Phát thanh xúc cảm của bạn !

Trong cơn mộng cũ

2018-03-15 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Rồi nó lớn lên hoang dại như ngọn cỏ ngoài đồng. Tự mò cua dưới con kênh, tự mót lúa cuối mùa, tự gánh nước về nhà, tự lợp thêm mái lá. Bà con trong xóm thương nó nên chẳng để cho nó đói, hay ghé nhà cho con cá, cho mớ gạo hay cả mấy cái áo bà ba còn mới. Thế giới nó bình yên nhưng hiu quạnh.

***

 Trong cơn mộng cũ

Nó nằm khóc trong một cơn mộng cũ. Từng mảng ký ức đóng băng bị sự nóng hổi của nước mắt dội cho bục toát. Cho đến khi gối đã ướt đầm, khi da mặt cũng mặn mòi vì nước mắt, nó mới thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ. Và trong giấc mộng này, nó lại thấy anh.

Bầy vịt quàng quạc kêu um trong cuối rào. Nó tỉnh dậy, nghe đầu nhức tưng tức. Từng giọt nắng rơi sâu trong đám lá. Trong xóm mở nhạc ầm ầm, vang lên mấy khúc ca loảng xoảng: “Ô vui quá xá là vui, làng trên xóm dưới ai nấy cũng cười vui…” Nó tháo 4 đây mùng, cuộn thành đống tròn, bỏ vào giỏ, rồi soạn thêm mấy bộ quần áo bà ba cũ, bỏ nốt vào đấy. Hai bức ảnh nằm trầm mặc trên bàn, một về ngọn đồi trắng, một về bờ biển xanh, nó lướt mắt nhìn.

Nó ra sau nhà, lùa bầy vịt vào góc. Cả thảy năm con, hai con xiêm lớn với ba con lông trắng còn đang trọng trọng. Nhìn bầy vịt ngơ ngác tưởng sắp được cho ăn cứ mổ mổ vào chân chủ âu yếm, nó cắn môi bắt từng con bỏ hết vào bao. Lũ vịt này nuôi từ năm ngoái, ngày nào nó cũng cho ăn ba bữa. Có mấy bận, chạng vạng buồn thiu, nó đốt miếng vỏ dừa, ngồi nói chuyện với tụi nó. Năm con vịt cũng ngoác miệng ra quác quác đáp lại, tựa như hiểu được tiếng người. Giờ tự dưng đem bán, đau như cắt đi cái khúc ruột của mình.

"Vịt tới rồi hả con, mấy hia mấy chế đang trông sớm giờ”. Người nấu đám cho nhà gái đon đả lấy cái bao từ tay nó rồi xộc xả chạy vô, bà dùng dây chun buộc cao cái ống quần áo dài của mình cho đỡ vướng.

“Mà bây ở lại tiếp đám luôn đi.”

“Dạ, chắc con không tới được, chiều nay con có việc chèo ghe lên thị xã”.

“Ừa, vậy tối tối qua chơi nghe con”.

“Dạ”.

Nó trù trừ ra về, bỏ sau lưng cái bảng “Vu Quy”. Giấy đỏ thắm, màu đỏ rực rỡ đến nao lòng. Chưa bao giờ nó thấy màu đỏ nào lạ lùng đến thế, vừa rạng vừa thẫm, tựa vừa buồn vừa vui.

Cả xóm đều đi ăn cưới, thành ra con đường nhỏ vắng hoe. Nó về nhà, chẳng buồn mở cửa. Nó giăng cái võng bên góc mít, thả người chìm nghỉm trong đó. Căn nhà lá xiêu vẹo nhìn trong nắng trưa lút cút thấy thương. Cái cột bằng tre bên phải nghiêng sang phải kéo cả căn nhà nghiêng theo, tưởng như chỉ cần rung nhẹ cây cột ấy một cái là cái nhà đổ trụi lũi. Nguyên mảnh đất nhỏ phía sau có lu nước mưa, cây mít, cái võng với cái chuồng vịt làm vui mắt, giờ vắng tụi vịt, bỗng căn nhà im ắng. Nó không thể tiếp tục nhìn nên lấy tay gác trán, đôi mắt đỏ hoe nhắm nghiền.

Nó nhớ cái ngày anh từ thành phồ về, lúc ấy, nó cùng mấy đứa con gái xoắn quần ngang gối cấy lúa dưới bờ. Cái bến sông duy nhất của cù lao vang lên tiếng động cơ lạ lẫm. Cái xứ nghèo này quen lội sông, có đi đò thì cũng chèo bằng tay. Họa hoằn lắm mới nghe có tiếng tạch tạch thị thành như vậy, thường là mấy ông lãnh đạo mặc áo sơ mi, mang giày da xuống triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo gì đó, năm đâu được 2, 3 lần. Những con người thành thị vẫn không quên ở cái mút cù lao nằm sâu trong sông cụt, có một nhóm người vẫn sống, dù đôi khi từ sinh ra đến lúc chế, những người ấy chưa từng rời khỏi cù lao này nửa bước. Chỉ là đôi lúc, họ ra triền sông ngó về cái hướng mặt trời lặn, trỏ tay phía xa đó mà nói rằng: “Đó, thị xã ở hướng đó, nghe đồn gần xịt à”. Nhưng họ chỉ trỏ vậy thôi, chứ chẳng hề muốn dành dụm tiền ra đó. Như người Trái Đất nói về Sao Hỏa, biết nó ở đó, nhưng lại không ham muốn đến tột bật được lên đó làm gì.

Nó ám chừng lần này lại là ông cán bộ nào về, mà sao bác Năm không nói trước với người trong xóm như mọi lần hở ta? Động cơ tắt, nó nghe tiếng gì nhao nhao bên ấy. Tiếng ông Năm lớn ơi là lớn trôi qua tận bên này, cả tiếng con nít chí chóe như trẩy hội. Nó ngước mặt lên, đám đông dừng bước bên bờ ruộng.

Nó lật ngửa nón lá lật ngược về sau, để bóng nón bớt che đi tầm mắt. Là một người đàn ông trẻ, mái tóc đen cắt gọn, áo sơ mi trắng dính chặt vào bờ ngực phía trước.

Nó chớp mắt nhìn, bộ bà ba nâu chìm thỏm trong hàng chục người nông dân dưới ruộng. Họ cũng ngỡ ngàng đưa mắt nhìn người thanh niên ấy.

***

 Trong cơn mộng cũ

Anh từ thị xã về, nghe đâu đi dạy cho mấy đứa nhỏ ở đây. Cái lớp xóa mù chữ dột lên dột xuống, nắng thì trên nền tùm lum vòng tròn vàng vàng, mưa thì bàn ghế mục ướt chèm nhẹp. Tụi nhỏ cũng lâu lâu tới lớp, ông Năm ngày xưa làm thầy giáo cho biết bao nhiêu người trên cái xứ này, dạy học trò xong, đến khi chúng dựng vợ gả chồng, đẻ con đẻ cái rồi lại dạy thêm con cái chúng. Ngày xưa ông cũng từ thị xã về, thương người con gái đất nghèo mà ở lại. Những đứa trẻ cứ học lấy cái chữ thì thôi, chả đứa nào thiết mơ ước làm thầy giáo hay bác sỹ này nọ. Rồi ông Năm nản, làm thầy giáo chẳng được bao nhiêu tiền, chuyển sang trồng lúa, tối tối mới mở lớp dạy miễn phí cho sắp nhỏ. Ông về đây năm 22 tuổi, đến giờ hơn 60 vẫn chẳng có ai thay. Tụi nhỏ nhiều đứa cũng muốn học cho đổi đời, cũng ước mơ này nọ. Nhưng khổ nỗi ông Năm học từ hồi xưa, giờ chẳng biết ngoài kia người ta thi cử thế nào. Thành ra ông Năm khổ mà tụi nhỏ có mơ ước học hành cũng chịu nhiều thua thiệt. Nay, có một thầy giáo trẻ từ thành phố về, cả xóm ai cũng mừng. Ông Năm như trút bỏ ưu phiền đè nặng trong lòng, cha mẹ trong xóm thì mừng vì con mình được học hành đúng nghĩa, sắp nhỏ mừng vì sắp biết đọc chữ, sau này giỏi mới làm thầy giáo được. Chứ mỗi đêm ngồi nướng khoai nghe ông Năm kể về thị xã, kể về cái nghề dạy học mà ánh mắt cứ sáng bừng.

Thầy giáo về, cả làng vui như hội.

Hôm đầu tiên, cả đám đàn ông bỏ ruộng chạy về nhà chặt khúc tre, đốn lá dừa lợp lại cái căn phòng mục mát bên cạnh lớp học. Sẵn đó, người ta trang hoàng lại cái phòng bỏ hoang mấy năm nay. Họ lắp cái giường, dựng cái sàn nước, đóng thêm cái bàn, đẽo thêm cái ghế. Anh cũng xoắn tay áo nhào vô làm tiếp, bắc cái thang dựng vô góc, chuyền lá lên trên. Ông Năm thấy vậy thì trợn mắt, đứng dưới chân thang đảo mắt nhìn lên: “Thầy xuống đi, lỡ cái chân thang nó trượt thì khổ?”

Tụi thằng Tý, thằng Tèo với mấy đứa loi choi khác cũng hè nhau la lên: “Thầy xuống đi thầy”. Nghe tụi nhỏ nài, anh cũng trù trừ, cười một cái thì leo xuống. Mái tóc ngắn nâu nâu đỏ rực trong nắng. Anh phủi mấy hạt bụi trên đầu thằng Tý, cười nhẹ tênh: “Anh có dạy nhóc được chữ nào đâu mà kêu Thầy nhanh vậy?”

Áo sơ mi trắng dính bụi nâu thẫm, ông Năm thầy vậy, khều khều.

"Áo dơ rồi, lát thầy đưa cho tui nhờ người giặt cho nghen.”

"Tự con làm được mà bác Năm.”

“Mương ở đây trơn trơt, thầy hông quen thì sao?”

“Vậy bác Năm chỉ chỗ cho con gánh nước được rồi?” Anh cười, hai tay chống hông chắc nịch.

Ông Năm gật gù, tính nói gì đó là thôi. Chắc đòi giặt áo cho bằng được thì hơi kì, đoạn ông nhìn nó đang đứng cầm bình nước gần đó. Nó được giao nhiệm vụ nấu nước đậu đen cho mấy anh thợ sáng nay.

“Mầy đưa nước cho thầy uống với.”

Nó lừng khừng rót nước vào bát, đưa cho anh.

Người con trai đó nhận lấy bát nước, chẳng nề hà uống một hơi cạn sạch.

“Nước mát quá. Cảm ơn em.”

Ông Năm bên cạnh như chột nảy ra điều gì đó, quay sang nhìn nó.

“Ừ, nhà mày gần mé sông. Chỗ đó nước trong nhất, chiều mầy dẫn thầy đi gánh nước luôn nghen.”

***

Chiều, anh mặc nguyên áo sơ mi trằng đi tà tà theo nó. Nó chẳng nói chẳng rằng cắm đầu đi thẳng. Thi thoảng nó liếc mắt nhìn sang, thấy anh cứ đưa mắt hết nhìn trời rồi lại nhìn bờ sông, gương mặt ra điều hồ hởi lắm.

Đến sông, nó lao xuống múc nước như thói quen. Anh đến sau cũng đi nhanh tới.

“Em để đó tôi làm cho.”

“Em làm cái này quài à.” Nó mặc kệ mải miết múc thêm nước đổ vào thùng.

“Vậy cho người chưa từng được làm đi.” Anh đỡ lấy gàu nước trong tay nó, đoạn xoắn tay áo rồi múc nước đổ vào xô.

Nó tần ngần đứng không bên cạnh nên đâm ra bối rối. Anh múc nước xong hỏi nó cách gánh thế nào. Nó xỏ hai dây vào hai đầu xô rồi bảo anh dùng vai đỡ lấy. Dọc đường về hôm đó, anh bảo nó quê mình sao đẹp vậy. Nó trầm ngâm bảo là em không biết. Anh bật cười, chắc ở xứ này cũng chẳng ai biết đâu. Đó là câu hỏi dùng để khen chứ đâu phải dùng đễ vòi vĩnh câu trả lời. Hoàng hôn hôm đó sóng sánh như một chén rượu đầy. Mớ lục bình tím rịm dưới triền sông. Nó nghe có chút gió lao xao dập dìu trong lòng.

***

Nhà nó cạnh triền sông, anh lại hay ra sông gánh nước. Cứ mỗi chiều anh hay qua nhà nó mượn quai gánh đem đi, thấy nhà vắng tênh, anh hỏi, ba má đi đồng hết rồi à. Nó buồn thiu, dạ không, ba má em mất từ hồi nhỏ. Anh đứng trước sân, nhìn hai bức ảnh đen trắng trên bàn thờ thì thôi không hỏi nữa. Ánh mắt nhìn nó bình yên như một dòng sông mùa thu.

Hôm sau, anh mang cho nó một cái hộp xinh xinh. Bảo quà cảm ơn vụ mượn quai gánh, nó chối đây đẫy, mèn đét ơi, từ đó giờ người ta giúp nhau là chuyện đương nhiên, có ai quà cáp gì đâu.

Anh lười không cất tiếng, bỏ chiếc hộp trên chõng tre, lấy cái đòn gánh gần đó.

“Cho tôi mượn đòn gánh” rồi bỏ đi mất. Nó lật ra, thầy một cái một thỏi sáp màu hồng, đưa lên mũi ngửi, mùi hương nhẹ dịu mà lạ lẫm. Nó say mê vật lấp lánh ấy như say mê một đóa lục bình.

Từ ngày anh về, cái xóm nhỏ xôn xao hơn hẳn. Mấy bữa trước, cứ đêm về toàn nghe tiếng côn trùng với chó sủa, nay thay thế bằng tiếng râm rang đánh vần. Cái chỗ đất hoang vắng toe chẳng ai dám qua giờ hóa ra sáng nhất làng. Bình thường mỗi nhà chỉ có một ngọn đèn dầu, nay người dân trong làng ưu tiên cái nhà lớn ấy tận chục ngọn, bảo đầu tư cho bọn nhỏ học hành.

Nó ngồi nhà, đôi lúc con nghe tiếng í ơi.

“Thầy ơi, cái chữ có cái bụng bự là chữ gì vậy thầy?”

“Thầy ơi, bạn Tý ngồi bên đây che mất cái bóng con hông thấy đường viết bài”

“Thầy ơi, bạn Tèo lo ngồi bắt dế hông lo viết bài thầy ơi!”

Tự nhiên thấy vui vui trong lòng. Trong làng gom lại cũng hơn chục đứa tuổi loi choi, tụi nhỏ xưa giờ có biết cái chữ ra sao đâu, đứa nào lớn lớn thì ngày xưa học lõm bõm từ ông Năm vài chữ, từ lúc ông mắt mũi kẻm nhèm thì cũng thôi.

Mấy người lớn cũng tối tối thay vì ngồi nhà thì quay quần trước sân. Họ đưa con đi học rồi ngồi đó đón con về. Trong những buổi ngồi chờ đăng đẳng vậy, họ nảy ra ý tưởng đốt luôn cái đống lửa to giữa sân. Họ chuyện trò râm rang, nhưng không được quá lớn, né né cái lớp ra cho tụi nhỏ học hành. Rồi những buổi nói chuyện cũng đam ra nhàm chán, ông Năm nảy ra ý tưởng nấu nướng gì đó. Vậy là người ta hè nhau lấy luôn gian bếp nhà thầy giáo trẻ làm nhà bếp. Ông Năm phân công bữa đó ai bắt được cái gì mà nhà ăn hông hết thì đem tới đây, nấu nướng món gì ngon ngon, trước tẩm bổ cho thầy, sau cho mấy đứa nhỏ rồi tới người dân trong làng. Thế là qua bữa sau, lúc tụi nhỏ xách tập chạy ào tới lớp, cha mẹ tụi nó cũng hí hửng đi theo, trên tay là xâu ếch mới đặt lợp, hoặc con cá lóc mới cắm câu, hay cả con vịt bầu bắt từ đàn vịt thả trong vườn. Cô Bảy đem nguyên cái nồi to đến lớp. Trong hai gian nhà sát liền nhau, bên cạnh thì tụi trẻ ê a đọc chữ. Bên gian còn lại thì mọi người làm cá, vo gạo, bắt cái nồi lên, chạy đi mua xíu đường, xíu muối. Trong bếp chỉ có ông Năm với mấy người đàn bà, bên ngoài đàn ông ngồi quanh bếp lửa nói chuyện đám lúa mới mắc mua, nói chuyện mới câu được con cá lóc nặng gần ba kí. Ai cũng thì thầm thì thọt, thi thoảng liếc chừng vào tụi nhỏ đang ngồi học bên trong.

Người dân trong làng thương thầy lắm. Mấy bữa nhà có đám giỗ hay vừa đến ngày gặt, thường đi ngang ngõ réo thầy một tiếng. Mà thầy cũng kì, ai rủ gì cũng đi. Nói một tiếng nữa nay nhà tui gạt lúa thầy ơi, là y như rằng, lát sau thấy thầy đội cái nón lá chạy ùa ra đồng. Thầy từ thành phố về, hình như toàn đồ đẹp, chẳng có lấy cái nào hợp để đi đồng. Thầy mặc kệ, mặc luôn quần tây, có bữa áo sơ mi thả ngoài, có bữa áo thun cổ bẻ cầm liềm gặt lúa, thi thoảng đúng lên chấm mồ hôi, mắt cười với những gò lúa vàng ươm trước mặt.

***


 Trong cơn mộng cũ

Nó nhắm mắt một hơi thì chập chờn mở. Tiếng nhạc đám cưới đã vào hồi cao trào. Ai đó đang hát không thể nghe nổi lời. Nó còn nghe được cả tiếng khà rượu của ai đó ngồi bên cạnh.

Chiều buông từng vạt nắng vàng úa xuống mênh mông lúa trổ. Đồng lúa này 18 năm qua không đổi. Má nó mất lúc sinh nó ra rồi ba nó cũng về với má từ 8 năm sau đó. Người đàn ông thương vợ mà tìm về với rượu, rồi trong một đêm ngủ vùi trong hương rượu đêm trăng, ba nó cũng mất. Lúc sáng hôm sau, có con bé tám tuổi ngồi nhìn chiếc quan tài đặt giữa chòi nhà mắt ráo hoảnh hỏi ba con đâu. Có cô Tám ngồi ôm nó vào lòng, khóc tức tửi, nói tội nghiệp con nhỏ, thằng Út đi vầy biết để con nhỏ lại cho ai.

Nó cũng chẳng biết cô Tám khóc gì, chỉ là sau đó, ngoài nghĩa địa mọc thêm mô đất mới. Chiều chiều, cô Tám dắt nó ra đó thắp hương. Và ba nó, cũng chẳng bao giờ thấy nữa. 8 tuổi, nó mồ côi.

Rồi nó lớn lên hoang dại như ngọn cỏ ngoài đồng. Tự mò cua dưới con kênh, tự mót lúa cuối mùa, tự gánh nước về nhà, tự lợp thêm mái lá. Bà con trong xóm thương nó nên chẳng để cho nó đói, hay ghé nhà cho con cá, cho mớ gạo hay cả mấy cái áo bà ba còn mới. Thế giới nó bình yên nhưng hiu quạnh. Đôi lúc nhìn mấy đứa nhỏ xách tập chạy ùa vào lớp ông Năm, nó cũng muốn chạy theo cho vui. Nhưng nghĩ lại thấy mắc cười, mình mười mấy tuổi đầu mà vác tập vô ngồi chung coi bộ cũng kì, mấy đứa nhỏ dè chừng sao học được.

Hoàng hôn đẹp như một bức tranh. Đường chân trời đỏ lét như vệt máu. Nó nâng mặt, thu hết khung cảnh vào tròng mắt. Chiều đẹp thế này, sau này… à mà còn có sau này không.

Nó dứt mắt quay đầu lại. Cánh cửa bằng nẹp cũ chỉ đẩy nhẹ là bung. Nó thắp cho ba má mỗi người một cây nhang, lạy ba lạy rồi bật khóc ngon ơ. Ba má thứ lỗi cho con bất hiếu. Rồi nó từ từ đứng dậy, cầm tay nảy lao ra như trốn chạy. Bến sông này nó đã vào ra không biết bao nhiều lượt. Nó thuộc làu từng cành cây, từng mái chèo từng cây cọc. Bàn chân khệp khiểng bỗng dừng bước, dưới bến đỗ có một bóng người. Áo trắng buồn nhập nhoạng trong ráng chiều chạng vạng.

***

Từng đợt nắng chiều, Thầy với nó ngồi ngâm chân dưới sông. Nước mát trong veo còn gió thì thổi liu thiu. Thầy với tay hái nhánh hoa lục bình cho nó, nói nhìn gì mà say đắm vậy. Nó cúi mặt.

Thầy nói có mấy bài thơ về lục bình hay lắm, thầy hỏi nó có thích đọc thơ không? Nó cười trừ bảo mình không biết chữ. Thầy nhìn nó, ngây người.

Từ bữa đó cứ chiều chiều thầy kêu nó qua nhà thầy ngồi nghe. Nó lắc đầu, nói thôi. Thầy bảo thì cứ ngồi đó quạt mũi hay phân xử mấy chuyện giành đồ chơi của tụi nhỏ cũng được. Nó ngồi cuối lớp, học lỏm vài con chữ. Học chừng 3 tháng, nó biết đọc sơ sơ. Thầy đưa nó quyển truyện cổ tích còn thơm mùi giấy, nó thích mê tơi. Mấy buổi chiều gánh nước, hai người có thêm chuyện để làm. Thầy dạy nó viết chữ trên trảng đất trống ở triền sông. Nó thấy tay mình cứng đó, thầy động viên, tại chưa quen nên tay còn cứng, lần đầu viết vậy là đẹp lắm rồi. Nó mỉm cười, khẽ đưa tay veén tóc ra sau vành tai.

Rồi nó được tặng một quyển sổ cùng với một cây bút. Thầy nói tập ghi lên giấy cho quen tay. Quyển sổ bìa cứng màu nâu, còn mực thì tím rịm. Có hôm, nó tập chữ H viết hoa. Nhưng tay nó cứng đơ, viết nhìn nét cũng từa tựa nhưng không giống lắm. Thầy hỏi có cần gì giúp gì không? Nó gật đầu.

“Tôi xin phép.” Rồi thầy đúng vòng ra sau lưng, nắm tay dạy nó viết. Nó đỏ mặt, cúi đầu không dám thở mạnh. Giọng nói trầm ổn vang cạnh bên tay: “Lắm đặt viết ở đây, kéo nét bút qua, rồi xuống, giữa hai nét phải có khoảng trống để gạch xuống…”

“Dạ” Nó thở nhẹ một tiếng khi thầy buông tay.

“Viết thử tôi xem.”

Nó cắn môi viết theo cách thầy vừa bày.

“Trò giỏi lắm.” Thầy nhìn vào con chữ trước mặt bật một câu khen, rồi quay sang thằng Tí vừa í ới gọi Thầy ơi, Thầy ơi.

Kể từ đó, lớp học của thầy và cả tủ sách của thầy với nó là một thiên đường. Nó say mê những câu chuyện cổ tích thơ mộng, đắm đuối trong câu thơ về một chiểu hoàng hôn trên biển, về một sáng sớm ngắm mặt trời trên đỉnh đồi sương khói, dù nó chẳng biết biển ra sao và ngọn đồi trong như thế nào. Nó hỏi thầy, thầy nhìn sâu trong mắt nó, rồi lại chỉ về phía mặt. Biển tựa như bãi bồi trước mặt nhưng nước xanh hơn, rộng lớn hơn rất nhiều. Còn ngọn đồi… thầy nhìn quanh rồi nhún vai, ở đây chẳng có thứ gì giống với một ngọn đồi cả. Nó miên man, ước gì được nhìn thấy biển và đồi một lần. Ngày hôm sau, thầy đưa nó một sắp ảnh, nói đấy là biển còn đây là đồi. Từng khung hình trôi trong tay nó, đẹp đẽ và hào sáng như một thiên đường. Nó hỏi thầy cảm giác đứng trước những nơi đó như thế nào, thầy cười, bảo với nó, sau này em cũng sẽ được đi. Rồi em cũng được bước đôi chân mình lên cát, bên tai là tiếng gió chạy đua trong chiều thẳm, rồi em cũng thấy tóc mình bay phấp phới trong gió, nghe hơi muối tắm tắp hàng mi. Rồi em cũng sẽ đứng trên ngọn đồi nào đó, nhìn rặng cây xanh rì dưới vực, tưởng như mình cao hơn khắp thế gian. Nó nhắm mắt lại, đầu óc bay về nơi xa lắm. Lúc mở mắt ra, thấy thầy kiên nhẫn đưa mắt ngắm mình. Nó thẹn thùng cuối đầu, thầy mỉm cười dời mắt khỏi gương mặt nó. Nắng chiều nay ngọt ngào như màu xoài chín.

Dường như nó quen với những ngày cùng thầy đi gánh nước. Nó quen hỏi thầy chữ này viết thế nào, quen dẫn thầy đi hái trái chín ở khu vườn cuối làng, quen những chiều ngồi cạnh thầy dưới bến sông đầy, thả đôi chân chơi vơi dòng nước mát, thả đôi tay theo từng tiếng thầy buông. Nó yêu những ngày như thế, và lâng lâng nhận ra thầy cũng yêu những ngày như thế.

***

 Trong cơn mộng cũ

Những buổi chiều ngóng chờ kết thúc. Thầy nói mình sắp về lại thị xã. Nó bàng hoàng nhận ra dường như đây giống như một cuộc dạo chơi. Người ta thường hết mình khi họ biết đây chỉ là một khảnh khắc tạm thời.

Chiều đó, nó một mình mang giỏ ra đồng. Nó ngồi trên bờ, mắt đưa ra xăm ra triền lúa trước mặt. Lúc trăng lên chạng vạng nó mới rảo bước ra về. Trăng soi con đường mòn dẫn vào căn nhà quen thuộc. Nó dừng ở bờ chân, rửa sơ đôi chân dính bùn. Lúc ngước mặt lên, người đàn ông đứng đó làm nó sững sờ, hai tay cho vào túi. Ánh trăng lòe nhòe tô rõ đôi mắt sâu thăm thẳm. Thầy rút hai tay ra khỏi túi quần, nhẹ nhàng ngồi bên cạnh nó.

“Tuần sau tôi về lại thị xã?” Nó nghe hơi rượu nhàn nhạt trong hơi thở từ người đàn ông bên cạnh.

“Dạ, thầy….”

“Tựa đầu vào vai tôi, một chút thôi.”

Nó nghiêng đầu nghe lời khẩn cầu ngọt ngào ấy, chưa từng có ai khẩn cầu nó làm điều gì, nó nghe sự ngọt ngào mới mẻ ấy bao quanh mình rồi nhắm mắt. Tối nay, cả cù lao này dường như chỉ có ánh trăng trên đầu và vai thầy bên cạnh.

Từng lời trôi lãng đãng vào tai nó, bàng hoàng như một cơn ác mộng. Nó lảo đảo đứng lên ra về, trời đã khuya, gia chủ cũng chẳng còn mấy khách. Trái tim nó như có ai đó dùng tay móng tay cào cấu cho rướm máu, nó chẳng biết mình đã về nhà bằng cách nào.

***

“Em …”

“Thầy….”

Thầy đứng trên bên, nó đứng trên thuyền. Hai đôi mắt giao nhau cũng vừa tầm ngọn sậy ngay bờ.

Người đàn ông ấy, người thầy đầu tiên của cuộc đời nó, người cho nó tựa vai trong lần đầu tiên trong cuộc đời đang đứng đó, nhìn nó đầy đau khổ. Nhưng hôm nay là đám cưới của người đàn ông ấy, sao anh lại đau khổ.

“Thầy về đi, để cô Thắm chờ.” Nó nghe cổ họng mình nghẹn đắng.

“Cứ để cô ấy chờ.” Còn giọng thầy thì khô khốc.

Thầy tiến lại gần nó, đứng trên cầu ao, đưa tay vuốt gương mặt của người đang đứng dưới thuyền. Ngón tay thầy chạm phải giọt nước mắt nóng hổi, thầy nhíu mày một khắc rồi giơ tay lau nhẹ, bàn tay ấm áp di chuyển trên mặt nó. Nó tức khắc quay mặt đi, ghì tay chống ngọn sào đầy chiếc thuyền đi xa. Bàn tay rời khuôn mặt đột ngột, thầy vọng theo nó:

“Em đi đâu?”

“Thầy vào đi, tôi chèo dạo một chút rồi về…”

Nó quay mặt dứt khoát chèo thuyền đi. Bỗng chốc thầy và nó xa nhau đến lạ. Nó đưa mắt lại nhìn người đàn ông ấy thấy màu áo trắng vẫn in bóng trên mặt nước. Nó lấy tay quẹt nước mắt rồi quay lưng đi. Nó biết có người vẫn đang đứng nhìn theo.

Một mình nó rời bến cù lao hướng về thị xã. Vĩnh viễn chẳng về nơi cù lao heo hút ấy nữa. Nó yêu quê mình biết mấy, nhưng nếu ở lại, nó sợ mình không quên được. Khi thuyền đã rời cù lao hơn nữa đường đến thị xã, nó buông chèo bật khóc nhon ơ. Thầy từ thị xã về xứ này làm chi rồi ở lại, nó gặp gỡ thầy làm chi để rồi phải trốn chạy khỏi quê hương mình.

Trăng buồn như sắp khóc. Màu trăng vẫn bàng bạc như màu trăng đêm hôm ấy, cái đêm nó tựa đầu vào vai thầy bên cạnh triền sông này. Nhưng dường như tình người đã khác.

© Nương Tràng – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn

Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Theo bạn, như thế nào là ổn định?

Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.

Mùa đông – 2017

Mùa đông – 2017

Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.

4 con giáp là 'thần giữ của'

4 con giáp là 'thần giữ của'

Tiền bạc một khi đã ở trong tay 4 con giáp này thì rất khó lọt ra ngoài đồng nào.

Đi qua sự phản bội

Đi qua sự phản bội

Tớ cứ tưởng rằng, lý do mà quá khứ chúng ta không thành là vì cái tôi của hai bên. Nhưng sau sáu năm ròng, cả tớ và cậu đều đã yêu những người khác, đã đủ chín chắn để hiểu bản thân mình hơn rồi, chúng ta vẫn tan vỡ.

Tại sao không?

Tại sao không?

Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.

Lặng im nỗi nhớ

Lặng im nỗi nhớ

Sáng nay chợt nhớ Người của năm nào Một thời mộng mơ Một thời áo trắng

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

back to top