Huế chậm lắm!
2014-12-16 01:00
Tác giả:
Phan Thị Kim Thảo
Tôi trôi nhẹ theo từng vòng xe trên phố, trời Huế hôm nay không nắng cũng không mưa nhưng lại nhuộm một màu buồn vô kể như chính màu tím đặc trưng của xứ sở này vậy. Suốt một đêm dài tôi thao thức không ngủ được, bởi những mớ bòng bong trong lòng, những quyết định không tài nào dứt khoát. Đó là sự lựa chọn giữa đi hay ở? Huế hay một thành phố nào khác?
Huế chậm lắm, buồn lắm nhưng lại rất hợp với tính cách của một cô bé học văn như tôi. Tôi yêu Huế! Phải rất yêu. Chính bởi điều đó mà không tài nào tôi dứt khoát được khi đang chênh vênh trên bước đường sự nghiệp mà chắc hẳn một cô sinh viên đã tốt nghiệp như tôi phải đưa ra quyết định. Tôi không còn thời gian để lưu luyến nữa và thời gian không chờ đợi một kẻ lắm phân vân như tôi. Hôm nay tôi cho mình một ngày để tận hưởng, một ngày để đưa ra đáp án và một ngày để ngắm Huế cho thỏa thê.

Từng vòng xe trên phố, chậm, rất chậm. Chậm như thế mới hợp với cuộc sống của Huế và chỉ chậm như vậy mới có thể vừa ngắm thành phố trong đôi mắt mông lung và vòng xe vô định. Tôi không biết và không quan tâm mình sẽ đi đến đâu, chỉ đơn giản là dạo quanh thành phố để được ôm trọn nó vào trái tim mình.
Dòng sông Hương một màu vàng ngập ngụa, tôi nhớ tối qua trời có mưa nhưng không lớn, có lẽ nước trên thượng nguồn đổ về nên nhuộm dòng Hương một màu vàng như thế. Tôi vòng qua đường Trương Định, những quán cafe cóc ngổn ngang người ngồi, một thú vui của dân Huế, thú vui uống cafe lề đường và ngắm nhìn dòng người qua lại trước khi bắt đầu một ngày mới với công việc chồng chất. Vòng ra đường Lê Lợi, ngắm nhìn cánh cổng trường Quốc Học và Hai Bà Trưng nối liền nhau trong một tông màu đất đỏ. Dù không được học trong hai ngôi trường lớn ấy nhưng tôi vẫn hãnh diện vì nó là của Huế, là niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh khi bước qua khỏi cánh cổng trường ấy đã đỗ đạt thành danh. Nơi đây, ngày nào không xa lắm vị chủ tịch kính yêu của chúng ta từng học. Nơi đây những tà áo dài thướt tha của các nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng đến trường. Cảnh xưa như quay chậm lại trước mắt mình, tôi như nhìn thấy mẹ mình bước ra từ cánh cổng ấy, một nụ cười rạng rỡ trên môi làm xao xuyến biết bao chàng trai không nỡ rời bước.
Tiếp tục cuộc hành trình, tôi chọn cho mình con đường hướng đến nhà ga. Ga Huế, hôm nay không đông khách lắm, chỉ một vài người vội vã đi, vài người vội vã trở về. Có chăng, người đi lắm cũng mỏi, chân đi nhiều cũng muốn dừng lại và khi con người có tuổi họ chỉ muốn quay về nơi mình sinh ra. Tôi tự hỏi, nơi đâu là bến đậu của thời gian và nơi đâu là điểm dừng cuối cùng của một con người? Có lẽ nơi đó không gần cũng không xa khi con người biết điểm dừng của trái tim mình.
Thẳng tiến trước mắt tôi, cây cầu Dã Viên hiện ra thật rộng và đẹp biết bao, nhưng sao tôi vẫn yêu cây cầu có tên Bạch Thổ ấy. Cây cầu đã tồn tại rất lâu trong lịch sử và lòng người xứ Huế nay được tu sửa khang trang và mang trên mình một tên mới – Dã Viên. Có lẽ cái gì quá cũ cũng nên đổi mới, quá lâu đời cũng phải đổi thay nhưng quan trọng nhất vẫn là dấu tích của lòng người không phai mờ theo năm tháng, không lạc lối trên mỗi bước chân qua. Đạp hết một đoạn đường dài, rẽ phải, con đường Lê Duẩn hiện ra thật đẹp trước mắt tôi, bởi những tán lá me che rợp một khung trời thơ mộng, bên dòng Hương lững lờ trôi. Nếu nhiều người phân vân không rõ “con đường phượng bay” trong ca khúc “Mưa hồng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đường nào thì tôi lại chắc chắn một điều rằng đường Lê Duẩn của Huế là “con đường có lá me bay”... Nhìn từng chiếc xích lô chở khách ngoại quốc, đôi mắt ngời sáng, nụ cười rạng rỡ trên môi của các bác đạp xe nói cười với khách. Tôi biết rằng, họ yêu cái nghề vất vả ấy cũng như yêu nơi họ được sinh ra. Họ giới thiệu về Huế cho du khách nghe với một niềm say mê và hãnh diện không hề dấu giếm. Tôi thầm nghĩ, nếu cuộc sống không tạo cho họ một công việc nhẹ nhàng thì có lẽ cũng đã cho họ niềm hạnh phúc quý báu trong tâm hồn.
Tôi đạp theo một người phụ nữ trung niên và bắt chuyện, tôi thấy dì chở sau xe cái xoong khá lớn và vài chai nước đã cạn trước giỏ, tôi đoán chắc dì vừa bán hết hàng ăn của buổi sáng. Tôi với dì vui vẻ nói chuyện, dì kể cho tôi nghe chuyện gia đình, công việc. Tiếng dì hòa quyện trong tiếng xe cộ tấp nập, tiếng thở dốc vì mệt nhưng đôi mắt vẫn ngời sáng một niềm tin vào cuộc sống kì lạ. Dì kể về con cái với một niềm tự hào: “Con dì học giỏi lắm, năm mô cũng có phần thưởng nên dì chẳng tốn một đồng để mua vở hết”, “Con biết không, bé thứ hai của dì nói lớn lên muốn làm giáo viên”, “Còn bé út thì thích được làm bác sĩ”... Niềm hạnh phúc của người phụ nữ, của người mẹ thật đơn giản và bình dị biết bao. Và tôi nghĩ rằng, những cô bé cậu bé ngoan ngoãn ấy là nguồn động viên tinh thần to lớn cho người phụ nữ ấy đạp xe hơn hai chục cây số mỗi ngày chỉ để bán hết nồi bánh canh trước cổng bệnh viện Kim Long với mong muốn cho con được học đến nơi đến chốn, bằng bạn bằng bè.

Người Huế là vậy đó, là khi ta bắt gặp họ trên đường chỉ cần hỏi một câu họ có thể kể hết chuyện gia đình cho một người xa lạ nghe. Chẳng ai đề phòng, chẳng ai ngại ngùng cả và nếu muốn họ giúp đỡ việc gì thì có lẽ chẳng bao giờ họ quản ngại khó khăn nếu có thể giúp được.
Tôi chọn cái kết của chuyến đi khi đạp xe qua cầu Trường Tiền. Nhìn dòng người tấp nập qua lại giữa bộn bề lo toan của công việc và cuộc sống, chẳng ai ngó nghiêng ngắm nhìn đôi cầu sáu vại, mười hai nhịp này cả. Nhưng tôi tin chắc rằng, khi thời gian đời người trở nên khắc nghiệt đến hữu hạn thì những điều khiến họ lưu luyến và tiếc nuối nhất là những nơi họ đã đặt chân lên và bước qua vội vã mà chưa một lần nhìn lại. Họ sẽ yêu và tha thiết nó biết bao, bởi bao đời cầu Trường Tiền vẫn là vẻ đẹp riêng biệt của thành phố màu tím lắm mộng mơ này.
Huế chậm lắm, chậm như từng vòng xe của tôi vậy, chậm như dòng Hương giang đang lững lờ trôi dưới chân cầu Trường Tiền và chậm như cuộc đời của người phụ nữ tôi vừa gặp. Một chút vui một chút buồn của Huế khi nhuộm lên mình bụi thời gian của năm tháng, bỗng chốc khiến tôi quyết định chẳng xa rời. Chân đi sao được khi lòng vẫn còn bịn rịn, người bước sao đành khi trong trái tim vẫn mang hoài hình bóng của xứ Huế mộng mơ. Lòng rộn ràng khó tả, tôi trở về với Huế của riêng tôi.
- Phan Thị Kim Thảo
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?
Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này
Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng
Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?
Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?

Những bài học sâu sắc đến từ gia đình
5 năm trôi qua, thời gian không dài cũng không ngắn nhưng đủ để tạo những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta không chỉ có một gia đình chung mà ai cũng sẽ có, một gia đình riêng, một cuộc sống riêng.

Thế nào là tình yêu?
Tình yêu là cái gì vậy nhỉ Nghe đồn tình yêu tựa cơn ác mộng Em sợ ác mộng nên cũng chẳng muốn yêu Nhưng khi gặp anh thì sao lại khác Cơn ác mộng bỗng hoá giấc mơ xanh

Khi được mời đi ăn, hãy nhớ 3 điều không nên để giữ gìn nhân duyên
Có những quy tắc ứng xử bạn nên nhớ khi được mời đi ăn để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp.