Yêu thương gói trong những chiếc nem ngày Tết
2021-02-16 01:30
Tác giả: Kaya
blogradio.vn - Tôi chẳng phải là một đầu bếp tài ba, thậm chí cũng không dám nhận mình giỏi nữ công gia chánh, nhưng tôi học được từ cô Thủy tình cảm là thứ một gia vị rất quan trọng, đối với cả người nấu lẫn người thưởng thức. Vì lẽ đó, món nem của tôi mới là số một trong lòng bố và ông nội. Hạnh phúc ý mà, ở gần lắm, chẳng cao xa đâu.
***
Gia đình tôi ăn Tết cũng không hẳn là quá truyền thông, vì mọi người đều không thích cầu kỳ. Tuy nhiên mỗi khi Tết đến tôi và mẹ luôn dành ngày 28 âm để gói nem, món ăn tôi thích nhất.
Nghe mẹ kể rằng từ nhỏ tôi đã rất thích ăn những món cuốn. Ngày Tết sang nhà ông bà nội, tôi vẫn luôn được bà để dành cho món này. Khi tôi có em trai, năm tôi học lớp 7, mẹ tôi bận bịu hơn nên cỗ bàn ngày Tết lại đơn giản hơn ít nhiều, đĩa nem rán được thay bằng những gói nem đông lạnh bán sẵn ở siêu thị.
Tôi nhớ chiếc nem đầu tiên tôi gói lại không phải vào ngày Tết. Đó là mùa hè sau khi chúng tôi tốt nghiệp cấp 2, cô bạn thân của tôi chuẩn bị cùng gia đình sang Bỉ. Mẹ của cô bạn đó cũng chính là cô giáo dạy Văn, Sử của chúng tôi. Trước ngày xuất ngoại, chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan chia tay. Và ngày hôm đó, cô Thủy đã dạy tôi gói chiếc nem đầu tiên.
Là người gốc Hà Nội nên cô nấu ăn rất khéo. Cô kể cho chúng tôi về nguồn gốc, chỉ dạy cho chúng tôi từ cách lựa chọn nguyên liệu, chế biến ra sao. Cô cầm tay hướng dẫn từng đứa cách cuốn sao cho vừa vặn, nhắc chúng tôi rằng một chiếc nem vừa vặn cũng là thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ đất Hà Thành. Cuốn chiếc nem nhỏ quá có thể khiến người khách đến chơi nhà nghĩ rằng chủ nhà keo kiệt, ki bo nhưng nếu cuốn to quá lại cho thấy sự vụng về, thô kệch.
Con gái chúng tôi ngày đó đều là những đứa chỉ biết ăn, học, chơi, nấu bữa cơm cũng chỉ biết luộc rau, rán trứng, vậy nên khi được cô Thủy cầm tay chỉ dạy thì đứa nào cũng hào hứng. Cô còn dạy chúng tôi cách chuẩn bị một bát nước chấm đúng vị. Có đứa kêu rằng “Con biết pha nước mắm” nhưng cô chỉ cười. Nào đâu phải chỉ rót nước mắm ra, cho thêm vào lát tỏi, vài lát ớt, bày lên mâm là xong.
Cô dạy chúng tôi rằng đối với rất nhiều món ăn truyền thống của dân tộc, chính nước chấm hay nước dùng mới là linh hồn. Cũng là những nguyên liệu đấy, nhưng cách gia giảm, nêm nếm của những người nội trợ sẽ thổi hồn cho món ăn. Pha một bát nước chấm ngon rất cầu kỳ và đôi khi cũng phụ thuộc vào khẩu vị sành ăn, tinh tế của người chế biến.
Lũ trẻ con chúng tôi lúc đó chỉ biết nghe như vậy, chứ chưa đứa nào “nhập tâm” được những lời dạy của cô. Giờ đây nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng bữa ăn hôm đó không chỉ là bữa liên hoan chia tay. Dường như cô Thủy đã dành rất nhiều tâm sức để nấu những món ăn truyền thống của Việt Nam trước khi xa Tổ Quốc.
Từng cọng rau, từng sợi bún, từng bát canh…đều được cô “tẩm ướp” thứ gia vị mang tên “nỗi nhớ”, vì cô biết rằng khi đặt chân đến nơi ở mới, dù cố gắng thế nào thì những hương vị quê hương này cũng sẽ không được trọn vẹn. Cô muốn nấu một bữa ăn thật Việt Nam, muốn truyền những kiến thức về tinh hoa ẩm thực dân tộc cho những đứa trẻ vẫn còn ngây ngô, nghịch ngợm chúng tôi.
Trong suốt nhiều năm sau, ngay cả khi cô đã có một cửa hàng chuyên bán thực phẩm Việt Nam trên đất Bỉ, cô vẫn nói với chúng tôi rằng dù có đầy đủ nguyên liệu để làm món nem rán nhưng nêm nếm thế nào cô cũng cảm thấy không thể tròn vị ngon. Có lẽ là do cô thưởng thức món ăn không chỉ bằng vị giác mà còn bằng trái tim, bằng nỗi nhớ.
Những đứa trẻ của cô năm nào nay đã trở thành những bà nội trợ đúng nghĩa, vậy nhưng chúng tôi vẫn “run” khi đứng bếp nấu bữa cơm Việt Nam cho cô mỗi năm khi cô về nước. Và trong những bữa cơm đó, cô vẫn phải làm trọng tài chấm xem đứa nào cuốn nem đẹp hơn.
Tết nay đã bớt cầu kỳ đi rất nhiều, những món ăn trong mâm cơm ngày tết cũng ngày càng thêm những món ăn mới, đủ hương vị từ Á đến Âu. Phụ nữ chúng ta chỉ cần mất mấy phút order là từ nồi canh bóng, bát canh măng, cho đến gà luộc thắp hương, đĩa xôi, khoanh giò…sẽ được mang đến tận cửa.
Mỗi người một quan điểm, như với tôi, từ mùa hè năm đó thì tôi không bao giờ mua những gói nem đông lạnh nữa. Dù cầu kỳ, dù mất nhiều thời gian, hàng năm khi đến Tết tôi vẫn tự tay cuốn từng chiếc nem cho gia đình.
Ông nội tôi chỉ ăn món nem rán do tôi làm, chắc hẳn ông cũng không chỉ thưởng thức bằng vị giác, mà còn bằng sự cưng chiều đứa cháu gái vụng về này. Và hạnh phúc lớn lao nhất là khi ông nội nói rằng “Ông chờ đến Tết để ăn nem của con đấy”.
Tôi chẳng phải là một đầu bếp tài ba, thậm chí cũng không dám nhận mình giỏi nữ công gia chánh, nhưng tôi học được từ cô Thủy tình cảm là thứ một gia vị rất quan trọng, đối với cả người nấu lẫn người thưởng thức. Vì lẽ đó, món nem của tôi mới là số một trong lòng bố và ông nội. Hạnh phúc ý mà, ở gần lắm, chẳng cao xa đâu.
© Kaya - blogradio.vn
Xem thêm: Cho tôi tấm vé tìm về Tết đoàn viên
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Đơn phương một người có lẽ rất khó khăn
Bởi mỗi khi cô ngồi yên trong lớp vì thời gian nghỉ giữa tiết không nhiều, cứ mỗi lần nhìn vu vơ ra ngoài lại sẽ bắt gặp ánh mắt của cậu ta. Mặc dù ngay sau đó cậu ta đều đánh mắt đi chỗ khác, nhưng làm sao mà che dấu được sự thật.
Dù có đi đâu cũng sẽ quay về
Tôi đã đôi lần hỏi tại sao mẹ không từ bỏ tôi. Nhưng mẹ đều nói mọi người đã từ chối sự ra đời của tôi đến mẹ cũng vậy thì tôi sẽ ra sao. Thế nên, mẹ không đành lòng làm vậy.
Chờ người em thương
Hình như mùa thu lại về rồi phải không anh Em nghe ngoài kia gió vươn mình qua lối Nghe hoang hoải những chiều qua vội Nghe chạnh lòng nắng nhạt màu hanh hao.
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Bởi kì thực, trong mỗi bước đi của cuộc sống đều mang theo những khoảnh khắc ý nghĩa, đôi khi ta chạy quá nhanh để bắt kịp thành tựu, tiền tài, danh vọng để rồi bỏ lỡ nó.
Tương tư
Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời
Bình minh trên phố
Khi ánh bình minh vừa ló dạng, Phố nhỏ bừng tỉnh trong sương mai. Ánh nắng vàng rơi từng giọt nhẹ, Làm bừng sáng những ước mơ dài.
Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác
Ở vùng quê này, người ta sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Họ có thể không giàu có về vật chất, nhưng lòng họ luôn đầy ắp sự chân thành và nghĩa tình. Má dạy con rằng, dù sau này có đi xa, có thành đạt, con vẫn phải giữ lấy tấm lòng chân chất đó.
Hồi tưởng về tuổi thơ tôi
Đôi khi tôi tự hỏi bản thân sao giờ lại bỏ mặc người bạn thiên nhiên gắn bó thân thiết thuở nhỏ của mình, từ những cơn mưa rào rạt rơi lộp bộp trên mái tôn làm mát dịu bầu không khí tới những tán lá râm mát đã che chở tôi khỏi cái nắng tháng 6 oi ả.
Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép
Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép, để ghép được thì cả hai mảnh đó phải hợp nhau chứ không phải giống nhau. Và muốn tìm được cái hợp nhau thì rất khó, muốn ghép lại được với nhau thì cần phải có thời gian.
Ba ơi ba đâu rồi?
Ba mẹ của anh chị tin anh chị đấy, rất mực vững chãi nữa đấy nhưng thời hạn để thực hiện lời hứa của anh chị là bao lâu vậy? Là một năm? Là năm năm? Hay cả cuộc đời để tranh giành những thứ của cải vật chất phù hoa kia...