Phát thanh xúc cảm của bạn !

Blog Radio 758: Rời đi để thở

2022-05-28 00:05

Tác giả: Muối Giọng đọc: Hà Diễm

 

Bạn thân mến! Bạo lực gia đình, người thân độc hại là những thứ tiêu cực đè nặng lên cuộc đời người phụ nữ. Họ như bị mắc kẹt trong cái nơi gọi là tổ ấm gia đình. Họ không dám vùng lên phản kháng, không dám tự giải phóng cho bản thân vì còn trách nhiệm với con cái. Đôi khi, điều duy nhất họ có thể nghĩ đến là rời khỏi nơi ấy chỉ để bản thân có thể được hít thở dễ dàng một chút. Trong Blog Radio của tuần này, mời bạn đến với truyện ngắn được gửi đến từ tác giả Muối.

***

Nhung khó thở!

Cổ Nhung đã hằn năm ngón tay của Dũng nhưng Dũng vẫn chưa có ý định dừng lại. Dũng đang lên cơn nghiện, bây giờ chẳng có gì có thể ngăn Dũng lại. Cũng không biết đây là lần bao nhiêu Nhung bị hành hạ trong cơn nghiện của Dũng như vậy. Nhung tuyệt vọng nhìn vào khuôn mặt Dũng, tâm hồn Nhung trống rỗng rồi bất chợt nhớ lại cái khoảnh khắc gặp nhau đầu tiên ấy. Lúc đó, Nhung làm sao biết được, tưởng tượng được cái tình cảnh mà mình đang phải chịu hiện tại.

Nhung từ Hà Tĩnh vào làm công nhân ở công ty giày da Đồng Nai. Nhung từ nhỏ đã theo nếp sống gia đình khuôn phép, chẳng bao giờ chơi bời nhậu nhẹt, đi làm tới nhà thờ rồi về phòng trọ. Nhung được bé Thủy làm chung trong công ty giới thiệu tham gia nhóm sinh hoạt giới trẻ Martino của xóm đạo, Nhung cũng hơi e dè nhưng nghĩ lại chuỗi ngày lặp lại không có gì thay đổi hiện tại, Nhung vui vẻ đồng ý. Rồi cũng từ đó Nhung gặp Dũng.

Nhung và Dũng cưới nhau được 3 năm, sống chung với bố mẹ chồng, em chồng thi thoảng sẽ về thăm. Ban đầu hai vợ chồng gây lộn, bố mẹ còn ra can ngăn, nhưng lâu dẫn thành quen, bị đánh như là một nghĩa vụ của Nhung trong căn nhà này. Em chồng vì không muốn phải nhìn cảnh này đã đi làm ăn xa, hai ba tháng mới về nhà một lần. Nhung cũng chẳng biết Dũng nghiện từ bao giờ, chỉ từ khi Nhung mang thai được 4 tháng, Dũng mới hiện nguyên hình là con nghiện, Dũng làm biếng, ngày làm ngày nghỉ. Ngày thì ngủ, đêm thì đi chơi, có hôm thâu đêm không về nhà. Dũng đem tất cả những thứ có thể bán trong nhà bán hết, tiền lương của Nhung Dũng cũng lấy trộm, ngay cả cặp nhẫn cưới Dũng cũng bán luôn. Những lần giằng co, Nhung vẫn luôn phản kháng lại, đánh lại, mắng lại, không biết mặt Nhung đã sưng lên bao nhiêu lần, mắt thì chẳng khi nào hết thâm nổi. Dũng qua cơn lại quỳ xuống, khóc lóc xin lỗi và hứa hẹn rồi lại làm lành, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Làm sao có thể tin lời một người nghiện cơ chứ?

Nhưng tối hôm đó thì khác… Nhung khó thở! Nhung không còn muốn phản kháng, Nhung buông xuôi, phó mặc thân xác cho Dũng hành hạ. Trong đêm thâu, lưng bị ép vào bức tường lạnh lẽo, Nhung tưởng như mình là Mị trong câu chuyện vợ chồng A Phủ, bị trói vào cột đứng cả đêm. Rồi bỗng, con trai giật mình khóc thét lên, Nhung như bừng tỉnh. Nhung dùng hết sức bình sinh đẩy Dũng ra, xô ra khỏi phòng và vội vàng chốt cửa lại trong khi Dũng té nhào. Dũng đứng ngoài tru tréo đập cửa liên tục, đập thêm một hồi lâu biết không thể mở, Dũng mới chịu rời đi qua đập cửa phòng bố mẹ. Nhung ôm con vào lòng và khóc, khóc thương cho phận mình, cho tương lai mịt mờ của mình và con. Nhung cũng đã từng nghĩ phải rời xa nơi này, nhưng rồi lại suy nghĩ con sẽ không có một gia đình trọn vẹn, đi học bạn bè sẽ hỏi bố là ai… lại buộc lòng Nhung phải cam chịu. Nhung thầm nghĩ, rồi mình sẽ tìm cách cai nghiện cho Dũng, chỉ cần Dũng không phạm những lỗi lầm liên quan tới gái gú, Nhung vẫn có thể chấp nhận.

Có lần Dũng đánh Nhung chảy máu cả mắt, bầm tím cả mặt, Nhung đã quỳ trước mặt bố mẹ chồng và xin cho được rời đi. Mẹ chồng lạnh nhạt một câu: “Tao đã bỏ tiền ra rước mày về, mày đừng mơ bỏ trốn”. Từ lúc biết Dũng nghiện, Nhung chỉ còn biết bám víu vào bố mẹ chồng, nhưng câu nói đó của mẹ như một vết dao găm vào trái tim rỉ máu của Nhung. Trong nhà chỉ còn Hưng - em trai Dũng còn thương mẹ con Nhung, lần nào về thăm cũng mua sữa, mua bánh cho cháu và thăm hỏi động viên Nhung và là người cản những trận đòn của Dũng. Hưng cũng là người đã giúp mẹ con Nhung trốn về ngoại, nhưng chỉ được một thời gian, mẹ chồng và chồng ra tận quê để đưa về. Nhung không muốn mẹ của mình biết chuyện mà thêm sầu não, đành phải khăn gói trở vào nam. Lần đó Hưng cũng bị Dũng đánh cho sưng mặt mày. Biết rồi, Nhung không dám nhở vả ai, sợ liên lụy. Cũng vì vậy, Hưng đi suốt không muốn ở nhà, một bên là anh và bố mẹ, một bên là chị dâu và cháu, thương nhưng không biết phải làm gì.

Chiều chủ nhật, Nhung qua thăm nhà anh chị ruột của mình, anh chị nhờ Nhung đón cháu bên bà cô giữ trẻ. Khi gặp Nhung, bà cô khựng lại dò hỏi:

- Có phải vợ thằng Dũng không?

Nhung cười, gật đầu thay cho câu trả lời. Bà nhìn Nhung với ánh mặt thương cảm:

- Sao mày lại lấy thằng nghiện đó, cái hồi nó quen con Thủy cháu bà, vì nó nghiện nên nhà ra sức can ngăn, sao mày lại vớ phải nó. Mà cái Thủy cũng chơi trong nhóm Martino cũng không nói với mày à?

Nhung chết lặng, phải bấu tay vào cánh cửa để không bị ngã. Thủy trong nhóm Martino? Nhóm chỉ có một Thủy. Vậy thì còn ai ngoài Thủy – người Nhung xem như em gái, luôn tâm sự mọi chuyện cùng. Chẳng phải Thủy cũng là người giới thiệu Dũng cho Nhung sao? Nhung vội tạm biệt bà, chở cháu về cho anh chị rồi chạy tới đền Thánh Martino.

Nhung nhớ lại và xâu chuỗi mọi chuyện. Thủy ít hơn Nhung 3 tuổi, là cô bé cá tính và dễ dàng bắt chuyện với mọi người. Nhung rất quý Thủy, cứ tới ngày lãnh lương, Nhung đều chở Thủy đi ăn đi uống rồi tâm sự đủ thứ trên trời dưới đất. Khi sinh hoạt ở nhóm trẻ Martino, Thủy là người đưa Dũng tới giới thiệu mai mối cho Nhung. Dũng lúc đó hài hước, luôn chọc cho Nhung cười, chỉ sáu tháng sau Nhung và Dũng cưới. Nhung ngây thơ, đi sinh hoạt nhóm hay đi ăn, lúc nào chưa thấy Thủy cũng bảo Dũng đi đón. Thường vợ sai việc gì, Dũng cau có khó chịu nhưng sao mỗi lần đi đón Thủy, Dũng lại sốt sắng vui vẻ lạ thường. Rồi cái lần Nhung mới mang bầu, có chị khác trong nhóm bảo thấy Dũng chở Thủy đi chơi khuya, Nhung bỏ ngoài tai: “Chắc anh chở cái Thủy đi sinh hoạt về”. Rồi cái hôm Dũng bảo lái máy cẩu tăng ca cho kịp công trình, cô bán nước mía Nhung hay mua bảo “Ủa Nhung, sao tao thấy thằng Dũng đi ra từ phòng trọ nhỏ Thủy từ sáng sớm vậy?”, Nhung lại gặt phăng: “Chắc cô nhìn nhầm rồi, ảnh đi làm tăng ca tối qua, mới về nhà ngủ kìa cô…”. Nhung tin tưởng Dũng, chưa một lần hoài nghi Dũng về việc gái gú bên ngoài. Cho tới lúc biết Dũng nghiện, những đêm Dũng không về, Nhung lại chắc mẩm chắc lại chui vào xó nào đó hút chích mà thôi. Nước mắt Nhung không dừng lại được, rồi Nhung lại cười, cười trên nỗi đau của chính mình. Những chuyện đau lòng nếu là trước đây, Nhung sẽ gọi Thủy để giãi bày tâm sự. Nhưng giờ đây, nỗi đau này ai thấu, có thể nói cùng ai được. Một người là chồng, một người coi như em gái, lại đâm cho mình một nhát như vậy. À mà không phải đâm một nhát  mà có thể ngay từ ban đầu, Nhung chỉ là vật hy sinh, là con rối, là tấm màn che cho tình yêu giữa hai người họ. Nhung quỳ xuống, dâng đoạn tình cảm đau đớn này cầu nguyện cùng thánh Martino.

Nhung phải xác minh mọi việc, trong thâm tâm Nhung vẫn hy vọng đó không phải là sự thật. Nhung bắt đầu theo dõi Dũng. Cũng không cần quá nhiều thời gian, vì tối nào Dũng và Thủy cũng đi cùng nhau. Nhung vờ như không biết, mua hai ly trà sữa tới gõ cửa phòng Thủy bảo ghé chơi tâm sự. Quần áo Thủy xộc xệch mở cửa, Nhung chỉ liếc mắt nhìn vào cánh cửa đã thấy quần áo của Dũng trên móc treo, cả đôi giày Nhung mua cho Dũng đi làm cũng ở xó nhà Thủy. Thủy viện cớ hôm nay em mệt quá không ngồi chơi với chị được, Nhung cũng chẳng muốn làm ầm lên vì cũng chẳng còn tha thiết gì với người chồng nghiện của mình. Nhung cười, bảo Thủy nghỉ ngơi cho khỏe, rồi tạm biệt về nhà. Trên đường về nhà Nhung vẫn cười, cười nhưng nước mắt lại rơi. Cuộc hôn nhân này không còn một tia hy vọng nữa rồi.

Nhung khó thở!

Nhung còn con, Nhung phải bảo vệ con. Ôm con trong tay, Nhung lau khô nước mắt, gương mặt trở nên kiên định. Nhà là nơi có người thương, nhưng chồng nghiện, bố mẹ chồng không thương, nơi đây không còn là nhà của Nhung nữa rồi. Nhung phải rời đi, Nhung không muốn con của mình cũng sống trong nơi không có tình yêu thương thế này. Nhưng, trong tay Nhung giờ không có gì ngoài chiếc xe máy đã mua trước khi kết hôn. Trong đầu Nhung rối rắm chưa biết phải bắt đầu từ đâu để rời khỏi nơi khó thở này. Điều quan trọng nhất là con, làm sao để đưa con đi cùng, vì từ sau lần bỏ về quê không thành, bố mẹ chồng giám sát rất kỹ. Nhung phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho lần rời đi này.

Con trai Nhung đã gần hai tuổi, chưa tới tuổi đi học mẫu giáo, nhưng một nơi toàn khu công nghiệp thế này chẳng thiếu gì các cô nhận giữ trẻ nhỏ. Nhung phải tách con ra dần khỏi bố mẹ chồng. Nhung tìm một cô giữ trẻ gần chỗ Nhung làm và bắt đầu tạo thói quen đưa con đi, đón con về. Bố mẹ chồng ban đầu cũng không đồng ý nhưng Nhung nhỏ nhẹ đưa ra các lý do để con trai tập quen với môi trường ngoài, có bạn bè, để ông bà có thời gian đi đâu đó khi có công chuyện gấp… Cuối cùng bố mẹ chồng cũng đã đồng ý.

Nhờ đưa đón con đi học, Nhung gặp chị Hân – con chị học chung lớp với con trai Nhung. Nhờ cùng mặc áo đồng phục của công ty, Nhung và chị Hân dễ dàng bắt chuyện với nhau. Chị Hân làm kế bên chuyền của Nhung, giờ nghỉ trưa hai chị em cùng đi ăn, nói chuyện và dần trở nên thân thiết.

Từ ngày biết chuyện, Nhung hạn chế gặp Thủy, vì chỉ cần nhìn thấy Thủy, máu nóng Nhung lại dồn lên não. Khi được Thủy hỏi han, Nhung viện cớ dạo này con bắt đầu đi học bận bịu và lo lắng nhiều thứ. Cũng từ khi biết chuyện, Nhung mới nhận ra, chỉ có Nhung mới coi Thủy là chị em thân thiết, có gì cũng chia sẻ, còn Thủy, Nhung không biết gì về Thủy cả. Thủy cũng chưa từng quan tâm hỏi han Nhung, nhiều lắm cũng chỉ hứng thú với những chuyện Nhung chia sẻ về Dũng.

Ở công ty, trước đây Nhung ít nói nên cũng không thân thiết với ai ngoài Thủy. Nhưng thật may mắn, khi biết được bộ mặt của Thủy, Nhung lại có một người bạn khác là chị Hân. Chị Hân là mẹ đơn thân, tính cách hướng nội và rất kiệm lời. Nhưng riêng với Nhung, chị coi Nhung là bạn và chia sẻ với Nhung mọi thứ. Nhung luôn nhận được sự giúp đỡ từ chị và nhận được những lời khuyên giá trị về mọi việc. Qua những lần nói chuyện với chị, Nhung cũng phần nào hiểu được tính cách của chị, có lẽ được tôi luyện từ những khó khăn, những khốc liệt trong quá khứ của chị. Chị một mình nuôi con khôn lớn, đanh thép với người ngoài nhưng với con mình chị vẫn luôn là người mẹ dịu dàng. Chị chính là hình mẫu lý tưởng trong mắt Nhung hiện tại. Chị chia sẻ với Nhung cách thu chi, cách tiết kiệm để nuôi con. Nhung dần mở lòng hơn, chia sẻ tình trạng hiện tại của mình. Nghe Nhung kể, chị đăm chiêu, rồi chị bảo:

Phải rời đi thôi mày ơi, nhưng phải có kế hoạch cụ thể.

Đúng như những điều Nhung đang suy nghĩ. Và chị Hân đã vạch ra từng bước cho Nhung, chị nói:

Chị đang thấy cuộc đời chị trong câu chuyện của mày. Những kinh nghiệm chị trải qua, chị sẽ chỉ cho mày.

Có chị giúp đỡ, Nhưng tự tin hẳn và quyết tâm rời đi ngày càng nung nấu mạnh mẽ hơn.

Mỗi ngày đi làm Nhung xếp theo 1-2 bộ đồ của hai mẹ con, đồ gì cần thiết Nhung cũng mang theo mỗi ngày một ít như vậy, nhờ chị Hân giữ giùm. Ngoài chị ra không ai biết được ý định của Nhung, ngay cả anh chị ruột của Nhung, vì thỉnh thoảng anh chị cũng gặp bố mẹ chồng của Nhung, sợ lỡ lời mà nói ra. Dũng thì khỏi nói, chẳng bao giờ quan tâm lại thường đi thâu đêm làm sao biết được tủ quần áo của hai mẹ con đã vơi dần. Công ty Nhung trả lương tiền mặt nên cứ sau khi nhận lương, Nhung phải ra ngân hàng để nạp tiền vào thẻ để tiết kiệm dần, không giữ hết tiền mặt như trước, tránh việc Dũng lấy trộm lấy mất.

Một ngày thuận lợi tới, ngày mà cả bố mẹ chồng phải qua bên nhà nội để phụ chuẩn bị đám cưới cho cô út, Dũng thì vẫn ngủ mê man như thường ngày, Nhung quyết định rời đi. Nhung vẫn đi làm và đưa con đi học như thường lệ. Lúc dắt xe ra, Nhung ngoái đầu lại nhìn nơi này lần cuối rồi chở con đi. Nhung vẫn chở con tới lớp như thường ngày vì biết bố mẹ vẫn dùng cách này hay cách khác để theo dõi. Nhung cũng vào công ty nhưng không phải đi làm, mà là để lấy đồ từ chị Hân. Nhung đi bán chiếc xe máy, bắt chiếc xe ôm và tới đón con. Nhung căng thẳng tới mức tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nhung cầu nguyện, hít thở sâu và tự trấn an mình mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nhung qua lớp học đón con và báo với cô giáo đưa con đi tiêm phòng để tránh việc cô giáo nghi ngờ mà báo bố mẹ chồng. Nhung báo xe ôm chở thẳng hai mẹ con đi tới bến xe và lên chiếc xe đã đặt vé trước. Khi xe bắt đầu lăn bánh Nhung mới thở phào nhẹ nhõm.

Những tháng ngày đen tối liên tục hiện về trước mắt Nhung, rồi một loạt tưởng tượng câu hỏi của con: bố con đâu, ông bà con đâu… làm trái tim Nhung chùng xuống. Nhung nhìn con trên tay đang ngủ yên, phải chạy đường dài nhưng con không khóc, không dãy dụa, Nhung chợt thấy lòng bình yên. Nhung đặt nụ hôn lên trán con và thầm nghĩ: mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi con, rời đi để thở trước đã…

Truyện ngắn: Rời đi để thở

Tác giả: Muối

Giọng đọc: Hà Diễm

Thực hiện: Hằng Nga

Thiết kế: Hương Giang

Xem thêm:

Muối

Muối mà nhạt đi thì lấy gì ướp cho mặn lại...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top