Phát thanh xúc cảm của bạn !

Người không biết đến tình yêu

2018-07-04 01:21

Tác giả:


blogradio.vn - Dự án của tôi là đi săn tình yêu, để viết lên cuốn tiểu thuyết vĩ đại. Với những xúc cảm mãnh liệt của tình yêu đem lại, khiến bất cứ ai đọc cũng phải thốt lên bồi hồi, đầy day dứt. Tôi phải đi, tới những cung đường, những cánh đồng và đô thị. Để cho từng câu chữ thấm ướt những ngày mưa và thơm mùi những ngày nắng. Khi đọc lên, người ta sẽ nghiêng ngả, lao đao và mỉm cười thật lớn để nghĩ về tình yêu của mình…

***

blog radio, Người không biết đến tình yêu

Từ phía xa, mây đen phủ kín cả vùng trời, tiếp đó những tia sét rạch ngang và những tiếng sấm đã chịu bám theo. Cuối cùng, trời đã đổ mưa, sau một hồi dài đỏng đảnh làm dáng báo hiệu. Trong nhà, tiếng nước mưa lách tách dột qua mái ngói, khiến nền nhà ướt sũng nước.

Trên giường, bà ngoại đang nằm ngủ ngon lành. Đã mười năm nay, sau khi bị tai nạn, chiếc giường là không gian duy nhất cho quãng đời còn lại của bà, mọi sinh hoạt đều do ông ngoại chăm sóc. Ngoài tiếng mưa, căn nhà trống trơn không còn tiếng động lạ nào khác. Tôi hốt hoảng chạy ra mái hiên, quên cả việc cởi bỏ chiếc ba lô đã ướt sũng. Không biết trời mưa như vậy, ông ngoại còn đi đâu nữa.

Tiếng xô chậu trong căn buồng vang lên, khiến tôi giật mình khi đang suy tư ngắm trời mưa. Ông ngoại đang bất lực khi cố gắng giữ khoảng không còn sót lại được khô ráo. Tôi lặng người nhìn dáng gầy của ngoại, chỉ còn da bọc bên ngoài, lớp da đã nhăn nheo theo thời gian… Cứ thế cho tới khi ngoại nhìn thấy tôi.

“Mày cũng chịu về rồi đấy à?”

Tiếng ngoại như đang khóc, đôi mắt đỏ hoe và hai hàng nước mắt rưng rưng. Ngoại rờ rẫm từ đầu tới chân của tôi một lượt, dường như chưa đủ, ngoại lại tiếp tục với đôi tay chai sạn, chỉ còn hiện lên những đường gân xanh lè.

Ngày nhỏ, tôi thường cầu nguyện trời mưa, mỗi khi mưa lại được ngoại ngồi kể cho nghe về mùa nước lũ, chuyện đi săn cá lênh đênh trên sông, nghe mà thấy ham... Còn bây giờ, sau khi đã xác định chính xác là tôi, ngoại ngồi xuống im lặng, suy tư ngắm trời mưa. Ngoại không hỏi tôi nhiều như những lần trước đó tôi về. Dù có cố gắng để đuổi theo những suy nghĩ của ngoại, nhưng tôi cũng không thể biết ngoại đang nghĩ gì.

Bà ngoại bắt đầu những bài ca quen thuộc, lẩm bẩm những tiếng chửi. Đó là tiếng đánh động việc cần đi vệ sinh của bà. Ngoại dáng gầy hao, làm những công việc chăm sóc bà bấy lâu nay. Có lẽ đồng hồ sinh học của ngoại đã tự động báo thức theo giờ giấc sinh hoạt của bà. Ngoại làm công việc ấy không lời ca thán, như một lẽ tất yếu ở đời. Bất giác thương ngoại đến lạ lùng, tôi vội đến ôm vai ngoại như những ngày thơ bé. Ngoại ngoái nhìn lại tôi, khẽ cười.

Tay tôi chạm đến vai áo, thấy những vết khâu dài cẩn thận, tỉ mỉ.

“Ai khâu cho ngoại mà đẹp vậy?”

“Còn ai được nữa, cái Lan sang nhà giúp đỡ ông bà suốt. Con bé hiền lành, lại ngoan ngoãn nữa”.

Nghe đến vậy, tôi lùi lại, định quay bước vì sắp biết ngoại nói gì. Nhưng không kịp nữa, khi đôi vai của ngoại rung rung theo giọng nói.

“Con còn để cho cái Lan đợi đến khi nào? Con gái có thì, tuổi xuân trôi qua nhanh lắm”, nghe mà thấy buồn da diết theo từng lời của ngoại.

Chẳng hiểu sao, ngoại cứ thích tôi cưới Lan. Có thể do hai gia đình có cùng hoàn cảnh, nên cưới nhau về sẽ dễ dàng cảm thông hơn trong cuộc sống. Ấy vậy mà tôi chẳng có một chút nào tình cảm yêu đương dành cho cô ấy. Nếu có, tôi cũng chỉ coi cô ấy như một cô em gái trong nhà. Cô ấy yêu tôi, ngoại thường nói vậy, đã nhiều lần ngoại nghe cô ấy tâm sự.

“Dự án vĩ đại của con ra sao rồi? Kể cho ngoại nghe.”

Làm sao mà kể được chứ, ngoại đâu thể hiểu nổi. Dự án vĩ đại của đời người mà ngoại hay nhắc, đó là lấy vợ, tậu trâu và làm nhà. Ngoại kể rành mạch, từng chi tiết, hệt như đang sống từng ngày trong quá khứ. Đến nỗi, tôi còn nhớ rõ thời gian đến từng ngày, ngoại lấy vợ khi nào, mua trâu năm bao nhiêu và gánh bao nhiêu gánh đá trên rừng về để xây nhà. Mỗi lần nghe ngoại kể, tôi đều thấy ngoại hào hứng, tự hào rất nhiều về những việc đã làm được.

Sao mà tôi có thể kể tường tận được quá trình đi săn chữ, dù đã một vài lần ngoại từng nghe, nhưng đều lắc đầu không hiểu. Dự án của tôi là đi săn tình yêu, để viết lên cuốn tiểu thuyết vĩ đại. Với những xúc cảm mãnh liệt của tình yêu đem lại, khiến bất cứ ai đọc cũng phải thốt lên bồi hồi, đầy day dứt. Tôi phải đi, tới những cung đường, những cánh đồng và đô thị. Để cho từng câu chữ thấm ướt những ngày mưa và thơm mùi những ngày nắng. Khi đọc lên, người ta sẽ nghiêng ngả, lao đao và mỉm cười thật lớn để nghĩ về tình yêu của mình…

Ấy vậy, ngoại thường lắc đầu mỗi lần nghe:

“Tao lấy bà mày có cần tình yêu đâu, vẫn sống với nhau đến cuối đời đấy thôi.” Nên ngoại nói sẽ không bao giờ đọc cuốn sách của tôi viết, bởi ngoại đã gần hết đời người mà chưa hề biết yêu. Ngoại kể về thời trai trẻ đầy tiếc nuối, mới gần hai mươi tuổi đã phải lấy vợ. Ngày cưới ngoại mới nhìn rõ khuôn mặt của bà, người đã gắn bó hơn sáu mươi năm cuộc đời.

Ngày ngoại vô Nam thăm họ hàng, đêm trước khi đi, ngoại hẵng giọng nói thật to, “phen này tôi phải đi vài tháng mới về. Bà ngoại vẫn nằm im lìm không nói gì, cứ như muốn khẳng định, “ông cứ đi, bao lâu cũng được”.

Hôm sau, trước khi lên xe, ngoại dặn dò kỹ các dì phải nấu cơm ra sao, giờ nào bà thức. Như thể ngoại sợ các dì chưa biết nấu cơm và chưa chăm mẹ bao giờ. Ngoại ngồi trên xe với vẻ bồn chồn, có lẽ do đã mấy chục năm mới đi xa và được gặp lại họ hàng. Đáng lẽ ngoại phải thấp thỏm nhìn về phía trước, vậy mà ngoại cứ ngoái lại nhìn phía sau với đôi mắt xa xăm nỗi nhớ.

Đi được năm ngày ngoại đã nằng nặc đòi về, khác hẳn với khí thế hừng hực trước khi đi. Ai cũng hỏi, ông ngoại nhớ bà à? Mỗi lần trả lời, ngoại gắt gỏng, “tao già bằng này tuổi đầu rồi, còn nhung với nhớ cái gì. Chẳng qua tao muốn về, nhà cửa, vườn tược để không, không ai chăm sóc coi sao được”.

Cuối cùng, sau bao háo hức, tôi cứ ngỡ sẽ được ở miền nam dài dài. Vậy mà chuyến đi chỉ vỏn vẹn ít ngày ngắn ngủi.

blog radio, Người không biết đến tình yêu

***

Mưa cũng chịu tạnh khi trời đã nhá nhem tối. Tôi đánh vật với mớ củi ướt nhèm, dùng đủ cách để chất bếp, mồ hôi vã ra như người ta đang hì hục cuốc ruộng. Đến khi mớ củi chịu cháy, cũng là lúc đôi mắt tôi cay xè. Nhìn bếp lửa cháy, đôi mắt cứ như muốn khóc, đúng hơn tôi đang khóc cho dự án vĩ đại của mình. Mòn mỏi đôi chân, cuối cùng tôi cũng chẳng viết được câu chuyện nào ra hồn, sao mà viết về tình yêu của người khác lại khó đến vậy. Mỗi lần đọc lại, tôi chỉ thấy những câu chữ khô khan, cộc lốc.

Tôi đã yêu, chẳng biết mối tình ấy có được gọi là tình đầu không. Ngày mà tôi đến gặp Lam, cô bạn thân chơi với nhau từ khi bắt đầu vào đại học, với ý định sẽ tỏ tình thật lãng mạn, dưới ánh nến lung linh và những bông hoa hồng đỏ thắm. Tôi đã chứng kiến nụ hôn của cô ấy, thật gần… nhưng với một chàng trai khác, không phải tôi.

Dù đã cố gắng tự an ủi bản thân, và tin tưởng sau một giấc ngủ mọi chuyện sẽ tốt lành. Vậy mà đôi chân của tôi cứ bước nặng nề, như có ai khác điều khiển. Đôi chân cứ bước đi vô định, không phải đưa tôi về nơi cần về. Chỉ đến sáng hôm sau, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo và nhận ra tôi đã ngủ dưới hầm đi bộ ở một con đường nào đó không hay… Sau chuyện đó, tôi đã nghĩ tới việc trở về tỏ tình với Lan. Nhưng dễ dàng như vậy đâu còn là tình yêu nữa, phải có chút vị khó khăn, gian khổ mới thú vị.

Ở nhà vài ngày, tôi định trốn mớ chữ hỗn độn mà chẳng yên. Lan cứ tìm gặp hoài, mà tôi thì đâu muốn. Tôi phải ngăn cô ấy lại mỗi khi có ý định nói yêu. Ai đời cọc lại đi tìm trâu bao giờ, làm vậy thì còn gì là tình yêu vĩ đại nữa.

Tôi đi sớm hơn dự định, bởi đã chán ngán phải trả lời những câu hỏi của họ hàng. Ai gặp cũng có một câu mở đầu chào hỏi, khi nào lấy vợ, làm công việc gì rồi? Lần này, tôi sẽ đi thật xa với quyết tâm phải viết cho kỳ được câu chuyện tình yêu vĩ đại thì mới về nhà.

***

Ở những năm tháng tuổi hai mươi, tôi mải miết chạy theo những câu chuyện tới miền Nam xa xôi. Ý nghĩ phải viết được một câu chuyện tình yêu vĩ đại cứ đeo bám riết. Quyết tâm là vậy, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải trở về sớm khi nghe tin bà ngoại mất.

Ông ngoại khóc quá trời, đôi mắt đỏ hoe, từng tiếng nấc nghẹn ngào… đến nỗi chẳng còn giọt nước mắt nào có thể rơi được nữa. Ai cũng sợ ngoại khóc đến độ cùng đi theo bà luôn, nên tôi được nhận nhiệm vụ bám sát lấy ngoại, ngăn không cho ngoại khóc. Nhưng làm sao mà ngăn nổi được chứ, cảm giác mất đi một người đã gắn bó hơn sáu mươi năm trời.

Những ngày sau đó, cứ mỗi chiều ngoại lại đạp xe ra mộ của bà. Người làng đi làm đồng về hỏi ngoại, ông nhớ bà hay sao? Ngoại cứ ủ dột trả lời, có khi nói, “tao ra đốt mấy vòng hoa, cho sạch sẽ ấy mà”. Rồi có khi ngoại than thở, “nhớ đâu mà nhớ, tao ra xem cỏ đã mọc lên chưa?”

Từ đấy, ngoại ít nói, ít cười. Nhưng mỗi khi Lan sang nhà, ngoại lại nói nhiều hơn. Tôi không thể hiểu, cô ấy có điểm gì khiến ngoại nói cười. Bất giác, tôi thấy ghen tị một cách lạ lùng. Cháu ngoại mà không khiến ông vui cười mỗi ngày, trong khi đó Lan chỉ là một cô gái hàng xóm. Cứ thế, tôi thấy ghét cô ấy một cách vô cớ.

Một thời gian sau, cô ấy cũng khiến ngoại buồn. Sau khi cô ấy về, ngoại cứ ngồi buồn thiu, nhìn xa xăm… Cả bữa ăn tối, ngoại chẳng nói lời nào. Ngoại ngừng bữa tối một cách nhanh chóng, thở dài từng tiếng não nề.

“Cái Lan sắp lấy chồng rồi đấy… Mày để người ta đợi lâu quá”.

Hoá ra ngoại buồn vì chuyện này. Tôi thở dài theo tiếng của ngoại và cảm thấy hụt hẫng, cảm giác mất đi một người đang chờ đợi.

“Ngoại chẳng còn sống được bao lâu nữa, cố gắng lấy vợ sớm trước khi ngoại nhắm mắt”.

Từng tiếng của ngoại cất lên não nề.

***

blog radio, Người không biết đến tình yêu

Từ ngày bà ngoại mất, tôi về nhà thường xuyên hơn. Có lẽ bởi không muốn ngoại phải ở nhà một mình, nhưng đúng hơn kể từ khi tôi phát hiện mình là kẻ vô dụng, nên chẳng còn muốn đi đâu nữa. Đến cả tình yêu tôi còn chẳng biết nó như thế nào, thì làm sao mà viết được nên những câu chuyện hay. Cuối cùng dự án vĩ đại của tôi vẫn chỉ là con số không.

Tôi buồn một thì ngoại buồn hai. Ngoại buồn vì dự án vĩ đại của tôi sau bao năm lang thang đã không thực hiện được. Còn đám ngoại mai mối, người ta sắp đi lấy chồng. Ngoại thở dài nhiều hơn theo tháng ngày còm cõi một mình.

Ngày cưới Lan, tôi cứ bồn chồn, nửa muốn đi, nửa còn lại thì không, cũng muốn sang hỏi cô ấy, có yêu người ta không mà cưới. Nhưng cũng không muốn đi, bởi vì sợ làm trò cười cho thiên hạ. Biết đâu cô ấy yêu người ta thật, biết đâu người kia đem lại hạnh phúc cho cô ấy. Còn tôi, kẻ vô dụng có xứng gì với cô ấy.

Buổi chiều, tôi ngồi tại chỗ mà ngoại hay ngồi, nhìn phía xa sẽ thấy cạnh cánh đồng. Nơi mà ngoại hay ngồi trầm ngâm, nhìn xa xăm về phía mộ của bà. Tôi ngồi đếm những cánh cò bay, đếm từng tiếng hót của lũ chim trên đỉnh ngọn tre. Cũng không chắc là tôi đang đếm, bởi vì số lượng cụ thể bao nhiêu, tôi cũng chẳng rõ được nữa.

Ấy vậy, tôi lại nhớ được rõ ràng bao nhiêu lần cùng Lan ngắm những mảnh trăng ướt. Những ngày trăng sáng rọi xuống mặt nước ao lấp lánh, cô ấy thường ngồi bẽn lẽn, khi thì bứt nắm cỏ dại, khi thì lia những viên sỏi và ngồi đếm ao. Lần cuối cùng hai chúng tôi ngồi ngắm trăng, cô ấy còn hỏi tôi.

“Dự án vĩ đại của anh tới đâu rồi?”

Tôi không trả lời. Khi ấy, những câu hỏi như một lời mỉa mai, với một kẻ nhạy cảm đang chưa làm được việc gì cho đời.

“Em… em sẽ chờ anh nhé”.

Tôi lia cả nắm đá xuống ao, mảnh trăng dưới ao tan vỡ thành nhiều mảnh, khiến cô ấy giật mình.

“Đừng chờ anh… Em sẽ hối hận đấy”.

Rõ ràng tôi đâu muốn người ta chờ đợi, vậy mà khi người ta đi lấy chồng, tôi còn bồn chồn hơn cả cô dâu.

Ngoại đứng phía sau đã lâu, đôi bàn tay gầy đặt lên vai tôi an ủi.

“Ngoại không biết tình yêu là như thế nào. Ngày ngoại với bà về sống chung, cả hai đều bẽn lẽn với tuổi hai mươi đầu đời. Sau dần, trải qua những ngày tháng gian khổ, có những khi phải nhịn đói… nhưng trong mắt hai người luôn cười mỗi khi nhìn thấy nhau. Cả hai đều cố gắng sống tốt vì nhau, vì ngày mai tươi sáng. Chẳng có một lời hẹn thề nào, quan trọng trong mỗi người đều có niềm tin về mái ấm hạnh phúc… Đến khi bà ngoại mất, ông cũng hỏi thế nào là tình yêu? Có phải, ai cũng muốn đi tìm tình yêu đích thực, chân chính. Nhưng ở đâu đó quanh ta đã có, vậy mà ta không giờ thấy”.

Suốt những tháng ngày lang thang, tôi còn chưa thể viết lên những câu chữ đẹp như vậy. Vậy mà, ông ngoại – người mà tôi đã từng nghĩ không có tình yêu, đã khiến tôi bất ngờ về những triết lý giản đơn.

“Sao con không giữ nó? Ngoại chỉ muốn con sớm lấy vợ, ngoại mới yên lòng sang bên kia gặp bà”.

Tôi ngoảnh mặt sang chỗ khác, sợ ngoại nhìn thấy những giọt nước mắt đang chực chờ rơi. Bất giác tôi thèm yêu một cách lạ lùng. Tôi mơ màng về ngôi nhà có bóng dáng người vợ chờ đợi mỗi bữa cơm về. Ở đấy có những tiếng cười, những tiếng giận hờn nhau qua những tháng ngày. Hay là tôi sẽ chạy sang phá banh cái đám cưới kia, rồi kéo cô ấy chạy mất dạng. Nghĩ vậy, nhưng đôi chân của tôi cứ như đeo chì, nặng nề như đang mang của người khác.

Người ta nhắc nhiều tới tình đầu, có mấy ai nhắc tới tình cuối. Tình đầu là những day dứt mãi còn đọng lại, để sớm mai thức giấc vẫn còn vẹn nguyên như chưa hề phai tàn. Tình cuối là cùng nhau đi đến cuối cuộc đời, trải qua những giông tố, những ngày mưa nắng bên nhau. Để rồi, khi đến cuối cùng, người ở lại đưa tiễn người ra đi, với những thổn thức, mong chờ… kiếp sau được gặp lại.

Biết đâu cô ấy sẽ bên chồng sắp cưới cùng nhau đi đến hết chặng đường dài, viết lên những hạnh phúc ở xóm nghèo này. Như ông bà ngoại lấy nhau ở tuổi hai mươi, không tình yêu, nhưng đã sống với nhau hơn sáu mươi năm. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ vậy, rồi đôi mắt chẳng kiềm được những giọt lệ. Tôi nhìn theo đôi mắt của ngoại, đang nhăn nheo, nhìn về nấm mồ của bà. Đôi mắt của ngoại như muốn nhắn nhủ điều gì đấy với tình cuối.

© Nguyễn Văn Lập – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Những con còng trên biển

Những con còng trên biển

Nhi nhìn chăm chăm vào bức tranh trước mặt. Sao lại có một sự trùng hợp đến vậy chứ, đây có phải là bức tranh mà Nhi rất thích và đặc biệt rất thích trong cả hai lần được xem ngoài con đường biển không?

Đóa hoa bên đường

Đóa hoa bên đường

Chợt, tôi bắt gặp một đóa hoa nhỏ bên lề đường. Đóa hoa ấy, mặc dù nở giữa bụi rậm và khô cằn, nhưng vẫn tỏa sáng với vẻ đẹp riêng của mình. Tôi ngừng bước, nhìn chăm chú vào đóa hoa và bắt đầu suy tư về ý nghĩa của nó.

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Đối nhân xử thế - không thể qua loa!

Tôi đã tự nhủ, dù cho có chuyện gì xảy ra, trước hết tôi phải giữ vững quan điểm cư xử phải phép, khiêm nhường, dùng sự bình tĩnh và tôn trọng để đối đãi với mọi người một cách thật thận trọng để rồi sau đó, tôi sẽ biết ai là người xứng đáng để tôi dụng tâm mà chân thành khoan dung.

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

back to top