Thứ bảy, Chủ nhật nào cũng như thông lệ nhà người đàn bà sát vách, sáng ra đã chào nhau bằng những tràng ẩu đả, to tiếng của một cô con gái có bằng Cao học khinh thường một người mẹ làm công nhân. Cứ "mẹ một con mười.". Rồi họ kéo tràng đó tới lúc ngày tàn. Đó cũng là hai ngày duy nhất họ gần nhau sau mỗi tuần làm việc. Chẳng biết đó có phải hạnh phúc của mẹ con họ không? Còn với nó, đó là đau khổ; bất hạnh … Có lẽ nào họ không nghĩ tới ngày phải xa nhau như nó và mẹ bây giờ?
Đêm đã khuya, từ sau lời người đàn bà đó chửi đứa con gái: “Nửa đêm rồi còn bám cái điện thoại …” cảnh đô thị chen lấn, chờ một phút bình yên nghe thật khó. Nó nằm bên thở dài, cả tháng rồi, nó ngủ thì ít mà khóc thì nhiều. Nó mơ màng trong bộn bề suy nghĩ về bố, về mẹ: Bao tình yêu của bố: nâng đỡ, ôm ấp từng giây sức sống mong manh của mẹ. Dù đã lớn, dù người bác sĩ đã nói để bố con nó chuẩn bị tâm lý trước, dù có biết căn bệnh ung thư tụy hiếm có trường hợp ngoại lệ với cái chết. Nhưng những tia hy vọng mong manh mà bố con nó vẫn chưa bao giờ lụi tắt. Tình yêu đó đã đưa mẹ nó từ cõi chết trở về sau ca mổ cắt khối u. Với chiều cao một mét sáu tư, 29 kg cân nặng. Cả họ hàng chuẩn bị cho đám tang vậy mà vì tình yêu mẹ nó khước từ cai chết và kéo dài sự sống tới gần hai năm nay rồi. Vậy thì tại sao bố con nó không hy vọng? Gần hai năm bao nhiêu đau đớn mẹ gánh, còn nhớ như in lúc mẹ đau quằn quoại, mẹ la lớn kêu gào với bố:
-Anh lấy cho em con dao, lấy cắt nó ra cho em đi, rồi chết thì chết, chứ em không chịu nổi nữa … Bố quay mặt hướng khác nuốt lệ vào trong.
-Em cố gắng, đau một lúc sẽ qua, em đi, em bỏ bố con anh sao?
Mỗi lần lên cơn đau, bao nhiêu con dao cắt xén lòng bố, xé nát thân xác mẹ dày vò. Bước vội ra ngoài nuốt vội nước mắt, nó biết kêu ai cứu những con người nó yêu kính. Dù vậy, về chăm mẹ, nó còn được ăn chung cùng mẹ, canh mẹ rồi ngủ quên, thành mẹ canh nó. Rồi được đỡ mẹ lên cho mẹ tập đứng, mẹ bảo:
-Vắng con, mẹ không dám nói bố giữ cho mẹ đứng, cả đêm bố thức canh mẹ rồi, ngày còn lo cơm nước, quần áo, thuốc men có lúc mẹ lên cơn đau nữa … tuần trước mẹ còn chống gậy đi được đấy! Bố gầy xọp đi, bố lo mẹ mất! Không biết, mẹ còn sống được bao lâu nữa con à!
Rồi mẹ nói tiếp:
-Cứ như thế này mẹ chỉ làm khổ bố con con. … nhà cũng nợ nhiều rồi, con làm có lương rồi gửi về giúp bố!
-Dạ! con biết rồi, mẹ đừng lo, mẹ đã cả đời vất vả nuôi con, giờ này bệnh mẹ lại lo nữa thì làm sao có tinh thần vững được, mẹ chỉ cần vượt qua cơn đau, để sống thêm với bố con con là đủ rồi. Mọi thứ còn lại, con lớn rồi, con khỏe, con tự lo được. Nói thế, mà nó muốn sà vào lòng mẹ như ngày xưa ...
Ngày tháng đó, mỗi lần nó ăn gì, mẹ cũng đều ăn cùng, nhưng ăn chỉ một muỗng con không hết. Nó thương thân gầy bất động, hao mòn bởi tháng năm, bởi bệnh tật của mẹ. Nhưng dù sao mẹ vẫn còn đó để mà nhìn, để nói, để ăn cùng, để được nắm, để được đỡ nâng, tắm gội … dù mẹ giờ gầy, xấu, không còn là “Hoa khôi”. Dù giờ mẹ không thể nấu một nồi lá thơm, đợi con gái xuống tàu,về để tắm gội … như mấy năm trước. Những việc đó giờ nó lại là người làm cho mẹ, nhưng nó hạnh phúc vô cùng.Nhưng giờ thì …
Đêm cuối, nó nằm bên cạnh chiếc hòm lạnh lẽo, mang ba chiếc áo, và bộ đồ khăn xô trắng, không đủ sưởi ấm nó một giây. Bao nhiêu điều nó muốn nói giờ nói ai nghe?
“Đêm lạnh vắng, canh tuần nhang cho mẹ
Nhớ vô cùng giáng bóng mẹ ngày xưa
Mà giờ đã hai chân trời cách biệt
Mãi mãi rồi không thấy mẹ kính yêu.”
Sáng ra,vẫn cái không khí lạnh lẽ mùa Đông ấy, thầy cúng tới làm lễ cho mẹ, ông cúng: “Người đã đi, không chờ chúng con nói một câu cuối, cơm đã chín chúng con nâng mời mẹ, rượu chúng con dâng, nhang chúng con cầm, tang chúng con quấn …” Lòng nó đau. Thổn thức trong tim nó kêu: “Mẹ, con mời mẹ ăn cơm! Mẹ ơi!”
“Giờ con gọi, không nghe lời mẹ nói,
Không tiếng cười an ủi lúc buồn vui”
Thế rồi, họ đỡ nó theo chiếc xe vong, bảo nó khóc kêu hồn gọi mẹ. Khóc sao nổi, kêu sao nổi, khi mọi thứ trong tim đã tím bầm. Bên ngoài giá buốt, bên trong lạnh gì tả nổi. Cái gì có thể giúp nó nói được đôi câu với mẹ? Có thể giúp mẹ ăn cùng nó một muỗng con cho đỡ đói? Cả một tuần nó vào lại Sài Gòn là một tuần mẹ không ăn, cả một tuần bố mẹ nó dấu để nó yên lòng công tác. Cái gì giúp nó gặp mẹ nó lần cuối? Nó đã mặc áo tang, đã quấn khăn xô đi theo chiếc xe vong đến tận cuối đồng tiễn mẹ nó bằng đôi chân trần, đường đá nhấp nhô, đã khóc gọi hồn mẹ … làm tất cả, nhưng không thấy mẹ đâu. Chỉ thấy bố, hai anh em ôm ghì; khóc hu hu lên như đứa trẻ bị lạc giữa phố đông người, khi họ đưa chiếc quan đi và trước lúc chiếc quan về lòng đất. Đó có thể là tất cả với bố con nó. Rồi bố ngất lịm đi sau tiếng nấc …
Đêm đầu, cũng là đêm cuối nó được ngồi canh tuần nhang cho mẹ. Bà con nói với nó: “Mẹ đã mất rồi, con ở nhà cũng đâu giải quyết được việc gì? Con mà mất việc nữa mẹ ở bên đó cũng không an! ...” Đó là những lời khẳng định: hạnh phúc mong manh nhưng lớn nhất cuộc đời của nó đã vụt bay. Từ nay, sẽ chẳng bao giờ được tâm sự với mẹ mỗi khi buồn vui. Sẽ thèm thuồng một tiếng a lô của mẹ. Sẽ chẳng bao giờ kịp nhìn thấy tóc mẹ bạc, da mẹ nhăn, tuổi mẹ nhiều, … như điều nó sợ trước đây. Là nụ cười mãi không được tron vẹn trên gương mặt ba anh em nó, dù có ở đỉnh cao của vinh quang.
Chuyến bay cất cánh nhẹ nhàng, mọi người hồ hởi vì được tới chốn thành đô và nó ủ rũ buồn, lòng nặng như đeo đá. Thế rồi nó đi.
Sáng ra, cái nắng Sài Gòn đã rang tươi thiên đường buồn, sấy khô những suy nghĩ của nó khi trời còn mờ đất. Nó vẫn phải sống và xoay mình với chốn thị thành. Phải gác những nỗi nhớ, nỗi thương yêu vào trong tim và không khóc như nắng ngoài kia khi bị mưa chiều tranh chấp… Cũng nói, cũng cười rôm rả nhưng buồn cô độc giữa dòng người chật đông, nhưng khi nghĩ về mẹ lòng nó vẫn hạnh phúc ngập tràn. Vì ít ra nó được sinh ra trên cuộc đời, được ở bên mẹ cho tới ngày bước qua tuổi 20. Thế nên, không biết là nhà Phật dạy, hay tâm của người con mất mẹ viết:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng làm buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Chẳng biết có bao nhiêu người con nhận ra điều đó khi mà xã hội vẫn đầy những hình ảnh phũ phàng với mẹ cha, với ông bà. Còn những bà mẹ thì lại nhẫn tâm với đứa con chưa kịp chào đời như đưa tin gần đây?