Em có người yêu rồi!”
Lâm cũng không vừa:
“Anh sẽ đập chậu, cướp cây!”
“Em còn đi học đại học!”
“Anh sẽ nuôi em, chờ em!”
Hà lắc đầu:
“Em dễ dàng thay người yêu như thế, thì còn gì để mà yêu nữa?”.
Lâm quả quyết:
“Em đáng yêu, cả khi dễ dàng thay người yêu! Anh sẽ làm mọi cách để em hiểu rằng, em có nhiều sự lựa chọn hơn là chỉ chung tình với một người!”.
Ngày Valentine, Lâm mang đến tặng Hà một bó hoa hồng lớn, kèm hộp quà xinh xắn. Hà nhất quyết không nhận, Lâm cũng nhất quyết không mang về, mang về chắc là “quê” lắm, nên cuối cùng, những món ấy, Lâm đặt trên kệ để hàng hóa của nhà Hà. Và chục ngày nay, nó vẫn ở đó.
Hà mang bó hoa xuống, bỏ vào thùng rác, mở hộp quà, bên trong là những viên socola hình trái tim đủ màu sắc. Nó khiến Hà nghĩ đến hộp socola mà Hân tặng cho mình, và nỗi đau trong lòng dội lên, kéo theo những dòng nước mắt không sao kìm được. Hà lại nhớ về Hân, tự hỏi, lúc này Hân đang ở đâu, làm gì, có biết đến tình cảnh trớ trêu mà Hà đang một mình đối diện, biết đến nỗi hoang mang, lo sợ đè nặng tâm trí Hà hơn tuần nay? Nhưng rồi, Hà cũng kịp ngăn mình trước khi lần nữa đắm chìm trong cảm giác tột cùng đau khổ mỗi khi nghĩ đến Hân, cô lập tức gửi đến Lâm dòng tin nhắn mà cô đã xóa đi, soạn lại không biết bao lần:
“Em có việc muốn nhờ anh!”
Rồi Hà viết một tin nhắn rất dài, kể hết đầu đuôi câu chuyện của mình, cuối cùng ngập ngừng nhờ Lâm đưa mình đến một phòng khám nào đó mà anh biết để bỏ thai.
Tin nhắn gửi đi, Hà không quên nhờ Lâm giữ bí mật này giúp mình. Hà nghĩ đến sĩ diện của bố mẹ, và cả của bản thân nữa. Chẳng hay ho gì khi ai cũng biết chuyện đáng xấu hổ này, nhất là ở một vùng quê còn nhiều giáo điều lạc hậu như vùng quê lúa của Hà.
Đọc được tin nhắn, sau một thời gian, chắc là để suy nghĩ, quyết định, Lâm gọi lại cho Hà. Lúc đó, đêm đã khuya, mọi người trong nhà chắc đã đi ngủ, Hà nhận điện thoại mà không dám nói lời nào, thành ra, chỉ là Lâm tự bộc lộ: “Bỏ đứa trẻ đi thực sự rất tội. Phải vào hoàn cảnh như anh, chạy chữa khắp nơi, mà vợ không có được một lần đậu thai, mới thấy rằng đứa trẻ đáng quý đến như thế nào! Nếu em không chê anh, em cứ giữ đứa trẻ lại, đợi em thi tốt nghiệp xong, mình sẽ làm đám cưới, anh sẽ là cha đứa bé! Anh sẽ không bận tâm đến quá khứ của em đâu! Em cứ suy nghĩ kĩ đi!”.
Lâm tắt máy, để lại cho Hà những suy nghĩ bề bộn. Hà chưa từng lường trước đến tình huống này, nên đề nghị của Lâm lần nữa khiến Hà đứng trước sự lựa chọn khó khăn: nhẫn tâm bỏ đứa trẻ hay làm đám cưới với Lâm, để đứa trẻ được có cơ hội làm người?
Nếu bỏ đứa bé, Hà sẽ có thể tiếp tục con đường học hành của mình, xây dựng một tương lai vững chắc, nhưng suốt đời phải ân hận vì “giết” con. Còn cưới Lâm, Hà phải từ bỏ tất cả để làm vợ, để gắn bó cả đời với người mà mình chưa hề có tình cảm, nhưng bù lại Hà sẽ có đứa bé. Cả đêm, Hà không chợp mắt vì những suy nghĩ, đắn đo ấy. Oán trách Hân bao nhiêu, Hà giận mình bấy nhiêu, chỉ vì những bồng bột của tuổi trẻ, mà bây giờ, Hà như đứng trước ngã ba đường, đi ngã nào cũng lắm chông gai.
Thế rồi, tình mẫu tử đã chiến thắng, Hà quyết định sẽ giữ đứa bé lại, mạo hiểm bước vào cuộc sống hôn nhân sắp tới. Hôm sau, Hà nói với Lâm quyết định ấy, khi anh đến rửa xe, nhâm nhi một hai lon bia, và cũng là để đến thăm Hà.
Rồi sau đó, như một người đàn ông từng trải, Lâm sắp xếp mọi việc thật chu toàn, từ việc thông báo cho bố mẹ Lâm, xin phép bố mẹ Hà, đến việc tổ chức cuộc gặp gỡ giữa họ như một lời giao ước chắc chắn. Lâm khéo trấn an bố mẹ Hà đến nỗi, dù giận Hà, trách mắng Hà, nhưng cuối cùng, họ vẫn tha thứ cho sai lầm của Hà và sốt sắng lo dần cho đám cưới sắp tới.
Lần đầu tiên, Hà dụi đầu vào ngực Lâm, thổn thức: “Em cảm ơn anh!”, lần đầu tiên, Hà đón nhận tình cảm của Lâm trong niềm xúc động mới mẻ vừa nhen lên mà không còn hình bóng Hân thấp thoáng trở về trong trí nghĩ. Hà mơ hồ tin tưởng rằng, rồi thời gian, sẽ khiến mình quên Hân, và sẽ khiến mình xây đắp được tình cảm với Lâm, người đàn ông trong suy nghĩ của Hà là chín chắn và rộng lượng. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!
Hà đi học trở lại, cố gắng giấu cái bụng đang ngày càng lớn dần sau lớp áo phông thụng lùm xùm. Ngày Hà thi tốt nghiệp xong, là lúc cái thai hơn bốn tháng. Đám cưới được tổ chức ngay sau đó trong lời chúc tụng của mọi người, dù không ít người ái ngại cho Hà, nhưng Hà không quá nghĩ nhiều về điều đó. Hà tin, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Lâm đã không làm cho Hà thất vọng, anh yêu chiều Hà rất mực, không để Hà phải làm nhiều việc nhà. Mỗi ngày, sau khi lái xe về, Lâm đều ở bên cạnh Hà, gần như từ chối những cuộc hẹn bạn bè bên ngoài. Lâm nâng niu, cưng nựng đứa trẻ, như thể chính con của mình. Không một kì khám thai nào, anh vắng mặt, dù việc bận đến đâu. Có lẽ, khao khát muốn được làm cha khiến anh mong chờ sự ra đời của đứa bé như mong chờ một tặng phẩm trời ban. Đã bao lần, Hà xúc động thì thầm vào tai Lâm: “Em thật may mắn”, và tiếng “yêu” cũng tự nhiên thốt lên khi Hà biết, mình đã bị Lâm chinh phục hoàn toàn.
Bé Hà Anh ra đời trong sự chào đón của cả nhà. Con bé thật xinh xắn, và may mắn thay, con bé giống mẹ, hơn là giống bố, từ khuôn mặt bầu bĩnh, làn da trắng trẻo, cái trán cao, đến đôi mắt đen láy và hai hàng mi cong vút, tất cả đều là của Hà. Mặc dù con bé không có nét gì của Lâm, nhưng xem chừng không một ai bận tâm về điều đó.
Lâm xin nghỉ hẳn một tuần để chăm cho hai mẹ con. Lần đầu tiên chăm vợ đẻ, bồng bế con thơ, Lâm dù lóng ngóng, vụng về, nhưng khiến Hà vô cùng cảm kích. Hà tự dặn lòng sẽ yêu anh nhiều hơn, sẽ nhanh chóng sinh cho anh những đứa con của hai người, để bù đắp cho anh, đáp trả tấm chân tình của anh!
Khi bé Hà Anh được sáu tháng, cũng là lúc Hà vui mừng báo cho Lâm tin mình có bầu. Không thể tưởng tượng được, Lâm vui mừng như thế nào khi nghe tin ấy. Anh bế bổng vợ lên, phủ trên trán, trên má, trên môi Hà những nụ hôn ngọt ngào. Hà nũng nịu: “Vợ anh chỉ biết ăn với sinh con, anh không chán sao?”. Lâm ôm chặt Hà trong lòng: “Việc của em là ăn và sinh con, việc của anh là yêu em! Cứ đẻ cho anh cả đội bóng, anh vẫn nuôi được hết, vợ yêu ạ!”.
Hà mỉm cười xúc động: “Em sẽ sinh cho anh cả một đội bóng!”. Hà không nghĩ rằng, sự lựa chọn đầy mạo hiểm của mình ngày trước, lại khiến bản thân có được hạnh phúc mãn nguyện của ngày hôm nay. Đúng là, ông trời rất công bằng, không cho ai tất cả mọi thứ, cũng không lấy đi của ai tất cả. Và dù mọi chuyện có tệ đến thế nào, thì rồi cũng sẽ ổn cả thôi, khi bản thân biết tin tưởng và cố gắng sống vì những điều tốt đẹp.
Từ ngày biết Hà mang bầu lần hai, Lâm càng chăm chút Hà hơn bao giờ hết. Anh sẵn sàng nghỉ chạy xe để đưa Hà đến khám thai ở những cơ sở y tế tốt nhất. Anh hi vọng, bi kịch của mình với người vợ cũ sẽ không lặp lại, Hà sẽ sinh cho anh những đứa con khỏe mạnh. Và sau nhiều lần thăm khám, xét nghiệm, cũng như can thiệp y tế, Hà và Lâm vô cùng vui mừng vì đứa bé phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh.
Khi bé Bí - Hà Anh lẫm chẫm biết đi, bi bô gọi bà, gọi mẹ, cũng là lúc cả nhà chào đón sự ra đời của bé Bo - Lâm Anh. Lâm sung sướng tột cùng khi bế cu Bo trên tay. Thằng bé giống bố như tạc, điều đó càng khiến Lâm vui mừng, hãnh diện. Cuối cùng, Lâm cũng được làm bố, là bố ruột, chứ không phải bố trên danh nghĩa nữa. Hà bây giờ cũng nhẹ lòng rất nhiều, vì dù có bé Bí, nhưng Hà vẫn không khỏi day dứt, bởi dù sao đó là giọt máu của người đàn ông khác, không phải con của Lâm. Kể từ lúc Lâm dang tay đón nhận hai mẹ con, cũng là lúc, Hà đặt vào lòng mình bao điều trăn trở - làm thế nào để báo đáp cho Lâm? Sự ra đời của cu Bo, trong suy nghĩ của Hà, chính là một phần báo đáp ấy.
Hà tưởng rằng, cuộc sống như vậy là hạnh phúc, mãn nguyện. Chỉ cần sau này, các con lớn lên, Hà tìm được một công việc phù hợp thì đã trọn vẹn tất cả. Nhưng, dòng đời, cũng giống như dòng sông vậy, đâu bao giờ chảy theo đường thẳng. Có lúc, nó quanh co, vòng vèo, có lúc chia năm bảy ngã rẽ, khiến con người hoang mang, vô định, không biết nên đi theo hướng nào.
Từ ngày có cu Bo, Hà tinh ý nhận ra, sự quan tâm, chăm sóc của Lâm, đều dành hết cho thằng bé. Sự chăm chút của Lâm đến Hà, nhất là đến bé Bí, không còn ân cần như trước. Hà tự an ủi rằng, những vui mừng, phấn khích của Lâm là nhất thời, khi lần đầu tiên anh được làm bố, rồi một thời gian nữa, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Mọi chuyện đã không xảy ra như trong suy nghĩ của Hà, Lâm dù không ghét bỏ bé Bí, nhưng gần như anh không còn bế bồng, chăm chút. Mỗi khi con bé chạy đến đòi bố, Lâm đều tìm cách lảng đi. Hà đau lòng nhận ra tất cả điều đó. Nhưng Hà làm sao có thể lên tiếng, làm sao dám yêu cầu anh phải đối xử công bằng với các con. Đó là các con của Hà, nhưng chỉ một đứa là con của Lâm thôi. Lâm thiên vị hơn cho ruột rà của mình, cũng là điều hết sức bình thường. Hà đành chấp nhận, Hà chỉ thương cho bé Bí, con bé ngây ngô chưa hiểu gì, chỉ biết khóc lóc, khi không còn được bố cưng nựng nữa. Hà dỗ con, mà nước mắt chảy ngược vào lòng.
Khi con bé lên ba, lên bốn, cũng là lúc “khủng hoảng tuổi lên ba” khiến Lâm nhiều lúc không chịu nổi những đòi hỏi, quấy khóc vô lí của con bé. Giành đồ chơi với em, vung tay đánh em, tức giận quăng đồ đạc khắp nhà, khóc lóc dai dẳng khi bị phạt... và rất nhiều những tình huống khác xảy ra trong cuộc sống gia đình làm Lâm căng thẳng, Hà cũng vậy.
Làm mẹ lúc vừa tròn mười chín, đôi mươi, Hà không biết rằng cuộc sống vợ chồng, con cái lại chứa đựng nhiều rối rắm, phức tạp như thế. Khi chưa có tiếng khóc con trẻ, khi đôi lứa đơn thuần chỉ yêu nhau, mà không phải đối diện với cơm áo gạo tiền hay những tình huống phát sinh từ phía con cái, tình yêu mới đẹp đẽ làm sao? Còn bây giờ? ngày nào cũng như ngày nào, cả nhà cứ ầm ĩ cả lên vì những tiếng khóc lóc, quát mắng. Cu Bo thì biếng ăn, hay ốm vặt, dăm bữa nửa tháng lại đến gặp bác sĩ. Xót con, Lâm không ít lần trách Hà không để ý chăm chút thằng bé, để nó còm cõi, ốm nhom. Nhiều lần nín nhịn chồng, Lâm càng lấn tới, khiến Hà không chịu nổi, cự lại. Bởi bản tính của Hà không phải là người quen nhẫn nhịn, nếu có phải nhẫn nhịn, chỉ là vì Hà muốn yên ấm cửa nhà, và vì vị thế của Hà vốn dĩ là người chịu ơn. Thành ra, có những lần, hai vợ chồng không ai nói chuyện với ai cả tuần liền.
Hà đau xót nhận ra, Lâm đã thay đổi quá nhiều, không còn là Lâm của những ngày mới cưới. Phải chăng, lòng trắc ẩn, hào hiệp của Lâm chỉ là nhất thời, còn khi buộc mình vào trách nhiệm với gia đình, vợ con, với đứa trẻ không phải máu mủ ruột rà, thì sự mệt mỏi bởi gánh nặng, bởi những phức tạp của cuộc sống hôn nhân khiến Lâm thay đổi? Hay vì một nguyên do khác? Hà hoang mang không biết có phải, Lâm chỉ cần cu Bo, khi gần đây, Lâm hay chấp nhặt với Hà hơn, ít gần gũi Hà hơn, và những hành động thể hiện sự quan tâm lãng mạn, thì gần như không còn nữa. Hôn nhân, phải chăng, thực sự là “mồ chôn” của tình yêu như người ta vẫn nói? Hay vì hai người đến với nhau không hẳn là vì tình yêu? Không phải thế, Lâm chẳng từng chắc chắn rằng “Yêu vợ nhất!” đó sao? Và Hà, cũng đã không thẹn với lòng mà bộc bạch tình yêu với Lâm đó sao?
Hà đã suy nghĩ rất nhiều về những thay đổi gần đây trong cuộc sống vợ chồng. Với cá tính mạnh mẽ, tích cực, Hà cố gắng làm mọi thứ để thay đổi tình hình hiện tại, giữ mái ấm cho các con. Hà gửi bé Bí đi lớp, dành thời gian chăm cu Bo nhiều hơn, có nhiều hơn những cử chỉ quan tâm ngọt ngào đến chồng. Hà mong rằng, những cố gắng của mình nhất định sẽ không uổng phí.
Và đúng là, chỉ khi không thử làm, thì mới không thay đổi được gì, còn khi đã cố gắng, thế nào cũng đạt được điều gì đó. Trước sự ngọt ngào của vợ, Lâm cũng trở nên dịu dàng hơn, hai người bớt cãi cọ, không khí trong nhà cũng không còn căng thẳng, ầm ĩ như trước. Hà biết là mình đã đi đúng đường rồi. Mưa dầm thấm lâu, khi các con lớn dần, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi! Hà hi vọng thế.
Nhưng rồi, biến cố lại bất ngờ ập đến, khi bé Bí năm tuổi, một lần nô chạy vấp ngã, vết bầm tím ở đầu ngón chân mấy ngày liền không tan, Hà đưa con bé đến bác sĩ. Hà cứ ngỡ, sẽ chẳng có chuyện gì đâu, nhưng rồi khi bác sĩ đọc các kết quả xét nghiệm và nói phải làm thêm sinh thiết và chọc dò tủy xương, thì Hà hoảng loạn thực sự, vì sao một vết bầm lại phải sinh thiết và chọc dò tủy xương? Để rồi sau gần mười ngày chờ đợi, Hà như sụp đổ khi kết quả nhận về là con bé bị bệnh bạch cầu dòng lympho mãn tính - một thể bệnh ung thư máu rất hiếm gặp ở trẻ em, lại trút xuống đầu con bé tội nghiệp, thiệt thòi đủ đường từ ngày lọt lòng. Ôm con trong tay mà nước mắt Hà không sao ngăn được. Rồi đây tương lai của con bé sẽ ra sao? Lấy tiền đâu để điều trị cho con bé, và nếu có tiền thì thể điều trị được không?
Đưa tờ kết quả cho Lâm, Hà chờ đợi từ Lâm một cánh tay nghĩa hiệp, lần nữa sẽ dang ra cứu con bé, như hơn năm năm trước đã cho con bé cơ hội đến với cuộc đời này: “Bác sĩ nói, phác đồ điều trị sẽ là hóa trị, xạ trị, và nếu có người hiến tủy thích hợp, thì cơ hội sống sẽ cao hơn”. Lâm ngồi trầm ngâm như tượng đúc, rồi chậm rãi buông từng tiếng nặng nề:
“Chi phí hóa trị, xạ trị và ghép tủy lên đến hàng tỉ, em thấy mình có khả năng không?”. Nước mắt lăn dài, Hà ngồi sụp xuống trước mặt Lâm: “Em xin anh, hãy cứu lấy con bé! Em sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn, rồi mình đi từng bước một, và mình còn bố mẹ, người thân, bạn bè nữa!”.
Những dòng nước mắt của Hà, phải chăng đã chạm đến lòng trắc ẩn của Lâm: “Anh sẽ cố gắng” – lời của Lâm khiến Hà yên tâm phần nào.
Sáu tháng hóa trị và xạ trị, là sáu tháng gần như hai mẹ con sống trong bệnh viện. Nhìn con bé xanh xao, gày rộc, đau đớn bởi nhưng dây kim truyền, những đợt xạ trị bỏng buốt, Hà thương con vô hạn. May mắn, con bé đáp ứng tốt phác đồ điều trị, lòng Hà chứa chan hi vọng. Hà đã nghĩ đến liệu pháp cuối cùng, để đảm bảo sự sống lâu dài cho con: ghép tế bào gốc. Nhưng Hà vẫn chưa tìm được nguồn tủy thích hợp, khi tất cả tủy sống của những người thân quen tỉ lệ tương thích chưa đến 50%. Hà đã nghĩ đến Hân. Còn nước còn tát, Hà phải tìm được Hân, cho bố con bé biết sự có mặt của nó trên đời này, và để thêm một cơ hội cứu nó. Dù sau chuyện này, mọi chuyện có vỡ lở, thì với Hà, tất cả đều không quan trọng bằng sinh mạng của con.
Hà bàn với Lâm chuyện đó, Lâm nói: “Em cứ làm việc gì em muốn. Nhưng có lẽ kinh phí điều trị thì anh khó lo được nhiều hơn, sáu tháng vừa qua, anh đã cố lắm rồi!”
“Em nhất định sẽ có cách!”
© An Hạ - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio 695: Anh đến trễ, em cũng chậm một bước rồi
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Thân gửi, anh yêu em
Nhưng chẳng có từ ngữ nào đủ để miêu tả nỗi nhớ ấy, và càng viết thì anh càng thấy mình rơi vào trong nó sâu hơn. Giờ đây anh đã hiểu nỗi lòng của những người yêu xa, anh muốn ôm và hôn em nhiều hơn bao giờ hết.
Tết là đừng xa nhau
Cái niềm ao ước đó cứ làm bác Ba trăn trở hoài mỗi khi từ tết xuất hiện, mong sao tết là tất cả được gần gũi bên nhau. Tết là đừng làm mọi người phải cách xa, vậy mà bác cứ ước hoài cũng có được đâu, là vì vậy đó.
Hôn nhân địa ngục hay ngã rẽ thiên đường
Người yêu hiện tại của em, anh ấy đã chứng kiến mọi thứ. Anh ấy đã an ủi và chăm sóc em khi em yếu đuối nhất, và em không thể ngừng tự hỏi: Tại sao em lại phải gắn bó với người chồng bạo lực, trong khi em có thể tìm được hạnh phúc thực sự?
Dịu dàng trong đời (Phần 5)
Cô từng nghe qua một câu nói: “Đến một lúc nào đó bạn sẽ phải bật khóc trước lựa chọn của bạn”, chuyện của Ngọc cũng vậy chuyện của cô cũng thế, mãi đến sau này cô mới có thể hiểu ra những điều này. Cô tổn thương người mình yêu cũng tổn thương cả chính mình
Những chuyện đến với mình đều là cái duyên
Cách tiếp nhận, xử lý các vấn đề của mỗi người cũng khác nhau. Những người cảm tính, bồng bột, xốc nổi thì hành động thường thái quá khi đối diện với sự việc. Còn những người chín chắn hơn, trải nghiệm hơn, trưởng thành hơn họ sẽ bình tĩnh để đối đáp.
Bãi sông Hồng
Cầu nhộn nhịp, lung linh trong nắng mới, Bóng nghiêng soi rạo rực nước sông Hồng. Sóng dạt dào năm tháng mãi chờ mong, Thuyền ai đó mong về lại bến xưa.
Người EQ cao không tuỳ tiện nói 3 điều này, trong khi người EQ thấp gặp ai cũng kể
Người EQ cao không dễ dàng chia sẻ 3 điều này với người khác. Họ luôn biết điều gì nên nói và điều gì không nên nói.
Vì còn thương nên còn vương
Muốn kêu than với đất trời rằng mình nhớ em, muốn gào lên cho cả thế giới biết mình thương em nhưng nào có ai quan tâm đến anh cơ chứ, người ta cũng chỉ cười trừ vì hơi sức đâu mà để ý đến một kẻ tình si. Anh đành gửi gắm vào hết con chữ, anh vùi đầu vào những suy tư, anh cứa vào tay mình rỉ máu, à thì ra, chẳng đau bằng việc đánh mất em.
Buồn - tức là cuộc sống vẫn còn ý nghĩa
Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tôi cũng vậy và mọi người cũng vậy. Cho đến lúc nào đó bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách bạn sẽ thấy rằng những thứ làm khó bạn lại chính là những thứ giúp bạn được thăng hạng.
Dịu dàng trong đời (Phần 4)
Khi anh mở lời muốn tiến xa hơn, cô vui vẻ nhưng lại không dám tin, cô lại lùi lại, nhưng khi anh nói: “khi nào em muốn nói anh sẽ nghe” thì cô đã không còn do dự nữa rồi. Hẹn anh hôm nay là muốn kể cho anh quá khứ của cô, lại muốn cùng cho anh danh phận.