Phát thanh xúc cảm của bạn !

Lấy chồng sớm làm gì?

2014-02-13 01:00

Tác giả:


Blog Family - Ngưỡng ba mươi qua rồi nhưng cuộc sống này muôn màu quá! Đôi khi tôi cũng muốn tìm một nửa của mình để có cuộc sống gia đình riêng. Để được hưởng cái hạnh phúc như Ba Mẹ đã cho mình nhưng rồi lại ngại ngùng, lại sợ tình duyên ngang trái như những đứa bạn tôi đã gặp phải nên sợ. Chưa vội lấy chồng vì nhiều cái vui như vậy đấy nhưng khi về nhà thấy nét mặt buồn buồn của Mẹ, lặng lẽ dắt xe vào mà không dám thưa hỏi vì biết thế nào cũng nghe câu: “Răng con! Có chi vui không?”. Vui mà buồn. Má ơi!

***
Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có Ba Mẹ thương yêu và hết lòng với con cái nên ngay từ nhỏ và thậm chí đến bây giờ đã ba mươi rồi mà việc gì trong gia đình cũng có Ba Mẹ giúp đỡ và lo lắng cho tôi.

Ngày còn nhỏ tôi là đứa bé èo uột khó nuôi, mỗi năm ít nhất một lần thế nào tôi cũng phải ghé thăm bệnh viện. Những lúc như vậy mới thấy được sự lo lắng yêu thương mà Ba Mẹ đã dành cho mình. Những ngày còn ấu thơ khi Ba Mẹ phải lo cơm áo gạo tiền trên con đường xây dựng sự nghiệp tôi cũng đã được sự ưu ái chăm sóc đặc biệt mà không phải đứa trẻ nào thời ấy cũng có được. Ngày còn học mẫu giáo có lần Ba đến đón trễ mười phút, tôi đứng vịn cánh cổng sắt sân trường nhìn ra ngoài ngong ngóng bóng dáng Ba. Không nhớ là vì sao Ba lại đến trễ hôm ấy nhưng vẫn nhớ hoài bàn tay người lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt tôi rồi cầm bàn tay tôi xoa lên khuôn mặt ươn ướt của người.

Một lần tôi sốt nặng phải nằm viện hết cả tuần Mẹ ôm tôi ngồi trên giường suốt thời gian ấy không hề chợp mắt. Lúc đó tôi cũng sáu bảy tuổi rồi nên đã hiểu được tình cảm yêu thương Mẹ dành cho tôi và sau này nhớ lại trận đau chí tử ấy rồi tự hỏi làm sao Mẹ có đủ sức khỏe và nghị lực để lo cho tôi suốt mấy ngày đó mà không ngủ tí nào. Tôi có hỏi và Mẹ chỉ mỉm cười không nói nhưng tôi biết chỉ có tình Mẩu tử thiêng liêng, tình yêu con vô bờ bến mới có thể giúp Mẹ làm được như vậy.

cha yêu

Mỗi chiều Ba thường chở tôi về thăm Nội. Lúc còn học tiểu học gia đình tôi nghèo lắm nên Ba hay chở bằng xe đạp, tôi đứng ở yên sau choàng tay ôm cổ người. Cứ như vậy cho đến ngày mua được chiếc xe máy cũng vừa lúc em trai tôi ra đời nên cuộc sống gia đình vui tươi hạnh phúc hơn nhiều vì lúc nào cũng có tiếng cười đùa của Ba Mẹ và tiếng bi bô của em trai. Nhưng tôi đâu có biết Ba và Mẹ đã nuốt những giọt nước mắt vào trong khi nhìn đứa con trai không hoàn chỉnh của mình. Em trai tôi bị bại não do sinh hút nên chậm phát triển nhưng may mắn chỉ ảnh hưởng đến thần kinh vận động. Sáu tuổi mới biết đi chập chững những bước đầu tiên. Lúc đó Ba Mẹ vỡ òa niềm vui hạnh phúc với những giọt nước mắt của mình, những giọt nước mắt của tình yêu thương nuôi dưỡng từng tế bào thần kinh em tôi cho đến ngày lớn khôn. Ba Mẹ vất vả theo từng bước chân em đến trường, trong giờ học hay giờ ra chơi cũng đều thấp thoáng bóng dáng Ba Mẹ để em tôi được yên tâm học tập cho đến tận lớp mười mới rời xa. Lúc ấy Ba Mẹ cũng đã lớn tuổi rồi mà chưa hưởng được những cuộc vui như mọi người, tất cả thời gian nghỉ ngơi đều dành chăm sóc chúng tôi. Ngày em tôi thi đại học Ba Mẹ biết nó không thể vượt qua được nhưng vẫn để cho em đi. Ba nói đó là niềm vui và kỷ niệm một đời.

Thời gian gần đây nhìn thấy Ba hay ôm máy tính ngồi gõ, Mẹ chọc “yêu đời hỉ” . “Yêu đời gì đâu em, rảnh quá ngồi viết “tào lao” cho vui thôi”. Tôi biết Ba không hề viết “xịt bộp” tí nào. Ba đang gởi gắm tuổi trẻ của mình vào những giòng chữ đó thôi. Nhà có hai người đàn ông. Một người già muốn trẻ lại còn em tôi lại muốn mình “già” đi, lúc nào nói chuyện cũng như ông cụ, nghe mà sợ.

Học hết cấp ba tôi đăng ký thi vào trường đại học kiến trúc. Chưa đầy mười tám tuổi đã rời xa tình yêu thương và sự chăm sóc của Ba Mẹ nên năm đầu tiên nhớ nhà không chịu được, những ngày đi học dưới trời mưa tầm tã lại nhớ hơi ấm từ bờ vai gầy của Ba chở tôi đi đến trường. Mỗi ngày hai buổi, đêm nghe tiếng mưa rả rích ngoài mái hiên lại nhớ mùa đông được rúc trong chăn cùng với Mẹ cười khúc khích. Những năm tôi học xa nhà Ba Mẹ hay gọi hằng ngày hỏi thăm, đôi khi nghe tiếng thổn thức của tôi trong điện thoại thế nào sáng hôm sau cũng có mặt Ba hoặc Mẹ tại Sài gòn trong căn nhà chật hẹp ở đường Trần Văn Đang, quận ba.

Năm năm sau ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá nhưng tôi cương quyết quay về thành phố của mình, tự xoay sở công việc chứ không nhờ đến sự giúp đỡ của bất cứ ai vì sợ phải chịu áp lực bởi sự gởi gắm. Tôi muốn được thử thách.

Đừng nghĩ một gia đình hạnh phúc không có những bất hòa. Thỉnh thoảng Ba Mẹ cũng cãi nhau. Xoay quanh cũng chỉ vì công việc và chuyện con cái. Mỗi lần có những bất hòa là những ngày hôm sau trong nhà không có một tiếng nói. Ba lầm lũi làm việc còn Mẹ trông coi cửa hàng cả tuần sau chưa thèm nói chuyện với nhau. Nhưng tuyệt đối hai người không bao giờ lớn tiếng, đôi lúc tôi nghĩ sau này có chồng liệu mình có được như Ba Mẹ đã sống với nhau hay không? “Ba là người chồng ngoan còn Mẹ là người vợ hiền” Tôi nghĩ vậy.

Gia đình tôi chia hai phe rõ rệt. Con trai theo Mẹ còn con gái theo Ba. Em trai tôi lúc nào cũng quấn quýt bên Mẹ, cái gì cũng dành riêng cho Mẹ mà ít khi nhắc đến Ba. . Nhưng tôi biết Ba yêu thương em nhất nhà vì nó thiệt thòi hơn tôi nhiều trên con đường học vấn. Một hôm nó về thủ thỉ với Mẹ rằng đã có người yêu rồi, bà nghe vậy liếc xéo qua tôi và nguýt một cái “ Thấy chưa? Còn con tính răng đây” tôi chỉ biết nhìn Mẹ cười hì hì “ Con lấy chồng rồi bỏ Mẹ sống với ai?”. “Không cần mi ở bên đâu. Cần mi lấy chồng thôi” . “ Nhưng không có ai ưng răng lấy được Má”. “ Đừng nói nhiều, kén chọn lắm rồi ở giá nghe con” .
Nhà bốn người có bốn cái giỏi khác nhau. Tôi thích vẽ vời nên “làm” kiến trúc, Ba lại thích văn chương, Mẹ giỏi Hóa nên hay vào bếp chế biến thực phẩm. Riêng thằng em giỏi…lí, đố ai mà cãi lại nó được.

muộn chồng, gái ế, lấy chồng sớm làm gì

Tôi biết Ba Mẹ lo lắng cho đường chồng con của tôi nhiều lắm. Ba ít đề cập đến chuyện này hơn nhưng nhìn mái tóc người điểm vài sợi bạc lòng tôi cũng thắt lại nhưng duyên chưa đến biết làm sao. Nhìn mấy đứa bạn cùng lứa tay bế tay bồng mà thấy “oải”. Con bạn Vân đi du học Nhật về làm giảng viên đại học, lấy chồng một năm li dị nghe mà sợ. May mà chưa có con. Bỏ dạy quay về mở hiệu sách ngoại văn suốt ngày đứng bên quầy cho mấy anh chàng háo sắc nhìn ngắm tán tỉnh mà không được đáp lại nụ cười nào, nó cười hả dạ lắm. Yến với hai bằng đại học, lấy chồng kỹ sư xây dựng nhưng đa tình nên “ghét”, nộp đơn ra tòa li thân về mở quán cà phê ngày ngày cười duyên móc túi mấy anh chàng dại gái. Vợ chồng P. N cùng dạy học bỗng dưng anh chồng tưng tửng bỏ ngang về làm nghề thợ mộc suốt ngày đục đẽo cua rồng rắn rít vậy mà chúng nó sống hạnh phúc, ít ra cũng giữ được ông chồng ở trong nhà không tò te với cô nào cho chắc. Oanh tốt nghiệp học viện quan hệ quốc tế, về làm việc ở sở ngoại vụ ngon lành vậy mà bỏ ngang vì lấy chồng Bác sỹ mở phòng mạch, ngày ngồi gom tiền triệu. Một đôi lần hiếm hoi cùng nhâm nhi ly cà phê lại rên xiết như nhà vỡ nợ nghe hoài bắt chán.

Còn nhiều đứa bạn gái khác nữa. Lớp cấp ba chúng tôi ngày ấy là lớp chuyên toán nên đứa nào cũng tốt nghiệp đại học những trường danh tiếng trong nước hoặc du học nước ngoài về nhưng lứa tuổi con gà lắm gian truân trên đường tình cảm. Chỉ riêng bọn con gái chúng tôi thôi chứ còn mấy “cậu em” cùng lớp đều có gia đình đàng hoàng, vợ đẹp con ngoan hết nhưng đôi chân “sưng vù” vì bị vợ cột chặt ở nhà. Mỗi lần có dịp họp lớp mấy cậu em lấm la lấm lét nhìn bọn con gái còn rong chơi chúng tôi mà... thèm. Nhưng các cậu ấy đâu biết rằng chúng tôi cũng có những nỗi buồn riêng. Ba mươi tuổi rồi tối tối vẫn ngồi chung bàn cơm với Ba Mẹ còn bị la rầy như con gái mới lớn.

Thời cấp ba thỉnh thoảng đàn đúm bạn bè là bị Mẹ cảnh giác ngay còn bây giờ chủ nhật nào không bước chân ra khỏi nhà thế nào cũng bị Mẹ mắng té tát. Đêm ngồi ôm vai Mẹ cùng xem ti vi là bị hất hủi ra xa nghe bài “hôn nhân và gia đình” thấy sợ. Mẹ nói “Trong năm tới mà không lấy chồng thì trả lại tiền nuôi ăn học, nghe không?”. “Trời đất, Hai mươi năm đi học cùng ba năm mẫu giáo làm chi hết tiền mà đòi dữ rứa Má”. Tôi chọc lại Mẹ nhưng trong lòng vẫn thấy ấm áp vì sự quan tâm lo lắng của Mẹ, có hàng ngàn tỷ cũng không đủ trả cho công ơn Ba Mẹ nuôi dưỡng tôi lớn khôn được như bây giờ.

Hôm trước ngồi uống cà phê với Ba tôi nói “Ba! Con muốn đi du học lấy cái bằng Tiến sỹ. Được không Ba?”  Nhìn tôi không chớp mắt,miệng Ba méo xệch: “ Thôi! tội cho Ba Má nghe con”. Nghe Ba nói vậy cầm ly cà phê uống mà đắng ngắt.

Chiều về ghé nhà Thạch chơi thấy nó chuẩn bị dắt xe ra mặt mày trông hớn hở thấy ghét:

- Ê! Con nhỏ. Đi đâu đó mi?

- Đi theo không? Vui lắm!

- Ở đâu?

- Vũ trường. Mấy cậu nhỏ lớp mình bị vợ để “sổng” tụ tập vui lắm.

- Thôi! Thôi! Đừng cưa sừng làm nghé nữa bà ơi. Đi uống cà phê với tui đi.

Mặt con bé ba mươi tuổi thạc sĩ kiến trúc sư chưa chồng nhăn như cái bánh tráng nướng trông bắt tội. Biết nó thế nào cũng rủa tôi một hồi nên phủ đầu nó trước:

- Mi chớ dại dột mà đi với mấy “thằng bé” đó. Vợ con tụi nó phát hiện thằng chồng “bẻ xích” do mấy đứa mi rủ rê là ăn đòn lây. Suy nghĩ đi! Chừ theo tui hay đi với bọn “ nó”.

- Cái miệng bà chanh chua nên đến chừ vẫn còn “ế”. Thôi được rồi tui nghe lời bà.

Hai đứa chạy xe lòng vòng một hồi chán rồi vào thang máy vút thẳng một lèo lên tầng thượng ngồi ngắm dòng sông và giòng xe cộ ngược xuôi dưới kia. Không ai nói gì với nhau hồi lâu,cuối cùng cũng có đứa lên tiếng trước:

- Quyên nè! Lấy chồng thôi mi. Về nhà không có việc chi làm buồn quá.

- Mi mang tâm sự chán đời từ lúc nào mà nghe lạ rứa ?

- Mi thấy đó! Lên trường nhìn cái đám sinh viên nhí nha nhí nhố đã chán rồi còn về nhà bị bà Mẹ già nhắc nhở rầu thúi ruột. Lấy chồng quách cho xong một kiếp người, mi.

- Trời đất! Hôm ni thấy mi chi lạ! Trước đây nghe con Hương lấy chồng cho là nó khùng. Chừ tự nhiên “ ở không” cái . . nổi điên.

muộn chồng, cafe hàn huyên

Thạch nhìn tôi một hồi rồi nhìn xuống sông, khuôn mặt trông có vẻ chán đời của nó làm tôi buồn lây:

- Bạn bè mình mấy đứa lấy chồng không được hạnh phúc lắm nhìn thấy sợ quá bà ơi! Tôi cũng muốn “xong quách” cho Ba Má vui mà nghỉ đến là thấy gai gai trong người. Sống như vậy quen rồi sau này về làm dâu gặp bà gia khó tính chắc xù quá.

Trông Thạch bi quan với viễn cảnh chồng con nên cũng đâm lo, tôi nói với bạn:

- Bà nói nghiêm túc cho tui nhờ với. Lấy chồng rồi phải lo gia đình chứ cứ lông bông như chừ ri có mà chết. Tui thấy bà cũng mấy “ mối” rồi mà răng rứa?

- Ừ thì cũng quen vậy thôi, Chưa hạp nên chừ mới đi uống cà phê với bà. Còn bà thì răng, ông bà già nuôi hoài không sợ “ dị” hở.

- Ngày nào mà không bị bà già “ bốp chát” chuyện chồng con là thấy lạ. Còn Ba thì hứa hẹn giử cháu ngoại đến mười tám tuổi rứa mà vẫn sợ đó bà ơi.

- Nghe bà nói bắt thèm. Tui được rứa lấy chồng cái “rẹt” liền. Bà già tui thấy đám cháu đến nhà là mười phút sau nghe tiếng. . hát. Còn bà đúng là...ngu.

- Ừ! Ngu cũng được.! Chừ “ sướng” đã rồi từ từ tính.

Tôi và Thạch ngồi nói chuyện như hai con khùng chán đời nên rút điện toại bấm gọi mấy đứa bạn đang “ rãnh không” đến ngồi chơi cho hết buổi chiều chủ nhật

- Alô! Vân hả ? Làm chi đó.

Con bạn “hầm hố” nhứt đám, bình thường nói như thác đổ bổng nhiên nghe thỏ thẻ nhẹ nhàng,êm ái như suối reo, hiền như Masoeur:

-Ừ! Vân đây! Có chi không?

Tôi nghe nó trả lời như vậy lấy làm ngạc nhiên vội đưa máy cho Thạch:

- Nè! Nè! lạ lắm. Bà nghe đi!

Thạch cầm máy:

- Bà chị ơi! Làm chi mà Quyên nó run không dám nghe bà nói vậy?

Tôi chăm chú nhìn nét mặt con bạn:

- Hỉ! bà nói cái chi chi?

-…

- Ha! Ha! Ha! Thôi đừng có mà giả nai nữa con khỉ ơi, cố mà giử cái miệng đừng để lòi cái đuôi ra nhé.

Nói xong Thạch cúp máy trả lại cho tôi miệng vẫn còn cười ha hả không dứt, tôi hỏi:

- Có chi mà mi cười dữ rứa?

Thạch vừa cười vừa trả lời:

- Ôi! Con khỉ đó nó đang ngồi với một chàng. Nghe nó nói chuyện nhỏ nhẹ như rứa tui không nín cười được bà ơi, nó đóng kịch tài quá. Để tui gọi lại cho nó chọc chơi.

Nói rồi Thạch lôi điện thoại gọi tiếp cho Vân:

- Nè! bà cho tui nói chuyện với “ ông nhà” xí.

-…

- Được mà! Tui nói chuyện đàng hoàng không cướp của bà đâu mà sợ

-….
- Tui hứa…. Alô! xin lỗi anh! Bọn em là bạn của Vân muốn nói chuyện làm quen với anh, cho phép bọn em nhé?



- Dạ, đang ngồi với một bạn gái duyên dáng dịu dàng dễ thương nhất thế giới.



- Dạ được! Anh đến chơi cho vui.

-…

- Cà phê Hoàng Gia. Cách chổ anh ngồi bốn cây số thôi! Đến nhé!

Nói xong Thạch cúp máy rồi ôm bụng cười tiếp. Tôi hỏi gì nó cũng không nói. Con khỉ này quỷ thật, đang ngồi ở đây vậy mà dám nói cách bốn cây số.

Bấm máy tìm thêm có đứa bạn rảnh nào nữa không. Cuối cùng bấm nhầm gặp một đứa đã bị gông vô cổ nhưng không nói chuyện được với nó lại vớ trúng ông chồng hay ghen:

-Alô!



- Nguyệt phải không? Quyên đây!

Có lẽ do nhận ra giọng nói dịu dàng của tôi mà anh chàng lên tiếng:

- Anh Phú chồng Nguyệt đây, Quyên khỏe không, rảnh hay sao mà gọi vậy?

Tôi nghe cái giọng hơi bị không bình thường nhưng cũng cố gắng nhỏ nhẹ:

- Dạ, em khỏe. Chiều chủ nhật anh “thả” con Nguyệt ra một xí được không anh?

- Nguyệt nó đang bận lắm em.

- Thì anh đưa máy cho nó nói chuyện với bọn em tí. Làm chi “hung” dữ rứa.

Con bạn ngồi bên cạnh bắt đầu điên tiết, giật máy điện thoại của tôi:

- Anh vừa vừa thôi, thả con Nguyệt ra vài tiếng đồng hồ mỗi tháng được không? Thạch nói như hét.



- Thì anh cứ để nó đi chơi với bọn em rồi có chi bọn này “bù đắp” lại cho. Nói xong Thạch cười ha hả trông có vẻ đã lắm.


- Em hứa mà! Tối hẹn anh cà phê M. C nhé, nhớ đi một mình thôi.

Nó xoay qua tôi nháy mắt cười.

Mười lăm phút sau Nguyệt đến, trông nó lôi thôi lếch thếch đến tội nghiệp. Nhìn “con bé nguyệt cầm” ngày xưa sao mà tệ hại, lấy chồng như nó chắc tôi thà tu còn hơn. Hãi quá.

- Nè. Bà chịu khó chăm bón cái thân một tí. Nhìn bà tui thấy “kinh dị”. Thạch vừa trông thấy Nguyệt là “bốp” ngay.

- Chị nói cho mấy em gái biết. Hãy đợi đấy. - Nguyệt cười toe miệng bốp lại Thạch.

- Dù sao cũng cám ơn hai em đã cứu chị ra chiều nay, khổ lắm.

- Bà vậy là an nhàn rồi còn gì. Nhà cửa chồng con chi cũng có hết, đừng đứng núi này trông núi nọ nữa, gai lắm. - Tôi nói với Nguyệt.

- Thôi đi! Mấy bà vậy mà khôn.

- Khôn gì mày! Tối về ngủ ôm bà già còn bị mắng nữa. Khổ tâm lắm mày ơi.

Nguyệt hết ngắm nghía Thạch lại xoay qua tôi:

- Mấy em còn đầy đủ ba vòng. Xem tui đây này, chừ có cho không bọn “tàu” nó cũng chê. Vòng một vòng ba tiêu hết rồi, còn vòng hai tự nhiên nở ra.

Con bạn xinh đẹp dịu dàng du học ở Sing về, ngày trước nói không ra lời vậy mà mới lấy chồng có ba năm đã chanh chua chuối chát nghe phát ớn

muộn chồng, gái ế, lấy chồng sớm làm gì

Ảnh minh họa

Ngưỡng ba mươi qua rồi nhưng cuộc sống này muôn màu quá! Đôi khi tôi cũng muốn tìm một nửa của mình để có cuộc sống gia đình riêng. Để được hưởng cái hạnh phúc như Ba Mẹ đã cho mình nhưng rồi lại ngại ngùng, lại sợ tình duyên ngang trái như những đứa bạn tôi đã gặp phải nên sợ.

Chưa vội lấy chồng vì nhiều cái vui như vậy đấy nhưng khi về nhà thấy nét mặt buồn buồn của Mẹ, lặng lẽ dắt xe vào mà không dám thưa hỏi vì biết thế nào cũng nghe câu: “Răng con! Có chi vui không?”

Vui mà buồn. Má ơi!


•    Bùi Lê Vi Quyên

Gửi từ email của bố Bùi Thanh Xuân





Click vào đây để tìm hiểu về tuyển tập mới nhất của blogviet.com.vn


Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.




Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

Ngay cả khi người yêu hoặc người bạn đời của bạn có vẻ trưởng thành về mặt cảm xúc, điều đó cũng chưa thể chứng minh được rằng họ là người đáng tin.

Ấu thơ tươi đẹp!

Ấu thơ tươi đẹp!

Mặc cho bạo chúa thời gian nhẫn tâm xóa nhòa mọi thứ, mặc cho tuổi tác ngày càng chồng chất thêm, tôi vẫn nhớ mãi bức tranh sống động ấy, dù nó luôn gợi lên một chút buồn, một chút nhớ thương về những mùa hoa tươi đẹp...

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

Hồi ức mùa lúa chín

Hồi ức mùa lúa chín

Con đường xưa, cánh đồng xưa vẫn còn đó, nhưng cô gái của anh đã không còn nữa. Nỗi buồn không thể nói thành lời, chỉ còn lại trong tim anh, như một bản tình ca không trọn vẹn.

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

back to top