Phát thanh xúc cảm của bạn !

Gái ế lấy chồng khờ (Phần 1)

2021-12-08 01:20

Tác giả: Trần Minh


blogradio.vn - Mày về làm dâu nhà người ta, đẻ cho người ta đứa cháu. Thế là bà có cháu bồng cháu bế là thích rồi. Có đứa con, mày sẽ trở thành bá chủ cái nhà ấy, muốn gì chả được. Còn tình yêu ư - Viển vông lắm. Có bao nhiêu người lấy chồng vì tình yêu? Nghe thì lãng mạn, nhưng mới đầu thì thế, sau này ở với nhau, không làm ra tiền, có mài tình yêu ra mà ăn được không?

***

Long "ẩm" năm nay đã ngoài 30 tuổi, nhưng tính tình vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ.  Trong xóm, nhiều thanh niên ít tuổi hơn vẫn xưng hô mày tao với Long và chỉ gọi nó bằng tên đệm... "Ẩm". Biệt danh Long "ẩm" gắn với nó từ nhỏ. Vì ngay từ khi mới lọt lòng, nhìn nó đã không thấy bình thường: Mũi hếch, miệng rộng, môi dưới đầy đặn, hơi trễ xuống, cằm nhỏ… Càng lớn, những đặc điểm chả giống ai ấy càng bộc lộ rõ hơn. Lo lắng, mẹ "Ẩm" đưa nó đi khám. Bác sĩ nói, nó mắc một chứng bệnh do nhiễm sắc thể bất thường, gọi là hội chứng Williams (gần giống với bệnh Down), mắc bệnh này, khả năng trí tuệ của nó sẽ hạn chế.

Bố "Ẩm" mất sớm, bệnh tình "Ẩm" như thế, sợ nó khổ, mẹ Ẩm quyết ở vậy nuôi con. May mà, trời cho bà sức khỏe, bà làm công nhân quét rác ở Công ty môi trường, vừa làm, bà vừa nhặt nhạnh phế liệu nên ngoài đồng lương, cũng kiếm được một khoản kha khá...

Giờ thì mẹ Long "ẩm" đã về hưu, nhưng bà vẫn đi nhặt nhạnh phế liệu để có đồng ra đồng vào.

Một ngày, bà đi nhặt phế liệu, không may gặp cơn mưa bất chợt. Tối về, bà sốt xình xịch, lúc nóng, lúc lạnh. Bà sai "Ẩm" đi mua bát phở về hai mẹ con ăn chung. Biết nó cả ngày nhịn đói do mẹ ốm không thổi cơm được, bà thấy thương. Bà chợt nghĩ, nếu sau này bà qua đời, thì "Ẩm" sẽ nương tựa vào đâu?! Càng nghĩ, càng quẫn trí vì thương con... Bà đem nỗi lòng của mình tâm sự với một bà bạn hàng xóm:

- Tại sao bà không lấy quách vợ cho nó, để sau này hai mẹ con còn có nơi nương tựa? - Bà hàng xóm nói.

- Lấy vợ cho thẳng "Ẩm"? - Mẹ "Ẩm" ngạc nhiên hỏi lại: - Nó bệnh tật như thế, ai lấy?

- Về quê mà tìm, thiếu gì, gái lỡ thì ấy. Được lấy chồng Hà Nội, đỡ chân lấm tay bùn chả sướng quá!

...

Được lời khuyên như cởi tấm lòng, bà liền điện thoại về quê. Một người họ hàng ở quê cho biết, trong xóm còn một cô gái lỡ thì, tên là Mận. Mận năm nay đã gần 30 tuổi.

Mận ở với một ông bố nát rượu, suốt ngày say xỉn. Nghe nói, ngày trước, mỗi lần uống rượu về, ông lại lôi vợ ra đánh, chịu không được, nên mẹ Mận đã bỏ đi biệt tích. Dân làng hỏi ông, ông trả lời: Nó bỏ đi theo trai rồi!

Mận biết bố vì hận mẹ mà nói như vậy, chứ mẹ của Mận không có tính ấy. Tuy nhiên, cái tiếng có mẹ "bỏ theo trai" đã ám vào cuộc đời của Mận, nhất là khi cô đang ở cái tuổi cặp kê.

Nhìn Mận vào tuổi dậy thì đẹp như bông hoa đồng nội, nhưng đám trai làng cũng chỉ buông lời tán tỉnh, trọc ghẹo, chứ tuyệt nhiên không đứa nào có ý định nghiêm túc.

 - Lấy cái ngữ ấy về làm vợ để nó lây "gien" mẹ nó theo trai là mất vợ đấy con ạ! - Một bà mẹ đay nghiến đứa con trai của mình, khi biết nó thích Mận thực sự.

Thế là Mận ế, giờ thì ế thật rồi, bởi ở nhà quê, ngoài 25 là cầm chắc cái bằng "FA" (độc thân) toàn tập.

Vì vậy, khi nghe bà mối nói có trai tân Hà Nội đang dạm hỏi lấy về làm vợ, thì Mận bán tín bán nghi. Mận nghĩ: Lấy chồng thành phố sẽ giúp Mận thoát khỏi cảnh sống buồn tẻ bên ông bố suốt ngày say xỉn. Sẽ giúp Mận có một tương lai tốt hơn nơi chốn phồn hoa; đỡ cái cảnh chết già sau lũy tre làng, suốt ngày "chân lấm tay bùn"...

Nhưng  gái Hà Nội thiếu gì  mà phải về tận vùng quê này để lấy một người đã quá thì như Mận?

Mận muốn gặp mẹ Long "ẩm" và "Ẩm" để trực tiếp tìm hiểu xem ngọn nguồn động cơ về quê lấy vợ là thế nào? Bây giờ có nhiều trường hợp lừa phụ nữ quê bán sang Trung Quốc lắm. Phải cảnh giác! - Mận nghĩ vậy và đánh tiếng với bà mối chuyện muốn gặp mẹ con Long "ẩm".

Bà mối đồng ý sẽ bố trí để Mận gặp cả mẹ lẫn con.

...

Chuẩn bị cho chuyến về quê hỏi vợ cho Ẩm, mẹ Ẩm chuẩn bị rất kĩ. Biết bố Mận nghiện rượu, bà hào phóng mua hẳn ba chai rượu Vốt-ca Nga cùng với một cân thịt bò khô đặc sản Hà thành. Nghe nói, rượu này nặng, thơm, nhậu với thịt bò khô thì phê phải biết, chắc chắn những lão bợm rượu như bố Mận sẽ rất thích. Bà cũng không quên mua những gói quà đáng giá để biếu những người họ hàng bên nhà Mận mà bà biết chắc sẽ không thể thiếu được trong buổi nói chuyện này.

Trên chuyến xe khách đưa hai mẹ con "Ẩm" về quê. Thằng Ẩm có vẻ rất thích thú, không phải là thích thú vì nó sẽ có vợ, mà thích thủ bởi, đây là lần đầu tiên nó được mẹ cho về quê. Nó cứ dán mắt vào cửa kính xe khách để quan sát hai bên đường. Còn mẹ Ẩm thì lại đang chìm đắm trong suy nghĩ: Gặp Mận, bà có nên nói thật bệnh tình của "Ẩm" hay không? Rồi bà tự trả lời: - Có giấu cũng chẳng được. Vậy phải làm thế nào để thuyết phục được Mận? Lời ăn tiếng nói và những toan tính đang hình thành trong đầu bà...

Chuyến xe khách dừng lại nơi mẹ con Ẩm cần đến. Xuống xe, về làng, Ẩm rất nhanh nhẹn, gặp ai, lạ hay quen nó cũng toe toét nở nụ cười thân thiện thay cho lời chào hỏi.

Phải nói rằng, nếu không có những đặc điểm khác biệt ở khuôn mặt, mới tiếp xúc sơ sơ với Ẩm, thì tưởng nó là người bình thường. Bởi nó cũng khá mau mồm miệng. Bên cạnh nụ cười toe toét mang thương hiệu của nó, thì nó cũng biết chào hỏi lễ phép. Những câu chuyện của nó về đạo lý, về "nhân tình thế thái" được cóp-py nguyên văn từ những lời của mẹ giảng giải với nó, nên người mới tiếp xúc rất dễ nhầm: "Nó là người hiểu chuyện"! Nhưng không, nếu càng nói chuyện, người nghe sẽ thấy nó bộc lộ rõ khả năng tư duy của mình. Ngày trước, khi mẹ nó biết bệnh của con, bác sĩ có nói với mẹ nó rằng:

- Bà cứ yên tâm, con bà mắc hội chứng về tâm thần, nhưng nó không điên dại đập phá đâu mà lo. Nó vẫn có khả năng giao tiếp. Chỉ tội, trí tuệ của nó không phát triển như người bình thường thôi...

Về phía Mận, biết hôm nay mẹ con Long ẩm về quê dạm hỏi, cô có mời một vài bà con họ hàng gần bên nội sang nhà. Đồng thời dặn bố ngày hôm đó không được uống rượu say. Tỉnh táo mà còn tính việc đại sự cho con gái chứ! - Mận nói với bố như vậy. Nhưng để chắc ăn, cô giấu tiệt chai rượu của ông xuống gầm giường đề phòng ông thèm quá lỡ uống thì hỏng bét mọi việc.

Từ xa, Mận thấy bà mối và mẹ con Ẩm đang đi trên bờ đê vào nhà. Điều quan tâm và gây sự hồi hộp nhất với Mận là được nhìn mặt "chú rể tương lai"

Trong lúc Mận đang ngẩn người thất vọng khi nhìn thấy khuôn mặt khác thường của "ẩm" thì mẹ Ẩm lại không để ý gì đến cảm xúc của cô. Trong đầu bà lúc này chỉ thấy Mận là một cô gái rất được. Khuôn mặt tròn, phúc hậu; làn da đen giòn khỏe mạnh, dáng người "thắt đáy lưng ong", hứa hẹn sẽ là một bà mẹ có khả năng sinh đẻ cho bà nhiều đứa cháu.

Sau màn chào hỏi và biếu xén quà cáp, mọi người đều rất vui và thân thiện với mẹ Ẩm. Lúc này, bà mới nhận rõ thái độ buồn buồn của Mận. Bà biết Mận đã nhận ra Long không bình thường, nên nói:

- Thưa các ông, các bà. Cháu Long nhà tôi tuy chậm chạp, nhưng được cái hiền lành, dễ bảo. Tôi nghĩ, nếu cô Mận đồng ý về làm dâu nhà tôi thì chắc chắn sẽ có một tương lai tốt hơn ở đây rất nhiều. Tôi cứ nói thật khí không phải, nhà tôi chỉ có hai mẹ con. Sau này, tôi mất đi. Căn nhà ở Hà Nội cũng đáng giá vài ba tỷ, không cho vợ chồng nó, thì cho ai? Ngoài ra, tôi cũng có một cuốn sổ tiết kiệm gần một tỷ đồng, dự định sẽ cho cháu Long khi xây dựng gia đình... Nhà tôi đơn người, chả có ai mà tranh giành. Nếu cô Mận ưng làm dâu nhà tôi thì tôi quý như con đẻ trong nhà. Tôi hứa với các ông bà là Mận sẽ không phải lo lắng gì về kinh tế, ở nhà, tôi nuôi...

Nói xong, bà nhìn mọi người và tiếp tục nở một nụ cười rất tươi, rất thân thiện.

Bố Mận từ lúc mẹ Ẩm phát biểu tới giờ thì dường như không tập trung. Ông cứ chăm chăm nhìn vào ba chai rượu và đống mồi mà mẹ Ẩm biếu ông. Nhìn cái vỏ chai đẹp như thế, chắc chắn rượu sẽ rất ngon. Nếu không có khách khứa ở đây, thì ông đã dốc cả cái chai lên mà tu ừng ực từ lâu rồi... Vì vậy, sau khi mẹ Ẩm quay sang hỏi ý kiến ông có đồng ý cho Mận về làm dâu nhà bà hay không, chả cần suy nghĩ, ông trả lời luôn:

- Tôi đồng ý, đồng ý...

Còn mấy bà họ hàng bên nội nhà Mận thì vừa nghe mẹ Ẩm nói, vừa to nhỏ vào tai Mận, thì thụt như "đánh bạc giả":

- Tao nghĩ mày nên đồng ý đi. Mày sống ở đây với bố mày thì thành gái già, khổ suốt đời. Nhà người ta có kinh tế, lại ở Hà Nội, mày lên đó sẽ sướng. Còn chồng mày, nhìn mặt, kể ra thì cũng ngu ngơ thật. Nhưng kệ. Mình phải biết mình là ai. Gái lỡ thì rồi, người ta phải sao mới lấy mình chứ. Mày về làm dâu nhà người ta, đẻ cho người ta đứa cháu. Thế là bà có cháu bồng cháu bế là thích rồi. Có đứa con, mày sẽ trở thành bá chủ cái nhà ấy, muốn gì chả được. Còn tình yêu ư - Viển vông lắm. Có bao nhiêu người lấy chồng vì tình yêu? Nghe thì lãng mạn, nhưng mới đầu thì thế, sau này ở với nhau, không làm ra tiền, có mài tình yêu ra mà ăn được không? Đấy là chưa kể, lấy phải đứa, mới đầu yêu thì nó ngon ngọt, sau này về nó chả "dăm ngày ba trận" như bố mày với mẹ mày đấy. Lúc ấy thì ôm lấy cục nợ suốt đời...

Mẹ Ẩm là một người rất biết ăn nói, dù sao bà cũng là người sống bao nhiêu năm ở cái đất Hà Nội, học hỏi bao lời hay ý đẹp của thiên hạ rồi. Vì vậy cuộc nói chuyện giữa khách và chủ bắt đầu "nóng" lên. Mẹ Ẩm khôn khéo lái câu chuyện sang chiều hướng có lợi cho bà, để những người họ hàng nhà Mận vun vén cho Long và Mận thành đôi lứa...

Nhưng suốt từ đầu buổi đến giờ, mặt Mận vẫn buồn thiu, im lặng chả nói câu nào. Đã sắp tới giờ trưa. Sốt ruột, bà mối phải gọi Mận ra một góc hỏi:

- Này, mày có đồng ý không thì nói cho người ta biết?

Mận ấp úng trả lời:

- Cô để cho cháu suy nghĩ thêm, cháu sẽ trả lời cô sau được không ạ!

...

Khách khứa về hết, Mận vào giường nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi mông nung. Lên Hà Nội lấy chồng, cuộc sống của Mận sẽ ăn trắng mặc trơn, thoát cảnh quần áo dính đầy bùn đất, suốt ngày dầm mình ngoài đồng ruộng. Về nhà thì quần quật với đàn gà, con lợn. Cuộc sống nhàm chán của một đứa con gái lỡ thì cứ lặp đi lặp lại như thế. Bạn gái bằng trang lứa với Mận, chúng lấy chồng hết rồi nên bây giờ cô cũng cô độc, chẳng biết giao lưu, trò chuyện với ai, nhất là những lúc như này. Giá như còn mẹ, thì cô sẽ gửi gắm tâm sự được rất nhiều. Nhưng, bây giờ, sống với một ông bố nát rượu. Chính rượu đã làm thay đổi nhân cách, tính tình, khiến ông trở nên vô tri. Lúc tỉnh rượu, ông ngồi thất thần im lặng như một khúc gỗ. Còn khi rượu say, Mận luôn chịu cảnh bị khủng bố tinh thần bởi tiếng chửi bới, nhiếc móc và thói bê tha của bố.

Nhưng nếu bỏ làng ra đi để đi lấy một người mà Mận không có một chút cảm tình nào, thậm chí cô còn có một cảm giác ghê ghê khi hình dung phải chung đụng, sinh hoạt vợ chồng với Long... Chỉ nghĩ đến đó, Mận đã rùng mình và cất tiếng thở dài.

Bỗng, không gian im ắng bị xé toang bởi tiếng quát tháo của ông hàng xóm. Thì ra, khi khách khứa vừa về, bố Mận đã khui chai rượu ngoại và tu hết. Rượu nặng, ông chìm đắm trong cơn say chẳng biết trời đất gì nữa. Vì vậy, ông tưởng cổng nhà hàng xóm là cái cầu tiêu nên đã phóng uế bừa ra đó. Bị ông hàng xóm bắt quả tang, ông hàng xóm la lối om xòm. Thế là, Mận phải ra dọn dẹp khắc phục hậu quả cho bố.

Nghĩ mà chán, chẳng nhẽ cứ suốt đời chịu cảnh tủi nhục nơi quê nhà. Cú hích quậy phá từ người bố nát rượu đã làm Mận thực tế hơn, cô quyết định: Thôi thì buông thả số phận mình, xem nó ra sao thì ra!

Thiệp mời dự đám cưới Long - Mận đã được mẹ Ẩm phát hết. Mẹ Ẩm dự tính cũng phải làm tới hơn ba chục mâm cỗ. Dù bà đã nghỉ hưu, nhưng trước đây, thời còn đi làm, bà không bỏ một đám cưới nào nếu được mời. Có người đông con, tổ chức cưới 3 - 4 lần, mời bà vẫn đi đủ. Rồi hàng xóm, láng giềng cũng thế. Bà đi ăn cỗ, mừng phong bì cho con, cháu người ta. Chả nhẽ, nhà bà có mỗi mụn con họ lại lỡ không đi!

Thậm chí, có người khi không nhận được thiếp mời từ bà, họ bắn tiếng đến tai mẹ Ẩm tỏ ý trách móc. Đây là những người muốn đi đám cưới Ẩm không phải là để trả "nợ đời" cho mẹ Ẩm, mà muốn tận mắt xem mặt cô dâu như thế nào lại đi lấy cái thằng Long ẩm về làm chồng!

... Long ẩm hôm nay trông rất oách. Nó khoác lên người bộ comple màu xanh rêu mới nguyên vẫn còn hằn vết là cháy ly, chiếc cà vát màu đỏ lịch lãm nổi bật trên chiếc sơ mi cổ trắng. Nhìn vào gương, nó rất thích. Nó không ngờ trông nó cũng được như vậy!

Nhưng nếu ai nhìn thấy nó lúc này sẽ phì cười, bởi từ khi nó mặc bộ comple vào, trông nó cứng đờ như người máy ý. Nó sợ, nếu vận động tự nhiên sẽ làm nhàu bộ quần áo mà cả đời nó chưa mặc bao giờ. Nó còn không dám ngồi xuống ghế, khác hẳn cái thói lê la, bạ đâu ngồi đó hằng ngày, vì sợ bẩn bộ cánh đẹp...

Giờ hoàng đạo đã đến, Long ẩm lên xe hoa đi đón dâu. Theo sau chiếc xe con của Long ẩm là 2 chiếc xe khách loại 45 chỗ, một xe là khách khứa nhà Ẩm. Một xe để không dành cho khách nhà gái lên Hà Nội ăn cỗ và thăm thú phố phường Thủ đô. Mẹ Ẩm cũng đặt riêng 5 mâm cho khách nhà gái rồi. Riêng cái khoản này, mẹ Ẩm không để Mận phải mất mặt với họ hàng nhà mình.

Lúc Long ẩm rời nhà ra xe, nó đi giữa hai bên toàn người là người. Đó là những người hàng xóm tò mò, ra xem Long ẩm hôm nay đi rước vợ thế nào. Có người trêu:

- Này ẩm, có vợ rồi, tối mày có biết phải làm gì không?

Nó không trả lời mà nở nụ cười toe toét như thường lệ.

Đầu giờ chiều, khi chiếc xe đón dâu vừa về tới đầu xóm, đám trẻ con đã nhảy cẫng lên, vừa nhẩy vừa hò hét:

- Thằng ẩm về rồi. Thằng ẩm đưa vợ về rồi!

Đám người tò mò từ sáng, nay từ các ngõ ngách túa ra rất nhanh, đứng chen chúc nhau hai bên đường để xem đám cưới Long ẩm.

Mận bước xuống xe ô tô. Một tiếng "ồ" đồng thanh vang lên, dù không có người bắt nhịp làm cô tím mặt. Cô ngượng không dám ngẩng cao đầu nữa. Bắt đầu có tiếng thì thào:

- Trông cô dâu cũng được đấy chứ nhỉ! Thế mà lại lấy cái thằng dở ấy thì khổ cả đời người!

Người khác chen vào:

- Hay là gái "ngành" hoàn lương?

Có tiếng quát của ai đó làm cho những kẻ vô duyên không nói những lời như móc vào gan ruột của Mận nữa. Nhưng nghe chừng ấy đã đủ. Cô tự an ủi mình: Mày đã xác định rồi mà! Can đảm lên Mận! Ngẩng mặt lên mà bước! Cố lên nào!

Cô thay đổi hẳn thái độ. Cô tự tin ngẩng cao đầu, nở nụ cười rạng rỡ. Vốn là một cô gái có nét, lại có chút trang điểm nên trong bộ đồ cô dâu, Mận khá đẹp.

Lễ cưới rồi cũng tan. Khách khứa về hết. Tiệc cưới và các dịch vụ đi kèm được mẹ Ẩm đặt nên bát đĩa, bàn ghế, nhà bạt... người ta đến thu dọn mang đi hết. Mận không phải nhúng tay làm việc gì.

Ngày đầu đón con dâu về. Mẹ ẩm cũng rất ý tứ. Bà dịu dàng nói với Mận:

- Thôi, cả ngày hôm nay con mệt rồi. Vào phòng riêng nghỉ sớm giữ gìn sức khỏe con nhé!

Mận e dè đáp lại:

- Vâng

Thế là, một cuộc sống mới đã mở ra với Mận. Cô đã lựa chọn nó và bây giờ phải chấp nhận để thích ứng. Cô xác định sẽ bỏ ngoài tai mọi lời thị phi. Cô sẽ sinh nở cho mẹ Ẩm một đứa cháu và sẽ lấy đứa con làm lẽ sống, làm niềm hạnh phúc cho riêng mình.

(còn nữa)

© Trần Minh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Ngụy trang bằng những nụ cười | Radio Tâm sự

Trần Minh

Viết để khám phá mình

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa đông dang dở

Mùa đông dang dở

Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Mùa đông có anh một mùa đông có anh Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Anh bên cạnh em và bên em suốt con đường

Lời ước hẹn

Lời ước hẹn

Anh có còn nhớ lời ước hẹn cùng em Lời ước hẹn năm xưa anh đã nói Lời ước hẹn trong một ngày đông cũ Khi cơn gió đông về cứ buốt lạnh tim em

Cho con cả bầu trời

Cho con cả bầu trời

Chị nói là mẹ sẽ cho con cả bầu trời này trong đó có vô vàn tình thương của mẹ gởi theo con, để ở một nơi thật xa con sẽ luôn có mẹ, luôn có tình thương của mẹ bên cạnh, và con sẽ được ấm áp được bình yên dù không có mẹ bên cạnh.

Ngày ta gặp nhau

Ngày ta gặp nhau

Anh có đếm những ngày xuân lặng lẽ Khi cả anh cả em đều cùng ngóng trông nhau Khi bao xuân qua ta cứ mãi đợi chờ Vì những niềm vui vẫn cứ còn dang dở

Nhân vật

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

Ngày toàn thắng

Ngày toàn thắng

Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

Lòng tự kiêu

Lòng tự kiêu

Rồi cuối cùng khi anh ta giật mình quay lại sau một khoảng thời gian dài bỏ mặc người mình yêu như thế thì cô gái đã hạnh phúc bên một người khác. Điều mà anh ta không thể ngờ tới, vì anh ta rất tự tin là cô gái đã yêu anh ta sâu nặng như vậy thì chỉ chờ đợi mỗi anh ta mà thôi cho dù là có chờ đến bao lâu.

Tình điên dại

Tình điên dại

Tiếng tình yêu nghe sao mà da diết Nửa hồn tình anh biết gửi tặng ai Nửa mây mù chia cắt đốt hình hài Mà đau quá anh gọi mây bất diệt

Xã giao

Xã giao

Đàn ông quả nhiên không thể tin Trêu đùa xong xuôi rồi vô hình Xã giao vài câu thì biến mất Vậy nói câu đó để làm chi.

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Có nghĩa là tôi không hề thật sự thích con người cậu ấy như cách mà cậu ấy thích tôi, cái tôi thích ở cậu chỉ đơn giản là vẻ bề ngoài của cậu. Tôi nhẹ nhõm khi cuối cùng cậu đã có thể từ bỏ một chút rung cảm đó với tôi để tìm được người đáp lại được tình cảm của cậu.

back to top