Con sẽ luôn mãi nhớ về ông bà
2022-07-20 01:10
Tác giả:
Lý
blogradio.vn - Giờ đây khi trở về quê, về lại ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi chỉ còn lại những hoài niệm, còn lại di ảnh của ông bà nhưng trong lòng tôi ông bà vẫn mãi còn đó, bóng dáng người bà lưng còng thổi bếp nấu cơm vào sáng sớm, hình ảnh người ông mái tóc bạc phơ ngồi bắt chéo chân uống cốc trà vào buổi tinh mơ cùng những kỉ niệm ngày thơ ấu cứ hiện về. “Con sẽ luôn mãi nhớ về ông bà, ông bà yêu quý của chúng con”.
***
Tôi và anh trai may mắn khi được sinh ra trong một gia đình ở nông thôn, tuy nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc. Thời mà khái niệm về internet vẫn còn là một cái gì đó rất mù mờ chứ không phải phổ biến như bây giờ. Chính nhờ cái nghèo, cái thiếu thốn ấy mà chúng tôi có được một tuổi thơ bình yên, trọn vẹn nơi vùng quê cùng với những người yêu thương.
Tờ mờ sáng, sương còn giăng đầy trên ngọn cỏ, ếch nhái ngồi kêu râm ran ngoài bờ ruộng thì bà đã dậy nhóm bếp lửa nấu cơm, nấu nước, pha ấm trà nóng cho ông. Làn khói bếp bay lãng nhảng qua ánh đèn dầu nơi góc bếp cuốn đến tận giường, mùi cay cay của khói bếp sao nó thân thương đến thế.
Cơm vừa toả hương thơm cũng là lúc bà gọi anh em tôi thức dậy, mặt mũi lem nhem, đầu tóc rối xù tôi bước xuống giường mà hai mắt còn nhắm tịt, tay lần mò tìm lấy cái bàn chải để đánh răng. Ngày nào cũng thế hình ảnh người bà có mái tóc bạc phơ, dáng lưng còng còng dưới làn khói bếp càng làm tôi thêm yêu biết bao chốn quê bình yên này.
Chúng tôi được sinh ra ở quê nội, ở cùng ông bà nên được hưởng trọn tình yêu thương của cả gia đình. Lớn hơn một chút thì ba mẹ đi làm ăn xa nên gửi anh em chúng tôi ở lại với ông bà. Hai đứa cháu lúc nào cũng được ông bà hết mực yêu thương, chiều chuộng. Nghe bà kể rằng hồi còn chiến tranh, bà làm cô giáo trong chiến khu, dạy trẻ con học chữ nên những chữ cái đầu đời của chúng tôi được chính tay bà dạy dỗ.
Bà vốn là người nhân hậu, chu đáo lo lắng lúc nào cũng chăm chút cho cháu con tất cả mọi thứ, ông thì ấm áp, hiền lành nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Ông ngày trước là lính tập kết, đi ngược Bắc Nam, sống trong kỷ cương nên cái tính nghiêm khắc cùng từ ấy mà ra. Chính trong cái thời chiến tranh loạn lạc, Bắc Nam xuôi ngược ông gặp được bà, một cô giáo diệu hiền, xinh đẹp rồi bén tóc nên duyên.
Sau ngày giải phóng, ông đưa bà từ chiến khu trở về vùng quê dựng nhà sinh sống. Bà nói ở với ông hơn 40 năm, đã có với nhau tất thảy 4 mặt con nhưng chưa một lần ông lớn tiếng với bà, ngược lại rất ân cần, tận tụy. Ông yêu bà bằng tình yêu của người đồng chí, một người anh, người tri âm tri kỉ.
Ba tôi cũng thế, giống tính ông nên yêu mẹ tôi vô cùng. Tôi từng mơ ước sau này khi thành gia lập thất sẽ gặp được một người chồng thật tuyệt giống như ông và ba. Chúng tôi lớn lên từng ngày trong sự che chở của những con người tuyệt vời như thế.
Những tháng ngày tuổi thơ của tôi vui lắm, cứ chiều về là mấy đứa nhỏ trong xóm tôi lại tụ họp trước sân nhà bà, chúng tôi vui đùa cùng nhau, nhặt mấy tàu mo cau vừa mới rụng thay nhau kéo. Thời nhỏ xíu tay chân ốm tong teo, tôi lấy hết sức bình sinh kéo thật nhanh tàu mo, chạy được một đoạn lại buông ra thở hổn hển ấy mà vui ngất trời.
Ông tôi nhặt những bó rơm vàng tươi để phụ bà nướng bánh, bà có đôi đũa tre thật dài, đặt lên trên cái bánh tròn to cỡ hai bàn tay được làm từ khoai mì đã phơi khô, tay bà lật qua lật lại là có được cái bánh nướng vàng, phồng giòn thơm phức, bọn con nít chúng tôi thời đó thích lắm chia nhau ăn ngon lành.
Những ngày cao hứng chúng tôi còn chơi tạt lon, trốn tìm rồi kéo nhau xuống bến tắm sông, chia đội thi nhau chơi trò ném bùn dưới nước. Đứa nào chậm tay hơn thì y như rằng bị đứa khác ném mặt mũi đầy bùn nhìn như lính đặc công đã được hóa trang đi đánh giặc. Về tắm hết cả lu nước của bà cũng không thể hết được mùi hương không kém phần quyến rũ này. Ông bà vì thương cháu nên ngày nào cũng cho phép chúng tôi đi chơi miễn sao hai anh em phải học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, lễ phép.
Năm tôi vào lớp 1, anh trai tôi thì vào lớp 5, ngày đầu tiên tôi đến trường thật nhiều điều mới lạ. Những món đồ chơi nhiều màu sắc, bánh kẹo mà trước giờ tôi chưa từng thấy, làm tôi háo hức lắm nhưng nhà nghèo tôi chẳng có đủ tiền để mua chúng, cũng chẳng dám vòi vĩnh ông bà. Sau nhiều ngày thèm thuồng tôi đã nảy sinh ra ý định sẽ thực hiện một phi vụ đầu đời không mấy tốt đẹp. Hôm đó tôi đến tiệm tạp hoá nhỏ gần trường, sau mấy lần ngắm nghía thì tôi đã nhìn thấy một món đồ chơi hình con mèo vằn vô cùng dễ thương, nó to cỡ bàn tay được làm từ nhựa dẻo phía trong có gắn một chiếc kèn mà khi ấn vào sẽ phát ra những âm thanh rất vui tai. Đứng quan sát hồi lâu thấy không ai để ý nên tôi đã nhanh tay lấy món đồ chơi ấy bỏ vào chiếc cặp, lòng hồi hộp không ngừng nhưng cố gắng giữ bình tĩnh để mọi người không phát hiện ra.
Tôi đã đem con mèo ấy về nhà, cất kỹ trong tủ sách trên đầu giường để không ai phát hiện nhưng chẳng may chiều ấy lúc soạn tập sách để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo thì anh trai tôi nhìn thấy món đồ chơi lạ. Bị anh phát hiện nên tôi nhanh chóng tiến đến gần, xô vào anh đển giành lại bằng được. Thế là hai anh em vật nhau, giằng co. Anh giơ tay lên thì tôi kéo tay anh lại, yếu thế hơn tôi cắn mạnh vào tay anh, đau quá nên anh hét lớn. Ông đang làm việc phía trước sân nghe tiếng tôi thất thanh nên vội vã chạy vào xem. Ông bảo chúng tôi dừng lại và đi ra đứng khoanh tay phía góc nhà, khi ấy tôi ức lắm.
Ông bước ra sân, một hồi lâu ông trở vào tay cầm theo cây roi tre xanh mởn, ông ngồi xuống bàn hỏi chuyện. Anh hai vốn nhát đòn nên thấy cây roi thì cả người ríu lại, thành khẩn khai hết toàn bộ sự việc mong nhận được sự khoan hồng từ ông. Ông chỉ cây roi lên chiếc giường tre rồi cả hai anh em chúng tôi đều nằm gọn gàng, ngay ngắn. Cây roi mới nhịp trên mông thì trai tôi nước mắt lưng tròng, giọng nấc lên tức tưởi bị em cắn đau mà còn bị đánh đòn. Tôi nằm cạnh bên cũng thút thít. Ông hỏi tại sao lại đánh nhau? Từ đâu lại có con mèo đồ chơi ấy? Và cuối cùng bí mật mà tôi che giấu đã chính thức bị bại lộ.
Tôi khai với ông là tôi đã lấy trộm của cô bán cửa tiệm trước trường vì thấy nó đẹp quá. Ông vụt mạnh cây roi xuống giường làm cả hai anh em tôi giật bắn người. Cả hai cùng khóc oà. Ông nói đây là lần đầu tiên phạm lỗi nên ông sẽ tha thứ, ông không đánh nhưng phải đem ngay món đồ chơi ấy trả lại cho cô chủ tiệm và xin lỗi cô.
Tôi nghe theo lời ông đã mang món đồ chơi ấy đi trả và đến trước cô xin lỗi. Từ lần đó đến giờ tôi không bao giờ dám tái phạm nữa.
Thời gian trôi qua thật êm đềm, chúng tôi lớn thêm chút nữa nên đành phải tạm biệt ông bà đến thành phố học tập, chỉ có vào các ngày lễ, tết hoặc ngày hè tôi mới được về thăm ông bà.
Mỗi lần trở về ông bà vui mừng lắm nhưng thấy sức khoẻ ông bà ngày một yếu đi, tay không ngừng run rẩy lòng tôi lại vô cùng xót xa. Rồi ba mẹ tôi cũng từ bỏ công việc trở về quê để thuận tiện chăm sóc ông bà. Ba tôi bắt đầu trồng thêm rau, nuôi cá, nuôi vài con heo chỉ mong cải thiện thu nhập để có thể chăm sóc ông bà tốt hơn.
Vào mùa mưa kéo dài cách đây 3 năm từ thành phố tôi nhận được cuộc gọi của ba nơi quê nhà “Bà mày đi mưa trơn quá nên bị ngã giờ chuyển sang tai biến, không thể đi lại được nữa rồi”. Nghe đến đấy lòng tôi thắt lại hồi hộp không thôi, tôi lo sợ, nỗi sợ mất bà. Trong ngày hôm ấy tôi và anh trai đã xin phép nghỉ học để trở về quê. Nhìn thấy bà nằm im trên giường, nước mắt tôi cứ tuôn ra. Bác sĩ bảo bà sẽ không thể đi lại được nữa và cũng không có cơ hội hồi phục nào vì tuổi đã cao, cú ngã ấy đã làm cho cột sống của bà bị ảnh hưởng dẫn đến biến chứng. Ba tôi khóc vì không thể làm gì được cho bà.
Từ ngày bà nằm bất động, ông luôn thường trực ở bên bà, khi thì bóp tay chân, khi thì xoa dầu cho bà. Thời gian đầu bà vẫn còn nói được nhưng sau đó bà ngày một ít nói hơn bởi người tri kỷ của bà đã đi trước một bước. Nghe mẹ kể lại sáng sớm hôm ấy ông lên cơn đau thắt ở ngực, than mệt rồi ba mẹ gọi đò chở ông đến bệnh viện nhưng trên đường đi ông đã không thể chịu nổi, đến viện thì bác sĩ bảo ông đã mất vì suy tim cấp. Tôi cứ ngỡ bà sẽ ra đi trước nhưng ông đã thế chỗ bà.
Sau khi ông mất bà buồn lắm, ngày càng ít nói lúc nhớ lúc quên. Có khi bà còn quên cả tên tôi. Nhưng nỗi đau này chưa nguôi nỗi đau khác lại đến, sau khi ông mất chưa giáp năm thì bà cũng từ biệt chúng tôi mà đi. Chưa đầy một năm mà chúng tôi đã mất cả hai người ông bà yêu dấu, những người đã ươm cho chúng tôi một tuổi thơ bình yên, tươi đẹp, nỗi đau này trong lòng tôi khó thể nào nguôi được.
Giờ đây khi trở về quê, về lại ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi chỉ còn lại những hoài niệm, còn lại di ảnh của ông bà nhưng trong lòng tôi ông bà vẫn mãi còn đó, bóng dáng người bà lưng còng thổi bếp nấu cơm vào sáng sớm, hình ảnh người ông mái tóc bạc phơ ngồi bắt chéo chân uống cốc trà vào buổi tinh mơ cùng những kỉ niệm ngày thơ ấu cứ hiện về. “Con sẽ luôn mãi nhớ về ông bà, ông bà yêu quý của chúng con”.
© Lý - blogradio.vn
Xem thêm: Gia đình là nơi mà ai cũng muốn về | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Ngày không em
Dù gì, được nhắn tin với anh mỗi ngày cũng là niềm vui của cô. Và thế là những dòng tin nhắn, cứ qua lại suốt gần mấy năm trời, mà đa số người chủ động nhắn tin lại là cô.

Cửa hàng của mẹ
Niềm vui của lao động, của sự tất bật với công việc hàng hóa của mẹ để rồi mẹ tạm gác lại những việc nhà lặt vặt. Thế nhưng giờ chắc có khi lại khó để thấy khung cảnh ấy.

Bức thư gửi đến quá khứ của tôi
Tôi trở lại nơi bắt đầu Nơi quê hương xanh mướt cánh đồng, Mối tình đầu chớm nở giữa hoàng hôn. Ánh mắt trong trẻo, tay nắm tay, Ngây thơ như cỏ, như hoa nở rộ

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!
Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên
Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)
Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.