Phát thanh xúc cảm của bạn !

Món ăn quê hương

2023-07-16 04:25

Tác giả:


blogradio.vn - Tôi nhìn những phên bánh được phơi rất nhiều mà cứ nhớ đến bà, nhớ đến những ngày khó khăn gian khổ một thời, người ta vẫn cứ bươn chải vẫn cứ vươn lên để sống, xe chạy qua lâu rồi mà nỗi nhớ cứ theo tôi suốt đoạn đường dài.

***

Tôi len lỏi qua mấy con đường mới đến được nhà dì, nói là nhà chứ thật ra đó là một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất bánh tráng. Tôi đi công việc giúp một người quen trong xóm, vì cô ấy đang bị đau chân không đi xe máy được, mà cô ấy chỉ tin tưởng muốn tôi làm giúp, tôi thấy chuyện cũng dễ nên gật đầu.

Tôi chỉ ấn tượng với người phụ trách lò bột ở đó, có lẽ đó là công việc nặng nhất hay sao tôi không rành lắm, và thời gian ở đó cũng ngắn. Tôi chỉ thấy ông ta cứ bậm môi và mồ hôi ướt đẫm áo, tôi lo xong việc nên đi về.

Nhưng nơi đó làm tôi nhớ đến bà, một người bà cũng sinh sống bằng nghề làm bánh tráng mà những ngày còn nhỏ má tôi hay bảo tôi đến tận lò để mua. Tôi được nhìn tận mắt những chiếc bánh tráng nóng hổi có mè được rắc lên, được bà lấy ra vô cùng khéo léo trong cái nồi to trên bếp lửa vừa bằng củi vừa bằng rơm rạ, mới nhìn giống như những cái bếp chuyên làm bánh cuốn. Rồi bà trải bánh ra những cái phên tre thật dài, mỗi phên như vậy có thể chứa bốn hay năm cái bánh, cứ vậy bà mang ra phơi ngoài nắng.

Vì bà chuyên sống bằng nghề bánh tráng nên phía sau nhà là nguyên một cái kho chứa toàn là phên nứa bằng tre để phơi bánh. Bà nói nghề này chỉ làm được vào mùa nắng chứ mùa mưa là chịu. Mà người ta đặt hàng ở bà nhiều lắm, rồi bà cũng bán lẻ tại nhà nên ngày đó bánh tráng của bà là nổi tiếng một vùng.

Bà qua đời vì tuổi già, rồi không ai nối tiếp công việc của bà nên lò bánh cũng không còn từ đó.

Cả nhà tôi ai cũng thích ăn bánh tráng, nhất là tôi, có lúc chỉ cần nhúng nước rồi chấm với nước mắm hay xì dầu mà tôi cũng ăn ngon lành. Bánh tráng nhúng rồi bánh tráng nướng, mà ngày nay kỹ thuật công nghệ hiện đại hơn, vì người ta đã nướng bánh bằng điện chứ không còn nướng bằng than như trước.

Ấy vậy mà tôi vẫn hay ghé mua ở nhà một người quen của tôi, ngay trên một con phố chính của thành phố. Chị vẫn duy trì truyền thống nướng bánh bằng than, và bếp lửa luôn được đặt ngay phía trước nhà. Bánh nướng trên bếp than hồng luôn có mùi thơm thơm dễ chịu, và người đi đường có thể nhìn thấy rất rõ một phụ nữ đã rất lớn tuổi vẫn suốt ngày từ sáng đến chiều quạt than và nướng bánh. Mà người ta cũng mua rất nhiều, có lúc không nướng kịp nên khách mua phải ngồi chờ.

Bây giờ có nhiều loại bánh lắm chứ không như ngày xưa, những loại bánh đủ kiểu dáng to nhỏ hình dạng khác nhau, và cũng rất tiện lợi cho mọi người. Tôi thấy bánh tráng cũng là một trong những thực phẩm truyền thống của đất nước mình, mà gần như ai cũng thích ăn. Rồi khách nước ngoài cũng vậy, họ cũng biết và cũng thích bánh tráng, vì có thể ăn bất cứ lúc nào, vừa đơn giản vừa có thể ăn kèm với các loại thực phẩm khác như thịt cá rau sống. Ông xã tôi là rất thích món bánh tráng cuốn rau sống với cá nướng cá hấp.

Tôi nhớ ngày xưa tôi đã xin bà cho tôi được thử làm bánh vì tôi thấy thích quá. Nhìn những cái bánh đang rất nóng rất dẻo trong nồi vừa được lấy ra, mà tôi cứ lo chỉ cần sơ xuất tí xíu là bánh sẽ rơi xuống đất hay bị đóng cục lại, vì vừa ra khỏi nồi là phải trải ngay bánh trên cái phên. Tôi nhìn hai tay bà thoăn thoắt như một diễn viên múa và thích được làm như bà, bà chỉ cười và nói ngó vậy chứ không đơn giản, ai không quen là bánh sẽ bị hư ngay.

Có những lần tôi đi công việc hay đi công tác, ở những ngày còn đi làm, tôi ngồi trên xe mà nhìn hai bên đường người ta phơi bánh tráng dưới cái nắng kinh người. Tôi nhìn những phên bánh được phơi rất nhiều mà cứ nhớ đến bà, nhớ đến những ngày khó khăn gian khổ một thời, người ta vẫn cứ bươn chải vẫn cứ vươn lên để sống, xe chạy qua lâu rồi mà nỗi nhớ cứ theo tôi suốt đoạn đường dài.

Mỗi lần tôi có việc phải vào trong chợ lớn, tôi hay đi ngang qua những sạp bán bánh tráng, mà người bán toàn là người quen, là những người khi xưa từng là bạn của má tôi khi má tôi còn buôn bán ngoài chợ. Những cô những chị đã rất lớn tuổi, vẫn kiên cường bám trụ với nghề làm tôi thấy phục quá. Tôi chào họ và nhìn những thùng bánh đủ loại được bày bán rất khéo trên sạp, rồi dừng lại hỏi thăm vài ba câu. Họ cũng đáp chuyện rất hồ hởi nhưng họ nói buôn bán bây giờ ế ẩm lắm chứ không được như xưa.

Chắc hôm nay tôi ăn bánh tráng nên viết về bánh tráng. Một món ăn bình dị nhất dân dã nhất chứa đựng trong đó biết bao công sức biết bao tình người, và với những người con xa quê hương thì còn chứa đựng biết bao tình quê hương xứ sở.

Đất nước mình có những vùng nổi tiếng về bánh tráng, như bánh tráng Tuy Hòa, bánh tráng Tây Ninh, mà tôi thấy cho dù không phải là bánh của những nơi đó thì chất lượng và mùi vị của bánh cũng ngang ngửa không thua kém. Cảm giác bẻ một miếng bánh nướng cho vào miệng, vừa giòn rụm vừa tan ra trong miệng và cứ muốn ăn mãi. Cảm giác cầm một cuốn bánh có đủ rau đủ thịt hay cá rồi chấm vào chén nước chấm, cho lên miệng cắn một miếng mà cứ nghe chất dẻo dẻo của bánh cùng các hương vị khác hòa trộn vào để ăn lần này rồi lần sau lại muốn ăn nữa.

Bánh tráng là một món ăn của quê hương, mà cái gì của quê hương cũng làm người ta nhớ mãi. Một món ăn luôn mang tâm hồn luôn mang tình quê trong đó, cho cả những ai đi xa sống nơi xa, và cho cả những ai từng ngày vẫn luôn gần bên những chiếc bánh.

Bánh tráng, gợi người ta nhớ đến bếp than hồng, gợi người ta nhớ đến những ngày ấu thơ hay nấu ăn với bếp than bếp củi. Mà những ngày xa xôi đã qua đó lại giúp người ta mạnh mẽ như hôm nay.

Bánh tráng

Sẽ còn mãi hồn quê trong đó

Bánh tráng

Sẽ còn mãi lòng tôi trong đó.

© HẢI ANH - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Tuổi trẻ, tình yêu và lý tưởng | Radio Truyền Cảm Hứng

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thích ứng với cô đơn

Thích ứng với cô đơn

Những chuyện ngày xưa kể nhau nghe hằng tuần đã trở thành những thước phim tồn đọng, và chính chủ cũng đang dần quên đi những nỗi đau chứa đựng bên trong đó mất rồi.

Nếu có kiếp sau... chỉ mong hai chữ “tương phùng”

Nếu có kiếp sau... chỉ mong hai chữ “tương phùng”

Với cô, anh là khoảng trời bình yên sau bao giông bão của cuộc đời. Để rồi thương nhau.

Hành trình chữa lành và sống sót sau chia tay

Hành trình chữa lành và sống sót sau chia tay

Thi thoảng, mình lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp với người ấy, rồi lại tự đặt ra vô vàn câu hỏi, kiểu nếu như mình đã làm khác đi, nếu như mình kiên nhẫn và vị tha hơn, nếu như người ấy chịu thay đổi đi một chút nhỉ…

Mùa đót chổi

Mùa đót chổi

Hân thương các học trò của mình. Tình thương yêu của Hân, một cô giáo miền xuôi vượt đèo, lội suối lên gieo chữ nơi miền ngược suốt ba năm nay là cố gắng dạy cho các em viết được những nét chữ nắn nót, vuông vắn, biết đọc ê a đánh vần hay những phép tính, bài toán đơn giản.

Gió qua miền kí ức

Gió qua miền kí ức

Tuổi 18 đôi mươi Cùng những ngày vội vã Hôm nay mưa tầm tã Sao em buồn thế em?

Nơi trái tim khao khát về

Nơi trái tim khao khát về

Cứ như vậy, trong vòng xoáy vội vã, không ngừng của cuộc sống, cô và Phát dường như sống chậm lại, chia sẻ những cung bậc đường đời, cảm nhận niềm vui bình dị của tình bạn.

Mùa cao su thay lá

Mùa cao su thay lá

Khung cảnh vừa nên thơ lại vừa huyền bí. Dễ nhận ra, đây mới là hương sắc của Tây Nguyên vậy.

Nhặt lá mai ngày tết

Nhặt lá mai ngày tết

Họ bảo: mai cũng cần thay lá để đón xuân giống như con người được khoác lên mình bộ quần áo mới đầu năm vậy. Họ nói trong điệu hồ hởi, phấn khởi rồi bắt đầu công việc quan trọng của mình.

Những mảnh ký ức (Phần 7)

Những mảnh ký ức (Phần 7)

Mẹ cáu vì tôi bướng và ngang ngạnh nên cứ thế cầm cả cái chổi quật, tôi thì lỳ nhất định không xin. Cứ thế mẹ quật nát cả cái chổi, còn tôi bỏ ăn lên trốn trên gác thượng hờn dỗi và nức nở…

Những mảnh ký ức (Phần 6)

Những mảnh ký ức (Phần 6)

Tiếng bù lu bù loa láo loạn cả giấc trưa. Bà Bình sang từng nhà gọi, kết quả là băng đảng tan rã, tình cảm sứt mẻ, cả hôm sau đó chúng tôi phải ở trong nhà cấm không được đi đâu chơi. Tôi và con Nguyệt đáng nhẽ thoát, nhưng Thọ đen lại khai ra có cả tôi trong vụ đó nữa. Thật đáng buồn!

back to top