Phát thanh xúc cảm của bạn !

Dấu Chân Online 56: Giã biệt sông Đà (P2)

2011-12-13 08:58

Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team

  Khác với nhân vật xưa của Nguyễn Tuân, T. bác lái đò già quê gốc tận dưới Trung Hà, cứ men lần ngược sông mà lên, đến được vùng ngã ba sông Đà, Nậm Tè này rồi dừng lại, định cư vài mươi năm nay. Mặc cho dòng sông cuồn cuộn chảy, cuốn theo những gốc cây gộc gạc quăng bên này, quật bên kia vách đá ngay trước cửa nhà, mặc cho gió rít qua những khe núi, mặc cho mưa táp như bay mái nhà, bác lái đò vẫn trầm tĩnh ôn lại chuyện dòng sông, chuyện buồn, chuyện vui dễ đến 30 năm có lẻ.

Cỡ những năm 20 tuổi, lão đã từng đi gỗ xuôi sông Đà, thuở đó, đi gỗ là thứ nghề mình đồng da sắt, gan lì cóc tía. Đêm hôm khuya khoắt, sáng sớm tinh mơ, trời lạnh như cắt là lúc dân đi gỗ bắt đầu hoạt động. Bè gỗ đóng cả dàn, nhưng trôi qua các điểm gác của kiểm lâm là phải lấy đá dìm cho trôi là là dưới mặt nước mới mong thóat qua, dân đi gỗ mình trầm dưới nước theo bè gỗ của mình, lạnh thấu xương mà vẫn chớ kể. Rồi bè gỗ trôi qua những thác những ghềnh mà nghe thấy tên đã lạnh sống lưng, nhưng vẫn phải bám theo, vì chỉ xuôi qua ghềnh mà không có chủ là khắc có người vớt gỗ trôi lấy hết gỗ của mình. Có những con ghềnh có vài cửa vào, nhưng chỉ có một cửa sinh, còn lại là cửa tử. Vào cửa sinh, phải may và khéo thì mới thóat ra bên kia nguyên vẹn cả người lẫn của. Bằng không, sang bên kia bè gỗ vỡ tan tác, thuyền cũng đắm như chơi. Còn trong dòng nước cuồn cuộn kia, chỉ lỡ nhịp chèo, sai nhịp chống, thuyền lao vào cửa tử, cầm chắc là tan xác thuyền. Bởi trong đó, là những vũng xoáy dữ dội, là những hom đá nhọn hoắt, thuyền vào chỉ còn như một trò chơi trẻ con của thiên nhiên.



Nghề đi gỗ đã đúc nên một lão quái sông Đà, thuộc từng ghềnh, hiểu từng con sóng. Mà cái ghềnh sông cứ mỗi mùa nó lại khác vì mức nước khác nhau, ghềnh cũng dữ dằn khác hẳn.

Sau đận đi gỗ, lão cũng đã từng làm đủ nghề trên sông, từ những nghề hiền hiền như chạy đò xuôi chở khách kiếm bạc lẻ, đến những nghề dữ dằn như đãi vàng dọc theo dòng sông. Nhà lão cũng như là một công xưởng nhỏ nhưng làm đủ mọi thứ cơ khí, từ việc vặt cho đến đóng cả một con tàu sắt. Nhưng rồi nghề nào thì cũng nhọc nhằn vất vả và khắc nghiệt như nhau, chỉ có tình yêu với con sóng bạc, con ghềnh hiểm là vẫn giữ lão và bầu đoàn thê tử cứ mỗi năm lại dài thêm một khúc, ở lại với khúc sông dữ dằn này.


Công xưởng nổi của " lão lái đò " ngày nay

“Cái thuyền sắt này của tớ đóng hết ngót ba chục, thêm cái máy công nông dăm triệu vào là tớ chạy phe phé, tuyền chở khách du lịch đấy” – lão khoe- “mà cái hay là thuyền sắt trên sông nó không ăn tiền như xe ô tô – làm mỗi lần thôi rồi cứ thế là chạy, năm sau thuyền nó vẫn thế, máy vẫn ngọt chứ không như cái anh ô tô, chạy trên đường ăn lốp, hỏng máy, xuống gầm nhanh lắm”.

Lão cũng chả lắm xúc động như nhưng gia đình tái định cư trên đất, di dân, dời nhà là dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, là một cuộc sống hoàn toàn khác. Nước lên, nhà của lão nổi lên theo, ghềnh thác chìm đi lão lại càng dễ thuyền bè. Thế nên, dẫu có đất được cấp trên đồi kia, lão vẫn để trống hoác mà bám lấy cái nhà nổi, có cái sân cũng nổi thênh thang làm từ cái tàu xúc vàng…



Mai đây, sông Đà chẳng còn ghềnh thác nữa, sẽ là một con hồ mênh mông, chắc gọi là hồ Đà, vậy liệu còn “ người lái đò sông Đà” mang trong mình những tính cách mạnh mẽ của ghềnh thác Đà giang nữa không?

Xin giã biệt người, lão lái đò sông Đà.



…Trăng trên sông Đà mùa nước sớm lặng lẽ. Những mảnh trăng tung tóe khi mỗi con sóng lớn đập ào vào vách núi đối diện. Chênh chếch, trên những lưng chừng trời, sao lập lòe lẫn với ánh đèn cũng lập lòe, dưới khe nhìn lên, không biết đâu là trời, đâu là núi, đâu là sao, đâu là đèn... đêm trăng sông Đà nhẹ nhàng trôi qua, chỉ còn ngoài kia, vẫn bập bềnh những con thuyền kayak, chờ đến sáng để lao mình thử sức ghềnh thác.

Tang tảng sáng. Những cơn mưa đầu mùa đến sớm đã làm cho dòng sông không còn vẻ hiền hòa lãnh đạm của con nước mùa đông, con nước trong và sẫm màu làm nên cái tên cho dòng sông – Sông Đà nghĩa là dòng sông đen. Giờ đây, màu xanh sẫm huyền bí ấy đã đượm màu phù sa, màu của mùa mưa, và cũng giờ đây, dòng nước cuộn chảy kia đã có ngầm ý đe dọa.


Đội thuyền của TBG chinh phục cơn sóng dữ Đà giang lần này có 5 thuyền kayak, và cũng như những hành trình dài ngày dọc sông, thêm một cano chở đồ và kéo thuyền khi cần thiết. 5 tay chèo đều là những gã gạo cội, từ bác Vndrake, người đã đem lại cảm hứng thuyền bè cho TBG, cho đến chú Bình từ SG, tay chuyên chơi các dòng sông dữ cấp 3-4 như ở Madagui. Lại có cả Tú, một cô giáo trường luật bám theo, cô này cao hơn mét 7, lòng thòng như cái sào. Đặc biệt, 2 tay chèo nhỏ tuổi trong đội TBG2 cũng tham gia chuyến đi này, Balo và Đức, 11 tuổi. Dù rằng trẻ con lắm, đang chèo thuyền lại thích lên bãi nghịch cát, rồi đang mưa ầm ầm đòi đi chèo thuyền... nhưng dẫu sao, cũng là những trải nghiệm thú vị đầu đời mà không dễ em bé nào cũng có được.

Trong chuyến đi này, dù rằng dự trù cấp độ sông cũng không quá dữ, chắc đến cấp 2++ đến 3, so với cấp 3++ đến 4 ở sông Madagui, nhưng lại có những bất trắc khác chưa lường hết, nên đồ bảo vệ của đội thuyền cũng khá cẩn thận. Áo phao là đương nhiên, mũ bảo hiểm phòng khi rơi xuống nước, dòng nước cuộn vào đá có thể gây nguy hiểm. Ngòai ra, đồ đạc cũng phải gói ghém kỹ càng với các túi chống nước 60-80 lít ( mua ở Umove ), phòng khi mưa gió, lật thuyền, vẫn chống nước tốt.

Ngay khúc quanh đầu tiên vòng quanh mỏm đồi, nơi có nhà của Đèo Văn Long, vua Thái xưa, sóng dữ đã cuồn cuộn. Nơi đây 3 dòng nước gặp nhau: từ phía Tây chảy về là dòng Nậm Tè (Sông Đà), từ Bắc trôi xuống là dòng Nậm Na, từ Nam ngược lên là dòng Nậm Lay. Ba dòng nước mùa mưa cuộn với nhau tại một điểm, tạo nên những dòng xoáy tít mù rồi xuôi thành con sông Đà. Thuyền trôi vào những cơn xoáy lớn kiểu này có thể cứ xoay tròn bên trong mà không thóat ra được. Chưa kể, khi những xoáy này dồn nước xuống đáy sâu, gặp phải một cái mô đá bất thình lình, nước dồi ngược lại tạo thành một bóng nước dâng cao có khi tới cả mét. Gặp lúc đó, không vững tay chèo là lật thuyền như chơi. Ngồi trên thuyền kayak, gần như sát mặt nước, nhìn những con xoáy lừ lừ ngay bên cạnh mình, thi thỏang nước dội nghe bủm một cái, kể cũng khá là rợn mình.


Còn may chán là những dòng xoáy này nó không ở yên một chỗ mà di chuyển liên tục nên chỉ cần lựa lựa lúc nó chuyển hướng, bạn phải chèo cật lực theo hướng thóat của nó mới ra khỏi cái bẫy nước này.

Vừa thóat khỏi vùng xóay của ba con nước gặp nhau, sóng dữ đã bị ngay mấy rìa đá trước mặt chặn lại. Con sóng xoay tít thoắt cái giật ngay thành con sóng ngang dội thẳng vào triền đá rồi bật ngược lại. Gặp con sóng lắc ngang này thì chỉ có nước xoay thuyền thật nhanh, lao thẳng mũi vào con sóng mới thóat khỏi cơ lật thuyền. Con sóng ngang cao tới cả mét, chồm thẳng vào mạn thuyền, đến thuyền sắt to cũng còn nguy.

“Bám chặt thuyền, bỏ máy, không cần lái”

bác Lê Anh gào lên. Hùng SG đang lái cano, chợt thót tim khi con sóng dội cao tới hơn mét, nhấc bổng cái cano bơm hơi lên rồi hạ xuống mặt sông đánh cái rầm. Hú vía, suýt lật, Cano mà lật thì cũng rách việc, vì nó to, nặng, thêm cái máy và bình xăng khoảng hơn 80 kg, nên nếu lật chịu không thể lật lại trên sông - chỉ có mặc cho nó trôi vào bờ cát thì bơi theo rồi vớt lại thôi, khác với kayak, chuyện lật là bình thường, chỉ cần chờ trôi qua bờ sóng dữ là tự mình lật lại thuyền được.


Trên cao vòi vọi, cầu Hang Tôm mới đang được xây dựng, những nhịp dang dở còn đang cố vươn tới gần nhau,trên ở độ cao 70 mét. Cây cầu này sẽ được ghi nhận là một trong hai cây cầu cao nhất Việt nam. Cây cầu thứ hai, sẽ đón chúng tôi ở điểm kết thúc hành trình này, cầu Pá uôn. Dưới hạ lưu chừng 1 km, cầu Hang tôm cũ ìm lìm, cổ kính, đầu cầu, vẫn hai cây cổ thụ to lớn mọc ngang lưng núi, như một nét chấm phá trên những đường cong chắc khỏe.

Đã có nhiều lần đi qua cây cầu này, cả trên cầu lẫn dưới cầu, nhưng chưa lần nào có cảm giác bồi hồi như lần này. Nhớ lần đầu qua đây, từ năm 1996, sau một hành trình dằng dẵng vòng quanh Tây bắc, chúng tôi đã sững người trước một cây cầu duyên dáng soi bóng bên dòng nước xanh ngắt, là một nét quyến rũ của Tây bắc. Rồi đến lần xuôi thuyền dưới sông, nhìn từ mặt nước lên, cây cầu hùng vĩ vạch một nét ngang trên nền trời xanh biếc, nối hai khe núi sâu thẳm ngót ngàn mét bên bờ sông Đà ở độ cao tới gần 40 mét.

Hang Tôm xây từ đầu những năm 70, có cái tên thật lạ. Nhiều công trình trên toàn quốc đã đặt tên có nguồn gốc địa phương, nhưng ít thấy công trình nào lại đặt tên bằng một cái lý lẽ rất đơn giản như ở đây: có nhiều hang tôm. Hang Tôm bằng tuổi khá nhiều thành viên của TBG nhưng giờ đây, cây cầu trầm mặc bên bóng dòng sông, ung dung tự tại trong năm cuối cùng của cuộc đời mình!


Từ Hang Tôm xuôi xuống là những vách núi dựng đứng. Dòng sông Đà tới đây xẻ đôi cao nguyên trên ngàn mét. Hữu ngạn là cao nguyên Sìn Hồ với độ cao trên 1500 mét, tả ngạn là vùng Tủa chùa, cũng cao tới 1200 mét. Thế nên dòng sông kẻ thành một khe sâu hoắm giữa vùng cao nguyên chất ngất núi này. Đã từng nghiên cứu kỹ nhiều dòng sông để vạch tuyến chèo Kayak, có thể nói, đây chính là một khúc sông kỳ vĩ nhất Việt Nam với những vách núi hùng vĩ và hoang sơ. Có những đoạn, những con sóng dữ từ ngàn năm qua đã bào mòn vách núi sâu hoắm thành một vách ngược, treo lơ lửng ở trên là những nhũ đá, những gốc cây mọc ngược xuống dưới, trông vô cùng quái dị. Sánh với nó, có lẽ chỉ có khúc sông Nho Quế ở Mã Pì Lèng bên Hà giang, nhưng khúc đó chỉ dài có vài cây số chứ không tới hàng chục cây như đoạn này. Cũng còn một con sông khác, nhưng đó là chuyện của chuyến đi sau!


Trên cao, vách tiếp vách. Dưới sông, ghềnh tiếp ghềnh. Tuy không quá dữ nhưng vượt những con ghềnh trong khe núi sâu thẳm cũng khá nhiều cảm xúc. Chen giữa những ghềnh đá thường là những bãi cát nhỏ hoặc những bãi đá cuội tròn xoe. Bao nhiêu năm nay, nước đã quăng quật những hòn đá này, rồi mài nó thành những hòn đá tròn xoe nhẵn thín. Trên những bãi cát dọc bờ sông, uể oải vẫn dăm chú bò nằm phơi nắng, không hề biết rằng, cái bãi cát mịn màng kia chẳng mấy chốc sẽ nằm sâu nơi đáy nước.


Kéo thuyền ngược sông, vượt qua vượt lại Nghé con vài lần, lật thuyền cũng dăm bận, cả đội Kayak dừng thuyền, ghé vào bờ cát, ngả bếp làm một bữa ăn trưa trên đường

Rốn một lần nữa, vượt lại qua Nghé con, lại ngẫm đến mai đây, Nghé con rồi cũng trẫm mình dưới đáy sâu.

Giã biệt những con ghềnh, những bãi cát mịn màng, những bãi cuội tròn xoe!

(DCOL chuyển thể từ ký sự cùng tên của Tùng Tabalo - Taybacgroup. Còn tiếp)

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta

Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự

Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

back to top