Phát thanh xúc cảm của bạn !

Chiếc áo bà đan

2023-09-03 09:05

Tác giả: Hà Diệp


 

Blogradio.vn - Mùa đông năm nay đến muộn do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, tuy nhiên theo dự báo thì nhiệt độ vẫn có thể hạ thấp xuống mức dưới 10, các bạn hãy chú ý giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài...”

***

Giọng nói ấm áp của cô phát thanh viên thi thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng rè rè bắt sóng của chiếc radio cũ kĩ. Hồi mới lên đại học, trước khi con bé lên tàu, bà nó đã kịp dúi vào vali cháu một cái radio Tàu đã có dấu hiệu tróc sơn.  Vì rằng – “Em mang cái đài của bà đi thi thoảng nghe cho đỡ buồn, ở trọ một mình cô đơn lắm, có cái đài bật len như có tiếng người.” Giờ chị bé đã đi làm, chiếc radio đã tróc sơn đi phân nửa, nhưng nó vẫn luôn phát huy công dụng.

Thanh rời bàn đọc sách, tắt đài, chị mặc thêm một lớp áo khoác, chuẩn bị đi ra ngoài. Buổi liên hoan cuối năm của công ty phải mặc áo len màu đỏ, mà chị thì không có cái áo đỏ nào. Vả lại, đã lâu rồi chị không mua thêm áo mới, Thanh thấy hơi miễn cưỡng trước dịp mua sắm đột ngột này. Cái áo len của chị đã quá cũ và xù lông kinh khủng, một vài mũi đã bung ra dù mỗi lần chị đều giặt tay và cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể. Chị vẫn chưa muốn đổi sang cái áo khác, chí ít là cho tới khi len trên áo cũ bung ra và không thể mặc nổi nữa. Trên dưới mười lần người ta bảo chị bỏ nó đi mà mua áo mới, mỗi lần như thế, Thanh cười, lắc đầu: “Chưa được.” Gió mùa về mà không mặc nó, Thanh thấy thiếu thiếu. Đó là chiếc áo cuối cùng mà bà nội đan cho chị.

chau2

Trước đây, bà đan rất nhiều áo, mùa đông nào bà cũng đan, Thanh lớn lên đã biết điều ấy rồi. Hình như chị chưa bao giờ nghĩ nếu không đan áo, mùa đông của bà sẽ thế nào. Từ lúc còn là con bé Thanh cho đến khi người ta gọi “chị Thanh”, “cô Thanh”, mùi hương của gió mùa đối với chị là cơn nồng nàn ray ráy của những cuộn len cũ và âm thanh mùa đông là tiếng tháo áo cũ len roẹt roẹt. Giống như một vòng lặp, giống như một lẽ sắp đặt của tự nhiên, một sáng thức giấc nghe tiếng gió mùa rít gào và cào vào cửa sổ. Thanh lờ mờ nhìn thấy những kí ức mờ nhạt kéo nhau chạy về, nối tiếp thành một thước phim và chỉ chấm dứt khi hai mũi chị nghẹn cứng...

Sớm tinh mơ đầu tháng mười một, con bé tung chăn bật dậy sau chừng mươi phút cố gắng ngó lơ âm thanh roẹt roẹt từ đầu nhà. Ngái ngủ, nó cau mày đánh mấy tiếng lầm bầm trong cổ họng, vươn tay đẩy cửa sổ cho ánh sáng vào để nhìn xem nguồn cơn đánh thức nó từ đâu ra. Một hơi lạnh thổi vào khiến nó sởn gai ốc. Gió mùa về.

“Thảo nào lại lạnh thế.” Con bé nhìn sang bà nội đã ngồi đó tháo áo len tự bao giờ. 

Trời chưa sáng hẳn, ánh sáng xanh xám chui qua khe cửa rọi một dòng từ mái tóc muối tiêu, đổ qua vai áo ngả màu và cuối cùng chạm vào đôi tay thoăn thoắt vừa rút, vừa làm cuộn len thành từng quả cầu. Bà đã tháo được nửa cái áo. Thanh vén màn, nhảy tót xuống đất, xuýt xoa vì nền gạch lạnh buốt và loạng choạng suýt ngã. Nó chạy tới bám áo, lắc lư vai bà: 

- Bà ơi, bà đừng đan áo.

Người bà có tính lãng, đáp lời:

- Ừ, bà tháo áo cũ ra lấy len, rồi bà đan lại áo rộng hơn cho em.

Ra là bà tưởng nó hỏi "Bà ơi, bà đang đan áo?". Thanh nhăn mặt, cố ra vẻ cho thật tức giận, hai con mắt díp thật sát vào nhau, cặp lông mày đỏ ửng lên và nó ghé vào sát tai bà hét thật to từng tiếng: "Bà! Đừng! Đan! Áo!!" Giờ thì bà nó mới nghe rõ. Bàn tay rút len khựng lại, bà ngẩng đầu lên, mấy nếp nhăn trên khuôn mặt rám nắng giãn ra, bà hỏi nó: 

- Sao lại không đan? Mùa đông đến rồi, vài hôm nữa rét lắm, phải mặc áo len không thì ốm mất.

- Nhưng áo bà đan xấu lắm. Em không thích.

- Sao lại xấu? Bà đan cẩn thận lắm, em yên tâm. Đây này, áo len năm ngoái mũi nào cũng đều nhau hết. Hay là bà mua len mới đan cho em, được không? Đừng mặc áo dệt, áo dệt mỏng lắm, không đủ ấm...

Chẳng đợi bà nói dứt câu, Thanh ngúng ngoắng đứng phắt dậy, chạy vào trong bếp với mẹ: "Con không mặc áo bà đan! Con không mặc áo bà đan! Con không thích đâu! Mẹ mua áo len màu hồng in hình người tuyết cho con!!!" 

Năm ấy nó không mặc áo bà đan thật. Mẹ chở nó vào cửa hiệu trên thị trấn, cái tiệm có cửa kính và mỗi khi mở cửa bước vào lại có tiếng chuông leng keng. Ở đó có bao nhiêu là áo đẹp, màu gì cũng có, lại còn in hình đủ thứ vật. Đối với con bé chẳng mấy khi được ra khỏi nhà, cửa hiệu ấy như thể thiên đường trên mặt đất. Bốn bề đều là áo váy nhìn thích mê, chẳng biết chọn áo nào cho phải. Mẹ mua cho nó hai cái áo để thay đổi. Được áo mới, con bé đòi mẹ mặc ngay “Mẹ cho con mặc một lát đã rồi giặt đi mẹ”.

Nó thích thú xoa xoa bụng, thấy áo len mà mềm mịn như vải sa-tanh, chẳng như áo bà đan sợi thô mà lại chẳng có hình gì. Nó tung tăng chạy ra ngoài ngõ, khoe với đám bạn trẻ con tấm áo mới toanh, in hình chú tuần lộc nâu đứng trên đụn tuyết trắng. Con bé cười vang đầy tự hào và tự nhủ từ nay sẽ không bao giờ mặc áo bà đan nữa. Năm ấy Thanh mười tuổi.

Trong gian nhà chái, người bà mân mê cái áo đan dở, thở dài. Thế là bà thành con dã tràng và bao nhiêu công sức của bà mấy ngày rồi hóa ra công xe cát biển Đông. Người già hay suy nghĩ vẩn vơ vì đôi ba điều nhỏ nhặt, bà cứ thắc mắc mãi không hiểu sao con bé lại đòi mặc áo dệt mà chê áo bà. Thứ áo ấy có ấm đâu, ăn chắc mặc bền mới phải phép xưa nay các cụ vẫn dạy, thành thử, bà cứ lấn cấn mãi, hai ba hôm liền chẳng buồn đan mà chỉ ngồi nghĩ cho ra lí do cháu bà giận dỗi. Cho đến khi thấy miếng lưng áo màu lông chuột, sợi len sờn và nổi vân xơ, bà nghĩ ra cháu không thích áo len đơn màu.

Ngay hôm sau, từ khi sương muối còn giăng là là trên cành mít khẳng khiu, bà đã trở dậy. Kéo kín chăn cho con bé còn thiu thiu ngủ, bà rón rén bước xuống giường, đẩy cửa ra ngoài. Chiếc xe Thống Nhất lọc cọc đi trong sương lên chợ huyện. Bà ôm bụng đói băng mấy cây số lên hiệu buôn sỉ mua thêm len mới.  Bà nghĩ "Con gái thì mặc màu đỏ và hồng là đẹp nhất. Hai màu này tươi, phối chung với nhau nhòm sặc sỡ, vả lại xưa nay con gái thì cứ đỏ và hồng cả."

bai-tho-ba-va-chau-tho-mam-non-tho-thieu-nhi

Trên đường về, bà chắc bụng đứa cháu gái năm nay sẽ mừng lắm. Mọi năm áo toàn đan bằng len cũ bà tháo ra từ cái khăn được Nhà nước tặng nhân dịp bà tròn 50 năm tuổi Đảng. Mỗi năm nó lớn hơn một chút, bà lại tháo áo năm cũ ra, gộp thêm vào đó một ít len bà cất sẵn và đan lại thành áo mới. Năm nay vừa hay số len cũ thiếu đi một khúc áo. Bà mua len màu khác về đan xen kẽ vào, áo có hai màu mà cũng có đoạn len mới, mịn và bắt mắt hơn. Nhưng coi kìa, mẹ con nó sắm áo mới, một hai không chịu mặc áo bà. Mẹ nó sợ bà phật lòng, nói trẽ "Thôi thì năm nay cho cháu mặc áo khác, bà cất áo đó sang năm cháu mặc. Hoặc không thì bà chịu khó tháo ra đan lại, bà mặc cho ấm." Ừ thì thôi, không mặc thì bà mặc. 

Từ bận ấy, bà không đan áo cho nó nữa. Thanh vẫn thấy hằng năm, gió mùa về là bà lại tháo áo cũ, đan áo mới. Bà đan bà mặc. Nhiều đêm nó học khuya đến 2-3 giờ sáng, bắt đầu đi ngủ thì bà lại trở dậy tháo áo.

Bà nói: "Người già khó ngủ. Cứ đến giờ này là bà không ngủ được nữa. Tranh thủ tháo để ban ngày còn nấu cơm nhặt rau."

Bà tháo hai đêm là xong, và từ đêm thứ ba thì bắt đầu đan áo. Suốt mấy năm cấp hai, Thanh không mặc áo len bà đan nữa. Dần dà, nó cũng chẳng buồn bận tâm đến công việc đan lát, may vá của bà. Nó lớn lên, tách ra ở phòng riêng. Suốt mấy năm ấy, hai bà cháu chẳng mấy khi nói chuyện dù chung một nhà.

 

Một sớm nọ, chẳng còn nhớ rõ ngày nào, Thanh thấy gió mùa về. Trời năm nay rét căm, hơn hẳn mấy năm trước. "Tao tưởng biến đổi khí hậu phải nóng lên?"- Kéo cái mũ lông lên che đầu, nó thầm thì hỏi bạn. 

"Không biết. Nhưng đông đến gì đột ngột quá. Tao đã kịp mua áo khoác đâu. Lạnh chết mất thôi."

"Ừ, cóng hết tay chân".

Đứa con gái tóc ngang vai nheo nheo mắt, tự dưng nó thấy trong người bồn chồn lạ lạ, có cảm giác nao nao thiếu thiếu một cái gì mà chưa kịp nhớ ra. Nhưng nó chẳng có thì giờ mà tìm hiểu cảm giác xa lạ chưa chắc đã có thật ấy. Đám học trò túm tụm lấy nhau, vừa đi vừa xuýt xoa, sà vào một gánh khoai nướng bên đường. Mùa đông ăn khoai nướng. "Thích thật, ấm bụng ấm lòng."

 

Thanh về nhà khi trời đã tối hẳn. Xoa xoa hai tay vào nhau, nó mở cổng, bước vào khoảng sân tối. "Quái, bình thường cả nhà đâu có ngủ sớm thế này?" Con bé lò dò đi vào trong, nắm tay khoá cửa. Không phải khoá trong. Nghĩa là trong nhà đang không có người. Một cơn chột dạ ở đâu ập đến. Cả nhà đi vắng hết cả sao? Nhưng đi đâu mới được? Hôm nay cũng không phải ngày giỗ chạp quan trọng gì, nếu bố mẹ có công việc đột ngột thì bà vẫn ở nhà chứ? Sự bất thường ấy nhắc nó nhớ lại cảm giác nao nao lúc chiều. Thanh vội vã lục lọi hết ngăn này sang ngăn khác trong cặp tìm điện thoại. Đi học, nó để chế độ im lặng rồi nhét bừa điện thoại vào một ngăn nào đấy không nhớ rõ. Ba cuộc gọi nhỡ của mẹ. Năm cuộc gọi nhỡ của bố. 

"Thôi chết rồi..." Cơn chột dạ bùng lên thành nỗi sợ. Bố chẳng bao giờ gọi đi gọi lại cho nó nhiều như thế cả. Nó sợ nhất là bị bố mắng, mà năm cuộc gọi nhỡ, liên tiếp từ chiều đến tối, kiểu gì bố cũng rất giận. Tiếng chuông chờ vang lên, hình như tiếng tim đập của nó vang đến mức hoà vào tiếng tít tít phát ra từ trong điện thoại. Bố bắt máy. Trái ngược nỗi sợ thót tim của con bé, bố chỉ nói có mấy chữ "Bà ốm. Bố mẹ đưa bà đi bệnh viện." rồi tắt. 

Thanh đứng lặng. Giọng bố gấp gáp, hớt hải văng vẳng trong đầu. "Bà ốm."

Phải rồi, mùa đông năm nay đến sớm, hình như bà chưa kịp đan áo len. Thảo nào nó cứ thấy thiếu thiếu. Ra là thiếu cái áo màu nâu đỏ đan chắp vá bằng những sợi len đã quá cũ bà vẫn thường mặc mỗi mùa đông. Thảo nào... thảo nào... Những nỗi sợ thi nhau ập đến. Bà cảm lạnh ư? Không, nếu chỉ cảm hay phải gió thì đâu đến mức phải đi bệnh viện. Vậy là bà ốm nặng. Cả bố cả mẹ cùng đưa bà đi tức là bà ốm nặng. Nhưng ốm là ốm thế nào? Chỉ thấy yếu trong người thôi hay còn có bệnh gì nữa? Trời ơi! Sao giờ nó mới để ý mà lo cho bà! Lẽ ra phải kiểm tra lại chăn đệm và cửa sổ cho bà từ khi trời trở lạnh! Trời ơi!

“Đó vốn là việc của mình!”

Con bé không dám vào nhà. Nó mang chìa khoá, nhưng nó quyết định ngồi đợi bố hoặc mẹ về. Chừng nửa giờ sau, mẹ nó về. Mẹ thấy nó ngồi bó gối ngoài thềm, tưởng nó quên mang chìa khoá. Mẹ nạt "Lại quên mang chìa khoá. Đã dặn bao nhiêu lần là đi học phải mang chìa khoá..." Thanh không buồn cãi, nó đứng phắt dậy, túm lấy tay áo mẹ.

- Mẹ ơi bà ốm nặng không? Mẹ ơi bà bị gì đó mẹ? Bố mẹ đưa bà đi từ chiều hay là...

Mẹ nó nhăn mặt, nhằn nó. 

-Hỏi từ từ thôi. Mẹ phát hiện bà sốt lúc chập tối. Bà có vẻ cảm mấy hôm rồi. Bà bị viêm phổi.

- Có nặng lắm không, mẹ?

- Có. Bà phải nhập viện mấy bữa nữa.

0332fb89f3500579ce2b20c24e1cff21 

Mẹ đã đi vào nhà. Nhưng Thanh vẫn đứng đó. Ruột gan nó như sôi lên từng đoàn. Và quanh đầu mũi nó, không biết từ đâu mà nó ngửi thấy mùi ngai ngái, ẩm ẩm mà một thời nó từng thân thuộc, khi còn ngủ chung với bà và mặc quần áo bà may, đan.

Mùi hương của kỉ niệm mảnh và nhẹ quá, thoang thoảng qua. Con bé muốn ngửi thêm. Nhưng mùi hương ấy cứ nhạt dần nhạt dần rồi tan biến đâu mất. Nó sực tỉnh, nó nhận ra: Thời gian bên bà của nó không còn nhiều nữa rồi. Từ lâu nó đã không còn là con bé tối nào cũng đòi bà kể chuyện cổ tích cho mới chịu ngủ; và cũng từ lâu, tóc bà chuyển từ hoa râm sang bạc trắng cả rồi. Và nó hiểu ra, nó đã không làm tốt trách nhiệm của đứa cháu phải quan tâm và chăm sóc bà.

Mãi đầu tháng giêng bà mới xuất viện. Bà yếu quá, bố mẹ lại bận đi làm miết, nên bố phải nhập viện cho bà cả mấy tháng. Mà suốt thời gian ấy, Thanh không hề đến thăm bà lần nào. Nó có cả tá lí do để bận: Đi học chính, đi học thêm, ôn bài, rồi lại đi học chính... Một ngày của nó hầu như chỉ có thế. Đến lúc bà về, con bé thấy bà gầy rược hẳn đi, da thì xám ngoét - dù xưa nay nó chưa thấy bà trắng bao giờ, tóc bà ít đi một nửa, bà đi khòm hơn, và mắt bà phủ mờ một lớp bạc.

Một người không già đi nhanh thế chỉ trong đôi ba tháng. Rõ là, đã 7-8 năm từ lần gần nhất nó quan sát kĩ bà nó. Từ hôm ấy, nỗi sợ mất bà càng ám ảnh con bé. Nó dọn sách vở, chăn chiếu sang ngủ với bà.

- Em ngủ giường bên kia, đừng nằm chung với bà, hơi người già lắm.

- Không, em nằm giường bà.

- Chật.

- Em sợ ma.

- Ma mếch gì mà sợ!

Đêm đến, nằm bên nghe tiếng thở mỏng mảnh của bà, nó không dám ngủ. Thi thoảng, Thanh như không cảm giác được ngực bà phập phồng, nó lay bà dậy. Và bị bà nạt. Mỗi đêm của hai bà cháu cứ thế mãi tới mùa hè. Bà đã khoẻ hẳn. Con bé dọn lại đồ đạc về phòng mình, kì thực nó chưa muốn đi, nhưng bà cứ giục nó miết, thành thử phải tặc lưỡi để bà ngưng cằn nhằn.

Nhưng Thanh còn một điều nó cần nói, chỉ là chưa tìm ra dịp nào thích hợp để nói ra, vả, nó cũng không chắc nói ra rồi thì có thể thực hiện. Thành thử cái ý đó cứ nằm im trong bụng con bé mãi. Cho đến một dịp mà nó cảm thấy cần thiết và có thể “mở ra chiếc hộp Pandora” của riêng nó. Đấy là một ngày tháng mười một, khi nó thấy bà mở rương đựng “đồ nghề” nào len, nào móc, nào kim mà bà hằng giấu sâu dưới gầm giường. “Nếu Nguyễn Tuân gặp lại sông Đà sau mấy ngày đi rừng là nối lại chiêm bao đứt quãng thì hôm nay Thanh Thanh cũng nối lại chiêm bao đứt quãng!” Con bé tự nhủ và nó lao xuống cầu thang, bá vào cổ bà, cười toe toét hét thật to:

-Bà! Đan! Áo!

- Ừ bà đan áo bà, em mặc áo của em đi.

- Không! Bà! Đan! Áo! Cho! Em!

Bà tưởng mình nghe không rõ, bà hỏi lại, đến khi xác nhận ra điều mình nghe được là đúng, bà gật đầu bảo “Thế thì em mua len mới, em thích màu gì mua màu nấy, bà đưa tiền cho em đi mua.” Thanh chớp chớp mắt. Nó không nghĩ bà lại phản ứng đơn giản như vậy. Nó đã tưởng đến cảnh bà gạn hỏi tại sao đột nhiên nó muốn mặc áo bà đan, hay chí ít cũng phải có biểu cảm ngạc nhiên một chút, lúc đó nó sẽ dùng hết vốn liếng văn chương để bày tỏ tình cảm với bà và làm bà cảm động.

Nhưng không, cái gật đầu nhẹ tênh của bà làm những suy nghĩ của nó hóa hư vô và người chớp mắt ngạc nhiên lại là nó. Hóa ra, bao nhiêu năm thì bà vẫn mong nó chịu mặc áo của bà, một câu vòi vĩnh của nó khiến bà vui lên biết mấy. Dù đã yếu hơn xưa nhiều lắm, đến sáng ngày thứ tư là bà đã đưa áo cho nó ướm thử. Vừa in.

Đó giờ bà chỉ đan một kiểu áo ghi-lê, nhiều năm như thế đã khiến những mũi đan của bà in sâu vào tiềm thức. Thanh cầm áo lên miết vào từng hàng len chẳng đều, tự dưng nó muốn quay về đánh vào mông con nhỏ tóc xù nhõng nhẽo làm bà giận. Cái áo ghi-lê trắng sữa ấy từ đó hóa ra “bộ cánh” đẹp nhất trên đời.

Lúc xếp đồ đi học đại học, trong vali của Thanh có thêm cái radio - cùng với cái áo là hai thứ đồ mà mỗi khi nhớ bà nó lại mang ra ngắm nghía (dĩ nhiên nó nghe radio mỗi ngày và mùa đông thì phải mặc áo). Đến sau này, khi “con bé Thanh” chỉ còn dành cho bố mẹ gọi, khi mấy cô bé đồng nghiệp ít tuổi hơn vẫn cười rúc rích trêu “Chị Thanh ơi bao giờ thì nhà mốt mới được vinh hạnh xuất hiện trong tủ đồ chị đấy?” thì hai thứ ấy vẫn là vật dụng không thể tách rời. Mọi người biết cô Thanh không phải người hà tiện, nên cái sự mặc mỗi chiếc áo len từ năm này qua năm khác, mặc đến khi nó bắt đầu “cần được nghỉ hưu” mà vẫn không bỏ đi trở thành một bí ẩn cuốn hút. Vốn Thanh chẳng quan tâm đến mấy điều ấy, đôi ba bận Thanh cũng muốn cất chiếc áo vào góc tủ mà giữ làm kỉ niệm, song đến mùa rét lại thấy thiêu thiếu như “thiếu hơi”, thành thử ra cứ phải mặc mãi.

 “Thôi thì, xem như cơ hội đổi áo mới.” Thanh nghĩ thầm, chị đã khoác áo choàng mà không mặc áo len bên trong, cái Liên đã đợi dưới sảnh, hôm nay Thanh quyết định mua áo mới. Áo len của bà, phải được giữ như những kỉ niệm của bà.

 © Hà Diệp - blogradio.vn

Xem thêm:

Hà Diệp

Mình chỉ là một kẻ mộng mơ yêu viết, mình viết về những chuyện quanh mình, những người quanh mình và về chính cuộc đời mình.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

Tình khi say

Tình khi say

Tình yêu là gì mà anh nhớ em thế Tình yêu là chi mà lòng say nhanh quá

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Cô cứ nghĩ mình đã quên được tất cả và có thể sẵn sàng mở lòng với một mối quan hệ mới, nhưng hóa ra tận sâu bên trong, cô đang trốn tránh chứ không phải đối diện và quên được chúng. Cô có thật sự xứng đáng với người con trai này không?!

Người thông minh dùng nguyên tắc

Người thông minh dùng nguyên tắc "7-3" trong đối nhân xử thế, nhờ vậy cuộc đời sóng yên biển lặng

Trong đối nhân xử thế, những bí mật quan trọng vẫn nên được che giấu và không để người khác biết.

Phụ nữ 4 con giáp này được hưởng phúc về đường tình duyên, càng lớn tuổi càng hấp dẫn

Phụ nữ 4 con giáp này được hưởng phúc về đường tình duyên, càng lớn tuổi càng hấp dẫn

Thời gian trôi qua, có những thứ càng trở nên quý giá, giống như rượu càng ủ lâu càng thơm. Vẻ đẹp của 4 con giáp này cũng tựa như vậy.

Một mình trong đêm

Một mình trong đêm

Và cô cũng biết rất rõ cô không thể xa công việc, xa đồng đội, xa ước mơ của cô là đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người, như ngày nào cô đã thề và đã hứa rất xúc động rất dũng cảm trước cờ Tổ quốc cờ Đảng thân yêu.

Viết cho em

Viết cho em

Em viết cho em những năm còn vụn vỡ Lúc tình yêu em tìm chẳng thấy đâu Trái tim em găm đầy mảnh dao nhọn Và em ước gì mình chưa từng thương ai

Ngày bố đi

Ngày bố đi

Nó bắt đầu biết giúp mẹ làm việc, cái mảnh sân đầy lá hôm nay đã được bàn tay vụng về nhỏ xíu đó quét gọn, đống chén bát chất đống đó đang dần dần được vơi đi, mấy bộ quần áo hình như mấy ngày chưa giặt cũng đã được nó đem đi sưởi nắng cùng dàn hoa thiên lý. Nó dần hiểu chuyện hơn.

back to top