Phát thanh xúc cảm của bạn !

Gái ế lấy chồng khờ (Phần 2)

2021-12-09 01:10

Tác giả: Trần Minh


blogradio.vn - Mận trở về với mục đích gì? Có phải hết đường rồi mới quay trở về với mẹ con bà hay không? Liệu khi về rồi thì Mận có chính chuyên không? Hay chỉ mượn nhà bà làm trốn trú chân rồi tiếp tục đi lại với những người đàn ông khác? Liệu khi bà cho Mận trở về, Mận có công bằng với hai đứa trẻ không?... Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời.

***

Thằng Ẩm, ngoài cái đầu có vấn đề, còn đâu, tuyệt nhiên, trên cơ thể nó, mọi cái đều rất bình thường. Thậm chí, cái phần quan trọng nhất để duy trì nòi giống thì lại "chạy" rất tốt. Kể cũng lạ, người ta cứ bảo Ẩm khờ, ừ thì đúng là khờ thật! Cái gì mẹ nó cũng phải dạy, phải nhắc đến 4 - 5 lần nó mới nhận thức được. Nhưng riêng cái "thiên chức" làm chồng thì chả ai phải dạy nó cả. Bằng chứng là, chỉ sau hơn một tháng kể từ đêm tân hôn. Mận đã báo tin mừng với mẹ Ẩm: Con đã có thai!

Khỏi phải nói, mẹ Ẩm mừng ra mặt, bà đi chợ khác hẳn ngày thường, thịt cá nhiều hơn, cốt là để tẩm bổ cho mẹ con Mận. Bà cũng không để Mận nhúng tay vào làm bất cứ việc gì trong nhà. Nhưng Mận vốn là một cô gái nhà quê, đã quen lao động chân tay, nên dù được mẹ chồng cưng chiều, cô vẫn xà vào làm những công việc nhà để phụ giúp mẹ chồng.

Với thằng Ẩm, kể từ khi lấy vợ đến nay, người ta chẳng nhận ra sự đổi thay gì từ nó. Nó vẫn thế, hàng ngày lang thang từ nhà này sang nhà khác để chơi với lũ trẻ con trong xóm. Đến bữa thì về nhà ăn cơm.

Buổi khám thai đầu tiên, mẹ Ẩm cẩn thận gọi taxi để đưa con dâu đi. Các lần khám sau cũng đích thân bà đưa đi. Khi thai nhi đã thành hình hài một đứa trẻ trong bụng. Bà hồn nhiên hỏi bác sĩ:

- Là cháu trai hay cháu gái hả cô?

Bác sĩ trả lời:

- Bây giờ có quy định mới, chúng tôi không được tiết lộ giới tính thai nhi đâu bà ạ! Tôi chỉ nói được với bà một điều này để bà mừng: Đứa bé không giống mẹ, mà giống bố thì phải. Vì nhìn qua ảnh siêu âm, khuôn mặt nó không tròn bầu bĩnh như mẹ. Mà bố nó đâu? Sao không thấy đưa vợ đi khám, chỉ thấy mẹ chồng đưa đi mãi vậy?

Mẹ Ẩm không trả lời. Bà có chút phân vân, nhưng phản ứng lại rất nhanh. Bà nói to cốt để trấn an con dâu:

- Cháu nào cũng được, trai hay gái cũng được, miễn là con dâu tôi sinh cháu mẹ tròn con vuông, cả hai mạnh khòe là tôi mừng. Cháu nào cũng là dòng dõi  nhà tôi cả mà.

Sau lần khám thai đó về, Mận đột nhiên chột dạ. Có khi nào, đứa con trong bụng Mận sinh ra lại giống cả cái "gien" tâm thần từ bố nó không? Rồi cô tự trả lời: Không! Không thể thế được! Mình có yêu chồng đâu mà giống bố chứ. Hồi nhỏ, Mận nghe mẹ nói, sở dĩ Mận giống mẹ là vì bà cũng không yêu bố Mận. Họ lấy nhau qua mai mối và sắp đặt của ông bà hai bên, nên khi lấy về, họ đã không tin tưởng, chia sẻ trong cuộc sống. Bố Mận thấy mẹ Mận hời hợt tình cảm thì sinh nghi, ghen tuông, hắt hủi, chửi rủa vợ, rồi sa vào rượu chè từ đó.

Tự an ủi mình, nhưng trong lòng Mận vẫn dấy lên một nỗi bất an. Cô tìm hiểu trên mạng, được biết, bây giờ, khoa học phát triển, người ta có thể sàng lọc thai nhi. Nhưng là với thai nhi dị tật, còn về "gien" di chuyền bệnh thì khó. Vả lại cũng muộn rồi! Cái thai đã lớn. Giờ phải chấp nhận điều may rủi  thôi! Nhất định, cái điều tồi tệ sẽ không xảy ra với cô được. Ông trời vốn công bằng mà. Cô và mẹ Ẩm đều là những người đàn bà không làm điều gì thất đức nên ông trời sẽ thương tình mà cho cô và mẹ chồng được toại nguyện... Cô nghĩ thế và cố gắng xua đuổi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu.

Cái thai đã đủ tháng, đủ ngày. Mận xuất hiện triệu chứng sinh. Mẹ Ẩm đưa cô nhập viện. Ngồi ngoài phòng đẻ, mẹ Ẩm rất sốt ruột, cứ ngó nghiêng vào phòng đợi tin con dâu. Một tiếng, hai tiếng... vẫn không thấy tin tức gì. Mẹ ẩm đứng ngồi không yên. Bỗng cửa phòng đẻ mở. Một bác sĩ đi ra và hỏi:

- Ai là người nhà sản phụ Mận?

- Tôi! - Mẹ Ẩm đáp lại.

- Bà ký vào giấy mổ nhé. Con dâu bà không sinh tự nhiên được.

Trong phòng mổ, bác sĩ bắt đầu gây tê để mổ lấy thai nhi trong bụng Mận. Tiếng khóc vang. Bác sĩ đỡ đẻ nói:

- Con trai nhé. Xem mặt con này.

Bác sĩ dí đứa trẻ sơ sinh về phía Mận. Theo phản xạ, Mận định trồm dậy, nhưng một cơn đáu nhói ở ổ bụng làm cô không gượng được. Cô nhìn đứa trẻ mà bủn rủn chân tay.

Sau hơn một ngày, vết thương của Mận đã bớt đau, cô tỉnh táo hơn và có thể đi lại được. Cô muốn nhìn mặt lại con để xem mình có nhìn nhầm hay không. Mẹ Ẩm cũng rất sốt ruột, vì từ lúc con dâu đẻ tới giờ, đứa bé được hộ lý đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt nên bà cũng chưa biết mặt cháu thế nào.

- Đợi chúng tôi đưa bé đến cho bà xem mặt. Sau đó chúng tôi lại phải đưa bé đi soi đèn, vì bé ít cân, lại có triệu chứng bệnh lý vàng da. - Cô hộ lý nói với mẹ Ẩm.

Đứa bé được đưa tới, Mận và mẹ Ẩm như không tin vào mắt mình. Sao nó lại giống thằng Long ẩm đến thế, vẫn là cái  mũi hếch, cái miệng rộng và đôi môi trề ra. Khuôn mặt nó vẫn mang triệu chứng điển hình của hội chứng Williams, giống y như thằng Long ẩm lúc mới đẻ. Gien của thằng Ẩm quá trội, nên dù Mận không yêu thương gì Ẩm, nhưng đứa con vẫn sao chép y như Ẩm vậy.

Sáng nay, mẹ Ẩm dậy sớm để tất bật đun nồi cháo móng giò mang vào cho con dâu. Cái cặp lồng đầy cháo vẫn để trong làn. Nhưng khi nhìn mặt con Ẩm, bà rụng rời chân tay, không còn nghĩ tới việc đưa cháo cho con dâu ăn nữa. Bà như người vô hồn, xách chiếc làn đựng cháo lững thũng đi ra chiếc ghế ngoài vườn hoa bệnh viện ngồi. Kiếp trước bà ăn ở thế nào, mà kiếp này lại bị trời hành quá quắt như vậy! Đang chìm trong suy nghĩ chán chường thì cơn mưa rào bất chợt ập tới làm bà bừng tỉnh. Bà vội quay lại phòng nơi con dâu nằm, nhưng chẳng thấy Mận đâu nữa! Trên chiếc bàn đựng đồ dùng cá nhân, có một tờ giấy gấp đôi để trên đó. Bà mở ra và lẩm nhẩm đọc: "Con xin lỗi mẹ. Con chờ đợi đứa con này, vì nó là niềm hy vọng, niềm hạnh phúc của con khi con chấp nhận làm con dâu của mẹ. Nhưng sự thật quá phũ phàng. Con không đủ can đảm để ở lại và nuôi cháu được. Con ngàn lần xin lỗi mẹ. Mẹ hãy thay con nuôi cháu. Kiếp này, con nợ mẹ, con sẽ báo đáp sau. Ký tên: Mận".

Mẹ Ẩm đổ sụp xuống chiếc giường dành cho sản phụ. Đã lâu lắm bà không khóc, nhưng hôm nay, mắt bà đỏ hoe...

Tiếng hộ lý làm bà trở lại với thực tại:

- Sản phụ Mận đi đâu rồi? Bà là người nhà sản phụ xuống phòng hành chính làm thủ tục đóng thêm viện phí nhé.

Mẹ Ẩm đáp nấc trong cổ họng: Vâng! Tôi xuống ngay đây.

Ba ngày sau, đứa bé được trao cho mẹ Ẩm để xuất viện. Một số người nhà bệnh nhân khi biết về cảnh ngộ đáng thương của mẹ Ẩm đã khuyên bà:

- Hay là bà đưa đứa bé vào trại trẻ mồ côi đi. Chứ bà già rồi, làm sao nuôi được nó!

- Không! Tôi sẽ nuôi nó! Tôi sẽ nuôi nó đến khi nào tôi không nuôi được nữa thì thôi...

Khi mẹ Ẩm đưa đứa bé về. Thằng Ẩm không hỏi vợ nó đâu. Nó nhìn đứa bé đầy thích thú. Giờ chỉ có hai mẹ con. Mẹ nó sai gì, nó cũng làm, nhất là khoản trông con. Nó không đi lang thang nữa mà ở nhà phụ giúp mẹ chăm em bé.

Nhìn thái độ mừng vui của Ẩm, bà lại thấy thương nó. Cuộc đời thật trớ trêu, lấy vợ cho nó để sau này bà và nó có người nương tựa, thì bà lại mang thêm gánh nặng cho mình. Mới đầu, bà rất giận Mận. Dự định sẽ về quê tìm Mận để xả nỗi bực tức, vì dù gì, đứa bé cũng là con do Mận sinh ra. Nhưng nghĩ lại, bà lại thôi. Kể cũng tội cho Mận. Nó lấy thằng Long làm chồng là chấp nhận thiệt thòi. Nay sinh đứa con thì lại mang bệnh tật. Đứa bé là giòng giống nhà bà thì bà phải chấp nhận. Thôi, không tìm nó nữa làm gì. Coi như số phận của bà như vậy... Mẹ Ẩm nghĩ thế!

Hàng xóm quanh nhà Ẩm thì đang rất tò mò. Họ chỉ đợi thằng Ẩm ra khỏi nhà để hỏi chuyện. Nhưng cả tuần này, không thấy Ẩm ra đường. Đợi mãi, rồi cũng tới một ngày, mẹ Ẩm sai nó đi ra đầu phố mua bỉm cho em bé. Nó cầm tiền chạy đi, vừa ra tới đầu xóm, đám người đang rỗi việc nhìn thấy nó như bắt được của:

- Thằng Ẩm, đứng lại đây tao hỏi. Vợ mày đâu rồi. Nó bỏ con mày lại để đi theo trai rồi à? Nó có lấy trộm tiền của mẹ mày không?

Ẩm không trả lời mà chỉ toe toét cười rồi chạy đi luôn.

"Theo trai". Tại sao đàn bà khi không sống được với chồng toàn bị gán là "bỏ theo trai" thế nhỉ? Trước đây, mẹ Mận vì bị bố Mận hành hạ mà bỏ đi. Dân làng cũng đồn thổi là "theo trai". Nay đến lượt Mận, vì quá thất vọng và đau buồn trước cảnh cửa hạnh phúc mong manh bị đóng sập lại, Mận đã bỏ đi. Giờ cũng bị người đời gán cho cái tội "theo trai". Cuộc đời đúng là có những cái rất ngẫu nhiên trùng lặp mà người ta còn gọi là "dớp". Cái "dớp" ấy đang vận vào mẹ Ẩm và cả Mận nữa. Hai người đàn bà, hai số phận mà sao giống nhau đến thế?!

Ba năm sau

Cũng giống như nuôi thằng Ẩm. Những năm tháng đầu tiên nuôi con Ẩm quả vất vả. Không có sữa mẹ, con Ẩm phải nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài nên khá còi cọc... Tóc mẹ Ẩm giờ đã bạc trắng, bước đi chậm chạp, không còn nhanh nhẹn như trước. Càng lớn, con Ẩm càng bám bà, nên thằng Ẩm không trông nổi vì đứa bé luôn quấy khóc...

Lại một ngày mới bắt đầu, mẹ Ẩm dậy sớm để ninh xương, nấu cháo cho cháu. Bà phát hiện trên sàn nhà có một phong thư ai đó nhét qua khe cửa. Chột dạ, có phải là thư của Mận không? Bà luôn mong chờ một ngày Mận sẽ trở về. Vì vậy,  bà vội bóc thư ra xem. Đúng thật! Không biết Mận nhét bức thư này vào từ lúc nào.

"Thưa mẹ, con đã suy nghĩ rất nhiều khi viết lá thư này. Sau khi bỏ cháu ở lại cho mẹ nuôi, con rất ân hận. Như con đã từng chia sẻ với mẹ, con cần có một đứa con khỏe mạnh để làm chỗ dựa sau này; con sợ đi theo vết xe đổ mà mẹ đã qua. Mong ước của con nay đã toại nguyện. Con muốn mang đứa con riêng về để nuôi cùng với đứa con chung mà con đã bỏ rơi nó. Con hứa với mẹ, từ bây giờ, con sẽ hy sinh phần đời còn lại để phụng dưỡng mẹ, thay mẹ chăm sóc anh Long và nuôi dạy hai đứa trẻ. Nếu được mẹ cho phép thì đứa con riêng của con cũng là cháu của mẹ, con của anh Long. Mẹ đồng ý thì báo cho con qua số điện thoại này... Kính chào mẹ! Con Mận".

Quay lại cái ngày mà Mận bỏ con ở bệnh viện. Sau khi sốc vì nhìn thấy mặt con, Mận thất vọng và chán chường. Mận nghĩ, nếu mình ở lại nuôi đứa bé, thì coi như, tương lai, mơ ước tìm hạnh phúc với một đứa con bình thường như bao đứa trẻ khác sẽ đóng lại. Mận nghĩ đến tình huống thử vận may ở lần sinh thứ hai với Long ẩm. Nhưng Mận không đủ tự tin để theo đuổi rủi ro thêm lần nữa. Mận quyết định bỏ đi ngay trước khi mẹ Ẩm quay lại. Mận gọi điện cho một người bạn gái cùng làng, đang làm ăn xa tại tỉnh Bình Dương. Người bạn cho biết, trong này, nhiều khu công nghiệp đang tuyển công nhân lao động phổ thông. Cứ vào đây, cô ấy sẽ thuê trọ và xin việc cho Mận.

Thế là, ngay trong đêm đó, Mận mua vé tàu vào nam. Ngồi trên tàu, khi hai bầu sữa căng cứng. Mận nghĩ đến đứa trẻ. Nó có tội tình gì mà mình lại bỏ rơi nó! Mình thật nhẫn tâm! Không biết, nó sẽ sống ra sao khi không có mẹ! Tàu dừng tại ga Thanh Hóa, Mận đã có ý định xuống tàu, quay trở lại Hà Nội. Nhưng cô không đủ can đảm làm điều đó.

Vào Bình Dương làm công nhân trong một nhà máy, tuy giờ giấc, ca kíp vất vả, nhưng vui và thoải mái, thu nhập cũng tạm ổn, đủ để Mận có thể làm lại cuộc đời và tìm một hạnh phúc mới. Nhưng cô không xác định như vậy. Trong đầu Mận đã vạch ra một kế hoạch để một ngày nào đó, cô sẽ trở về, vì cô biết mẹ Ẩm sẽ không đem con mình giao cho trại trẻ mồ côi. Nếu mẹ Ẩm không chấp nhận, cô sẽ đón đứa bé về quê để nuôi.

Cuộc sống công nhân, tiếp xúc với nhiều người trẻ, ở mọi miền đất nước. Cũng có những chàng trai thích cô, họ không biết về quá khứ của cô, đến với cô chân thành. Nhưng Mận lại từ chối họ để chấp nhận cuộc tình với một gã đàn ông đã có vợ. Khi biết tin Mận có thai. Gã đàn ông này khá hốt hoảng, trách móc Mận tại sao lại để xảy ra "sự cố" ngoài ý muốn như thế?! Mận chỉ mỉm cười và trả lời lạnh  tanh:

- Anh yên tâm. Đây là con tôi. Từ nay trở đi, tôi với anh chia tay. Coi như chúng ta không quen biết nhau.

Mận một mình vừa đi làm và vượt cạn để sinh đứa bé. Con nhỏ, Mận phải bỏ việc tại nhà máy. Cô đi làm rửa bát thuê cho một quán ăn để có tiền trang trải sinh hoạt và nuôi con. Rồi một ngày, Mận bất ngờ vì ai đó đã chuyển một khoản tiền lớn vào tài khoản của cô. Số tiền này, Mận nằm mơ cũng không thể có được! Chưa đoán xem người đó là ai, thì xuất hiện một tin nhắn từ số điện thoại lạ vào máy của Mận: "Tôi là vợ người đàn ông bố đứa trẻ mà cô đang nuôi. Tôi cho cô một khoản tiền. Cô hãy rời khỏi thành phố này. Cấm cô từ nay không được liên hệ với chồng tôi nữa".

Trong thâm tâm, Mận đâu có muốn tranh cướp anh ta. Mận chỉ muốn xin một đứa con khỏe mạnh, bình thường thôi mà. Nhưng cũng tốt, số tiền rất cần với Mận. Cô tự nguyện thu xếp rời khỏi Bình Dương, chuyển đến Đồng Nai sinh sống. Đợi khi con cứng cáp sẽ quay trở lại Hà Nội.

Mẹ Ẩm luôn mong chờ Mận về. Nhưng trở về với một đứa con riêng thì ngoài suy nghĩ của bà. Bà nghĩ: Mận trở về với mục đích gì? Có phải hết đường rồi mới quay trở về với mẹ con bà hay không? Liệu khi về rồi thì Mận có chính chuyên không? Hay chỉ mượn nhà bà làm trốn trú chân rồi tiếp tục đi lại với những người đàn ông khác? Liệu khi bà cho Mận trở về, Mận có công bằng với hai đứa trẻ không?... Rất nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có câu trả lời. Bà nhớ lại bức thư Mận viết trước lúc bỏ đi tại bệnh viện và bức thư Mận mới gửi cho bà. Ghép nối lại, bà thấy Mận luôn khát khao có một đứa con bình thường để gửi gắm niềm hạnh phúc và tương lai hy vọng vào đó... Mận cũng đã hẹn bà, sẽ có ngày trở lại để báo đáp bà cơ mà. Hay cứ để cho nó quay về, nếu nó không thật lòng thì tính sau cũng chưa muộn. Nghĩ vậy, mẹ Ẩm vớ lấy chiếc điện thoại và bấm theo số máy mà Mận viết trong thư...

Việc Mận quay về đem theo một đứa con riêng lại là chủ đề bàn tán của lũ hàng xóm quanh nhà Ẩm.

- Cái loại đàn bà đã bỏ con mà đi theo trai nay còn vác mặt về. Đúng là không biết xấu hổ...

Người khác thì nói:

- Thôi, chuyện nhà người ta, chỉ người trong cuộc mới biết, mình người ngoài sao biết được. Tôi nghĩ, bây giờ nhà thằng Ẩm nên chấp nhận, để nó về nuôi con nó. Cái gì cũng có giá của nó. Nó phơi phới thế kia, cũng phải để cho nó kiếm một đứa con bình thường chứ. Vả lại, mẹ thằng Ẩm già rồi, nửa đường đứt gánh thì bơ vơ cả hai bố con... Lúc đó thì khổ lắm!

Bây giờ, Mận đã trở thành một người đàn bà từng trải, mạnh mẽ, biết vượt lên số phận. Những lời bàn tán kia chẳng làm cô để tâm làm gì. Cô đã hứa với mẹ Ẩm và sẽ thực hiện lời hứa đấy.

Mười năm sau

Mận đã giữ đúng lời hứa với mẹ Ẩm. Cô chăm sóc hai người con khỏe mạnh và dạy người con riêng biết yêu thương anh nó. Lúc này, mẹ Ẩm đã già yếu nên mọi việc trong gia đình, một tay cô quán xuyến. Cô cũng không đả động gì đến số tiền mẹ Ẩm tiết kiệm được mà chi tiêu bằng số tiền lãi tiết kiệm cô có. Ngoài ra, cô còn nhận công việc dọn dẹp vệ sinh tại một công sở, đồng lương cũng tạm ổn. Cô có tiền sửa chữa lại nhà cửa và trợ giúp đều đặn người bố ở quê.

Thời gian trôi qua, những lời dị nghị, bàn tán của hàng xóm cũng không còn. Ngày trước, khi mới quay về, cũng có một vài gã đàn ông buông lời tán tính để "thả thính", "cặp" bồ bịch với cô, nhưng đều thất bại.

Còn đối với Long ẩm, mặc dù cô không có tình cảm, nhưng càng ngày, cô thấy càng thương Ẩm hơn. Tình thương đó cũng gần giống như tình thương mà mẹ Ẩm đã dành cho người con bệnh tật.

(Hết)

© Trần Minh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Replay Blog Radio: Vợ, người tình, hồng nhan tri kỷ

Trần Minh

Viết để khám phá mình

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Tôi đã tự nhủ, dù cho có chuyện gì xảy ra, trước hết tôi phải giữ vững quan điểm cư xử phải phép, khiêm nhường, dùng sự bình tĩnh và tôn trọng để đối đãi với mọi người một cách thật thận trọng để rồi sau đó, tôi sẽ biết ai là người xứng đáng để tôi dụng tâm mà chân thành khoan dung.

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

Ở lại hay ra đi

Ở lại hay ra đi

Ngắm nhìn anh - người thiếu niên em thương Cất lên khúc ca ấy Cùng hào vào mơ mộng em của em

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Cuộc hẹn chụp ảnh này, Phong cảm thấy có chút mong chờ. Khi bạn được gặp người tạo ra thứ bạn thích, trong bạn đã tồn tại một sự ngưỡng mộ về tài năng con người đó. Phong nghĩ mình nên kết bạn với anh chàng thú vị này.

back to top