Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mảnh hồn quê

2023-12-01 07:00

Tác giả: Võ Đào Phương Trâm


blogradio.vn - Nước đã lên gần chạm mép bờ đê, những con nước ròng, nước lớn lững lờ mang theo những mảng phù sa bồi đắp, bên bồi bên lở. Yên hít mũi nghe mùi nước mắm kho quẹt thơm lừng, mằn mặn bốc ra từ gian bếp nhỏ. Ánh lửa đỏ hồng phản chiếu lên gương mặt của Yên đang lấm tấm mồ hôi. Mùa gió bấc về, lại nhớ mùi khoai, mùi bắp nướng lùi trong cái bếp dã chiến đêm giao thừa nấu bánh.

***

Sáng nay, những cơn gió bấc thổi qua khoảng vườn nhỏ, mang theo chút hơi lạnh se se, những cơn gió hanh khô phủ lên mặt đất một màu trắng bàn bạc tựa như màu mốc.

Gió bấc về là báo hiệu những ngày chớm đông, ai nấy bắt đầu chuẩn bị những chiếc áo bông, những gian bếp được chất đầy củi khô để đốt sưởi những ngày trời lạnh, cảm giác yên ắng phủ trùm lên những gian nhà nhỏ ở miền tỉnh lẻ, xung quanh nghe đậm mùi cỏ rơm ngoài cánh đồng xa xa xen lẫn mùi đất trở mình giữa những ngày mưa dầm dề và những ngày tiết trời bắt đầu mùa nắng.

Yên nhớ lại ngày còn nhỏ, mỗi năm lịch âm bắt đầu bước qua tháng 11, ngoại lại đi ra đồng thăm ruộng, thời điểm này, lúa đã bắt đầu ngậm sữa, oằn mình gần chạm mặt nước đồng, mùi thơm của lúa thoang thoảng hoà với mùi ngọt dịu của bông xoài, bông bưởi, toả ra ngan ngát từ mấy khu vườn cây trái, sáng tinh sương trở mình thức dậy, chỉ cần ra phía hiên nhà đã nghe hương thơm đồng nội hòa quyện trong cái se lạnh của đất trời, đủ để níu chân những ai một lần đi đến nơi này, vùng đất miền tây trải dài bóng bẩy trên mảnh đất phù sa, bạc màu sóng nước, dư giả tình người, ngọt thơm mùi lúa sữa.

Sáng nay, gió bấc về, Yên dậy sớm khi còn tờ mờ đất, cô đi vào căn buồng nhỏ, mở cái tủ gỗ cũ để tìm lại mấy chiếc áo ấm, chiếc bằng bông len cho ngoại và mẹ, chiếc áo kaki vải thô cho cha và chiếc áo gió hai lớp cho thằng Quân. Cứ mỗi năm khi trời chuyển mùa gió bấc, Yên lại lục tìm những chiếc áo ấm của gia đình, cẩn thận đem từng chiếc ra ngoài phơi giặt, mùi vải lâu ngày xếp yên trong tủ nghe thơm là lạ. Cứ đến ngày đem áo ấm ra giặt giũ là một mùa gió bấc trở về, cũng là lúc vườn trái cây nhú ra những trái tươi non. Thời tiết rũ tay qua mùa mưa lũ.

Sau khi đã giặt giũ xong những chiếc áo ấm và phơi tinh tươm trên chiếc sào tre phía ngoài sân rộng, Yên trở vô nhà, tiện tay hái chừng chục lá vối để nấu ấm trà cho cha, sáng nào ông Tư cũng phải có bình trà vối nóng để nhâm nhi cho tinh thần sảng khoái, giữa thời điểm giao mùa, sáng sớm lạnh mà có bình trà nóng uống vô, nghe ấm từ lồng ngực thì còn gì sảng khoái cho bằng.

Yên bưng bình trà vối nóng hổi vừa ra màu xanh nhàn nhạt, đặt trên chiếc bàn đá phía trước sân, cạnh cây bàng đã hơn 20 năm tuổi:

- Cha lại uống trà đi cha. Trà nóng hổi vừa thổi vừa uống.

Yên lém lỉnh nhắc ông Tư bằng câu nói quen thuộc.

- Để đó cho cha.

Ông Tư miệng nói nhưng mắt vẫn còn chăm chăm nhìn vào những cây xoài non vừa mới ra những chiếc lá đầu tiên, đó là nguồn thu nhập mà cũng là niềm vui ruộng vườn gắn bó với ông từ mấy chục năm trời.

- Năm nay xoài đặng không cha.

- Năm nay coi bộ lạnh hơn năm ngoái, xoài thì cũng đặng nhưng phải chăm nhiều để trái chín ra kịp tết.

Yên hỏi thăm cha vài ba câu về công việc ruộng vườn, cây trái, thằng Quân thì đi học cuối năm, gần giáp tết mới về nên ở nhà chỉ có mình Yên là hay nói chuyện tỉ tê với ông Tư, bởi vậy mà lần nào đi đâu, ông cũng khoe với người ta, Yên là con gái rượu.

Gió bấc đầu mùa, mang theo cái hiu hiu lạnh, ngoài sông, nước đã lé đé miệng bờ. Những cây bần bắt đầu chín rụng, đầy cả mé sông.

Yên lẳng lặng gom những chiếc lá bàng đã chuyển sang màu đỏ tía, rơi đầy mặt sân, người ta nói lá bàng để phơi khô, đốt sưởi ấm mùa đông rất tốt. Tiếng chổi cau va chạm trên nền gạch tàu nghe loạt xoạt. Chừng hơn 15 phút, những chiếc lá bàng khô đã được gom lại sạch sẽ, chất trong cái giỏ cần xé gọn gàng.

Mấy đứa trẻ hàng xóm tíu tít chạy giỡn phía trước ngõ nhà Yên, trẻ con ở quê thì thường dậy sớm, đứa này chạy qua nhà đứa nọ, rủ nhau chơi lò cò, thả diều, có hôm thì kéo nhánh lá dừa men sông rồi thi nhau đu đưa lơ lửng trên mặt nước, hôm nào mưa lạnh thì kéo nhau vô một góc nhà chơi ô quan, thảy gạch. Mùa này lạnh, đứa nào cũng khoác chiếc áo ấm, chạy giỡn rồi cười giòn tan, đến khi mặt trời bắt đầu có nắng mới giải tán đứa nào về nhà đứa nấy.

Yên đang loay hoay quét dọn cái sân trước nhà, tưới đám hoa leo ở cái giàn nho nhỏ thì thấy dì Hiền đi ngang qua, ngày nào cũng tầm 6 giờ sáng là dì lại ra nhánh sông cái hái bần rồi nhặt bần chín đem ra chợ bán, gia đình dì có 5 người con, đứa nhỏ nhất mới vừa 3 tuổi, còn đi lững chững, hai đứa lớn học hết cấp một rồi nghỉ để làm đồng, còn lại 2 đứa thì mới học tới lớp 6 cũng bỏ giữa chừng để đi làm ruộng thuê cho nhà người khác, cuộc sống nhà dì Hiền cứ bấp bênh, kiếm được cơm cháo ngày nào thì hay ngày đó.

034

Trời chuyển mùa gió lạnh, lại ở miền sông nước mà chiếc áo của người phụ nữ lớn tuổi cứ phông phanh, khoác vội, một vài chỗ còn chắp vá, chiếc nón lá lụp xụp bị gió chiều hất ngược phía sau càng làm dáng vẻ dì Hiền trở nên khắc khổ, bao nhiêu năm trời, dì vẫn cứ làm bạn với chiếc xe đạp cũ, thỉnh thoảng lại bị sút dây sên.

Thấy bóng dì Hiền đang đạp xe chạy ngang qua ngõ, Yên bỏ vội cây chổi tàu cau xuống sân, chạy ra cửa rào rồi gọi với theo.

- Dì Hiền, dì Hiền.

Nghe tiếng gọi, người phụ nữ thắng vội xe, tiếng rít ken két của chiếc xe cũ kỹ làm người ta thấy nặng lòng, chiếc xe chưa dừng hẳn được, dì nhảy xuống, loạng choạng giữ cho chiếc xe dừng lại một cách khó khăn.

Người phụ nữ đi lại phía trước cửa nhà Yên, lấy tay đẩy chiếc nón lá úa màu đang lụp xụp che xuống mặt.

- Yên gọi dì hả?

- Dạ, dì đi hái bần hả?

- Ừ, dì đi hái bần, mùa này bần chín rụng nhiều lắm.

- Dạ, dì để xe, vô nhà con hỏi thăm chút xíu.

Người phụ nữ dựng chiếc xe đạp xiêu vẹo vào sát vách tường rồi theo Yên đi qua cánh cổng rào, vào trong sân nhà.

- Lúc này mấy nhỏ nhà dì khoẻ không?! Ở nhà làm ăn dạo này có ổn không dì?

Người phụ nữ với chất giọng nhà quê, thật thà bộc bạch

- Cũng khó khăn lắm con ơi, tại ông nhà dì ổng bệnh nên làm bao nhiêu thì ráng lo tiền thuốc thang cho ổng, dì với mấy đứa nhỏ còn khoẻ thì thôi kệ, làm được cái gì thì làm, có gì ăn đó thôi con.

- Mùa này lạnh, dì ra sông nước nhiều, sao dì không kiếm thêm cái áo nào cho ấm ấm mặc vô, dì mặc phong phanh như vầy cảm chết.

Người phụ nữ chỉ cười cười rồi nói lấp lửng cho qua chuyện:

- Ừ...tại dì ra sông sợ ướt nên mặc vầy thôi con.

Yên im lặng vài giây rồi kéo tay người phụ nữ ngồi xuống cái ghế đá phía bên hiên nhà.

- Dì ngồi đây, chờ con chút xíu.

Nói đoạn, Yên quay vào trong nhà, lát sau trở ra, Yên mang theo bọc đồ trên tay, đưa cho người phụ nữ.

- Con gởi cho dì mấy cái áo lạnh, áo len, lúc trước con mua mà chưa xài tới, con cho dì với mấy em mặc cho đỡ lạnh.

Đôi mắt người phụ nữ long lanh, chứa đựng nhiều nỗi lòng nhưng không đủ ngôn từ diễn đạt, chỉ biết rối rít cảm ơn, giọng xúc động, đậm chất nhà quê:

- Cảm ơn con nghen. Trời ơi, con tốt quá.

- Trong này có mấy chai dầu nóng, mấy hộp thuốc bổ với chút đỉnh tiền con gửi dì mua thuốc cho chú với mua sữa cho bé út. Dì ráng giữ sức khoẻ nghen, mùa này trở trời rồi đó dì.

- Dì cảm ơn con nhiều nghen. Có mấy thứ này là quý lắm, dì đâu có tiền mà mua.

Ông Tư đang chăm sóc mấy chậu kiểng nhỏ gần đó, chậm rãi lên tiếng.

- Thôi có gì đâu chị, chòm xóm không mà, có gì khó khăn quá thì nói nhà tui, hàng xóm láng giềng, giúp được cái gì thì giúp thôi.

- Dạ, cám ơn anh Tư, cám ơn Yên nha con. Thôi cũng xin phép anh Tư cho em đi hái bần, trễ chút nữa nước lên, em không lội xuống lấy bần được.

- Thôi chị ngồi chơi chút đi, có chuyện này tui cũng định gặp chị để nói, mà mấy rày bận vườn tược quá nên chưa gặp chị được. Sẵn nay gặp chị thì tui hỏi chị luôn.

- Dạ, anh Tư có chuyện gì vậy anh Tư?

- Tui định nói thằng bảy Mạnh nó kêu chị qua phụ chăm sóc cái vườn cam xoàn cho nó, nó đang tìm người làm đó, chị lớn tuổi rồi mà ngày nào cũng lội ra sông tui thấy sợ cho chị quá. Lỡ có gì cũng khổ lắm nha chị.

Nghe đến đó, gương mặt người phụ nữ như chùn hẳn xuống, đôi mắt hằn nếp chân chim đông đặc màu xám ngắt của nỗi buồn.

- Dạ, tại nhà cũng khó khăn quá anh Tư.

- Ừa, để tui nói thằng Bảy một hai bữa nữa kêu chị qua mần cho nó. Thôi nay chị về nghỉ đi, con Yên nó có gởi chị chút đỉnh tiền về lo thang thuốc với mua sữa cho mấy đứa nhỏ, đừng có ra hái bần nữa, mùa này nước lớn à nghen.

Nói chuyện một lúc thì trời bắt đầu hửng nắng, người phụ nữ vội vã xin phép ra về.

- Dạ, em cám ơn anh Tư. Dạ thôi xin phép anh Tư em về để nhà anh làm công chuyện.

- Dạ, dì về.

- Cho tui gởi lời hỏi thăm anh Ba, nói ổng ráng khoẻ để qua đánh cờ với tui.

- Dạ, để em nhắn với ổng. Cám ơn gia đình anh Tư nhiều nghen anh Tư.

Người phụ nữ rối rít cảm ơn, gương mặt mừng vui như vừa được nhận một điều quý giá, bao nhiêu năm chật vật, gian khổ phủ trùm lên thân phận người đàn bà lớn tuổi, yếu đuối, từ khi xuân thời đến lúc gần hết một đời người, mỗi ngày khi trời tờ mờ sáng đã phải lặn lội nơi con sông dài, canh từng con nước lớn nước ròng để lội xuống kiếm từng trái bần đem ra chợ bán. Giữa sự xa hoa, đầy đủ của nhiều người thì đâu đó nơi cánh đồng mênh mông vẫn còn ẩn hiện những phận đời nhá nhem, đánh cược với rủi ro, nguy hiểm, chỉ mong có được cái ăn, cái mặc mỗi ngày.

Chiếc xe đạp liêu xiêu chở người phụ nữ sắp bước qua tuổi lục tuần, chiếc nón lá ngược gió chiều, đổ ra phía sau lưng để lộ gương mặt sạm đen, cháy nắng, đôi mắt với cái nhìn khắc khổ, chạy qua con đường nhỏ rồi khuất dạng sau những cánh đồng lúa bạt ngàn.

Giàn bông tường vy hôm nay đã bắt đầu trổ nụ li ti, giàn bông của cha làm cho Yên vì thấy con gái cứ hay khen loài bông này đẹp, mới hơn nửa năm mà dây leo đã bò lên xanh rợp, phủ đầy cái giàn trúc nhỏ, nhìn thật nên thơ.

Chiều xuống nơi miền quê đang căng tràn sức sống trong những ngày thời tiết trở mùa, ngơ ngác cuối năm, những khoảng vườn cây đầy trái, những mảnh vườn ươm cúc, ươm mai ngày Tết, hàng trăm ngàn chậu nhựa trên những mảnh vườn nhà nông đã lục đục trở mình, nhú lên những đọt lá xanh non. Trong những ngày này, người làm nông bắt đầu tất bật để trông chừng thời tiết, hễ có nắng mưa bất chợt nghịch mùa là phải tìm cách để xoay sở sao cho cây trái không bị thất thu, trổ sớm hay trổ trễ cũng đều thiệt hại nhưng rồi cũng từ đó mà quy luật thiên nhiên lại gắn liền đời sống người làm nông nghiệp, đến nỗi chỉ cần ra phía trước nhà, ngó lên trời nhìn mây là biết được thời tiết sẽ nắng hay mưa, nhìn trăng là biết nước cạn nước đầy.

Nhà Yên cũng là một trong những gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề nông, từ thời ông bà ngoại Hiên còn trẻ, đến nay cũng gần chạm ngõ 90, nhờ sự chịu thương chịu khó, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà ông bà Yên tạo được chút gia sản, để lại cho cha mẹ Yên vài mảnh ruộng, vườn. Vợ chồng ông Tư cũng chịu khó làm ăn nên giữ được cơ ngơi, từ đó chị em Yên có điều kiện được cho ăn học tới nơi tới chốn, nghĩ lại cũng là may mắn hơn nhiều đứa bạn trong vùng, phải nghỉ học từ sớm để phụ làm nông cùng cha mẹ.

Yên gom mớ áo ấm đã giặt giũ và phơi khô sau một ngày nắng giòn và trời đầy gió. Ôm quần áo vào buồng, Yên đi ngang qua phòng khách, nói là phòng khách chứ thật ra là căn phòng rộng của ngôi nhà ba gian bằng gỗ, lợp ngói cổ xưa, giữa nhà là cái bàn thờ Tổ Tiên được bày trí bởi những tấm liễn sặc sỡ, bộ lư đồng đen chi chít hoa văn và một bình bông tươi, mỗi sáng và chiều, cha Yên đều thắp vài nén hương trầm trong cái lư hương nhỏ, càng làm không gian ngôi nhà trở nên ấm áp, bàn Thờ đặt giữa hai cái cột nhà tròn to bằng gỗ gụ. Bên phải gian nhà chính được kê một tấm phản gỗ dày màu nâu đỏ, là chỗ ngoại Yên hay ngồi ăn trầu, coi cải lương rồi nghỉ ngơi ở đó, bên trái gian nhà là bộ bàn ghế gỗ, có đặt một bộ ấm trà bằng đất nâu làm từ gốm Bát Tràng, cha Yên nói loại bình này giữ nhiệt, giữ được mùi thơm, dân uống trà mới thấy hết cái thú tiêu dao, trên bàn nước còn có một chậu bonsai nguyệt quế được cha Yên chiết ra từ thân cây lớn rồi cắt tỉa tạo hình để cho không gian bàn trà thêm phần thanh tao nho nhã.

Yên cẩn thận gấp gọn từng chiếc áo ấm rồi đem qua cho mỗi người trong nhà, để phòng khi trở trời thì ai cũng có mặc cho đỡ lạnh.

Ngoại Yên năm nay đã qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng trí nhớ bà vẫn còn minh mẫn, dáng người ngoại thấp bé, gầy gò nhưng vẫn còn đủ khoẻ để ra vô thăm nhà, rồi bách bộ chậm rãi ra quãng đường gần ngoài ruộng, trông lúa đã đến mùa vụ hay chưa.

- Ngoại mặc áo lạnh nghen, năm nay trời hơi lạnh hơn năm ngoái ngoại hen.

- Ừ, qua tháng chạp có khi còn lạnh hơn.

- Con mở cải lương ngoại coi nghen.

- Ừ, mở Út Bạch Lan cho ngoại nghe, tao khoái nghe bà đó hát.

Từ hồi còn trẻ, ông bà ngoại đã mê cải lương, mấy bận trăng rằm, ông hay cùng với mấy chiến hữu gần nhà ngồi uống Trà rồi hát đờn ca tài tử, dù là dân nghiệp dư nhưng có nhiều người hát hay không thua gì nghệ sĩ, mà nói tới dân miền tây thì hầu như ai cũng có cái máu cải lương, ít nhất cũng nằm lòng vài ba câu vọng cổ, như mặc định vào sở trường sở đoản của người dân sông nước, hào sảng, ngọt bùi mà cũng mộc mạc giản đơn.

- Út Bạch Lan người ta kêu là sầu nữ, tại bả hát hay mà cái giọng thì buồn nẫu ruột gan.

Giọng Ngoại run run khi nói về sầu nữ lẫn sự mộ điệu một cách chân thành.

Lần nào cũng vậy, mỗi lần kêu Yên mở cải lương, nghe vọng cổ là ngoại lại nói mở sầu nữ Út Bạch Lan, tiếng hát của bà vang lên, buồn đượm lẫn ngọt ngào làm cho gian nhà gỗ đã tĩnh lặng càng trở nên yên ắng lẫn trong tiếng gà trưa hay tiếng bìm bịp gọi mùa nước lớn.

- Ra hái lá bưởi, lá chanh mà gội đầu, xài mấy cái này nhiều không có tốt, mai mốt rụng tóc hết.

Yên cười tít mắt khi nghe ngoại nói, chắc là ngoại thấy Yên cầm chai dầu gội ra ngoài cơi nước mà ngoại hay nói là “hóa học, hóa chất” thấm vô người nên dặn vậy. Mà người xưa thì nói cũng không sai bởi thiên nhiên thì luôn trù phú và sinh lợi nhiều cho sức khỏe, dù công nghiệp có chen chân thì cũng làm sao mà có được hương thơm bằng mùi hương tự nhiên của lá chanh, lá bưởi.

Gió bấc về trên mảnh vườn xanh đang vào mùa vụ, trên những cánh đồng trải vàng màu lúa đang ngậm sữa non. Ông Tư nhìn những góc bưởi mới nhú chồi xanh, chép miệng nói thầm.

 - Mới đó mà sắp bước qua tháng chạp.

Yên ngồi hong tóc trên cái ghế ở hàng ba, nhìn vào nhà, phía gian phòng khách, ngoại vẫn còn đang nằm nghe hát cải lương, chiếc quạt phe phẩy nhè nhẹ trên tay, mẹ thì đang ở ngoài đồng coi nhân công bón phân cho lúa.

- Cha đói bụng chưa?! Nay con làm món kho quẹt rau luộc cho cha ăn đã thèm nghen.

- Chà, món này bắt cơm à.

Yên lại cười tít mắt, giọng cười khoái chí như cái nắng giữa trưa, phủ gọn trên đám lá khô, nghe ráo hoảnh và giòn rụm.

Yên chợt nhận ra, một năm nữa lại sắp qua giữa cái lạnh hiu hiu của mùa gió chướng, một năm với những ngày tất bật của gia đình, những người làm nghề nông mong muốn đem cuộc sống ấm no, phồn thực đến cho người khác, những niềm vui xen lẫn những nỗi lo canh cánh mơ hồ về ngày mưa, ngày nắng, không biết công sức làm lụng cả năm trời, những ngày cuối năm này thu nhập có đủ trang trải trở lại hay không, nhưng rồi người nông dân vẫn đi qua những nỗi lo, những năm thất bát để bám ruộng, bám vườn như một cái duyên, cái nợ, như sự sống không thể tách rời, để năm nào cũng mang đến những sắc màu gieo khắp nơi phố chợ, những sạp trái cây tươi rói đủ đầy, những hạt gạo thơm lừng cho đêm giao thừa ấm cúng.

Nước đã lên gần chạm mép bờ đê, những con nước ròng, nước lớn lững lờ mang theo những mảng phù sa bồi đắp, bên bồi bên lở. Yên hít mũi nghe mùi nước mắm kho quẹt thơm lừng, mằn mặn bốc ra từ gian bếp nhỏ. Ánh lửa đỏ hồng phản chiếu lên gương mặt của Yên đang lấm tấm mồ hôi. Mùa gió bấc về, lại nhớ mùi khoai, mùi bắp nướng lùi trong cái bếp dã chiến đêm giao thừa nấu bánh.

Ngoài sông, nước vẫn đang lên theo tiếng bìm bịp kêu chiều.

© Võ Đào Phương Trâm - blogradio.vn

Xem thêm: Thời Gian Sẽ Chữa Lành Mọi Vết Thương

Võ Đào Phương Trâm

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

“Sau cơn mưa trời lại sáng”

“Sau cơn mưa trời lại sáng”

Và anh để tôi yên thật. Anh không thèm liên lạc nữa, tôi thì cứ vùi mình như thế trong mớ hỗn độn mà có lẽ do chính tôi gây ra cho chính mình.

Bông hồng đỏ

Bông hồng đỏ

Chị giống mẹ, thà chịu đựng chứ chưa bao giờ một lần than với người khác. Nhưng làm như thế làm gì? Rồi đến một ngày khi không kiềm chế được sẽ còn như thế nào, hay người chưa từng dám tin bất cứ ai để có thể nói với họ? Một số người phụ nữ, thà cam chịu lại thay vì than vãn, tại sao lại không dứt khoát?

Cậu có biết định nghĩa của hạnh phúc là gì không?

Cậu có biết định nghĩa của hạnh phúc là gì không?

Có người chỉ cần một mái ấm gia đình trọn vẹn, có người chỉ cần cơm ăn ba bữa, đủ quần áo mặc, có người chỉ cần tiền, rất nhiều tiền, sống vì công việc, sự nghiệp, niềm đam mê của họ,… Với họ đó là hạnh phúc nhưng có những người chỉ cần được sống.

Tháng tám và em

Tháng tám và em

Và làm sao anh biết được, rằng chỉ cần nhìn thấy anh thì cũng có thể khiến em vui vẻ cả ngày. Em đã mắc kẹt trong vùng mộng ảo em tự vẽ ra cho mình, em đã tự tạo cho mình một chuyện tình không có thực.

Khi con đã lớn khôn

Khi con đã lớn khôn

Con từng hi vọng khi lớn lên sẽ nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Nhưng ba mẹ ngăn cản không muốn con bỏ lỡ việc học. Ba mẹ chỉ cần anh em con được ăn học đàng hoàng là ba mẹ cũng vui lắm rồi.

Chúng ta đều từng dự một phiên tòa như thế...

Chúng ta đều từng dự một phiên tòa như thế...

Tôi không nhớ rõ nữa, bởi trái tim tôi biết đều sẽ là án chung thân, hoặc là được giữ cậu bên mình trọn đời, hoặc là mối tình của tôi sẽ tan vỡ không còn níu kéo được. Đôi mắt của kẻ si tình chỉ đẹp khi không cần hồi đáp. Nhưng tôi cần một câu trả lời.

Mạnh mẽ bước qua quá khứ

Mạnh mẽ bước qua quá khứ

Những kỷ niệm về anh, từng nụ cười, từng ánh mắt, luôn hiện lên rõ nét như thể mới chỉ hôm qua. Nhưng tình yêu ấy, dù cháy bỏng và mãnh liệt, lại không thể vượt qua được rào cản của số phận.

Đừng kết thúc, em nhé!

Đừng kết thúc, em nhé!

Kết thúc và chấp nhận sự thật có lẽ là điều duy nhất tôi có thể ngay lúc này phải không? Nếu thật vậy, chào Yên, tôi đi, đi đâu thì tôi chưa biết, nhưng cuộc sống này khiến tôi muốn buông xuôi thật rồi. Dù thế tôi vẫn còn chút niềm tin nào đó, tôi mong, mình vẫn sẽ có thể quay lại, để kể cho Yên về thành công của chính mình.

Yêu lại từ khởi đầu mới

Yêu lại từ khởi đầu mới

Cậu chẳng hề nói lời tạm biệt bất cứ ai trong lớp. Tớ cảm thấy buồn và lạc lõng, rồi tớ hay nhìn về chỗ cậu từng ngồi trước đây và nhớ lại kỉ niệm giữa cậu và tớ. Tớ nhận ra tớ đã thích cậu.

Có một mùa nhớ thương

Có một mùa nhớ thương

Một mùa thu vừa chớm Có màu nắng chơi vơi Có màu vàng hoa cúc Có lá rơi ngập ngừng.

back to top