Vọng tiếng quê!
2025-02-14 18:10
Tác giả:
Doan Hien
blogradio.vn - Nhắc đến quê hương không ai trong mỗi chúng ta không nguôi nhớ thương. Dù đang ở đâu, lúc nào, tiếng quê vọng mãi trong lòng mỗi người, ở mọi lứa tuổi đều có một cảm xúc riêng biệt.
***
Thế là mùa Đông đến thật rồi! Trời qua mùa con nắng yếu ớt. Mưa ẩm kéo dài, gió và lạnh khiến cho không gian ướt nhoẹt, người ủ ê chẳng muốn đi đâu, làm việc gì. Khí hậu miền Trung quê tôi luôn khắc nghiệt, mùa Hè thì nắng nóng gay gắt, mùa Đông thì mưa lạnh, lũ lụt... Người dân quê tôi phải hứng chịu biết bao nhiêu khó khăn và khổ cực. Thương lắm! Chạnh lòng… tôi lại ngồi “tương tư” ở một góc quê vắng lặng và cho mình một khoảng yên bình để suy ngẫm.
Không gian uể oải, chùng xuống vì suốt mấy tuần nay mưa to mải miết không ngừng. Cảnh vật, cả con người dường như nặng trĩu, thu mình lại trong cái u ám, ẩm ướt và lạnh lẽo. Tiếng chim lạc mẹ gọi bầy tìm về tổ cứ nháo nhác, kêu thất thanh giữa trời chiều vắng lạnh nghe nhói lòng!
Có đi nhiều mới hiểu được sự yên bình của cảnh quê. Có gắn bó nhiều mới thấu hiểu được những dung dị mộc mạc của tình quê.
“… Quê hương là gì hả mẹ? Mà ai đi xa cũng nhớ về…” Những câu hát ấy đã đi vào lòng biết bao thế hệ, đi vào lòng tôi từ thuở còn thơ. Nhắc đến quê hương không ai trong mỗi chúng ta không nguôi nhớ thương. Dù đang ở đâu, lúc nào, tiếng quê vọng mãi trong lòng mỗi người, ở mọi lứa tuổi đều có một cảm xúc riêng biệt.
“… Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…” Hình ảnh chùm khế ngọt trĩu nặng trên cành khiến cho bao đứa trẻ không ngăn được sự thèm thuồng, để rỗi mỗi chiều chúng lại ríu gọi nhau í ới vặt xuống chấm muối ớt. Vị chua chua ngọt ngọt của khế, quyện với vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt khiến cho đầu lưỡi cứ như bị thôi miên, muốn thèm nhấm nháp lai rai không ngưng được.
Nhìn ra xa, cánh đồng mùa này ngập ứ nước. Những đám ruộng lúa còn non yếu bị nước và gió làm cho ngã rạp. Người dân ngày hai bữa thăm đồng tháo nước... Có đám vừa rải một đợt phân nhưng đã bị nước cuốn trôi hết. Thời tiết luôn là một vấn đề khó khăn và là nỗi lo cho việc làm đồng của người nông dân.
Nói chung bây giờ, việc làm ruộng cũng thay đổi rất nhiều so với xưa kia, nhàn hạ lắm vì tất cả các khâu đều áp dụng kỹ thuật máy móc, người nông dân cũng đỡ vất vả, nhọc nhằn đi nhiều. Việc trồng lúa cũng dần giảm thiểu, thay vào đó là trồng cây hoa màu, cây trái xuất khẩu là chính như: Bầu, Bí, Mướp, Khổ qua, Ớt, Dưa hấu… Đời sống người nông dân dần được cải thiện. Công ty mọc lên khắp nơi, già trẻ hầu như đều đi làm công, còn thời gian dành cho ruộng đồng là rất ít. Cái khổ, cái nghèo vẫn còn nhưng có lẽ đã giảm đi rất nhiều.
Tôi lại ngẫm, lại nghĩ, lòng bâng khuâng nhìn chiếc lá rơi tựa vào đất mẹ, để rồi một ngày nào đó phân hủy làm phù sa cho đất, kết thúc một quá trình dài cũng như cuộc đời của những loài trên trái đất này. Đời người cũng như chiếc lá sinh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi.
Con đường làng trải bê tông thoai thoải uốn cong mình giữ lấy làng. Nhìn xa kia trong chiều muộn giữa mưa lạnh vẫn có một vài đàn bò lững thững bước đi khoan thai vì một ngày ăn no nê với cái bụng căng phình. Những chú bò hôm nay cũng khỏe khoắn hơn những chú bò ngày xưa. Vì những chú bò hôm nay không phải cày ruộng nữa, lại còn được nuôi rất kỹ lưỡng bằng cám công nghiệp, cỏ trồng đủ loại ăn thỏa thích. Nghĩ những chú bò xưa thật thương, suốt ngày phải kéo cày giúp người nông dân, cỏ thì không đủ ăn vì lúc đó thức ăn chỉ có cỏ tự nhiên và rơm. Ấy vậy nhưng nhắc đến hình ảnh đàn bò, đàn trâu ngày xưa khiến cho chúng ta có một tình cảm gắn bó, thân thiết giữa người với vật. Đó là một hình ảnh đẹp của làng quê Việt Nam. Hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã đi vào ca dao, đi vào lòng người bao thế hệ con Rồng cháu Tiên và mãi trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta ngàn đời.
“… Quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che…” Góp phần vẽ nên nét đẹp cho bức tranh quê, hồn quê Việt Nam không thể thiếu hình ảnh chiếc “cầu tre”, chiếc “nón lá” của bà, của me. Chiếc cầu tre nghiêng nghiêng trên dòng sông quê làm con đường nối đôi bờ cho bước chân người nhẹ tựa lối đi, giao thương giữa các làng xã với nhau. Chiếc cầu tre được làm từ nhũng thân cây tre kết lại nhưng rất chắc chắn. Hình ảnh cây tre gắn liền với làng quê Việt như một phần máu thịt không thể thiếu. Cây tre không những xây nên những chiếc cầu mà còn làm nên rất nhiều thứ phục vụ trong đời sống của người dân như nong, nia, thúng, rổ, phênh… Xã hội phát triển, dân cư đông đúc… người ta chặt phá dần những bụi tre để khai hoang đất, xây dựng, mở rộng nhiều dự án, công trình khiến cho tre thưa dần và “chảy máu’’. Buồn cho thân tre. Giờ đây, vào những ngày trưa hè nóng bức oi ả muốn tìm một bụi tre nghỉ chân, hóng mát cũng thật khó. Nghĩ mà xót xa!
Còn chiếc nón lá, không chỉ dùng để che nắng, che mưa, nó còn trở thành một nét đẹp giản dị, mộc mạc, duyên dáng, thanh lịch khi phối cùng chiếc áo dài truyền thống. Nét đẹp ấy vươn xa ra cả năm Châu thu hút rất đông người dân thế giới yêu thích, chiêm ngưỡng và muốn hóa thân, khoe dáng.
Không câu từ nào kể hết, không nét bút nào vẽ hết những hình ảnh tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam. Tất cả đã tạo nên Hồn Việt nuôi lớn chúng ta thành người. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy luôn ý thức gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những hình ảnh, những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại!
Đang miên man trong dòng suy nghĩ, chợt tôi bừng tỉnh, nghe trong tim vẫn còn vang vọng nốt nhạc quê hương: “… Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người.”
Niệm trong tâm tôi cầu cho trời mưa thuận, gió hòa để ruộng đồng sinh trưởng, phát triển xanh tốt, vụ mùa năng suất cao, giúp cho người dân quê tôi bớt khó khăn, nhọc nhằn, khổ cực, đời sống được đủ đầy, ấm no, hạnh phúc!
© Doan Hien - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Anh Từng Là Chàng Trai Em Muốn Đi Cùng | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Đợi
Thú thật với mày là bây giờ tao chẳng cảm thấy gì trong lòng cả, đau cũng không mà buồn cũng không. Tao chỉ thấy… hình như ở ngực trái tao bị khoét mất một mảng khá lớn đấy.

Vẫn là chính mình
Tôi làm gì cũng chẳng ai quan tâm, bệnh đau cũng một mình phải chịu đựng. Mọi người đâu biết rằng tôi là con người, cũng có cảm xúc và làm sao chịu đựng nổi biết bao nhiêu chuyện xảy đến như vậy. Anh đã làm tôi bắt đầu thay đổi và suy nghĩ tích cực hơn.

Nếu một ngày không còn Mẹ
Nếu một ngày không còn mẹ Cơm nhà không còn nóng Cá nhà chẳng còn ngon Trong nhà không có mẹ Chỉ có gió ngoài hè.

Mất bao lâu để quên một người, và phải mất bao lâu mới có thể quên đi sự phản bội?
Một ngày, anh cầu xin cô cho anh gặp cô lần cuối, anh quỳ xuống trước mặt cô và xin lỗi. Anh xin lỗi vì anh hèn nhát, xin lỗi vì đã làm khổ cô, anh xin lỗi vì đã không thể ở bên cạnh cô được nữa. Và rồi, một tuần sau anh đi phát thiệp mời cưới.

Lời hứa cuối cùng
“Giữ lấy nhé, em cần hơn anh mà.” Anh nói rồi quay lưng bước đi dưới cơn mưa, bỏ lại cô với sự ấm áp bất ngờ len lỏi trong tim.

Thanh xuân của tôi
Cô và cậu ấy vẫn đi về cùng nhau, vẫn ngồi học cùng nhau ở cái bàn học bên cạnh cửa sổ của cô, thi thoảng vẫn cãi nhau chí choé, giận dỗi nhau như vậy. Nhưng cô không để ý là giờ mỗi lần cãi cọ nhau, cậu ấy ít đôi co với cô hơn, thường im lặng và cũng là người luôn sẽ làm lành trước với cô.

Đánh mất tình yêu
Cuộc sống như thế làm sao có hạnh phúc được hả anh? Bởi thế nên làm sao em có thể đặt niềm tin vào tình yêu được. Trên thế gian này, có mấy ai từng hạnh phúc trong tình yêu đâu. Cả những người yêu và bên nhau hơn mười năm nhưng rồi cũng chia tay.

Mùa đông không anh
Hôm nay, em một lần nữa xâm phạm kí ức của hai ta, lật từng tấm ảnh cũ, em ngắm nhìn gương mặt quen thuộc, nụ cười anh vẫn vậy, ánh mắt vẫn luôn ấm áp và những cử chỉ dịu dàng… vẫn ở đó nhưng em và anh không còn cạnh nhau nữa.

Hạnh phúc riêng của mẹ
Tại sao con lại ích kỉ không quan tâm tới cảm nhận và suy nghĩ của mẹ. Rồi con nhận ra khoảng cách giữa mẹ và con dần lớn hơn là khi mẹ quyết định đi bước nữa cùng chú ấy.

Những lời chưa kịp nói: Một mối tình tuổi trẻ
Tôi không bao giờ quên cảm giác ngày hôm ấy – vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc. Gặp gia đình cô ấy, nhìn thấy nơi cô ấy sinh ra và lớn lên, tôi như cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình, như được trở về quê hương của chính mình.