Hãy trở về nhà bằng tình yêu và hạnh phúc
2021-09-20 01:25
Tác giả:
Súp Lơ
blogradio.vn - Hãy sống vì đam mê của mình, nhưng các bạn à đừng quên mất nơi và người đã cổ vũ và cho ta cơ hội thực hiện niềm đam mê đó. Bố mẹ chúng ta đang nhìn chúng ta đi bằng những nếp nhăn ngày càng rõ rệt trên khóe mắt, hãy quay lại bằng tình yêu và hạnh phúc để họ có nụ cười trên môi.
***
Con người đôi khi thật khó hiểu, khi con nhỏ cứ ngày ngày mong được lớn lên thật nhanh để ra ngoài xã hội lăn xả, để tự mình làm mọi điều mình thích, đến mọi nơi mình mơ. Thế nhưng khi đã đến cái tuổi phải vươn cánh ra ngoài, không còn được nghe thấy tiếng gọi dậy thất thanh của mẹ từ tầng dưới truyền lên, không còn được ăn những bữa cơm đơn sơ mẹ làm, không được có cái cảm giác bình yên khi cả nhà ngồi xem tivi sau bữa cơm tối rồi rôm rả nói đủ thứ chuyện trong ngày.
Những cảm giác thân quen ấy, tôi không thể nhét vào vali rồi xách lên phố lớn, để rồi khi đối mặt với xô bồ ngoài kia tôi lại khát khao trở về ngày xưa bé.
Từ tháng 4 tới giờ, dịch Covid cứ đeo đẳng mãi lấy cuộc sống của bao nhiêu con người, bao trùm lên cả một đất nước, mãi không dứt, điều đó đồng nghĩa với việc tôi cũng đã từ thành phố về quê được hơn 4 tháng như bao bạn trẻ khác.
Thời gian này, tôi được sống vô lo vô nghĩ, không còn sốt ruột đến hạn nộp tiền nhà, không còn lo lắng xem bữa tối nay sẽ ăn gì cho tiết kiệm, không còn đơn độc trong chính cuộc sống của mình nơi tấp nập.
Sáng sớm, chút nắng nhẹ chiếu vào thông qua cái cửa sổ nhỏ, tiếng chuông gió theo đó cũng leng keng nhè nhẹ, mơ màng nghe thấy tiếng gà gáy đằng xa. Tôi định bụng sẽ quay người ngủ tiếp, nhưng người mẹ ngoài 50 của tôi đã đứng ở dưới chân cầu thang gọi với lên.
“Thu ơi, dậy nhanh ra bà Huệ mua cho mẹ gói xôi nào”.
Nhăn mày một cái, tôi chưa tỉnh hẳn ngay được, có vẻ như không thấy động tĩnh gì, mẹ tôi lại gọi với lên lần hai, lần này, giọng điệu rõ to và sốt ruột hơn.
“Sáng mở mắt ra rồi dậy nhanh lên”.
Tôi vội vùng chăn dậy, vươn lấy điện thoại trên bàn ngủ, mở ra xem thì chỉ đúng 7 giờ. Nhớ hồi xưa, khi còn tuổi đi học, cứ mỗi 6 giờ 30 là mẹ sẽ gọi tôi y như vậy, khi ấy tôi thường rất khó chịu, còn mong mẹ mua cho mình một chiếc điện thoại để tự cài báo thức, như vậy sẽ ăn gian được chút thời gian. Nhưng bố tôi lại bảo.
“Con mà mua điện thoại hay đồng hồ báo thức thì mẹ con lại mất việc à”.
Ngày đó tôi không để ý nhiều lời bố nói, chỉ bực tức vì bố không mua cho mình. Mãi sau này, khi tôi phải tỉnh dậy nhờ tiếng chuông báo thức lạnh lẽo lần thứ 3 liên tiếp vang lên của điện thoại thì tôi mới hiểu hóa ra được người thân gọi dậy và việc dậy bằng thông báo nó khác nhau như thế nào.
Thì ra, mẹ coi việc gọi tôi dậy là công việc ngày sớm của mẹ. Vậy mới nói, tuy mẹ ở nhà làm nội trợ và chăm việc đồng áng nhưng lúc nào cũng dậy sớm hơn tôi, nhiều lúc tay mẹ vừa đánh trứng vừa với ra gọi tôi, không ngày nào mẹ quên và cũng không ngày nào mẹ lệch giờ, cứ đúng 6 giờ 30 mẹ sẽ gọi, giống như một chiếc đồng hồ được lập trình sẵn, chỉ khác đồng hồ thì được lập trình bằng những con chip, cục pin, còn mẹ tôi, được lập trình bằng tình yêu, tình mẫu tử.
Xuống lầu, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là bóng lưng mẹ đang bận rộn làm bữa trưa cho bố mang đi làm, mẹ bảo đồ ăn ngoài vừa không ngon, vừa đắt nên cứ để bố ăn cơm mẹ làm cho khỏe. Thực ra, ngày trước vì bận rộn việc nhà, việc ngoài nên mẹ cũng không có thói quen nấu cơm cho bố mang đi, bố thường tự mua cơm ở nhà ăn công ty ăn cho qua bữa, nhưng có một lần, sau khi ăn xong bố bị đau bụng phải nhập viện, bác sĩ nói bố bị ngộ độc thực phẩm, phải nằm việc 2 ngày. Từ đó trở đi, đã 20 năm rồi mẹ vẫn đều đặn nấu cơm cho bố mang đi làm, bố cũng từng nói không cần vì thấy mẹ phải dậy sớm rồi đi chợ cũng vất vả, tôi cũng đồng tình với bố, nhiều lần nói mẹ yên tâm, cứ để bố ăn ở ngoài, bây giờ đồ ăn cũng vệ sinh hơn ngày trước. Nhưng mẹ tôi nói thế này
“Nhiều thêm một việc nhưng yên tâm, chứ có chuyện gì thì ai giúp mẹ nuôi con”.
Gia đình vốn là vậy, nhớ khuôn mặt hớt hải, trắng bệch của mẹ khi chạy vào viện lần đó, tôi biết, mẹ không muốn có chuyện gì bất trắc với gia đình mình, với mẹ, thà rằng nhiều thêm một việc còn hơn có người thân mình gặp bất trắc.
“Còn đứng ra đấy à, đi mua đi chứ không bà ý dọn hàng thì nhịn”.
Cứ lan man theo dòng suy nghĩ của mình, tôi giật mình vội cười cười với mẹ.
“Mẹ yên tâm, con là khách hàng vip, bà Huệ phải dành phần bán cho nhà mình rồi mới dọn”.
“Thôi đi nhanh hộ mẹ cái đi, cứ lề mề”.
Tôi cười, cầm lấy 20 nghìn trên bàn ăn, xỏ vội đôi tông, đội cái mũ lưỡi trai lên rồi chuẩn bị đi, ngay lúc đó lại thấy bố tôi vừa đi chạy bộ về đến cổng, tay xách theo túi bóng nhỏ, trong túi có 2 hộp xôi trắng.
“Định đi mua gì hả, bố đã mua xôi rồi đấy”.
“Ơ thế con lại mất công dậy sớm rồi”.
Nghe thấy tiếng, mẹ tôi cũng đi ra cửa, tay cầm đũa lại chống nạnh mà nói
“Sao ông biết nay tôi muốn ăn xôi mà mua hay vậy?”.
“Bà thì cái gì tôi chả biết”. - Bố tôi vừa nói vừa đi vào trong bếp.
Trong khu bếp nhỏ, mẹ tôi thì đứng bếp đang nêm nếm nồi canh, bố tôi thì ngồi dọn dẹp lại gốc rau muống thừa mẹ vừa nhặt, hai người cứ to nhỏ chuyện này chuyện kia. Khung cảnh ấy gần gũi với tôi lắm, mà đã 5,6 năm rồi tôi chưa được thấy lại, không phải vì nó không còn diễn ra mà vì tôi không ở đây như bây giờ để nhìn thấy.
Lên Hà Nội học và làm việc đã 6 năm trời, tôi ít dịp về quê thăm bố mẹ, có về thì cũng tranh thủ sáng về rồi tối đi luôn, mỗi lần như vậy tôi đều giống như một người khách, nhanh đến nhanh đi. Nếu không có đợt dịch bị về quê nghỉ dài lần này, chính tôi cũng quên mất cảm giác ấm cúng mỗi sáng ấy đã theo mình lớn lên suốt những năm tháng xưa cũ.
Mặc dù nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè trên nhưng bảo tôi muốn xa ngôi nhà này thì thật khó. Tôi bây giờ, giống như một kẻ lang thang trên sa mạc, mãi mới thấy một hồ nước vừa mát lạnh vừa trong lành nên muốn nghỉ chân tại đó mãi. Nhưng nếu không tiếp tục đi thì kẻ lãng du đó sẽ không đến được vạch đích, không đến được nơi mà bản thân đã kiên trì trong suốt quãng đường vừa qua.
Tôi hiểu, gia đình và sự nghiệp vốn không phải là hai thứ có thể đặt lên cán cân để lựa chọn, nhưng con người vốn là những sinh vật tham lam, vừa muốn được thành công vừa muốn được dụi vào tình yêu của bố mẹ mà không cần lo nghĩ.
Cuộc sống vốn là sự lựa chọn nhưng nếu đã tham lam thì tôi nghĩ tôi có thể chọn cả hai. Tôi không vì được hưởng thụ cuộc sống như bây giờ mà biết ơn dịch bệnh, tôi mong nó mau hết để tôi được trở về nhịp sống thường ngày, nhưng lần này, tôi sẽ không bỏ quên những điều quan trọng như trước kia nữa, cũng không từ bỏ ước mơ của mình.
Tôi nhận ra, tôi còn trẻ, còn có thể làm bản thân “mệt” hơn, còn có thể cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi sẽ làm việc thật hiệu quả, cũng dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, sẽ về nhà nhiều hơn, lâu hơn chứ không phải là những chuyến đi vội vã mà lại lưa thưa như ngày trước.
Hãy sống vì đam mê của mình, nhưng các bạn à đừng quên mất nơi và người đã cổ vũ và cho ta cơ hội thực hiện niềm đam mê đó. Bố mẹ chúng ta đang nhìn chúng ta đi bằng những nếp nhăn ngày càng rõ rệt trên khóe mắt, hãy quay lại bằng tình yêu và hạnh phúc để họ có nụ cười trên môi.
© Súp Lơ - blogradio.vn
Xem thêm: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Phố cũ lặng thinh, ta lạc mất nhau rồi
Có một ngày phố cũ có đôi ta Bước chân quen cũng ngại ngùng bỏ lỡ Người qua vội, chẳng ai còn bỡ ngỡ Ta với ta giữa khoảng trống không người.

Lời chưa nói
Tớ với cậu bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi không biết từ lúc nào mà tớ đã thầm cảm thấy hơi thích cậu. Đã nhiều lần tớ thấy tớ thật ngu ngốc, sao lại có suy nghĩ kì quặc ấy, nhưng rồi những cử chỉ quan tâm tớ của cậu làm tớ bị nhầm tưởng.

Chấn động lợi ích của việc đọc sách thường xuyên: Ngoại hình thăng hạng, da dẻ hồng hào, khí chất ngút ngàn!
Không chỉ giúp nâng cao kiến thức, việc đọc nhiều sách còn có thể mang lại nhiều lợi ích đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

Những ngày chênh vênh
Những buổi chuyện trò với nhỏ bạn tuy ít nhưng luôn khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình thấy chênh vênh ghê gớm, nhưng rồi thì lòng mình cũng chững lại, để biết rằng mình cần phải làm gì.

Lời hẹn của con
Cho con được thêm lần nữa tự hào con là con của mẹ, con của một bác sĩ tận tậm tận lòng với mọi người. Con là con của ba, một chiến sĩ bộ đội đang canh gác ngoài biên cương xa xôi.

Tình yêu của mẹ
Đến bây giờ tóc của mẹ đã điểm bạc sương pha Các vết chân chim hằn đầy đôi mắt mẹ Năm ngón tay run không còn như thời son trẻ Vai mẹ gầy con bỗng thấy xót xa

Lời yêu
Tôi vẫn thường nghe một câu nói như này tuổi 17,18 ấy cái gì cũng có chỉ không có đủ dũng khí để nói thích một người. Đúng vậy, mãi cho đến khi sắp tốt nghiệp tôi vẫn không bày tỏ lòng mình với cậu ấy. Khi đó vào bữa tiệc chia tay cuối năm tôi ngồi cách cậu ấy không xa chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn cậu.

Bước tiếp sau một mối tình tan vỡ
Kết thúc một mối tình là một vết thương chưa lành lại bị xẻ thêm một vết rách. Tôi nhận thức được rằng bản thân ngay lúc này cần phải chữa lành và yêu thương mình nhiều hơn. Giây phút này, tôi chưa thể sẵn sàng để yêu.

Cây sung cụt của đại đội tôi
Như thể cảm nhận được sự ưu ái đó, cây sung càng tươi tốt, vươn cao, tán xòe rộng rợp mát cả khoảng sân. Đại đội trưởng thích lắm, kê hẳn một ghế đá dưới gốc, chiều chiều ngồi uống trà ngắm nó.

Khi cánh cửa mở ra, tôi thấy chính mình ở đó
Tôi cố gắng nhớ lại. Sáng nay, tôi rời khỏi căn hộ, như mọi ngày. Tôi pha một tách cà phê, lật giở vài trang báo, mặc bộ đồ quen thuộc rồi đi làm. Nhưng… tôi có nhớ lúc quay về không? Có nhớ khoảnh khắc đặt tay lên nắm cửa, tra chìa khóa vào ổ, xoay nhẹ cổ tay và bước vào không?