Bạn đang nghe Blog Radio, số mở đầu một mùa xuân mới!
Bạn thân mến! Trong chương trình hôm nay Blog Radio dành trọn thời
lượng cho những dòng xúc cảm về mùa xuân, vị ấm cúng của Tết cổ truyền,
tâm của những người đón Tết xa dải đất chữ S, cùng Blog Radio du xuân
đến một vùng chợ quê và nghe những ca khúc ngọt ngào về mùa xuân!
Hương vị Tết đến rất gần
“Tết...Tết...Tết đến rồi....Tết đến trong tim mỗi người..."
Một năm đã qua đi… Càng đến những
ngày giáp Tết lòng người càng nôn nao và có cảm giác hân hoan, vui mừng.
Nô nức muốn sum họp, gặp gỡ những người thân, những người bạn lâu ngày
chưa có dịp gặp lại. Tất bật tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi được
nghỉ học, nghỉ làm đi sắm đồ để chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón Tết,
đón một năm mới nhiều may mắn và niềm vui.
Đâu đó khi đi xe vòng quanh phố xá ta nghe trong gió câu hát:
“Và một năm đi qua với bao kỷ niệm
Để ta nhớ mãi không quên…”
Bài hát “Phút giao thừa lặng lẽ” năm
nào ta cũng hát vậy mà thoảng trong không gian lành lạnh của gió tháng
Chạp, tí tách tiếng mưa rơi ngoài hiên lại khiến ta bồi hồi lạ!
365 ngày đâu có ngắn nhưng cớ sao cứ
đến những ngày gần Tết ta lại thấy lòng chênh vênh khi nhớ đến những
ngày đã qua. Và thời khắc cuối năm bao giờ cũng là những phút nhìn lại
mình, nhìn lại những thành công, thất bại, những điều đạt được và chưa
làm được để năm sau cố gắng hơn nữa.
Một năm với bao vui buồn, mất mát, hạnh phúc và những điều tuyệt vời nhất dần khép lại theo những tờ lịch cuối cùng.
Ngoài kia, đường phố nhộn nhịp người
qua lại, cửa hàng bày bán những gói Mứt Tết màu đỏ rực, những cành đào
tươi thắm, màu vàng của hoa mai, của những quả quất lấp ló sau tán lá
xanh thẫm. Tất cả báo hiệu Tết đang hiện hữu trong từng hơi thở của mỗi
người…
Hương vị Tết đến rất gần...
Gần y như mùi thơm bánh chưng vậy. Cứ dậy lên và lan tỏa trong không khí lạnh thấm qua từng lớp áo dày. Nhớ
mùi bánh chưng này quá... Nhớ ngày bé... Đã bao năm rồi chưa từng biết
đến cảm giác ấm cúng bên nồi bánh chưng ngày Tết. Lũ trẻ con lăng xăng
chạy khắp ngõ cùng nơi rồi mệt lả về bên nồi bánh chưng. Không
khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà các mẹ tất bật những
ngày giáp Tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo hay đãi đỗ, cảnh trẻ con
mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông
nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được
không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Thấy nhớ Tết ấy ...
Hương vị Tết đến rất gần...
Gần y như sắc thắm hoa đào nơi góc đường vẫn tấp nập người qua lại. Trong
hương sắc ngàn hoa ngày Tết thì hoa Đào từ lâu như có linh hồn của
chính mỗi người chúng ta. Nguyễn Bính trong bài “Xuân tha phương” đã
từng tha thiết:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Vườn ai thấp thóang hoa đào nở
Chị vẫn môi son, vẫn má hồng
Cứ
mỗi năm một lần để rồi không bao giờ sắc thắm đỏ có thể phai nhạt trong
tâm trí mỗi người bởi Đào ấy là mối tương duyên giữa đất trời và con
người...
Hương vị Tết đến rất gần...
Gần y như
không khí náo nức như làm ấm cả đất trời giá lạnh bởi những dòng người
xuôi ngược như nhanh hơn, vôi vã hơn và trong tâm trí họ là hình ảnh
thân thương của ngôi nhà. Dù đi ngược về xuôi nhưng nhất định mỗi người
sẽ cố gắng trở về nhà trước giao thừa. Bởi theo quan niệm của người Việt
thời khắc ấy là vô cùng ý nghĩa.
Cảm giác lặng
yên bên cửa sổ nhìn ngắm dòng người hối hả và cứ tự nhủ với mình rằng
ai cũng sẽ có một cái Tết thật đầm ấm và hạnh phúc bên những người thân
yêu!
Hương vị Tết đến rất gần...
Gần y như cảm xúc dậy lên trong lòng về "Đêm không mùi". "Đêm
không mùi" ấy gắn liền với thời khắc đón giao thừa - chuyển giao giữa
năm cũ và mới, trong không khí đầm ấm của tình yêu thương. Thực ra nó có
rất nhiều mùi vị, mùi nhang trầm, mùi rét ngọt lịm, mùi hương hoa
thoang thoảng… nhưng nó không đặc trưng cho một hương liệu nào lưu lại
trong khứu giác của một người đang hạnh phúc. Đó là mùi của lâng lâng,
của những ánh mắt quen, đồng điệu, ấm áp, thân thiện và đầy vị tha sau
khi đã trút lại mọi ưu phiền, mệt mỏi của một năm cũ.
Hương vị Tết đến rất gần...
Gần y như sự trông đợi của những đứa con về bóng dáng mẹ bên bếp... Nhớ
mỗi năm khi gia đình sum họp rộn ràng tiếng cười... Tết ấm cúng và hạnh
phúc khi được người thân hàn huyên những câu chuyện của năm cũ và chúc
nhau những lời tốt đẹp nhất cho một năm mới an lành. Món quà nào quý giá
hơn khi bên ta có hạnh phúc ngập tràn và yêu thương của gia đình.
Và Tết này,
ước sẽ không ai chạnh lòng khi thiếu vắng đi một chút hơi ấm vì mỗi
người sẽ có cái Tết hạnh phúc ấm áp theo cách riêng của mình.
Sẽ chỉ có cái Tết ngọt lịm thôi vì... Sẽ đong đầy yêu thương và ngọt ngào...
Thấy nhớ mỗi mùa cũ.... Và hân hoan chào mùa mới!
Nỗi niềm người phụ nữ xa nhà khi Tết cận kề
Tết đến nơi rồi!
Mọi xúc
cảm hướng về Tết của mẹ là bằng mắt thông qua những hình ảnh đỏ rực hoa
đào, màu xanh và vàng của quất cũng như màu đỏ của hàng hóa...
Đi xa
nhiều lần, xa chồng nhiều ngày, xa con nhiều tháng với những đêm dài thế
này không ngủ được khiến tôi tự hỏi bản thân mình có phải tôi là người
bản lĩnh hơn những người khác hay không? Cũng chẳng biết phải trả lời
thế nào cho đúng, chỉ biết sự học luôn rộng lớn như biển, luôn quý hơn
vàng và khi mình có thứ quý giá thì mình nghĩ cuộc sống của mình và gia
đình sẽ tốt hơn.
Tôi đang bị nỗi nhớ nhà, nhớ con quật ngã! Vì
thế tôi cũng chẳng có bản lĩnh hay kiên cường gì hơn những người phụ nữ
khác trên đời này. Tất cả những người phụ nữ xa con đi học, họ đều có
tâm trạng giống tôi, có sự đau đớn trong từng tế bào khi nghĩ đến con
nhỏ đang ở nhà mà thiếu vòng tay mẹ. Họ, những con người có khi còn vật
vã vì nhớ hơn tôi nhưng họ không viết ra được, không thổ lộ được và có
nhiều người lại không muốn thể hiện ra. Tôi khác, tôi thích được viết
những cảm xúc riêng của mình và nó đã trở thành một thói quen khó bỏ
trong nhiều năm trở lại đây. Máy tính cá nhân của tôi là rất nhiều những
file chứa đựng những cảm xúc của riêng tôi, dài có, ngắn có, vui có,
buồn có...
Ừ, có
khóc cũng không dám khóc to và thôi cố mà nuốt nước mắt vào trong vì có
khóc cũng không giải quyết được vấn đề gì nữa. Nhưng nỗi nhớ đang gặm
nhấm tâm hồn và cơ thể tôi từng giây, từng phút...
Chồng tôi
bảo "Thôi em cố gắng nhé!", bạn thân tôi bảo "Mày ơi cố lên", mẹ tôi
chỉ hỏi có một câu chứa đựng buồn phiền "Tết con có được về không?", bố
tôi chẳng bảo gì chỉ có cảm giác đôi mắt bố sau cặp kính không được vui
như mọi lần. Các con tôi, những thiên thần bé nhỏ của đời tôi thì thỉnh
thoảng lại hỏi "Khi nào mẹ về với con?" hoặc thổ lộ những ước muốn rất
lộ liễu rằng "Mẹ ơi bỗng dưng con thích mẹ cơ". Có lẽ các con tôi cũng
không tưởng tượng được sẽ xa mẹ trong 9 tháng là bao nhiêu lâu, chỉ có
thể giải thích rằng khi Tôm học hết lớp 3 bắt đầu vào năm học lớp 4 thì
mẹ về và nói với Tép rằng khi nào con vào lớp mẫu giáo nhỡ thì mẹ về.
Tôm có vẻ
thấu hiểu hơn cho những cắn dứt trong mẹ nên cu cậu cũng hay động viên
qua chát và kể lể sự tình. Tép thì có vẻ như không hiểu lắm nên thỉnh
thoảng lại "Mẹ ơi, mẹ sắp về chưa?" vì những lần xa mẹ lâu nhất cũng chỉ
là 2 tháng, đã bao giờ xa 9 tháng đâu.
Ừ, thì
tôi đang cố đây. Tôi đang cố tỏ ra mình là người bản lĩnh đây nhưng bên
trong lại là sự yếu mềm. Vẫn xác định rõ đây là con đường mình chọn, đây
là lý tưởng của mình nhưng đôi khi những đêm dài vẫn tiếp tục hành hạ
tôi và tôi lại "phải" nằm để nghĩ xem mình có phải là "người đàn bà bản
lĩnh hay không?".
Tết rồi nhưng tôi không thể về nhà…
Chợ quê
Chợ
quê. Hai tiếng ấy thật gần gũi với mỗi chúng ta. Càng gần gũi hơn với
những người đã từng gắn bó nhiều năm với chợ quê nhưng giờ đây lại đang
sống ở nơi đất khách. Mấy ai đã từng sống ở quê mà lại không biết đến
chợ quê.
Quê
tôi, một làng quê nhỏ nằm bên cạnh dòng sông Cầu lơ thơ nước chảy với
những triền sông bên lở bên bồi. Những rặng tre xanh, những ngôi trường
ngói đỏ, những mái đình cổ kính uốn cong như những dấu hỏi được treo
giữa trời ngàn năm lơ lửng, những cây đa, cây gạo cổ thụ đã từng khắc
ghi trong ký ức tuổi thơ tôi.
Tuổi
thơ của tôi. Đó là những ngày bắt cào cào châu chấu, cùng bạn bè cắt
từng cuống rạ giữa đồng chiều mênh mang gió. Tuổi thơ của tôi là từng
đợt gió bắc tràn về rét căm căm những buổi chiều tan học. Lạnh là thế,
mưa phùn gió bấc là thế nhưng không đứa nào là không tranh thủ ngắt trộm
vài bông nếp cái hoa vàng trên đường đi học về. Chạy vội về nhà, cho
ngay bông lúa vào bếp, tiếng nổ thơm giòn, nghe lách tách đến là vui.
Rồi những chiều hè rủ nhau đi bắt hến, tiếng sáo diều vi vút đến nao
nao. Hay những chiều đông tê tái cùng nhau nhặt những quả phi lao cho
vào ống bơ, đốt lửa, túm năm tụm ba ngồi xung quanh sưởi ấm, tiếng nói
tiếng cười râm ran. Ngày ấy không như bây giờ. Đồ chơi cũng không hiện
đại và nhiều loại như bây giờ. Ngày ấy của chúng tôi chỉ có thế, thế mà
vui. Vui hơn tất cả là thỉnh thoảng được theo bà đi chợ.
Chợ
quê. Đó là hình ảnh thân thương nhất của mỗi vùng quê. Chợ quê tôi nằm
cạnh bờ đê, dưới một gốc đa to. Chợ họp từ sáng đến trưa, mưa cũng họp
nắng cũng họp, chợ họp theo phiên nên bà nội tôi gọi là chợ Phiên. Muốn
biết sự phát triển của mỗi vùng quê ra sao người ta thường đi đến chợ.
Chợ quê tôi cũng thế, chợ là nơi tụ họp của khách thập phương với đủ
loại hàng quán. Chợ đông vui tấp nập, huyên náo ồn ào với đủ thứ âm
thanh và mùi vị trộn lẫn vào nhau. Chỗ tanh tanh hàng cá, chỗ đăng đắng
mùi vôi của hàng bánh đúc, chỗ mằn mặn hàng nước mắm, chỗ cay cay hàng
ớt, nơi nức mũi hàng bánh đa vừng, nơi ngào ngạt hàng hương, nơi chát
chúa hàng sắt hàng rèn…Từng đó thứ mùi vị và âm thanh cùng hòa quyện vào
nhau tạo nên sự phát triển của một vùng quê nhỏ yên bình. Thích mắt
nhất là mỗi khi sà vào hàng xén. Chao ôi ! Biết bao nhiêu là thứ. Nào
cặp ba lá, nào lược nào gương, nào vòng tay vòng cổ óng ánh đủ màu và
nhiều thứ khác nữa đã tạo nên nét duyên con gái quê tôi.
Mỗi
khi ngày mùa về, chợ Phiên ngày mùa vẫn đủ loại hàng hóa nhưng được họp
vội vàng chóng vánh. Vẫn đông vui tấp nập nhưng huyên náo, ầm ỹ hơn
ngày thường. Người vội bán, kẻ vội mua. Ai cũng muốn mua thật nhanh, bán
thật gọn để chạy ngay ra đồng kịp chở lúa về nhà trước khi ông mặt trời
đổ lửa xuống lưng hoặc tránh những cơn mưa rào bất chợt, chớp xé dọc
ngang trời. Chợ ngày mùa phảng phất mùi rơm, thơm nồng hương cốm, sớm
họp sớm tan.
Những
khi mùa lũ, nước dâng cao chỉ cách mặt đê chừng vài mét. Chợ quê khi ấy
là những chiếc xuồng, chiếc thuyền con chở rau chở cá khua lách cách
bên sông vẫn í ới kẻ bán người mua nhộn nhịp như thường.
Quê
tôi mùa đông về, hoa cải nở vàng rực những triền sông. Từ xa nhìn lại,
giữa những làn khói lam chiều bàng bạc, ta vẫn thấy những triền sông
vàng tươi màu hoa cải như thắp nên màu vàng nắng mênh mang. Những gánh
cải ngồng vừa cao vừa dài được các bà, các chị xếp ngay ngắn gánh ra chợ
bán trông thật tươi ngon và đẹp mắt. Cái mùi ngai ngái nồng nồng ấy
không biết từ bao giờ đã trở thành một mùi đặc trưng quen thuộc của mùa
đông ở những phiên chợ quê tôi. Và tôi yêu cái mùi ngai ngái ấy từ khi
nào không hay. Mùi ngô nếp thơm và dẻo, mía nướng ngọt ngào thơm mùi
mật...tất cả lan tỏa vào nhau làm cho ta cảm thấy ấm áp đến không ngờ.
Lâu
lắm rồi tôi mới có dịp về thăm lại chợ quê. Nơi hai mươi năm trước là
chợ bây giờ vẫn là chợ. Nhưng chợ bây giờ không phải là những mái lều
được lợp bằng rơm, cói, lá dừa hay những mảnh vải bạt dựng tạm để tránh
nắng trú mưa mà thay vào đó chợ đã được quy hoạch gọn gàng, hàng hóa
phong phú đa dạng. Đường vào chợ không còn lầy lội, chênh chao giữa mùa
mưa phùn gió bấc như trước đây nữa mà được sửa lại khang trang rộng mở.
Vẫn thơm mùi gừng khi đi ngang qua hàng ốc luộc, vẫn mặn mòi mùi hến,
vẫn nặng lòng mùi nước ngọt phù sa, vẫn nửa đục nửa trong, vẫn cây đa
bến nước, vẫn đắng vẫn cay hanh hao mùi gió, vẫn “từng vị heo may trên
má em hồng”… Chợ quê ngày nào, bây giờ càng thêm đông đúc nườm nượp hơn
xưa.
- Gửi từ email Nguyễn Thúy Hạnh
Blog Radio chuyển thể từ email bạn đọc: Thu Hà - Tôm Tép - Thúy Hạnh