Mẹ bảo: Muốn giúp người khác, đơn giản hãy làm tốt công việc của mình
2021-04-18 00:05
Tác giả:
Giọng đọc:
Bạch Dương
Bạn thân mến! Chúng ta lớn lên với những kỷ niệm bên cha mẹ. Cha mẹ chính là những người người thầy đầu tiên dạy chúng ta những bài học đầu đời. Mẹ giống một khu vườn xanh mát, luôn mang đến cho ta cảm giác an lành, dễ chịu. Mở đầu chương trình của tuần này, mời bạn lắng nghe bài viết:
Khu vườn của những yêu thương (An Hạ)
Mẹ tôi có một khu vườn nhỏ sau nhà. Mỗi ngày, mẹ tôi đều dành những thời gian rảnh rỗi để chăm sóc cho khu vườn của mình. Khi thì gieo hạt, khi cuốc đất, dọn cỏ. Dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, khu vườn lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ và xanh mướt những luống rau. Ai đến chơi nhà cũng mê tít khu vườn xinh xắn ấy.
Có lần, tôi hỏi mẹ:
- Sáng nào mẹ cũng đi chợ, sao mẹ không mua rau luôn cho nhanh còn vất vả trồng làm gì thế?
Mẹ cười, bảo:
- Mẹ thích công việc này, được làm việc mà mình yêu thích sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái. Hơn nữa mỗi ngày đều có rau sạch cho bữa cơm của cả nhà, mẹ còn thấy vui lắm đấy! Việc gì cũng vậy, dù lớn lao hay nhỏ bé, nếu mang lại hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh, thì đều nên làm con ạ!
Chín, mười tuổi, tôi đã đủ lớn để hiểu những lời của mẹ. Và tôi hiểu tại sao, mẹ luôn để chúng tôi làm những việc mà mình yêu thích, dù có không ít việc thật ngốc nghếch và chẳng có kết quả. Như việc hai chị em tô trát gần hết hộp phấn trang điểm của mẹ lên mặt chỉ để cho xinh hơn, nhưng thực chất chẳng khác gì “ma nữ”. Hay việc dùng đến cả tập giấy in của mẹ chỉ để vẽ bông hướng dương cho thật đẹp hưởng ứng chương trình ủng hộ bệnh nhi ung thư trên mạng xã hội...
Vườn mẹ trồng đủ các loại rau, mùa nào rau ấy, quanh năm. Rau nhà ăn không hết, mẹ thường gói ghém cho chị em chúng tôi mang biếu ông bà, các bác. Mẹ bảo: “Nhà mình trồng được rau sạch, nên chia sẻ cho mọi người”. Hai đứa tôi thích lắm, vì được làm shipper cho mẹ. Và vì một lí do khác nữa, là mỗi lần mang biếu rau, ông bà và các bác, các thím đều cho lại cái kẹo hay phong bánh. Trẻ con mà, chỉ thế là vui rồi. Càng lớn lên, tôi càng thấm thía câu nói của mẹ: “Khi các con cho đi lòng thơm thảo và sự quan tâm, các con sẽ nhận về những điều đó từ mọi người!”
Và mẹ đã rất vui, khi bình thường, chúng tôi chắt chiu từng đồng lẻ để nuôi lợn, nhưng khi xem những hình ảnh về đồng bào miền Trung đau thương trong cơn lũ cuốn, thì chúng tôi lại sẵn sàng mổ lợn để góp những đồng bạc lẻ ấy ủng hộ cho đồng bào. Mẹ còn giúp chúng tôi soạn sắp lại những bộ quần áo đã chật để chúng tôi háo hức mang tất cả ra nhà văn hóa gửi lên chuyến xe chuẩn bị đi vào cứu trợ miền Trung.
Những khi rảnh rỗi, chị em tôi thường ra vườn giúp mẹ tưới nước, nhặt cỏ. Bắng nhắng, lăng xăng, có lần dẫm cả lên rau rồi lấm lét chờ mẹ mắng. Nhưng mẹ chả bao giờ mắng, kể cả khi tôi ngây ngốc hỏi: “Ơ, thế mẹ không mắng à?”, mẹ cũng chỉ bảo: “Các con biết lao động, biết làm việc giúp mẹ là mẹ vui rồi, kẻ lười biếng không chịu làm việc mới đáng trách mắng. Còn khi đã biết làm việc, sai ở đâu thì sửa ở đó! Mấy cây rau hỏng này, giờ làm thế nào nhỉ?”. Tôi bảo: “Để con trồng cây khác thế vào”. Và thế là chị em tôi đi tỉa những cây mới trồng lên đó. Dĩ nhiên, cũng sẽ cẩn thận hơn để không dẫm lên rau nữa.
Cuối vườn, mẹ trồng một khóm bí. Từ lúc nào, khóm bí ấy đã lên xanh mơn mởn và trổ bao nhiêu là hoa, những bông hoa vàng ươm và mịn màng lụa phấn. Đứa em tôi thích quá, lại gần, ngắm nghía. Nó vạch đám lá mướt xanh và reo lên: “A, mẹ ơi, bao nhiêu là quả này! Một, hai, ba, bốn...”. Nó đếm đi đếm lại mà không biết chính xác là có bao nhiêu quả nữa. Nó hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Những trái bí này đã được sinh ra như thế nào?
Mẹ chỉ cho chúng tôi những bông hoa bí vàng ươm, nói:
- Mấy đứa có nhìn thấy những bông hoa đực và những bông hoa cái kia không? Chúng thụ phấn cho nhau để sinh ra những trái bí.
Tôi thắc mắc:
- Nhưng chúng cách xa nhau như vậy thì làm sao có thể thụ phấn cho nhau hả mẹ?
- Nhờ những con ong con ạ! Chúng bay qua bay lại để hút mật, chân của chúng mang phấn từ hoa này đến hoa kia, và trái bí đã được sinh ra như thế.
Tôi reo lên:
- Thật tuyệt vời, con ong chỉ làm việc hút mật của mình mà lại có thể giúp cây ra trái.
Mẹ ôn tồn nói:
- Đúng thế, con người cũng giống như loài ong vậy, chỉ cần mỗi người làm thật tốt công việc của mình là đã giúp mang đến những điều tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội. Mẹ mong là sau này lớn lên, con cũng sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình.
Mẹ tôi là thế, thật giản đơn nhưng cũng thật sâu sắc. Từ vườn cây của mẹ, tôi đã học được biết bao bài học cuộc sống bổ ích. Cảm ơn mẹ, vì tất cả những hành trang mẹ tỉ mỉ gói ghém chuẩn bị cho chúng tôi bước vào đời.
Bạn thân mến. Không chỉ trồng cả một vườn cây, nhiều người mẹ còn thích gói ghém, cất giữ những kỷ vật trong chiếc hộp ký ức. Nếu có cơ hội được một lần mở chiếc hộp ấy ra, sẽ thấy cả một bầu trời kỷ niệm ùa về. Tiếp theo chương trình mời bạn lắng nghe:
Chiếc hộp yêu thương của mẹ (An Hạ)
Mẹ tôi có một chiếc hộp nhỏ luôn cất gọn trong góc tủ. Thỉnh thoảng, mẹ lại lấy chiếc hộp ra để ngắm nghía, sắp xếp lại những thứ bên trong mặc dù nó đã rất ngăn nắp rồi. Một lần, tôi đến cạnh mẹ, tò mò muốn biết bên trong hộp có gì mà mẹ nâng niu nó đến thế. Mẹ lấy từ trong hộp ra từng thứ và kể lại cho tôi nghe "sự tích" của từng đồ vật mà mẹ cất giữ bên trong.
Chiếc cối nhỏ giã trầu này là của bà ngoại, khi bà còn sống, mẹ đã mua cho bà chiếc cối này. Bảy mươi tuổi, bà ngoại đã rụng hết răng, không còn một chiếc nào nên muốn ăn trầu hay ăn đồ ăn cứng, bà phải cho vào đây để nghiền nhỏ đồ ăn ra. Đến khi có công nghệ trồng răng tân tiến, khi có máy xay các kiểu thì bà đã không còn nữa. Mỗi khi nhớ bà, mẹ lại mang chiếc cối này ra, tưởng tượng lại cảnh bà ngồi bên bậu cửa, tỉ mẩn nghiền từng miếng trầu.Thương bà lắm.
“Vậy đây là cái gì mẹ?” - Tôi chỉ vào một vật như sợi dây được cuộn tròn lại để gọn gàng nơi đáy hộp.
Đây là cây roi mây của ông ngoại. Roi này mềm, đánh rất đau nhưng không nguy hiểm như những thanh tre, thanh gỗ cứng. Ngày xưa, mẹ bị ông phạt roi nhiều lắm đấy, không như chúng bây bây giờ đâu. Mẹ nhớ có lần, mẹ trốn nhà đi tắm sông, về nhà ông biết, ông bắt đứng góc nhà, rồi phạt mẹ mấy chiếc roi đau. Ông bảo: "Mày chưa biết bơi, lỡ chết đuối thì bố mẹ còn đau gấp trăm ngàn lần mấy roi này. Lần sau không muốn bị đánh đòn, thì cấm được bén mảng đến sông hồ tắm nữa!".
Ông ngoại con là thế, luôn dùng đòn roi mỗi khi các con hư nhưng thương các con, các cháu thì vô cùng. Cũng chính ông đã dạy mẹ, dạy các bác biết bơi, để lỡ mấy anh em có trốn đi tắm sông thì cũng không còn nguy hiểm.
“Thế còn mấy đôi tất và chiếc áo len nhỏ này thì sao hả mẹ?” – Tôi tò mò cầm đôi tất lên ngắm nghía, xuýt xoa vì những đường đan thật khéo.
Mấy đôi tất này là mẹ đan cho con, con sinh giữa mùa đông lạnh buốt mà ngày đó nghèo quá đâu có tiền để mua nhiều đồ. Mưa gió liên miên, quần áo tã lót ướt hết mà trời thì rét căm căm. Bà con đi xin ở xưởng dệt về một đống len vụn người ta bỏ đi, mẹ nối chúng với nhau, cứ từng đoạn ngắn ngủn bằng gang tay một như thế này, thức khuya cả tuần mới đan xong cho con chiếc áo và những đôi tất này đấy.
Tôi còn thấy trong hộp của mẹ linh tinh nhiều thứ nữa, mẹ giữ lại chiếc nơ buộc tóc mà tôi rất thích, giữ lại những trang vở đầu tiên tôi tập viết, giữ lại bài tập viết tôi được điểm mười, rồi cây bút máy bố mua cho tôi khi tôi lên cấp hai, cả những phong thư bố mẹ viết cho nhau ngày bố ở chiến trường. Mỗi thứ đều gắn với một kỉ niệm, gắn với một sự tích của những ngày đã xa.
Chiếc hộp gắn bó với mẹ qua biết bao năm tháng, chiếc hộp gợi nhớ tất cả tình yêu thương mà ông bà, bố mẹ dành cho nhau, tình yêu thương mà bố mẹ dành cho chúng tôi.
Kỉ niệm có thể dần lãng quên theo năm tháng, như tiếng sỏi rơi trong lòng giếng cạn nhưng tình yêu thương giữa những con người ruột thịt thì mãi hiện hữu trong trái tim mỗi người. Và ai trong mỗi chúng ta cũng đều có một chiếc hộp như thế trong tim. Trái tim là nơi mà những suối nguồn yêu thương tuôn chảy mãi.
Bạn vừa lắng nghe những câu chuyện nhỏ về những lời dạy của mẹ. Không hề to tát, cao siêu, lời dạy của mẹ giản đơn mà sâu sắc, là những bài học mà ta sẽ ghi nhớ suốt đời. Còn bạn có kỷ niệm đáng nhớ nào về mẹ không? Hãy chia sẻ với các thính giả của Blog Radio nhé.
Tác giả: An Hạ
Giọng đọc: Bạch Dương
Thực hiện: Hằng Nga
Thiết kế: Hương Giang
Ảnh: Freepik
Xem thêm:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Thời gian đã trôi qua đâu thể lấy lại | Blog Radio 887
Tôi chỉ biết lặng lẽ nhốt mình trong phòng, cả ngày chẳng buồn ăn nổi miếng cơm nào. Mẹ cũng ngồi sau cánh cửa phòng, bà không cằn nhằn như mọi người, không một tiếng la rầy.

Đừng Hứa Hãy Nắm Lấy Tay Em | Blog Radio 886
Khi còn trẻ ta ấp ủ hy vọng tìm được mẫu người mình muốn. Khi trưởng thành chỉ hy vọng tìm được người hiểu mình.

Trưởng Thành Rồi Đừng Mãi Mông Lung (Blog Radio 885)
Lớn rồi đừng động tí là bỏ cuộc là quay đầu. Cuộc đời bạn giờ đây không phải như đứa trẻ, ngúng nguẩy quay mặt đi vẫn có người dỗ dành chăm lo. Quay đi nhiều khi không còn đường trở về nữa.

Khi bình yên, người ta thường quên lời thề trong giông bão (Blog Radio 884)
Phụ nữ ạ. Đừng yêu lại người cũ, đừng yêu lần thứ hai. Đôi khi trở lại không phải là tình yêu, chỉ là vương vấn cảm giác. Đừng nhầm lẫn giữa yêu và cảm giác. Đời luôn có ngoại lệ mà ngoại lệ thường hiếm hoi và ít ỏi. Có những đồ cũ là bảo vật, cũng có những thứ chỉ là đồ bỏ đi.”

Kiên Nhẫn Nhé, Đừng Để Sự Vội Vàng Làm Bạn Mất Phương Hướng (Blog Radio 883)
“Hãy cứ yên tâm và bình tĩnh thôi. Có người đi nhanh, có người đi chậm, vì mỗi người có một lộ trình riêng. Bạn không cần nhìn vào lộ trình của người khác để tự ti về mình. Bởi vốn dĩ xuất phát điểm và đích đến của cậu với họ đã khác nhau rồi mà”.

Hãy Can Đảm Kết Hôn Khi Bạn Sẵn Sàng (Blog Radio 882)
Và rồi khi tuổi 30 thì lại quá xa mà cái giai đoạn tuổi 18 đã qua từ rất lâu rồi ấy, chúng ta lại bắt đầu bước vào cái giai đoạn hối thúc lập gia đình từ các bậc phụ huynh.

Đừng Chỉ Ngồi Nhìn Em Khóc (Blog Radio 881)
Tôi luôn thấy phiền lòng, vì cô gái năm đó, trong mắt mọi người, có một cuộc sống hoàn hảo, nhưng hóa ra tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự yếu đuối của cô ấy.

Ngọt Ngào Sau Những Gian Nan (Blog Radio 880)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê, nơi có những cánh đồng lúa trải dài, những con sông uốn mình bên cạnh lũy tre làng. Tuy sinh ra và lớn lên ở một nơi nghèo khó, nhưng tuổi thơ tôi lại ngập tràn sự hạnh phúc, những kỉ niệm mà tôi tin chắc rằng không phải ai cũng may mắn có được.

Làm Vợ Anh Được Không? (Blog Radio 879)
Ngay trong đêm hôm đó, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất trở về quê. Tôi không muốn ở lại đây thêm một giây phút nào nữa, bầu không khí ngột ngạt như thể đang bóp nát tôi. Tôi tắt điện thoại, tắt mọi trạng thái hoạt động trên mạng xã hội rồi lên tàu. Sau một đêm, tôi cũng về tới nhà mình. Suy cho cùng, dù gia đình tôi có thất bại đến mấy thì đó cũng là nơi duy nhất bao dung, che chở cho tôi vào những lúc như thế này.

Mình Bên Nhau Khi Mùa Cúc Họa Mi Nở (Blog Radio 878)
Thanh xuân – Khoảng thời gian tưởng chừng như mãi mãi, nhưng thực tế lại trôi qua nhanh chóng, để lại trong lòng ta những hồi ức ngọt ngào nhưng cũng đầy những niềm đau và tiếc nuối về những thứ đã mất đi và không bao giờ trở lại.