Việt Nam trong tôi là…
2017-09-02 01:30
Tác giả:

Việt Nam là nơi đã sinh ra tôi, là quê hương, đất nước tôi, là cội nguồn gốc rễ trong con người tôi. Mỗi khi nhắc đến hai từ Việt Nam, tôi lại thấy tự hào. Tôi – một cô gái Việt Nam, sinh ra và lớn lên trên một dải đất nhỏ bé nhưng anh hùng. Dải đất bình yên nằm bên bờ Thái Bình Dương ấy, có ai ngờ phải oằn mình lên qua bao nhiêu cuộc chiến tranh. Mỗi tấc đất đều thấm đẫm bao nhiêu xương máu của những thế hệ đi trước, đổi lấy độc lập, tự do, để ngày hôm nay thế hệ trẻ như tôi có thể ngẩng cao đầu tự hào. Tôi còn trẻ, nhưng tôi đã được học về những trang sử vẻ vang của dân tộc, về nền văn hóa lâu đời mang một bản sắc rất Việt Nam. Và vì thế tôi càng thấy yêu quê hương mình. Một tình yêu vô điều kiện.
Việt Nam trong tôi là màu da vàng, là mái tóc đen, là dáng hình nhỏ bé. Thời chiến tranh, những cô gái thanh niên xung phong có thể vác trên vai những tải đạn nặng gấp mấy lần khối lượng cơ thể mình. Với dáng dấp nhỏ bé, người Việt Nam đã làm được biết bao điều kì diệu, để có thể ngẩng cao đầu với thế giới rằng một đất nước nhỏ bé với những con người nhỏ bé nhưng lại làm nên những chiến tích phi thường. Những anh hùng như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót đem cả tấm thân gầy để chèn nòng pháo, để lấp lỗ châu mai cho đồng đội chiến đấu vẫn còn khiến chúng ta bàng hoàng xúc động. Một Đặng Thùy Trâm dám một mình chiến đấu với 120 lính Mĩ chỉ bằng một khẩu CKC để bảo vệ thương binh ở bệnh viện Đức Phổ, khiến chúng ta khâm phục mãi trong lòng. Họ là những người Việt Nam rất bình thường, nhưng khi đất nước đau thương, họ trở thành những anh hùng bất tử.
Việt Nam trong tôi là lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ ở đất nước tôi. Tôi tự hào về một thứ ngôn ngữ vừa giàu thanh điệu, nhạc điệu lại có khả năng diễn đạt uyển chuyển tư duy cũng như cảm xúc của con người. Tôi quen một chị bạn người Nhật Bản, chị sang Việt Nam du học chỉ vì hồi còn học đại học ở Tokyo thấy những du học sinh Việt Nam nói tiếng Việt hay quá. Thứ tiếng mà theo như chị nói cứ lảnh lót nửa như hát, nửa như đọc thơ. Vì vậy chị quyết định theo học và nghiên cứu tiếng Việt thay vì sang Trung Quốc du học như dự định ban đầu.

Việt Nam trong tôi là quê hương Tây Bắc hun hút xa, xanh ngắt một màu và mờ ảo trong sương sớm. Tôi thích mỗi buổi sáng được hít hà cái bầu không khí tinh khiết của đất trời, hít vào lồng ngực bầu dưỡng khí của quê hương. Tôi không quên những ngày thơ ấu, tôi hay theo bọn trẻ đi tắm suối, nằm ngửa mặt trên bờ cát dài nhìn trời xanh vời vợi, nhìn những đám mây trôi rất yên bình. Tôi rất nhớ mùi quế cay nồng xứ ấy, mảnh đất đã nuôi dưỡng tôi bao nhiêu năm trời. Quê hương tôi miền Tây Bắc, “quê hương cách mạng làm nên cộng hòa” của một thời, và giờ đây đã trở thành vùng đất xanh của Tổ quốc.
Việt Nam trong tôi là những câu hát ru mà bà và mẹ đã ru tôi ngủ năm nào. “Bà ru mẹ, mẹ ru con. Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?” (thơ Nguyễn Duy). Những câu ca dao ấy cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ:
“Đầu làng có một cây đa
Anh ngồi nghỉ mát nàng ra nàng chào”.
Bình dị và thân thương, những câu hát ru ấy đã mang cho tuổi thơ tôi những giấc ngủ yên lành.
Việt Nam trong tôi là tà áo dài thướt tha, dịu dàng, tà áo truyền thống tôn lên những đường nét quyến rũ nhưng vẫn rất kín đáo của người phụ nữ Việt Nam.

Hoa hậu Đặng Thu Thảo trong tà áo dài truyền thống.
Việt Nam trong tôi là những món ăn quen thuộc không điểm hết được tên: rau muống luộc chấm tương, canh riêu cua mồng tơi ăn với cà muối, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành mỗi độ xuân về. Những món ăn thấm đượm hương vị quê nhà. Mỗi khi đi xa nhà tôi nhớ nhất những bữa cơm gia đình. Những món ăn đạm bạc nhưng chắc chắn là những món ăn ngon nhất tôi được ăn trong đời, vì trong đó có cả hương vị của tình mẹ.
Việt Nam trong tôi là những áng văn trác tuyệt tôi đã từng học trong nhà trường. Những trang văn đã dạy tôi cách làm người như thế nào và sống nhân nghĩa ra sao.
Việt Nam trong tôi là những miền đất xa xôi mà tôi mới chỉ được biết qua truyền hình, qua mạng Internet: một miền Trung gió lào cát trắng, một miền Nam chói chang ánh sáng với hai mùa nắng và mưa, những miền đất địa đầu, địa cuối của Tổ quốc, những vùng biên giới hải đảo xa xôi,... Tuy chưa một lần đặt chân đến đó nhưng sao tôi thấy thân quen đến thế, vì những người ở đó đều là người Việt Nam, cũng một dòng máu đỏ, cũng một màu da vàng, cũng nói tiếng Việt và chung một nền văn hóa.
Trong mỗi trái tim người Việt có một Việt Nam theo cảm nhận của riêng mình, nhưng tôi chắc chắn rằng những cảm xúc ấy sẽ gặp nhau ở lòng yêu Tổ quốc và tinh thần dân tộc.
Trong đất nước có tôi và trong tôi có một phần đất nước. Việt Nam trong tôi – đơn giản là dòng máu đỏ tươi đang chảy trong huyết mạch.
© Nguyễn Hằng Nga – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!
Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên
Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)
Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?
Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này
Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng
Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?
Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?