Mãi mãi là bao lâu?
2020-06-16 01:22
Tác giả: Nguyễn Văn Lập
blogradio.vn - Bao lần tôi nói rồi, chẳng có gì là mãi mãi. Còn sống tốt, còn chân thành được với nhau ngày nào thì vẫn còn tình bạn. Mãi mãi là bao lâu, chẳng còn quan trọng nữa rồi.
***
Thái Nguyên, mùa hạ năm 2020
“Mãi mãi là bao lâu?”
Tôi hỏi người bạn đang ngồi uống cà phê cùng mình. Sam im lặng, nhìn xuống dòng người đang hối hả ngược xuôi trên đường Lương Ngọc Quyến. Quán Cộng cà phê nơi chúng tôi đang ngồi là bến xe cũ của thành phố Thái Nguyên, nơi này đã được phá bỏ và di dời đi cách đây mấy năm.
“Tôi xin lỗi.” Sam nói.
“Vì điều gì?”
“Vì đã không nhận ra tình cảm của cậu đã dành cho tôi”.
Tôi cười, không đáp lời.
“Nếu ngày xưa, tôi…” Sam chưa kịp nói hết câu thì tôi đã ngắt lời.
“Quá khứ không có chuyện nếu thì, thời gian đã trôi qua chẳng thể nào thay đổi được. Tôi và cậu đến nay vẫn là bạn thân, điều đó chẳng tốt hơn sao?”
“Những lúc khó khăn nhất, cậu đều ở bên cạnh tôi. Dù sao thì tôi cũng thấy mình thật ích kỷ, khi không để ý tới cảm xúc của cậu. Tôi chỉ biết sống cho cảm xúc của chính mình.”
“Cậu đã nhắc chuyện này rất nhiều lần rồi. Tôi có cảm giác cậu đang dằn vặt bản thân và chẳng khác nào tôi cũng là người có lỗi. Vậy nên đừng nhắc lại chuyện quá khứ thì tốt hơn”.
Tôi đưa cho Sam số tiền cô ấy hỏi vay.
“Thực sự là tôi không biết bao lâu nữa mới trả nợ được cho cậu nữa”. Sam nói.
“Khi nào có thì trả, tôi cũng chưa cần đến ngay đâu”.
Chúng tôi rời khỏi quán cà phê để xuống bãi đậu xe. Tôi giật mình khi thấy Sam khoác cánh tay của tôi. Nhưng rất nhanh chóng, cô ấy đã giật cánh tay lại.
“Tôi xin lỗi”. Sam nói. “Tôi vẫn giữ thói quen ngày xưa.”
Tôi lạnh lùng đáp lời:
“Không có gì”.
Xuống đến đường Lê Ngọc Quyến, tôi nói với Sam là có hẹn với người bạn, nên cô ấy cứ quay về trước.
“Mãi mãi là tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trẻ khi ở bên cạnh cậu. Cảm ơn cậu đã cùng đi với tôi hết quãng đường tuổi trẻ”. Sam nói.
Lại một lần nữa tôi lạnh lùng:
“Không có gì”.
Sam từ biệt tôi, đôi mắt của cô ấy đượm buồn như muốn khóc. Tôi cười thản nhiên, đứng nhìn cô ấy cho tới khi khuất dạng. Lúc ấy tôi cảm nhận được sự cay nồng nơi đôi mắt mình. Sam vẫn vậy, cuộc sống có khó khăn thì cô ấy vẫn là người bạn thân nhất của tôi. Sam có mái tóc dài, dáng người cao mảnh khảnh. Mọi ấn tượng ban đầu về cô ấy ùa về khiến tôi không thể kiềm chế được cảm xúc. Tôi phải cố ghì mình lại, để mình không dễ dàng xúc động giữa phố quen. Nhưng tôi vẫn khóc khi ngồi nhậu một mình trên đường Đê Nông Lâm. Không phải là những tiếng khóc nức nở, không phải là những hàng nước mắt tràn trề. Mà đó chỉ là những giọt nước mắt không kiềm chế được, nhỏ giọt quanh khóe mắt. Nhưng tôi biết, nó cay nồng và đắng ngắt.
Tôi yêu Sam. Tôi luôn rất hiểu rất rõ điều đó, cả ngày ấy và bây giờ. Nhưng không đồng nghĩa với việc yêu là phải ở bên nhau. Tôi đối với Sam đó là tình yêu không vụ lợi. Tôi đang phá sản, tôi góp vốn với những người bạn làm thị trường phân bón. Đến khi tôi bị lao phổi, phải nằm điều trị nhiều tháng, họ đã lấy hết đi tất cả tài sản mà tôi có. Tôi làm ăn không hợp đồng, chỉ bằng niềm tin, không có giá trị pháp lý để khởi kiện. Tôi mất hết. Những đồng tiền cuối cùng nhờ vay mượn để khởi nghiệp lại, tôi đã cho Sam vay.
Thực ra, số tiền ấy không đủ để tôi vực lại những gì đã mất. Nhưng số tiền ấy đem lại hạnh phúc cho Sam.
Vậy là đủ.
Hà Nội, mùa thu năm 2008.
Tôi không ngừng than vãn khi bước lên tầng năm nhà G của trường Nhân Văn. Buổi nhập học đầu tiên, nhà trường đã bắt tân sinh viên phải leo thang bộ cao đến vậy, chẳng khác gì một thử thách. Bước đến cửa lớp thì tôi thấy một cô gái tóc dài nhìn chằm chằm tôi. Thấy cô gái rất thân quen, nhưng tôi không nhớ mình đã gặp ở đâu.
Giờ nghỉ giải lao, tôi bước ra ngoài hành lang nhìn xuống sân trường thì cô gái vừa nãy vỗ vai tôi.
“Này, cậu học ở cấp ba Phương Sơn phải không?”
Tôi ngơ ngác đáp lời. “Ừ. Tôi học ở Phương Sơn.”
“Tôi học lớp A8 đây, chuyên khối C của trường. Nhìn cậu quen lắm.”
“Tôi học lớp A2, chuyên khối A đây”.
Cứ ngỡ tôi sẽ cô đơn không người bạn nào cùng quê tại ngôi trường mới, nhưng giờ thì tôi đã có một người bạn cùng trường cấp ba mà không hay. Cô ấy tên Sam, dáng người rất cao và đặc biệt là mái tóc rất dài. Cô ấy ở trọ tại ký túc xá Mễ Trì, còn tôi thì ở trọ ngay gần trường.
Mỗi lần đến trường cô ấy lại khoác tay tôi như hai người đàn ông. Mà thực tế ở trường Nhân Văn, phụ nữ nhiều hơn, thì hành động đó được coi là của hai người phụ nữ. Sam thường hay trêu đùa tôi như vậy. Cô ấy nói học khối A không thi vào trường nào đó khối A, bon chen thi vào trường Nhân Văn thì phải chấp nhận sự thật đó.
Sam hay kéo tôi đi bộ dưới tán xà cừ trên đường Nguyễn Trãi để tới ký túc xá Mễ Trì. Mỗi lần đó cô ấy lại mời tôi ăn chè ở cổng phụ ký túc xá. Dù không sống trong ký túc xá, nhưng tôi đã quen thuộc từng tán cây trong sân, mỗi mùa hoa sưa lại ngồi ở bậc thang thư viện ngắm hoa đêm và nghe những sinh viên khác đánh đàn.
“Giá như được sống như này mãi mãi.” Sam nói.
“Mãi mãi là bao lâu.”
“Là không phải chỉ có bốn năm sinh viên.”
Tôi cười, nói như vậy thì sẽ chết già trong vùng an toàn, thành bô lão chống gậy giữa lớp trẻ. Sẽ chẳng có gì thú vị đâu.
Quảng Trị, mùa hạ năm 2009.
Nắng cháy da, gió lào từng cơn khiến đoàn đạp xe uể oải. Chặng đường này đi qua Quảng Trị chúng tôi đạp xe trên đường mòn để tới nghĩa trang Trường Sơn. Bữa trưa ở rừng, chúng tôi chỉ ăn cơm với muối vì đội hậu cần không thể tìm thấy quán cơm. Mọi người đều chán nản, bụng đói vì chỉ có ít cơm tự nấu, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt. Đoàn đạp xe không còn ngay ngắn, đúng hàng lối được nữa.
Tôi đạp xe chậm lại, để xem Sam đang ở đâu. Mãi lâu sau mới thấy Sam đang cố đạp xe chậm chạp.
“Tôi hết sức rồi.” Sam nói. “Không thể đạp được nữa.”
“Thằng Kiên đâu mà để cậu như thế này”.
“Không biết nữa”.
“Lại giận nhau à?”
Sam khẽ gật đầu.
Tôi định bỏ đi, vì cảm thấy khó chịu mỗi khi thấy Kiên và Sam. Họ đã yêu nhau từ khi hành trình đạp xe xuyên Việt bắt đầu. Nhưng nhìn thấy từng dòng mồ hôi chảy ướt đẫm trên khuôn mặt của Sam, tôi không nỡ làm điều đó. Tôi đạp song song với xe đạp của Sam, đặt tay lên vai cô ấy và đẩy chiếc xe đi.
Từ lúc có tôi đẩy, cô ấy không hề đạp, chỉ ngồi yên. Đoạn đường mòn Trường Sơn nhiều dốc, mỗi lần có dốc là tôi lại mắm môi mắm lợi đạp xe và đẩy Sam đi cùng.
“Yêu nhau mà cứ như trẻ con, giận hờn vớ vẩn.” Tôi nói.
“Tôi bỏ mất thôi. Có lẽ quay về Hà Nội, chứ thực sự không còn sức để đạp xe nữa cậu ạ”.
“Bỏ là bỏ thế nào? Chính cậu là người đã rủ tôi đi xuyên Việt. Chính cậu là người đã nói sẽ cùng tôi tới Sài Gòn”.
“Nhưng, tôi cảm thấy cố gắng hết sức lực rồi.”
“Chưa đủ. Cố gắng hơn nữa thì chúng ta mới cùng nhau tới Sài Gòn được”.
Đến Huế, chúng tôi dừng nghỉ tại ký túc xá một trường cao đẳng. Khi dừng xe, tôi mệt mỏi đến nỗi đã nằm sóng soài một lúc lâu mới lấy lại sức để lê lết đi ăn cơm.
Buổi tối hôm ấy chúng tôi không có hoạt động văn nghệ, nên tất cả đoàn được đi dạo phố. Đến cầu sông Hương, tôi thấy Sam và Kiên nắm tay nhau. Tôi cười vì sự giận hờn trẻ con trong tình yêu. Nhưng lòng buồn man mác như dòng sông Hương đêm nay nghe hát về tình yêu vậy. Chẳng hiểu sao mỗi lần thấy họ vui vẻ bên nhau, tôi lại có cảm giác mình dần mất đi một điều gì đó.
Sài Gòn, mùa hạ năm 2009.
Tôi và Sam sinh cùng ngày, cùng tháng nên được đoàn tổ chức sinh nhật. Bữa đó sau khi dính bánh đầy bánh sinh nhật trên mặt, tôi và Sam cùng đi kiếm chỗ rửa mặt. Cô ấy có vẻ khá buồn và trầm tư, khác hẳn vài phút trước còn vui vẻ nói cười.
“Sáng ngày kia tôi quay về Hà Nội”. Sam nói.
“Vì điều gì? Lý do gì mà không đạp xe cùng đoàn tới Cần Thơ”.
“Nhà anh Kiên có việc, anh ấy phải quay về, nên tôi cùng về với anh ấy”.
“Vớ vẩn.” Tôi giận dữ. “Kiên là Kiên, cậu là cậu. Sao phải quyết định theo Kiên làm gì”.
Nhưng Sam vẫn giữ nguyên ý định đó, không thay đổi.
Đến Sài Gòn, chúng tôi được đến chùa Vĩnh Nghiêm ăn tiệc chay. Đó là sự tài trợ của nhà chùa dành cho đoàn tình nguyện. Sau bữa tiệc, tôi và Sam đi bộ trong khuôn viên chùa. Mưa bỗng kéo đến, mùa mưa ở đây thật khó chịu, mỗi ngày đều kéo đến bất chợt và lại đi nhanh không báo trước.
“Hay là tắm mưa”. Sam nói.
“Không sợ ốm à”.
“Ngày còn nhỏ tắm mưa suốt có sao đâu”.
Tôi và Sam đi giữa cơn mưa dọc theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đi được một đoạn, cảm thấy không có ai trong đoàn, tôi nắm tay cô ấy và đề nghị cô ấy cùng đạp xe đi đến Cần Thơ theo đoàn tình nguyện.
“Tôi xin lỗi.” Sam nói. “Tôi phải quay về cùng anh Kiên”.
Tôi chỉ biết cười. Nhưng vẫn cố nói them một câu giữ lại. “Không phải ai chơi cùng nhau cũng may mắn sinh cùng ngày tháng. Tôi chỉ muốn cùng cậu đi đến Cần Thơ. Sau này về già còn có thứ để kể lại”. Và Sam lắc đầu.
“Tuổi trẻ không phải là mãi mãi”. Tôi chợt nhận ra điều đó và dường như có cái gì chạy thẳng vào trái tim tôi. Đau nhói.
Ngày tiễn Sam quay trở về Hà Nội, tôi có cảm giác gì đó rất khó hiểu. Vẻ mặt không buồn, cũng chẳng vui. Tôi phải giấu cảm xúc của mình để cố gắng đạp xe theo đoàn tới Cần Thơ.
Hà Nội, mùa xuân năm 2012.
Sam khóc.
Vẻ mặt của tôi không vui cũng chẳng buồn. Bởi đã phải chứng kiến biết bao người bạn đã khóc vì thất tình. Tôi chẳng biết nên khuyên nhủ điều gì nữa. Và đây cũng không phải lần đầu tiên Sam thất tình. Cô ấy chia tay Kiên, đã khóc lóc và rồi lại vui vẻ trở lại. Đến giờ cô ấy chia tay người tiếp theo, tôi chỉ biết ngồi ở bên cạnh.
“Cậu không muốn cả thiên hạ cười cậu đấy à?” Tôi hỏi.
Sam vẫn khóc. Chúng tôi đang ngồi ở trên hành lang của thư viện Mễ Trì. Nếu không phải vì ngồi ở đây nghe cô ấy khóc, tôi đã chạy ra chỗ đá cầu hoặc bóng rổ. Việc phải ngồi một chỗ khiến tôi thấy khó chịu. Vì tôi thích mỗi buổi tối đến ký túc xá tham gia các hoạt động thể thao. Rồi lê la ra quán nước, uống vài cốc nước ngồi ngắm những sinh viên đi qua lại. Gió mát, có thêm ánh trăng rọi qua từng tán cây rọi xuống sân ký túc, ngồi chém gió dăm ba câu chuyện với bạn bè là điều thú vị nhất.
“Lên phòng đi.” Tôi nói. “Tôi phải về, ký túc sắp đóng cửa. Buồn gì thì buồn, vẫn phải làm xong báo cáo thực tập đấy”.
Tôi nhìn Sam đi vào trong khu ký túc nữ rồi mới ra về.
Vài tháng sau, khi biết một người bạn đang tán tỉnh Sam, tôi đã đi nhậu say. Tối hôm đó tôi đến ký túc xá và gọi Sam ra bằng được.
“Tôi yêu cậu.” Tôi nói.
“Cậu say rồi, cậu đi về đi.”
“Tôi nói thật.”
“Tỉnh rượu thì nói sau.”
“Không. Tỉnh rượu thì tôi không dám nói như vậy nữa”.
Sam cười. “Vậy là cậu chỉ yêu tôi những lúc say thôi sao. Vậy thì không được rồi. Cậu đi về đi”.
Sam quay lưng bước đi, còn tôi như chết đứng. Khoảnh khắc có thể dũng cảm của tôi Sam đã không để ý đến rồi.
Hà Tĩnh, mùa đông năm 2012.
Ra trường, tôi và Sam cùng đi cộng tác cho một dự án nghiên cứu ở Hà Tĩnh. Bất chợt Sam đau bụng và phải nhập viện đa khoa tỉnh. Lúc ấy tôi mới biết cô ấy đã cắt một buồng trứng. Và bây giờ để giữ được mạng sống, cô ấy phải cắt nốt buồng trứng còn lại. Suốt những ngày ấy, tôi phải ở bên cạnh cô ấy. Sam yêu cầu giấu hết thông tin, không để cho gia đình được biết.
“Vậy là tôi không còn quyền được làm mẹ”. Sam dựa vai tôi, nức nở khóc.
“Còn giữ được mạng sống là còn may rồi”.
“Một quyền cơ bản của con người mà cũng không có. Cuộc sống này thật bất công.”
Vai áo của tôi ướt đẫm nước mắt của Sam. Tôi ngồi đó, cõi lòng chết lặng và không biết phải nói sao được nữa. Tôi cũng muốn khóc theo Sam, nhưng không thể. Nếu tôi khóc, còn ai làm chỗ dựa cho cô ấy được nữa. Nên tôi cứ ngồi đó, ngây người như một pho tượng gỗ vô tri.
Những ngày tháng Sam ở viện, tôi phải ép cô ấy ăn từng thìa cháo. Tôi hiểu nỗi đau của cô ấy. Mỗi con người đều mơ về hạnh phúc gia đình. Nơi có một mái nhà, cùng nhau quây quần ăn chung một bữa cơm. Nhìn thấy những đứa trẻ ríu rít gọi mẹ mỗi khi chúng đi học về.
“Tôi sống vì điều gì nữa đây”. Sam nói.
“Vì cuộc đời cậu. Chúng ta vẫn còn trẻ mà. Sau này cậu có thể nhận con nuôi, hoặc nhận nuôi một đứa cháu nào đó của họ hàng. Dồn hết tình cảm vào đứa trẻ ấy. Và cuộc sống này còn rất nhiều điều ý nghĩa khác, đâu chỉ là chuyện con cái”.
Tôi nói vậy, nhưng kỳ thực lòng cũng đau như cắt.
Sam ra viện, cô ấy có chút vui vẻ hơn trước. Và thế là những ngày tháng kéo dài chuỗi an ủi cũng khiến cô ấy yên lòng.
Được một khoảng thời gian sau thì cô ấy yêu một người bạn thân của tôi.
“Tôi không biết mình có dễ dãi quá không?” Sam nói. “Ngay lần đầu gặp Thành ở Thái Nguyên, tôi đã trao đời con gái của mình cho anh ấy”.
Tôi lặng người.
“Nhưng tôi tin anh ấy thật lòng với mình”. Sam nói.
“Tôi cũng mong là vậy. Còn nhiều thằng đàn cậu chỉ nghĩ tới tình dục, đưa được con gái nhà người ta lên giường rồi phủi tay chạy bay biến”.
“Không. Anh ấy thật lòng với tôi. Tôi đã thử rất nhiều cách khác nhau thử lòng anh ấy. Nhờ cả một người bạn thân tán tỉnh Thành, nhưng anh ấy từ chối vì nói là đã yêu tôi”.
“Thành có biết chuyện cậu không thể sinh được không?”
“Có. Anh ấy biết và nghiêm túc nghĩ đến chuyện sau này”.
“Vậy thì tốt. Mong là vậy. Nếu không tôi sẽ là người đầu tiên xử đẹp nó”.
Bắc Giang, mùa đông 2017.
Lúc nhà trai đến đón dâu, nhìn Sam trong bộ váy cưới sánh vai bên Thành, tôi không kiềm được lòng. Tôi đã lao nhanh ra vườn, khóc cho đã đời và lau nước mắt để nở những nụ cười, tôi nghĩ Sam cũng mong tôi sẽ vui đẻ chúc phúc cho cô ấy.
“Lại đây.” Sam nói và kéo tay tôi. “Cậu là người yêu cũ phải đứng chụp ảnh cùng tôi một tấm kỷ niệm chứ”.
“Ai là người yêu cũ của cậu. Đã ngày nào yêu nhau đâu. Nói vậy người ta hiểu nhầm đấy”.
Sam cười. Khẽ ghé tai tôi thì thầm. “Tôi xin lỗi”.
Một lời xin lỗi cho một cõi lòng chết lặng.
Nhà trai giữ tôi lại, cô dâu chú rể cũng giữ tôi ở lại, vì tôi là bạn của cả hai người. Nhưng tôi kiếm cớ bận rộn và rời khỏi đó. Tôi sợ rằng, tôi không còn đủ bình tĩnh ngăn được những giọt nước mắt đã kìm nén nơi khóe mắt.
Về đến nhà, tôi lao vào phòng, tắt điện ngồi một mình giữa bóng tối. Những giọt nước mắt cứ thế rơi ào ra, không thể kiểm soát. Tôi cố gắng nghĩ rằng, Sam đã có được hạnh phúc, đó là điều vui vẻ nhất ở cuộc đời này. Nhưng sao cõi lòng của tôi chẳng thể giấu được những nỗi buồn.
Cô ấy đâu biết, bao năm tháng qua tôi đã đằng đẵng theo dấu chân của cô ấy. Ra trường tôi đã làm tất cả để kiếm được một công việc trên Thái Nguyên. Chỉ để được ở gần cô ấy, được thi thoảng ngồi uống cà phê, nhâm nhi ly trà, nói những chuyện vu vơ về cuộc đời ngoài kia.
Cô ấy cũng đâu biết, những lần cô ấy đau khổ tôi đều phải nén nỗi buồn cất sâu trong lòng. Chỉ để muốn cô ấy thấy cô ấy đã có một bờ vai vững chắc luôn ở bên cạnh cô ấy lúc cần. Càng nghĩ tôi càng thấy mình đang lạc vào hố sâu của cuộc sống, một vực thẳm không lối thoát.
Tôi đã mất cô ấy thật rồi.
Thái Nguyên, mùa hạ 2020
Ngồi nhậu một mình, khóc giữa con phố quen được một hồi lâu thì tôi thấy Sam trước mặt.
“Tôi xin một chân nhậu.” Sam nói.
“Ai trông Thành trong viện.”
“Mẹ anh ấy. Viện phí tôi đã nộp hết rồi. Ngày mai phẫu thuật, hy vọng mọi chuyện ổn”.
“Sao cậu biết tôi ở đây”.
“Tôi đoán là cậu ở đây. Từ sau ngày cưới, cậu chẳng bao giờ liên lạc. Những lần thấy cậu ngồi ở đây một mình, tôi cũng chẳng dám vào”.
Tôi quay mặt đi, khẽ lau những giọt nước mắt còn đọng lại nơi khóe mi.
“Cậu có tin vào duyên phận không?” Sam hỏi.
“Tin cũng để làm gì, không tin cũng để làm gì”.
“Vậy thì uống đi, như những ngày còn trẻ”.
“Uống ít thôi, cậu còn quay lại trông Thành. Có mùi rượu không hay đâu”.
Nhưng tôi không cản được Sam uống rượu.
“Sao ngày xưa cậu không mạnh mẽ hơn, biết đâu giờ này chúng ta đã khác”.
Tôi ngắt lời. “Cậu biết tính tôi rồi đấy. Sao cậu không đồng ý luôn vào lúc tôi tỏ tình ở ký túc xá”.
“Tôi tưởng cậu trêu tôi”.
“Thôi. Mọi chuyện đã ở quá khứ. Tương lai còn rất nhiều việc phải làm”.
“Tôi không biết được nữa, cuộc sống này cố gắng vì điều gì, tìm kiếm điều ý nghĩa gì?”
Tôi uống ly rượu, nhìn ra ngoài dòng người ngược xuôi trên đường Đê Nông Lâm.
“Vì điều gì à?” Tôi nói. “Biết bao lần cậu đã tổn thương, rồi bao lần vấp ngã, tôi tưởng cậu đã hiểu được điều đó”.
“Những lúc ấy còn trẻ, còn những người bạn ở bên cạnh. Họ luôn giúp đỡ, luôn là bờ vai, điểm tựa. Còn bây giờ miệng đời chia rẽ, chỉ mỗi chuyện có con thôi đã khiến gia đình lục đục”.
“Không ai dũng cảm cả đâu. Đó chỉ là sự lựa chọn, ép buộc mình phải làm vậy. Từ bỏ là thua cuộc, còn chấp nhận thất bại là còn đứng dậy được và bước tiếp.”
“Hy vọng tôi làm được vậy.”
Tôi và Sam không ai nói với nhau một lời nào, chỉ lặng lẽ uống rượu. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, những lời khuyên nhủ người khác chính là những lời mà bản thân mong muốn. Vậy là cuộc sống ngoài kia còn nhiều thứ để tôi không gục ngã. Cuộc đời này còn rất nhiều điều ý nghĩa cần khám phá.
“Cậu và tôi vẫn là bạn thân mãi mãi chứ?” Sam hỏi.
Cậu say lẩm bẩm gì đó. Bao lần tôi nói rồi, chẳng có gì là mãi mãi. Còn sống tốt, còn chân thành được với nhau ngày nào thì vẫn còn tình bạn. Mãi mãi là bao lâu, chẳng còn quan trọng nữa rồi.
Hơn mười giờ tối, tôi đuổi Sam về. Thực sự là muốn cô ấy ngồi lâu với tôi hơn nữa. Nhưng tôi không thể làm khác. Lúc dắt xe máy cho Sam xuống đường, tôi đã nhắn nhủ với cô ấy, cũng chính là lời khuyên nhủ bản thân. Dù câu ấy không xa lạ, trong một cuốn tiểu thuyết kinh điển. Nhưng đọc hiểu lý thuyết và sống được với thực tế luôn khác xa nhau.
“Ngày mai luôn luôn là một ngày mới”.
© Nguyễn Văn Lập - blogradio.vn
Xem thêm: Em mạnh mẽ thế, cho tôi dựa vào có được không?
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?