Có một quán hàng luôn ở trong trái tim tôi
2020-10-09 01:27
Tác giả: Hương Hà
blogradio.vn - Thời gian trôi qua đi, kỉ niệm không bao giờ trở lại nhưng kí ức về quán hàng mãi mãi là kí ức đẹp đẽ và không bao giờ phai trong cuộc đời tôi. Để mỗi khi về, tôi đứng trước ngôi nhà, lại thấy hiện lên quán hàng bé nhỏ, mẹ và các chị đang đóng từng chiếc kem túi, bố ngồi trên chiếc ghế con trước hiên vá những chiếc săm xe. Một quán hàng xinh xinh, bé nhỏ.
***
Năm tôi bốn tuổi, bố về nghỉ hưu, mở một quán hàng be bé xinh xinh. Và rồi bố tôi bán đủ thứ “bánh kẹo, thuốc lá, muối, xăng, bim bim,...”. Tôi sung sướng và hào hứng lắm, bởi từ đây tôi có thể tha hồ ăn quà vặt mà không cần phải xin tiền bố mẹ.
Hai chị tôi thì chăm chỉ lên trông thấy. Vui vẻ dọn dẹp quét nhà, lau cửa, lau bàn, lau tủ. Bố mẹ nhìn nhau ánh mắt chan chứa tình yêu thương. Tôi vẫn nhớ câu nói của mẹ với bố buổi tối trước khi quyết định bán hàng “Em nghỉ việc không có lương, giờ anh cũng nghỉ hưu rồi. Ba đứa con ngày càng lớn, mở quán còn có đồng ra đồng vào nuôi con ăn học anh ạ”.
Quán mở ra tấp nập khách hàng. Bố có nhiều mối quan hệ xã hội nên bạn bè đến chơi, mua hàng ủng hộ nhiều. Bố còn chăm chỉ làm thêm nghề sửa xe đạp. Cứ thế nhà tôi sắm dần được ti vi, tủ lạnh, xe máy. Tôi lớn lên trong sự đầy đủ về cả cái ăn, cái mặc và cả tình yêu thương đong đầy của bố mẹ, các chị.
Nhưng có lẽ ông trời chỉ cho gia đình tôi những năm đầy đủ hạnh phúc ngắn ngủi. Năm tôi 8 tuổi, bố tôi mắc bệnh ung thu gan. Vào những năm 90 đó, ung thư là một căn bệnh còn xa lạ mà bác sĩ đã nói trong làn nước mắt của mẹ tôi “Cả thế giới này không ai chữa được chị ạ”.
Rồi bố tôi yếu dần. Những cơn đau hành hạ bố nhưng bố vẫn cố bê từng hòn đá làm cái kè sau quán. Bố bảo “Lỡ sau này trời mưa dầm, đất có lở, cuốn cả quán đi thì ai làm cho mấy mẹ con”.
Bao nhiêu tiền bạc đổ vào chữa trị cho bố. Vắng bố, quán cũng vắng khách dần. Mẹ và các chị thay nhau đi viện, chăm sóc bố. Tôi ngồi trông quán, cả trưa cứ ngủ gà ngủ gật. Có những hôm giật mình thức giấc thì mất toi cả mấy hộp bánh, mấy bao thuốc rồi.
Bệnh viện trả bố về. Quán vắng teo. Ngày đó, với mọi người, ung thư đáng sợ lắm, thậm chí nó còn là căn bệnh có thể lây lan. Hàng xóm chẳng mấy khi vào mua hàng nhà tôi. Quán cứ mở ra, đóng vào mà không nhập hàng mới về nữa.
Tối đến, vắng vẻ, im lìm. Có hôm, có tiếng cú kêu gần lắm. Bố lại bị đau nặng, mẹ vừa chăm bố mà vừa rơi nước mắt. Bố không muốn mẹ buồn lo mà gắt lên “Tôi đã chết đâu mà bà khóc. Khóc lóc cái gì. Tôi còn ở hành hạ bà cả đời”.
Thế mà sau đó không lâu, bố không còn ở với bốn mẹ con tôi nữa. Buổi chiều hôm đó, tôi đi học về, thấy sao mà lạ quá. Nhà đông người mà mắt ai cũng đỏ hoe. Thấy tôi, mọi người giục “Lên nhà nhanh với bố đi con, bố chờ con mãi”. Thì ra bố đau từ trưa, cơn đau hành hạ khiến bố lịm đi mấy lần mà lần nào tỉnh lại bố cứ hỏi “Con Hương đã đi học về chưa?”.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in ngày đó. Ngày mà quán hàng nhà tôi đầy ắp người ra vào. Mọi người không hẹn mà đến. Không phải mua hàng, không phải đến uống rượu. Không nghĩ là lần cuối đến từ biệt bố tôi.
Bố mất. Quán vắng. Một mình mẹ tần tảo nuôi ba chị em tôi. Tôi đã từng ghét trông quán vì không được đi chơi như lũ bạn. Mỗi khi bị nhắc đi trông quán là tôi lại tức tối, cáu kỉnh. Chỉ khi chị hai tôi mắng “Mày có biết là cả nhà trông chờ vào cái quán này mới có cơm ăn không?” thì tôi mới tỉnh, lặng im.
Đã gần hai chục năm rồi, bây giờ nhà tôi không mở quán bán hàng nữa. Nhà chỉ để ở. Ba chị em tôi đều đi làm xa nhà. Mẹ tôi cũng an nhàn hơn xưa. Nhưng hình ảnh cái quán bé nhỏ vẫn còn mãi trong tâm trí tôi.
Hàng quán là tuổi thơ tôi, là cả niềm vui và nỗi buồn, cả hạnh phúc và mất mát, cả đầy đủ và thiếu thốn, cả ghét bỏ và yêu thương. Quán hàng là động lực để tôi lớn lên, trưởng thành hơn trên con đường đời của mình.
Thời gian trôi qua đi, kỉ niệm không bao giờ trở lại nhưng kí ức về quán hàng mãi mãi là kí ức đẹp đẽ và không bao giờ phai trong cuộc đời tôi. Để mỗi khi về, tôi đứng trước ngôi nhà, lại thấy hiện lên quán hàng bé nhỏ, mẹ và các chị đang đóng từng chiếc kem túi, bố ngồi trên chiếc ghế con trước hiên vá những chiếc săm xe. Một quán hàng xinh xinh, bé nhỏ.
© Hương Hà - blogradio.vn
Xem thêm: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?