Khôn như Sếp, quê em đầy (Phần 2)
2023-03-04 01:20
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
blogradio.vn - Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những lời than van bất lực vì những công việc không nằm trong nhiệm vụ của mình nhưng không có đường nào lẩn tránh, nhân viên như một cái bao tải dồn nén những thứ phế phẩm tinh thần, mệt mỏi và ngột ngạt chồng chất bởi sự nhếch nhác, khuyết tật lương tâm và lòng tự trọng.
***
(Tiếp theo phần 1)
Tin nhắn điện thoại tôi lại vang lên bíp bíp, lại là tin nhắn từ sếp thân yêu:
- Chiều nay gửi giúp anh tài liệu ra ngoài Hà Nội nhá! Gửi gấp giúp anh, thứ hai phải có cho thầy xem em nhá!
Tôi nhẩm lại, hôm nay là thứ sáu, ngày cuối tuần, thứ bảy Bưu điện phải nghỉ, mà thứ hai phải có tài liệu gửi ra ngoài Hà Nội, sao sếp không đi gửi mà lại bắt mình làm cái việc này ấy nhỉ? Tôi khẽ nhíu mày nhưng chẳng thể phản kháng, đôi khi mọi thứ cần phải trông cậy vào lòng tự trọng của con người mà lòng tự trọng đã thiếu đi thì có nói gì cũng bằng thừa. Một khi người ta đã cố tình sống bằng niềm tin nhờ vả, thiên chức lợi dụng thì sự trông đợi ý thức chỉ hóa hư vô, cũng chỉ là rước họa vào thân khi nhân viên quèn vẫn chỉ là người thế yếu, như con cá nằm trên mặt thớt.
Sáng thứ Bảy, Trời mưa lất phất, thằng lính quèn ôm tập tài liệu bọc kỹ càng đi tìm Bưu cục để gửi cho kịp lúc nhưng ngày thứ bảy chẳng có chỗ nào mở cửa, thế là nó phải chạy qua mấy quận huyện, mưa thì mỗi lúc nặng dần, nó vẫn chạy xe đi tầm tã trong cơn mưa, bọc tài liệu vẫn được cất kỹ để không cho mưa ướt, cuối cùng, nó cũng tìm được một chỗ còn mở cửa, nó mừng như bắt được vàng, thế là ngày hôm đó, nó cũng bõ bèn gửi được xấp tài liệu ra tận Hà Nội theo yêu cầu của sếp, không phí công đội cả trận mưa ướt mèm, qua mấy con đường dài dằng dặc.
Cũng chả khá gì hơn nó, bà chị cùng phòng cũng chẳng có được một ngày cuối tuần yên tĩnh khi một giờ khuya đã nhận tin nhắn của người sếp nữ:
- Bé Huyền có mấy câu bài tập mà không biết làm sao cho đúng, nó về mệt quá không nghĩ nổi, em làm dùm cho bé Huyền. Sáng mai đưa cho chị nhá!
Bà chị lẩm nhẩm trong đầu: “Một giờ khuya chị nhắn làm dùm mà sáng đưa cơ, thế là nhân viên của chị phải thức đêm làm cho con chị ngủ cơ đấy!”
- Dạ, nhưng cái này em không có chuyên môn, không có học về ngành này nên em không biết làm thế nào.
- Vậy để chị cho số điện thoại của em, bé Huyền sẽ gọi qua hướng dẫn cho em.
Bà chị im lặng, không trả lời câu đề nghị, từ trước đến giờ chỉ nghe người ta hướng dẫn cho người không biết làm bài chứ ai lại không biết làm bài lại đi hướng dẫn cho người khác để làm cho mình thế nhở! Bà chị thở một tiếng nghe dài thườn thượt rồi quẳng điện thoại qua một bên, nằm vật xuống giường cho một giấc ngủ sau một ngày quần quật mệt mỏi với gia đình. Thế nhưng sáng hôm sau, khi vừa mở mắt dậy, bà chị đã nhận ngay chầu “ăn sáng” với những cuộc gọi từ chị sếp kèm tin nhắn bằng giọng điệu như kiểu “con chị không gọi cho em được thì chị sẽ gọi cho em”, bà chị vẫn không trả lời, vài tiếng sau, đã thấy một tin nhắn có một không hai từ chị sếp: “Chị có nói bé Huyền thu âm nội dung hướng dẫn gửi qua tin nhắn cho em, em mở lên nghe rồi làm theo nhé!”
Bà chị không nén được sự bực dọc nhưng cũng đành phải mở nghe thử xem sao, nhưng rồi bằng lòng thương người, dẫu cái miệng có hơi chua ngoa, xéo sắc nhưng dễ mủi lòng và lương thiện, bà chị lại vào bàn hý hoáy, làm mấy câu bài tập cho bé Huyền siêng năng được hoàn thành nhiệm vụ.
Sáng nay, khi đang ngồi ăn sáng, thằng lính quèn nuốt hộp cơm mà như nghẹn lại khi nhận thêm cái email của sếp với nội dung: “Anh có mấy cái hợp đồng, em làm dùm anh nhé!”
Hợp đồng, lại là cái mớ làm ngoài của sếp nhận với người ta nhưng chỉ nhận rồi quẳng qua cho nó làm, tiền thì sếp lấy chứ nó chả có đồng xu, nhiều lúc nó mệt mỏi, nhắn tin từ chối nhưng dường như sếp chẳng quan tâm, vẫn cứ y xì và cố chấp gửi mail qua cho nó với mớ hợp đồng hết lần này sang lần nọ. Khi thì tài liệu, khi thì bài giảng rồi ngồi chờ nó làm xong gửi lại, mặc kệ nó có nhắn tin từ chối hay không, mặc định trong tư tưởng sếp: “Này! Anh gửi qua là mày phải làm, có mệt, có bận cũng phải làm, có nói gì cũng mặc kệ chúng mày, việc thầy hoàn tất là đủ.”
Nó uống một ngụm nước cho trôi mớ cơm còn nghe nghèn nghẹn trong cổ họng, hộp cơm đang ăn dở, nó mang quẳng vào thùng rác, nhìn qua phía bà chị cùng phòng đang bấm nhắn tin, gương mặt chả bao giờ thấy nở nụ cười vì cái nơi làm việc chẳng có gì vui vẻ để mà người ta cảm thấy nở được nụ cười mãn nguyện. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những lời than van bất lực vì những công việc không nằm trong nhiệm vụ của mình nhưng không có đường nào lẩn tránh, nhân viên như một cái bao tải dồn nén những thứ phế phẩm tinh thần, mệt mỏi và ngột ngạt chồng chất bởi sự nhếch nhác, khuyết tật lương tâm và lòng tự trọng.
Hôm nay cuối tuần, tôi và bà chị cùng với một anh một đồng nghiệp cùng phòng rủ nhau đi uống café, cũng lâu rồi chúng tôi chưa có dịp tụ tập nhau ngoài quán xá vì ai cũng tất bật việc cơ quan, việc gia đình, cứ hết giờ là phải chạy về đón con, chợ búa. Kể ra chẳng ai có đủ rảnh rỗi cho mình, một chút thời gian hiếm hoi chỉ đủ để nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi, thế mà có những người luôn muốn xâm chiếm tất cả thời gian người khác để phục vụ mục đích cá nhân cho họ.
Tôi không uống được café đen nhưng hôm nay thử một lần, như lời anh bạn đồng nghiệp gợi mở:
- Café đen là thứ gì đó đắng ngắt nhưng người ta vẫn mê và không bỏ được, café không đường, lại là khẩu vị nhiều người, cuộc đời đôi khi phải có đắng chát mới nếm đủ dư vị, mới hiểu lòng người.
Đang huyên thuyên, chị cùng phòng lại bật điện thoại, thấy mặt lại không vui, tôi đoán lại là tin nhắn mắc oai nào đó.
- Em làm bài báo cho con chị, sao lúc gửi mail em không để tên con chị? Để bây giờ ra bài, người ta để tên Tác giả là em?
- Chị ơi, hôm đó chị bảo em để trống phần tên, để chị liên hệ bên đó để tên con chị, em đã gửi trước cho chị xem rồi, chị nhắn bảo em gửi mail qua bên đó thì em gửi qua thôi.
- Nhưng khi gửi, em không ghi tên bé Huyền, con chị, người ta thấy mail của em thì người ta để tên em.
- ????%%%####@@
Nghe đến đó, bà chị cùng phòng không uống rượu mà đầu óc tự nhiên muốn quay mòng mòng như chong chóng:
- Ủa! Gì vậy chị? Lần trước chị kêu em viết bài cho con chị, nhớ để trống phần tên cho chị điền tên con chị vô là Tác giả, rồi em làm theo y như vậy, em viết bài hoàn chỉnh rồi gửi mail cho chị và con chị xem trước, hai mẹ con chị có xem không mà kêu em gửi mail qua bên Ban biên tập?
Nghĩ trong bụng, chị sếp cũng lạ, vô tư đến mức thượng thừa, nhờ người ta viết bài dùm mà chẳng cung cấp thông tin, chỉ quăng cho cái số điện thoại rồi tự bà chị già phải đi liên hệ, phỏng vấn viết bài cho hoàn chỉnh, giờ chỉ có mỗi cái tên của bé Huyền bé Ngã gì đó để điền vào cũng chẳng điền nổi, cũng phó thác ỷ lại vô bà chị. Ôi Trời, chắc số người ta đẻ bọc điều còn bà chị thì đẻ bọc nilong nên đã giúp đến nơi đến đến chốn còn bị réo tên trách móc.
Thằng lính quèn tự nhiên trỗi dậy vài suy nghĩ của kẻ văn chương: “Buồn! người thì làm tất cả, người thì chỉ muốn ngồi không, sung thì chẳng mọc bao nhiêu mà ai cũng thích nằm chờ sung rụng. Tay chân có sẵn, trí não chưa biến dạng nhưng vẫn thích người ta bày mâm dọn sẵn cho ăn, nhờ vả cả đại ngàn nhưng hễ làm gì một chút không vừa ý là y như rằng hất đổ mọi công sức người khác xuống bùn lầy. Nghĩ cho cùng, thời đại này mà vẫn còn nhiều người sống với cái tư duy thời phong kiến, như kiểu cường hào bá hộ ức hiếp tá điền”.
- Mặc kệ đi chị, suy nghĩ làm gì, giúp đến đó là đủ rồi.
Thằng lính quèn như tôi lên tiếng, mấy bản nhạc romantic làm tôi thấy lòng nhẹ nhõm, ngày cuối tuần mưa lất phất trong quán café tĩnh lặng, âm ấm ánh đèn vàng, lòng tôi hơi chùn xuống
- Hết tháng này em xin nghỉ.
- Thật không? Mày đùa à?
Bà chị cùng phòng lại trố mắt ngạc nhiên, giọng bán tính bán nghi
- Nghỉ thì nghỉ chứ đùa gì chị! Cuộc đời mình tự mình quyết định, không làm chỗ này thì làm chỗ khác.
- Ừ, nghỉ cũng phải.
- Em chọn con đường khác để đi, cái gì mệt mỏi, không thích thì mình phải tự giải thoát. Ngoại trừ gia đình mình là thứ không thể bỏ đi, còn lại, cái gì không hợp với mình, không có duyên với mình thì mình không cần cố công bám víu.
- Ừ, mày đi trước đi, không chừng vài tháng, tao cũng tìm đường rút.
- Chỉ có anh Hoàng, bản lĩnh là sống nổi.
Người đồng nghiệp tên Hoàng với dáng vẻ đen đúa ngầu ngầu khẽ bật cười rồi lắc đầu trước sự hỗn mang tâm lý của những người nhân viên có thói quen chịu đựng.
- Anh thì ông bà nào mà ức hiếp được, nhìn tao bặm trợn thế này, chả lẽ đi sai mấy việc vặt vãnh của vợ con nhà họ? Mày với bà chị đây chỉ được cái mồm than vãn, chứ bóng vía thì yếu lắm, nên họ bắt nạt, lợi dụng đủ việc vớ vẩn. Còn tao thì tao thách đấy, nhờ linh tinh, tao nói thẳng, có mà dám nhờ.
- Được mấy người như anh. Tụi em thì non tuổi đời lẫn tuổi nghề.
- Mày nghỉ, tao nghe cũng buồn nhưng nếu có được chỗ khác tốt hơn thì cứ bay, chả phải sếp nào cũng như sếp này, nhiều nơi người ta tốt lắm, quan trọng là mình có duyên để gặp được họ hay không.
Tôi khẽ gật đầu và lòng như trút đi gánh nặng khi chia sẻ điều mà tôi dự định trong vài ngày sắp đến với mấy người đồng nghiệp khá thân, lòng cũng có chút gì đó hơi buồn buồn nhưng chắc chắn nỗi buồn không đến từ những người lãnh đạo, bởi tôi chưa bao giờ nhận được điều gì hay ho lẫn giá trị tinh thần để tôi học hỏi và kính nể, ngoại trừ sự tuân thủ và phục tùng mệnh lệnh như một con rối trong suốt thời gian làm việc của mình.
Ngày tôi kết thúc công việc cũng đến, tôi rời đi với một sự rỗng không, chẳng có chút gì mảy may xúc động, tôi chỉ nghĩ về phía trước với những gì mình hướng đến, tôi mừng vì mình đã được giải thoát khỏi mớ lùng nhùng mà mình đã chịu đựng, mang vác bao nhiêu năm qua. Đôi khi quá sức đến kiệt quệ sức khỏe lẫn tinh thần, khi tôi phải đấu tranh giữa sự chịu đựng và phản kháng nhưng rồi tôi nhận ra mình không đủ mạnh để đối đầu và xoay chuyển được bản chất của người khác. Bởi mỗi con người là một thực thể khác nhau, một khi người ta sống và chỉ muốn xoáy vào cái quyền lợi cá nhân thì người ta có thể bất chấp tất cả, sẵn sàng đạp lên lòng tự trọng để đạt được mục đích cho mình thì mọi sự tế nhị, mọi sự chịu đựng, tôn trọng của người khác dành cho họ chỉ là đồ bỏ.
Sau một thời gian nghỉ việc, một buổi chiều, tôi nhắn tin qua cho sếp cũ khi có một đứa bạn cần thông tin nho nhỏ, tôi nghĩ khả năng sếp cũ của tôi có thể giúp được một cách dễ dàng, thế nhưng khi tin nhắn gửi đi, mấy ngày sau tôi vẫn chưa nhận được lời đáp, khi đó, tôi mới nhắn lại với sếp rằng: “Em tìm được thông tin rồi” thì khi đó, tôi nhận được tin nhắn của sếp nhắn qua, một cách rất nhanh và dõng dạc: “Anh bận đi công tác, chưa liên hệ được, em tự liên hệ nhé!”
- Ồ! Trần trụi đến nhẵn nhụi!
Thế sao ngày trước sếp lại nhờ vả thằng lính quèn đủ chuyện trên trời dưới đất? Sao ngày đó thằng lính bận tối mặt tối mũi mà sếp cũng vẫn ngoan cố gửi mail làm dùm? Sao lại thế nhở? Khôn như sếp, quê em đầy!
Thằng lính quèn há hốc mồm khi nhận được tin nhắn từ người sếp cũ, hóa ra, xã hội vẫn còn nhiều đất trống cho những thành phần thích nhờ vả và lợi dụng, họ mang lớp mặt nạ giả lả, thảo mai chỉ để "tấn công" mục tiêu một cách ngoan cố và bất chấp, bất chấp đến lì lợm nhưng họ luôn chọn cách thờ ơ, né tránh khi có ai đó cần sự giúp đỡ từ họ, họ thích một cuộc sống chẳng có trước có sau.
Thằng lính quèn đành chép miệng: “Chắc sếp lại đang bận nhờ thằng khác làm bài hộ!”
Điện thoại nó lại vang lên, giờ thì nó có thể an nhiên cầm điện thoại đọc một cách bình thản vì biết chả còn hồng ân nào đặt lên vai nó nữa.
- Hết tháng này tao nghỉ, về làm vườn cho xong.
Tin nhắn từ bà chị cùng phòng hiện ra trong mắt nó, thoáng chút chạnh lòng, nhưng rồi nó lại thấy nhẹ nhàng khi nghĩ đến ngày bà chị cũng được thoát khỏi cái mớ hỗn độn làm công không cho thiên hạ.
- Chị thấy điều gì làm mình thoải mái thì cứ làm.
- Ừ! Chứ suốt ngày cứ phải làm osin cho thiên hạ, ngoài giờ cũng chẳng được nghỉ ngơi, cứ kêu réo bất chấp, nhân viên mà coi như con ở thì tao cũng mệt rồi mày ạ!
- Em ủng hộ chị thoát khỏi mấy người sếp kiểu này! Tồn tại với họ chả khác nào đeo gông vào cổ. Cả đời cứ phải phục tùng cho việc cá nhân, trái ý một lần là ngóc đầu không nổi. Thôi đi cho lành.
Thế là bà chị cùng phòng cũng như tôi, hết tháng sau sẽ nộp đơn thôi việc. Tôi chẳng động viên chị bám víu bởi tôi hiểu nơi đây, nhất là đối với những người như tôi và chị khi ở lại, chẳng khác nào đám tôi tớ cho người ta lợi dụng một cách vô tội vạ rồi thì vắt chanh bỏ vỏ, chứ đã tình nghĩa được miếng nào.
Vài ngày nữa, tôi, một thằng lính quèn nhận một công việc ở đơn vị mới, một cảm giác tích cực và chờ đợi len lỏi trong tôi, tối nay, tôi nhận được tin nhắn từ người thủ trưởng: “Em cứ bàn giao rồi nghỉ ngơi cho hết tháng này đi, thư giãn cho khỏe rồi vào công việc. Có gặp khó khăn gì cứ nhắn lại anh”.
Đoạn tin nhắn từ người đã từng liều lĩnh cho một đứa từ quê lên tỉnh như nó mượn số tiền hơn chục triệu đồng để cho đứa em đi học ngày nó lững thững, chân ướt chân ráo vào thành phố, người luôn đứng ra giúp nó khi nó gặp khó khăn mà nó chưa trả ơn lại được lần nào. Vài lần nó mời café, hay đi ăn một chầu nho nhỏ, người đàn anh cũng chẳng để nó tính tiền, thỉnh thoảng anh lại mở lời: “Khi nào muốn về đây thì cứ qua anh” vì anh muốn nó về làm đồng nghiệp, giờ lại là người cưu mang, chào đón nó khi nó về cơ quan mới. Nó nghĩ trong đầu: “Không biết sau này sẽ ra sao nhưng trước mắt người ta tốt với mình thì mừng trước đã, vẫn hơn những người chỉ biết vắt kiệt sức lực của mình chứ chưa từng giúp đỡ mình lần nào.”
Nó khẽ mỉm cười rồi ngã lưng xuống giường, nghe cảm giác sảng khoái và nhẹ nhõm sau một ngày chạy xuôi chạy dọc: “Cuộc đời này, có những người, chỉ biết cho chứ không muốn nhận, có những người cả đời chỉ biết nhận chứ chẳng muốn cho. Công việc, vị trí có thể giống nhau nhưng lòng tốt, đạo đức và nhân cách của con người thì ai may mắn lắm mới được ông Trời ban tặng”.
(Hết)
© Võ Đào Phương Trâm - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Khi lạc bước hãy lặng thầm suy nghĩ, nhiều việc trên đời đâu đáng phải bận tâm | Góc Suy Ngẫm
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Là vì em yêu anh
Em đã từng nghĩ rằng anh chỉ đến với em do cảm xúc nhất thời mà thôi. Chỉ sau vài tháng, anh sẽ nhận ra em không như những gì anh mong đợi thì anh sẽ tự rời xa em nhanh thôi. Vậy mà đã bao năm trôi qua, anh vẫn bên cạnh em như ngày nào.
Chuyện ngày mưa
Sau này lớn hơn chút thì tôi mới biết rằng, ai cũng có cuộc sống của riêng mình và người ta cũng không có quá nhiều thời gian để bận tâm đến bạn đâu; hơn hết bạn phải sống vì bạn chứ đâu thể để ý ánh mắt người ta nhìn mình được.
Đất và nước
Nhưng nước ở đây, nước ở cái giếng nhà ông lại có thêm điều này nữa, đó là nước còn cho ông còn cho gia đình ông sự quyện chặt của tình thân của tình thương con người với nhau.
Mùa thu vắng em
Vắng em rồi khung trời cũ quạnh hiu Anh thẫn thờ nhìn mùa thu vừa tới Nơi em đi là nơi xa vời vợi Nhớ em nhiều anh biết phải làm sao.
Người thầy đầu tiên
Khi nhận ra một đứa trẻ phát triển hành vi bị lệch lạc người ta sẽ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên chính là bố mẹ đã không theo dõi, quan tâm sát sao và đúng thời điểm với con cái mình.
Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa
Chỉ có âm thanh của chính nó – tiếng bánh xe lăn trên cát, tiếng động cơ hoạt động – là những âm thanh duy nhất robot có thể nghe thấy. Trên hành tinh không sự sống này, robot trở thành kẻ độc hành trong vũ trụ rộng lớn.
Anh yêu Đất nước, anh yêu em
Từ lời nói ngọt, từ nụ cười ánh mắt hay cả những cái nhíu mày khó coi của em đều khiến chàng trai trẻ bồi hồi, xao xuyến. Tình yêu anh dành cho cô ấy ngày càng lớn lên, chỉ đứng sau tình yêu anh dành cho tổ quốc.
Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+
Tại sao chúng ta không thể mở rộng lòng mình, chấp nhận sự đa dạng và yêu thương mọi người như họ vốn là? Nếu bạn đã từng yêu, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu không có giới hạn, không có ranh giới. Vậy tại sao chúng ta lại đặt giới hạn lên tình yêu của người khác?
Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta
Bà không biết con có nhìn lại rồi dõi theo từng bước chân đi của bà không? Nhưng bà chỉ biết rằng bà vẫn âm thầm dõi nhìn theo con bước vào lớp học cùng với các bạn.
Mẹ còn trong trái tim con
Mẹ còn trong trái tim con Còn trong hơi thở, mỏi mòn tháng năm Còn trong sâu kín nỗi buồn Còn trong vạt nắng chiều buông nhạt nhòa.