Cậu bạn tôi
2022-04-14 01:20
Tác giả: khuê nguyễn
blogradio.vn - Tôi mơ ước rất nhiều thứ, một số điều nói ra mẹ tôi bảo viển vông. Đó là mong ước cho tôi, cho gia đình thân yêu của tôi, cho những người mà tôi quý mến. Riêng Nhân, tôi rất mong được thấy điều kì diệu xuất hiện, giống một bộ phim hoạt hình về một cô bé tật nguyền nhờ bạn mà biết đi (ở Thuỵ Sĩ thì phải). Đó là một bộ phim rất cảm động mà chúng tôi đã cùng xem và cùng nhau yên lặng rất lâu, rất lâu. Trong những phút yên lặng ấy, Nhân nghĩ gì nhỉ? Tôi băn khoăn mãi mà không thể trả lời.
***
Như tất cả những đứa trẻ ở khắp nơi trên thế giới vẫn thường tìm bạn cùng trang lứa để chơi, tôi và Nhân là bạn. Nhân bị tật ở chân, nó không đi được mặc dù cơ thể cân đối và khuôn mặt linh lợi. Tôi vẫn thường chơi với Nhân những buổi sáng nắng, những buổi chiều mưa, những tối trăng sáng, khi bố mẹ chúng tôi đi vắng hoặc khi họ bắc chõng hóng mát và trò chuyện ngoài sân.
Có lẽ lúc tôi và Nhân cùng cười khanh khách mỗi khi người lớn "ú oà..." thì chúng tôi không khác nhau là mấy. Bố mẹ tôi thường bế con sang chơi nhà nhau, chúng tôi lê la khắp xó xỉnh hai nhà. Rồi tôi biết đi, biết chạy, còn Nhân thì vẫn ngồi, vẫn phải lê la. Nhân không biết đi nhưng cái đầu của nó thì đi nhanh hơn tôi. Nó hay khóc, buồn tủi vì tật của mình. Vì thế mẹ thường bảo tôi thỉnh thoảng sang chơi nhà Nhân cho cô chú và bạn đỡ buồn.
Nhưng mẹ không dặn thì tôi vẫn sang Nhân. Muốn bù đắp cho thiệt thòi của con, với những cố gắng có thể, bố mẹ Nhân mua một cái đầu kĩ thuật số rẻ tiền của Tàu cho con xem thoải mái những chương trình trên tivi. Tôi rất thích kênh 26 - hoạt hình cả ngày trên cái ti vi ấy.
Hầu như ngày nào tôi và Nhân cũng thầm thì còn bởi lẽ Nhân là một tay cừ. Chơi bi ư? Không kém ai đâu nhé. Tay bắn bi của Nhân rất khéo, xa và mạnh, có khi vỡ bi của tôi. Chơi ở chỗ khác tôi thường được đếm xem mình lời bao nhiêu nhưng về chơi với Nhân thì không bao giờ tôi thắng. Thắng được của tôi bao nhiêu Nhân dồn lại đưa cả cho tôi vào lúc đầu hè mỗi năm vì đấy là mùa lê la bi đáo ăn quan mà không sợ rét, và nhất là không sợ bố mẹ mắng vì bẩn quần áo.
Tình bạn của bố mẹ tôi và bố mẹ Nhân cũng giúp chúng tôi dễ gần nhau. Sống trong một khu tập thể công nhân không phải là không phức tạp. Dân quê tứ xứ lên đây thì bán anh em xa mua láng giềng gần, có từng nhóm nhà và tự nhiên hình thành từng nhóm trẻ chơi. Buồn nhất là khi một đứa sảy chân sảy tay mà ngã dập mũi, xước da,... Một lần anh Kiên đùa quá khiến Tân ngã bươu trán, bố mẹ Tân không nói gì nhưng cứ ngấm nguýt khiến anh Kiên bị đánh một trận ra trò. Nói thế thôi chứ bố mẹ không hoàn toàn điều chỉnh được chúng tôi. Mỗi khi đá bóng, hơn chục đứa tôi vô tư xưng tụng nhau như những người tài giỏi nhất: Có anh Kiên giỏi bắt gôn ư? Là Van đờ Kiên đấy. Tiền đạo giỏi chứ gì? Ronal Quân chứ còn ai nữa.
Chơi với nhau vui thế nên vào năm học, cái năm tôi vào lớp 1, Nhân cứ ngơ ngẩn. Chuẩn bị khai giảng, chúng tôi phải đi học hè làm quen với chữ cái. Hai tuần ấy Nhân cứ trông ra ngóng vào, còn tôi với bạn cũ và bao nhiêu bạn mới không hề nghĩ ngợi gì, vui vẻ đến trường rồi hồn nhiên kể cho Nhân nghe những chuyện hấp dẫn ở đó.
Những chuyện tôi kể không biết khiến Nhân nghĩ gì, chỉ biết là bố mẹ Nhân buồn lắm. Điều này đâu phải tự tôi biết, là bố mẹ tôi nói với nhau lúc ăn cơm tôi nghe được thôi. Tôi vô tư phấn khởi chuẩn bị cho ngày đầu đi học. Lúc ấy tôi chỉ thấy nhà trường hấp dẫn vì có cái sân rộng và có nhiều bạn, sẽ tha hồ mà chơi nhiều trò, thích thú phải biết.
Rồi cả khu xôn xao vì tin Nhân sẽ đi học. Ở một tỉnh miền núi, người dân vốn không coi trọng việc học hành, rồi thì ít học sinh, thiếu giáo viên... đủ thứ lý do cho một đứa trẻ nghỉ học, thế mà Nhân…
Nhiều người thêm ra bớt vào. Bố mẹ tôi thì ủng hộ Nhân lắm “Nó thông minh, sáng dạ, đi học có khi bằng mấy những đứa lành lặn", "Chỉ cần vượt qua mặc cảm thì sẽ học tốt đấy". Đúng là Nhân sáng dạ thật, bình thường, nghe mẹ tôi kể chuyện đọc thơ là nó vanh vách ngay trong khi tôi còn gãi đầu gãi tai cố nhớ. Đi học, nó học chữ cái, đánh vần đơn giản, còn làm tính thì tôi hơn nó. Lại thêm một lí do nữa để gần gũi, bổ sung cho nhau.
Chẳng có mặc cảm, đều đều đến trường đã qua ba năm. Là ba năm bố mẹ chúng tôi sớm tối đưa đón con. Nghỉ hè năm lớp ba, tôi được bố mẹ sắm cho một chiếc xe mini đã cũ. Tôi thấy mình oách lắm, có hẳn một chiếc xe đạp. Tôi có tài sản lớn, bố mẹ gọi là xe đạp của Tuân. Nghe câu xe đạp của Tuân sao mà êm ái thế.
Chờ mãi rồi cũng đến lúc tôi được đi học bằng xe đạp. Hàng ngày, Nhân được bố cõng ra xe đèo đến trường, theo sau là tôi với hai cái cặp nặng trịch trong giỏ. Đến nơi Nhân được cõng vào ghế, và tôi được hai bố mẹ giao cho một việc cao cả là quanh quẩn bên Nhân giúp bạn khi cần. Thực ra cả buổi tôi chỉ giúp Nhân có một lần đi vệ sinh thôi mà bố mẹ Nhân cứ xuýt xoa ầm ĩ lắm lúc làm tôi phát ngượng.
Một hôm bố Nhân đến muộn, mấy đứa thường nán lại đi cùng nảy ra một ý, tôi cao nhất, lại đi xe đạp lâu nhất thử đèo Nhân xem sao. Còn tôi thì nghĩ thỉnh thoảng, tôi vẫn đèo đứa em họ được mà. Thế là, dựng xe vào chỗ sát bậc thềm nhất, hì hục xúm vào nhấc Nhân lên xe. Cũng ổn. Lên xe bắt đầu đạp tôi mới bắt đầu run.
Mọi khi chiếc xe rất dễ điều khiển, tay lái nhẹ và ngon. Lúc này tôi càng ghì chặt ghi đông càng thấy nó cứng ngắc, chệnh choạng. May là đoạn đầu khó khăn ấy tôi đi trong sân trường, lúc ra đường đã thấy quen hơn. Nhớ ra rằng khi càng cố lên gân lên cốt để làm việc gì đó thì càng dễ bị hỏng, tôi thoải mái hơn và đạp xe cũng dễ dàng hơn.
Thêm một đoạn nữa ngoài đường thì gặp mẹ tôi hớt hải đến, gia đình Nhân có việc đột xuất, cô chú phải về quê ngay. Mẹ rất tâm lý khi đi cùng chúng tôi, có lẽ vì mẹ thấy tôi đi cũng tương đối tốt, hay cũng có lẽ vì lúc ấy trong đầu mẹ đã nảy ra cái ý định rồi tôi sẽ là người đưa Nhân đến trường. Tuy nhiên ngay hôm sau thì tôi chưa đèo nó ngay, mẹ còn kèm vài hôm để chứng thực rằng tôi có thể đảm đương được việc đó đã. Sau đó chính mẹ đã thuyết phục chú Dân, cô Huế để tôi đèo Nhân đi học hàng ngày. Họ lại được dịp xuýt xoa khiến tôi sượng cả mặt.
Thực ra, tôi cũng thích đèo Nhân đi học, không phải vì lời cảm ơn của cô chú ấy, không hẳn vì bố mẹ tôi, chủ yếu lúc ấy tôi thấy được làm việc đó thật là hãnh diện với lũ bạn cùng đi. Chả gì tôi cũng có trách nhiệm trước một người bạn cần đến tôi cơ mà. Hơn nữa, Nhân rất quý tôi, và tôi cũng vậy, rất mến nó. Cả tôi và nó đều biết rõ điều đó.
Sau năm năm cùng đi như thế, tôi, Nhân và hội bạn đều coi đó là chuyện tất nhiên. Thỉnh thoảng tôi ốm hoặc bận nghỉ thì thằng Dũng, cái Mai thay nhau đèo Nhân. Khi người ta làm quen một việc gì thì người ta không thấy nó khó.
Tôi mơ ước rất nhiều thứ, một số điều nói ra mẹ tôi bảo viển vông. Đó là mong ước cho tôi, cho gia đình thân yêu của tôi, cho những người mà tôi quý mến. Riêng Nhân, tôi rất mong được thấy điều kì diệu xuất hiện, giống một bộ phim hoạt hình về một cô bé tật nguyền nhờ bạn mà biết đi (ở Thuỵ Sĩ thì phải). Đó là một bộ phim rất cảm động mà chúng tôi đã cùng xem và cùng nhau yên lặng rất lâu, rất lâu. Trong những phút yên lặng ấy, Nhân nghĩ gì nhỉ? Tôi băn khoăn mãi mà không thể trả lời.
© khuê nguyễn - blogradio.vn
Xem thêm: Cô đơn cũng là một loại bình yên | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu