Cờ Đảng giữa lao tù
2023-07-13 01:05
Tác giả: Hà Diệp
blogradio.vn - Vì buồng giam chật hẹp mà số người bị giam giữ lại đông, người tù thường xé áo căng qua tường để ngăn phòng, và khi tấm vải rách rưới trên tường được gỡ xuống, Quốc Vinh thấy lá cờ được vẽ bằng máu đã khô.
***
“... Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc Độc lập, Thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm Thủ đô một nước Độc lập, Thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”
Quốc Vinh gấp tờ giấy, chuyển lá thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi Trung đoàn Thủ đô cho Hồng Lưu. Anh thấy lồng ngực rộn rạo, bồi hồi. Anh nao nao nhớ về Liên khu 1 của anh ở Hà Nội. Thích ứng trong hoàn cảnh thay đổi là cần thiết, và không phải anh không thích ứng được. Công việc của Ủy ban Kháng chiến và công tác xây dựng Trung đoàn ở chiến khu anh đều cáng đáng. Trách nhiệm cũng nặng nề cùng khối lượng công việc đồ sộ làm anh thi thoảng bâng khuâng nhớ về những ngày hoạt động bí mật. Ngày ấy nguy hiểm nhưng công việc lại đơn giản hơn thế này nhiều. Từ lúc lên chiến khu, anh đã gặp lại đồng chí Bí thư, người cộng sự thân thiết từ thời tiền khởi nghĩa. Gặp lại tình cũ trong cảnh mới, anh chưa muốn chia tay vội, vả lại những kí ức khó quên hiện lại trong anh, những ngày khủng bố 41-42, những ngày đen tối nhất của của phong trào…
Hồi ấy, cơ sở Đảng gần như tan rã hết, anh nhớ buổi chiều chia tay đồng chí Bí thư ở Mọc và 15 phút sau thì đồng chí bị bắt. “Năm 1941…”, Quốc Vinh lẩm bẩm, anh bị địch bắt năm 1942, sau những anh em khác. Trưa tháng 3, khi vừa rời cơ sở bí mật chừng 500 mét, trực giác của người trinh sát bảo anh sắp có chuyện chẳng lành, anh chột dạ, rẽ sang hướng Hàng Gai, đi được một lúc, anh xác định có 3 tên mật thám bám theo sau. Anh bước nhanh dần lên, tim đập thình thịch. Tiếng dày da gõ vào mặt đường ngày một rõ. Cộp cộp. Cộp cộp. Quốc Vinh lao vụt lên. Anh băng qua con ngõ, lao ra đường lớn. Anh lách qua một đám đông, Quốc Vinh rẽ vào con hẻm. "Khốn nạn…" Anh chửi thầm, trước mặt anh, một khẩu súng ngắn đã lên nòng. Khuôn mặt kẻ phản bội ở ngay trước mắt, mới ba hôm trước thôi, đồng chí Bí thư cũng bị hắn chỉ điểm. Trước khi bóng tối ập đến, Quốc Vinh cảm giác cánh tay bị ai túm lấy, siết mạnh, kẻ đó muốn quật anh ngã xuống đường, đầu một vật cứng, lạnh ngắt dí vào bên mạn sườn anh. Anh bị bắt.
Cảm giác lạnh lẽo buộc Quốc Vinh tỉnh lại. Anh mở mắt nhưng ánh sáng nhức nhối của ngọn đèn cao áp làm đầu óc anh choáng váng. Quốc Vinh thử nhúc nhích người, cốt để xác minh liệu thân thể mình còn đầy đủ. Khắp người đau nhức, tay chân anh bị trói quá chặt. Tên lính Pháp nhìn anh khó nhọc cựa quậy trên ghế, nói bằng thứ giọng pha lơ lớ: “Nguyễn Quốc Vinh, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 4/1938. Trước khi theo cộng sản chống phá chính quyền thì làm việc ở xưởng in Phùng Gia Lộc. Tôi biết anh bị dụ dỗ đi theo bọn làm loạn, đời nào một thợ sắp chữ như anh lại có hành vi như thế. Anh cứ yên trí, anh sẽ được khoan hồng. Chỉ cần cho chúng tôi biết kẻ nào đã xúi giục anh. Hắn đang làm một việc rất là phi lí, tệ hại, đó là lừa gạt những người làm ăn lương thiện như các anh chống phá chính quyền. Chính quyền Đông Dương tồn tại bao nhiêu lâu nay trên cái xứ này để bảo hộ, để khai hóa văn minh sao các anh lại chống phá?”
Quốc Vinh cố nén cơn buồn nôn vừa ập đến - chẳng biết do đầu óc đang quay cuồng hay do phản ứng của cơ thể trước những lời trơ trẽn, anh cười khẩy: “Nếu đã được khoan hồng, sao các ông phải trói tôi như thế này? Dây chặt quá, thưa ông. Tôi e là không có nền văn minh nào coi việc bắt bớ, đánh đập, tra khảo người ta như biểu hiện của “nhân văn - bình đẳng - bác ái” cả. Tôi không phải đảng viên, tôi chỉ là một người Việt Nam yêu nước. Các ông nên biết người ta chỉ đấu tranh khi bị áp bức mà thôi. Chúng tôi là người Việt Nam, xứ này là đất nước của chúng tôi - của người Việt. Chính quyền của các ông, nói thẳng ra là bộ máy của kẻ đi cướp nước. Sớm muộn gì thì nó cũng bị đạp đổ. Cứ đưa tôi đến nhà giam nào tùy ý, trừ phi tôi chết, các ông đừng mong moi được thông tin nào cả. Vả lại, nếu thêm một người là tôi chết dưới mũi súng các ông, thì chính quyền thực dân dã man của các ông càng sớm một ngày bị lật đổ bởi làn sóng đấu tranh của dân chúng…”
Sầm!
Chiếc ghế ngã xuống đất. Mắt lóe những đốm choáng váng, Quốc Vinh ngửi thấy mùi gỉ sắt đầy trong khoang miệng, nhìn thấy những sợi xích sắt va vào nhau trên trần gỗ mốc xanh, nghe tiếng chửi rủa hòa vào tiếng kim loại lẻng kẻng. Những cơn đau ập đến liên tục, anh không biết mình đang bị đánh vào đâu, bằng thứ gì. Kí ức sót lại trước khi mất đi ý thức là trời đất quay cuồng, cơ thể nặng nề do máu dồn lên não. Hai mắt nhức đau bỗng nhìn rõ đôi ủng da của tên Việt gian, ra đó là phần thưởng đổi lấy từ máu thịt đồng bào.
Anh tỉnh lại nhờ cơn bỏng rát truyền khắp cơ thể. Mùi ẩm thấp hòa cùng mùi vôi tôi, mùi máu, mùi hôi thối ập vào khoang mũi. Tiếng quát tháo, la hét, tiếng rên rỉ, tiếng gõ song sắt cùng tiếng đọc mã tù nhân trộn lẫn vào nhau tạo thành thứ hợp âm khủng khiếp. Bây giờ thì đã rõ, Quốc Vinh bị chuyển đến nhà tù Hỏa Lò.
“Thủ tục nhanh gọn thật. Cứ tưởng phải chịu mấy trận nữa mới được vào tù cơ.”
- Nguyễn Quốc Vinh, mã A41315. Xà lim số 17.
Vải quần thô ráp chà trên đá lạnh, dừng lại ở khu A. Song sắt đóng lại, mấy bóng lờ dờ mà nhìn kĩ người ta mới nhận ra là người quay lại nhìn “bạn mới”. Khu A là nơi giam giữ tù chính trị và những người mà chúng cho là “phần tử nguy hiểm”, vì thế tù nhân ở khu này được hưởng “sự chăm sóc đặc biệt” của quan cai người Pháp lẫn Việt.
Quốc Vinh nhắm mắt nghĩ về những ngày sắp tới. Tình hình bên ngoài đang chuyển biến khác đi từng ngày, anh không thể ở trong đây mãi được. Trước kia anh nghe nói trong những nhà tù ở Hà Nội, Sơn La, tù chính trị vẫn duy trì mạng lưới liên lạc với bên ngoài và vẫn tổ chức đấu tranh trong tù. Ý định bắt liên lạc với tổ chức trong tù đã hình thành từ lúc nòng súng dí vào mạn sườn trên đường phố Hàng Gai, nhưng vào đây rồi mới thấy bối rối, bởi lẽ trước nay mọi hoạt động đều trong bí mật. Ngoài một số đồng chí ở Liên khu 1, Quốc Vinh không biết rõ ai cả. Số lượng tù binh nhiều vô kể, thủ đoạn của thực dân lại hết sức tinh vi, không chỉ dùng những ngón đòn tra tấn, Pháp còn cài vào hàng ngũ người tù những tên chiêu hồi, gián điệp nhằm dò la cơ sở, những đồng chí lãnh đạo đảng và những người tù kiên trung mà chúng cho là cứng đầu cứng cổ nhất.
Tuần đầu tiên, Quốc Vinh vẫn chưa biết ai là người mình cả, bất cứ khi nào có cơ hội, anh cố khơi gợi những ám hiệu bí mật trong cuộc trò chuyện với những người cùng buồng giam, hoặc tranh thủ nói chuyện với vài tù nhân mà anh cảm thấy có thể là người mình trong giờ lao động. Chỉ là những dấu hiệu hết sức nhỏ nhặt và mờ nhạt, cuộc trò chuyện có thể bị nghe lén bất cứ lúc nào và nếu bất cẩn thì không chỉ riêng anh mà cả tổ chức Đảng trong tù sẽ bị khủng bố. Mãi tới sau anh mới gặp được đồng chí liên lạc bên Liên khu 2. Như nắng hạn gặp mưa rào, trong phút chốc mọi đau đớn cùng cực sau những ngày tăm tối biến đi hết, Quốc Vinh mừng rỡ nắm lấy tay đồng chí ấy, nhưng lại rụt lại ngay, phần do lo sợ biểu cảm vui mừng sẽ bị chú ý, phần do đụng phải vết thương chưa lành trên tay đồng chí ấy.
- Hú vía, tôi cứ tưởng các cậu không nắm được thông tin của tôi. Mấy tuần liền im ắng làm chột bụng quá. Nghe nói vẫn đều đặn...
- Suỵt. Tôi qua đây cũng vì điều này đây. Theo buồng anh ạ, tối nào không trăng. Nhưng độ này chúng tăng cường kiểm tra, soát buồng, nhiều cậu bị chuyển lên Sơn La hoặc sang Sơn Tây. Phải tạm ngưng để xem xét tình hình đã…
Đêm không trăng đầu tiên từ ngày bị bắt, Quốc Vinh được tham gia Chi bộ thật. Mười mấy con người ngồi sát vào nhau trong một buồng giam chật hẹp. Anh thấy máu nóng trong người dồn lên. Sau những ngày bị tra tấn đến ngất đi tỉnh lại, Quốc Vinh tưởng có lúc không trụ nổi, giờ đây anh như sống lại những ngày có cơ sở, có tổ chức, anh thấy như có thêm sức mạnh. Người bên cạnh nói với anh:
- Nhờ thế này thì mới có tinh thần chiến đấu được anh ạ. Đấu tranh bên ngoài có nhân dân che chở đã khó khăn, vào đây mình trực diện với nó, mà nó thì có đủ quyền sinh quyền sát với mình. Cũng có người không chịu được đấy. Anh bị bắt là vì có tay khai ra.
- Vâng. Cái đấy tôi cũng hiểu. Chúng ta không có ảnh Bác thì có cờ không nhỉ? Mà trong này làm sao…
- Có đấy - không kịp để anh nói hết, người đồng chí ấy hồ hởi cắt lời - có cờ chứ. Ban đầu việc ấy cũng khó khăn, nhưng anh em quyết tâm phải tìm ra cách làm cờ. Mình thống nhất phải tận dụng những gì có sẵn. Mà sẵn nhất là gì? Máu trong lồng ngực đây. Máu chảy trong người lúc nào chả có. Vả lại bọn cai ngục có để cho máu nằm yên trong người ta đâu.
Vì buồng giam chật hẹp mà số người bị giam giữ lại đông, người tù thường xé áo căng qua tường để ngăn phòng, và khi tấm vải rách rưới trên tường được gỡ xuống, Quốc Vinh thấy lá cờ được vẽ bằng máu đã khô. Đó là máu của người đồng chí đã hi sinh trong xà lim này, cũng là máu của những người ngồi trong đây vẽ thêm lên nhiều lớp để lá cờ luôn tươi màu đỏ. Xúc động, anh kéo áo lên, vết thương ghê người nơi sườn lại ứa máu, anh đưa tay lau vết máu trên người mình, rồi quệt nó lên tường, bồi thêm một lớp đỏ vào lá cờ Đảng.
Quốc Vinh không phải tay mơ trong những hoạt động của đảng. Anh cũng có thời gian được lí luận ở Trung Quốc, gây dựng tổ chức ở Liên khu 1, song vào đây, mọi thứ hoàn toàn khác hẳn. Anh gần như mờ mịt và cần sự chỉ dẫn của mọi người. Theo lời của đồng chí cùng buồng giam, tổ chức đảng ở đây chủ yếu là theo phòng, theo phân khu. Mỗi phòng có một trăm người, mỗi phân khu có một ngàn người. Mọi hoạt động phải cách li, bí mật, đơn tuyến bằng những khâu mắt xích, dây chuyền như vậy để đảm bảo an toàn cho tổ chức. Nếu một đồng chí nào đấy không chịu nổi cực hình phải khai ra, thì chỉ mất đi một mắt xích chứ không thể làm vỡ lở ra toàn Đảng bộ. Như thế mới đảm bảo được an toàn để Đảng tồn tại, tiếp tục lãnh đạo đấu tranh trong tù.
Các buổi sinh hoạt Đảng không có quy luật và thường diễn ra vào đêm không trăng, khi những buồng giam vốn thiếu ánh sáng thêm tăm tối, mù mịt. Những giây phút ngắn ngủi, vội vàng và luôn nằm trong trạng thái cảnh giác tối đa ấy đã tạo nên sức mạnh tinh thần lớn nhất cho những người tù. Không thể ngồi yên đợi địch đến thử thách ý chí, cũng không thể khoanh tay ngồi chờ các lực lượng vũ trang bên ngoài giải thoát, Quốc Vinh bày tỏ với anh em:
- Đảng ra đời được trong lao tù thì phải nắm lấy vai trò lãnh đạo đấu tranh. Phải mở bằng được một mặt trận đặc biệt ngay trong lòng kẻ thù. Mình phải đấu tranh đòi sống, phải phản ứng lại những chiêu trò phi nhân tính của địch. Nhiều tù nhân ở đây không phải tù chính trị, làm sao đấy để họ cũng hưởng ứng mà đấu tranh với ta, nếu giác ngộ được họ thì càng tốt nữa.
Phương thức sinh hoạt trở nên linh hoạt và phong phú hơn. Những người tù tranh thủ lúc làm việc, rửa chén ăn cơm, lúc đi vệ sinh, lúc đánh cờ tướng,...; tổ chức Đảng bộ, chi bộ hoàn thiện dần. Mỗi khi có đồng chí nào bị đưa vào phòng bức cung, người ấy luôn được động viên: “Đồng chí hãy giữ vững khí tiết cách mạng, Đảng luôn bên cạnh đồng chí.” Đối với những người tù, khu 17 là nơi kết nạp Đảng viên mới
“Nhờ ý của cậu, thành lập cả Đoàn thanh niên rồi đấy. Đảng nắm Đảng viên, Đoàn nắm Đoàn viên. Khâu quản lí thành viên như thế là chặt chẽ.” Buổi trưa lúc đi quốc đất, đồng chí Bí thư khu 2 nói nhỏ với Quốc Vinh như vậy. Anh cười, tình hình bên ngoài đang biến chuyển từng phút một, mọi công tác ở đây cũng phải được hoàn thiện để khi có thời cơ phải nổi dậy tự giải phóng mình.
Hơn 3 năm ở tù, nhiều lần bị luân chuyển qua các buồng giam khác nhau, Quốc Vinh dần nắm vai trò trong tổ chức Đảng ở nhà tù Hoả Lò. Nhờ kinh nghiệm từng hoạt động trong đoàn thể từ bên ngoài, anh luôn xoay ra cách nắm bắt thông tin tù nhân mới đến hay những chi bộ khác. Những ngày tháng ở đây khiến anh thấy mình lì lợm hơn, hăng hái hơn trong cuộc chiến không cân sức này. Anh bị chứng lao do nằm đất lạnh, toàn thân đau đớn vì những trận tra điện, lộn mề gà của bọn cai ngục. Anh yếu hẳn đi, đi lại khó khăn, và anh ho suốt, mỗi lần như thế, anh thấy lồng ngực bỏng rát, cái đau từ trong cơ thể đi kèm với cái đau từ xác thịt. Những hoạt động của chi bộ gần đây cũng nhiều hơn trước, anh thấy mừng - phần vì tổ chức ngày càng hoàn thiện, phần vì những thông tin quan trọng truyền từ ngoài vào. Quân Nhật sắp thua to, chính quyền Pháp - Nhật như cái ung nhọt đầy máu mủ rồi cũng đến lúc vỡ bung. Thời cơ nổi dậy có thể đến bất cứ lúc nào.
Đêm 9/3/1945, cả thành phố dậy vang tiếng đại bác và những tràng liên thanh. Ngoài sân nhà tù, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch. Quốc Vinh ngồi dậy, "Nhật Pháp bắn nhau rồi." Tù chính trị khắp các buồng giam đập tường gọi nhau:
- Anh em ơi! Nhật - Pháp bắn nhau rồi!
Quân Nhật chiếm Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi trao đổi, nhận định tình hình Quốc Vinh thống nhất chủ trương: “Phải kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết của người cộng sản, triệt để tranh thủ lúc tình hình còn đang rối ren, quân Nhật chưa vững chân, đây là thời cơ có một không hai, cần chủ động tìm và tạo mọi cơ hội khẩn trương vượt ngục "
… Bỗng chốc mọi kỷ cương của nhà tù bị đảo lộn. Các giám thị và quan chức Pháp cùng gia đình bị dồn vào trong một khu, giám thị người Việt không còn dám nghênh ngang. Thông qua trao đổi, Quốc Vinh phổ biến cho anh em chủ trương tiếp theo là: "Ai có điều kiện trốn vào lúc nào thì chủ động khôn khéo tận dụng, ưu tiên bố trí cho các đồng chí bị án nặng ra trước…"
Từ lúc ấy, nhà tù Hoả Lò nhộn nhịp hẳn lên. Các chiến sĩ cách mạng tổ chức đấu tranh kêu oan, đòi ân xá, trà trộn với tù thường phạm, kết hợp với tổ chức và người thân cải trang trà trộn người thăm nuôi... "thăng thiên", "độn thổ" vượt ngục. Quốc Vinh không vượt ngục, anh không đủ sức để vượt ngục. Nhìn anh em lần lượt thoát ra ngoài, lòng anh nóng như lửa. May thay, những ngày sau đó, lính Nhật có nới lỏng hơn, cho người nhà đến thăm tù nhân khá đông, kẻ ra người vào thăm nuôi khá lộn xộn. Lợi dụng tình hình ấy, anh tuồn thư gửi ra ngoài, xin tổ chức cho người cải trang vào đón anh. Mấy hôm sau, khi đang nằm trong xà lim, anh nghe tiếng cai ngục gọi: "Tù binh Nguyễn Quốc Vinh ở buồng giam số 8 có người đến thăm." Quốc Vinh cố nén cơn ho, trở người ngồi dậy, anh nghe tiếng Phượng nấc lên khi nhìn thấy anh. Phượng luống cuống chạm vào anh, muốn ôm anh nhưng sợ đụng phải vết thương. Anh yếu quá, đứng không nổi, chị khoác tấm áo dệt lên người anh.
- Anh ráng thay áo, trùm khăn, bọn lính Nhật chưa quen tù binh, mấy hôm nay lại lộn xộn, em đưa anh ra bằng cửa chính. Anh chị em ở cơ sở đã sắp xếp sẵn cho anh đi nằm bệnh viện, phải khoẻ lên mới cáng đáng được công việc anh ạ. Từ bên trên truyền lệnh xuống gấp rút chuẩn bị lắm rồi. Sắp đến thời cơ cho ta nổi dậy.
Một tháng thuốc thang nằm bệnh viện, Quốc Vinh nóng hết ruột gan. Cái anh muốn sau khi ra tù là nhanh chóng tiếp cận với chỉ thị, nắm tình hình thực tế ở Liên khu 1 chứ không phải nằm một chỗ nghe truyền đạt một chiều như thế này. Anh xin xuất viện.
Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền. Ngồi trong ô tô đi vào nhà hát lớn, một thoáng Quốc Vinh ngạc nhiên trước những chuỗi sự kiện liên tiếp xảy đến. Cách mạng thành công. 2/9 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân. Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1, và trong một ngày đông cuối năm 1946, trong tiếng súng lẫn tiếng đại bác âm vang của tự vệ quân Hà Nội, anh giữ vai trò Chỉ huy Trung đoàn Thủ đô…
Quốc Vinh kéo cao cổ áo. Trời đã ấm lên, nhưng khí rừng kèm thêm mệt mỏi từ những ngày đi đường không nghỉ làm anh rã rời. Anh cố ép mình tỉnh táo, nén cơn ho. Mới lên đến chiến khu anh đã kín lịch với cơ man những cuộc họp lớn nhỏ. Quốc Vinh tranh thủ mở cuốn sổ học trò, với lấy chiếc bút máy hiệu Parker hạng phổ thông, anh đặt bút: "Việt Bắc, 7/3/1947. Trung đoàn Thủ đô lên tới chiến khu, đội du kích Hoàng Hà đã hi sinh đến người cuối cùng để Trung đoàn rút khỏi Thủ đô an toàn. Ghi nhớ tất cả chiến sĩ và nhân dân đã hi sinh trong 60 ngày chiến đấu. Quyết chiến và quyết thắng. Hẹn gặp lại Thủ đô…"
© Hà Diệp - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
30 Tuổi Chưa Có Gì Là Kẻ Thất Bại l Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.