Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tấm vé không có lần hai

2022-03-27 01:15

Tác giả: THÙY NHUNG


blogradio.vn - Bây giờ lớn rồi, món sườn xào chua ngọt đó vẫn luôn là một trong những món tôi thích nhất, nhưng không hiểu là do hiện tại cuộc sống đã đầy đủ hơn trước, đã ăn qua nhiều món ăn ngon hơn trước, hay có thể do tôi nấu không đúng công thức như của ba nấu ngày ấy,… mà bây giờ dù đã nấu rất nhiều lần, hay thậm chí là ăn ngoài tiệm cũng chưa thấy ở đâu có hương vị đúng như cái hương vị ngày ấy ba làm.

***

Nếu có ai hỏi tôi rằng: "Tôi yêu ai nhất"? - tôi sẽ chẳng ngần ngại mà trả lời rằng: "Tôi yêu Ba nhất". Tuy nghe rất đơn giản nhưng câu chuyện của tôi có lẽ khác - khác so với bao bạn bè cùng trang lứa. Trong ký ức của tôi Ba không chỉ là Ba, mà còn là người mẹ, là người bạn tri kỷ mà cả đời này - chưa chắc tôi đã tìm thấy được,...

Theo lời Ba tôi kể thì tôi sinh ra ở Yên Bái. Một thời gian sau thì mẹ tôi mất nên hai ba con đành dẫn nhau về với ông bà nội (ở Bắc Giang) - những câu truyện về trước đó thì tôi chỉ toàn nghe Ba kể vì tôi nhỏ quá có nhớ và biết gì đâu, tôi chỉ nhớ rõ những câu chuyện sau này khi đã bắt đầu vào lớp 1. Những ngày tháng ấy cuộc sống khá vất vả và thiếu thốn về vật chất. Tôi nhớ có thời gian Ba tôi phải vào miền Nam làm việc đến gần một năm trời mới về. Còn sau này thì tìm được công việc ở Hà Nội, một tháng về nhà một lần, và gần như lần nào tôi cũng tiễn Ba ra đầu làng đón xe buýt để ra Hà Nội.

Còn nhớ sáng hôm đó, tôi nhét vài quả trứng gà có sẵn trong bếp để vào balo đựng quần áo chuẩn bị đi của ba. Dĩ nhiên Ba sẽ không biết nếu như sáng hôm đó không ghé váo quán tạp hóa của Cô Bộ đầu làng và mua đồ ăn vặt cho tôi. Khi ba mở balo để lấy gì đấy thì phát hiện những quả trứng gà trong balo bị vỡ và quần áo, đồ dùng trong đó đã bị bẩn hết. Lúc đấy ba bực lắm, mắng tôi một trận rồi bảo tôi về nhà ngay. Ba bước những bước chân vội vã, tôi thì lững thững theo sau cứ cố đi theo và giẫm vào cái bóng cao gầy của ba dưới mặt đường, lòng vừa sợ vừa vui. Sợ vì về nhà sẽ bị ba đánh, vui vì mong ba sẽ ở nhà không đi nữa. Và ngày hôm đó ba bị muộn chuyến xe buýt và đã ở nhà thêm một tuần. Tôi cũng không biết vì sao nhưng hồi ấy xe buýt chỉ đi ngang đầu làng tôi vào 7 giờ sáng mỗi thứ 2 hàng tuần. Hôm ấy tuy về nhà bị ba đánh nhưng chỉ đau lúc đó thôi, sau đó thì tôi vui lắm vì ba lại được ở nhà với chị em tôi. Có ba ở nhà thật tuyệt. Ba dạy tôi học, rèn chữ cho tôi, dạy tôi nấu các món ăn thường ngày, dạy tôi các phép tắc lễ nghĩa như kính trên nhường dưới, không được ăn trộm hay lấy đồ của ai mà chưa được sự cho phép, dạy luôn cả cách tôi chơi với bạn bè như thế nào để được các bạn quý mến,...

Tôi cứ nhớ mãi lời dạy của ba đến tận bậy giờ: "Con gái không cần quá giỏi nhưng cái gì cũng phải biết, dù có gặp môi trường nào con cũng có thể tự sống được". Lúc ấy tôi chỉ cảm thấy câu nói đó hay nên đã ghi lại vào trang đầu của cuốn vở mà tôi hay dùng để rèn chữ và dán hình - chứ lúc ấy thì chẳng hiểu ý nghĩa của câu nói đó là thế nào đâu. Hồi đấy tôi rất thích làm món trứng rán cuộn, vì nó dễ nhất. Ba bảo chỉ cần đập trứng, cho một xíu nước, cắt ít hành (củ hoặc lá) vào, ước chừng gia vị sao cho vừa ăn rồi quấy đều lên, phải quấy thật đều và lâu một chút thì trứng mới bông và xốp. Và khi rán phải ước chừng thế nào mà cuộn tròn lại được. Thế đấy, thế mà tôi làm mười lần như một - mặn chát, cơ mà được cái cuộn trứng thì đẹp lắm. Mỗi lần làm xong là tôi lại hí hửng dọn cơm, cứ đợi ba gắp miếng trứng đầu ăn là tôi lại hỏi: "Có ngon không ba"?. Ba bảo: "Mặn quá!" - thế nhưng lần nào cũng ba cũng ăn hết mà chẳng càu nhàu gì cả… Nhưng cho đến tận bây giờ thì món trứng rán cuộn đó lại là một trong những món tôi làm giỏi nhất.

Còn có một món mà cả tôi và ba đều cực kỳ yêu thích: Sườn xào chua ngọt. Món này tôi chỉ được nhìn thấy ba làm chứ ba chưa dạy tôi làm món này, tại ba bảo: “Món này khó, lớn lên ba sẽ bảo”. Cuộc sống thiếu thốn và khó khăn nên món đó hiển nhiên trở thành một trong những món ăn xa xỉ của tôi lúc bấy giờ. Nên mỗi lần có món đó tôi lại hào hứng lắm, nào là nhặt củi, đi lấy nước và thậm chí nhận luôn phần nấu món rau chỉ để ba tập trung làm món sườn xào cho thật ngon. Bây giờ lớn rồi, món sườn xào chua ngọt đó vẫn luôn là một trong những món tôi thích nhất, nhưng không hiểu là do hiện tại cuộc sống đã đầy đủ hơn trước, đã ăn qua nhiều món ăn ngon hơn trước, hay có thể do tôi nấu không đúng công thức như của ba nấu ngày ấy,… mà bây giờ dù đã nấu rất nhiều lần, hay thậm chí là ăn ngoài tiệm cũng chưa thấy ở đâu có hương vị đúng như cái hương vị ngày ấy ba làm. Mà tôi thì thèm cái hương vị ấy kinh khủng, hương vị thơm ngon, béo ngậy của thịt sườn hòa quyện cùng gia vị ngọt, chua, mặn đậm đà, thơm ngon cùng với cả “hương vị tình thân” ngày nào…

Có ba ở nhà tôi có thể thoải mái xem bộ phim hay chương trình yêu thích vào 5 giờ chiều mỗi ngày mà không phải lo nấu cơm hay làm việc nhà, vì đã có ba làm rồi. Lại nhớ vào buổi chiều những đứa trẻ con trong làng chúng tôi hay dắt bò đi chăn. Nói là chăn bò nhưng thật ra là dắt bò ra đồng cột ở chỗ nào đấy có cỏ và bóng mát là được, rồi tụ tập chơi đủ trò. Nào là trốn tìm, nhảy bước, nhảy dây, đồ hàng, bẻ cành cây dựng lều rồi đi mót ngô, khoai ở ruộng nhà người ta để nướng,… Thấy vậy chứ vui lắm, chơi quên cả giờ về, nhiều hôm về muộn là thế nào cũng có đứa bị đánh đòn. Trẻ con nông thôn nhiều trò chơi kể không hết, mùa nào thức nấy, ngày nào cũng có trò để chơi không biết chán, biết mệt là gì.

Ba tôi bị đau lưng nên thường hay bảo chị em tôi đấm lưng và nhỏ tóc sâu. Mỗi lần nhổ tóc hay đấm lưng ba lại bảo: “Đấm lưng/nhổ tóc cho ba tí ba cho năm nghìn (đồng)!” – ngày ấy năm nghìn đối với trẻ con nông thôn chúng tôi mà nói, nó ý nghĩa vô cùng, mua được rất nhiều thứ. Mua tập vở, bút, thước kẻ,… thậm chí còn dư tiền để mua đồ ăn vặt nữa kìa – nên chúng tôi thích lắm.

Thỉnh thoảng đám bọn trẻ chúng tôi đang chăn bò, hay đang chơi ngoài đồng mà có mấy Bà, mấy Cô, Thím đi làm ngoài đồng ngồi nghỉ mát là lại gọi chúng tôi ra nhổ tóc sâu rồi lát Bà/Thím/Cô cho tiền ăn kem,… là y như rằng giành nhau cho bằng được. Nhưng có nhiều lúc đang mải chơi mà có ai gọi lại bảo nhổ tóc sâu thì lại khó chịu lắm, nhưng lại không dám chối lời. Đứa nào lanh lợi tí thì biết tìm lý do, còn có đứa đầm tính, hiền queo thì lại ngậm ngùi nhổ tóc trong ấm ức để rồi nhổ đại mấy sợi cho xong rồi chạy trốn đi. Thế là ngày hôm sau có gặp lại là thế nào cũng có đứa bị nhắc: “Này nhá, hôm qua đứa nào nhổ tóc Bà/Thím/Cô chưa xong đã bỏ chạy đi nhá, có lên nhổ tiếp không?”, thế là cả đám chạy hối hả. Ba tôi cũng vậy, có hôm đến giờ đám bạn rủ đi chơi là ba lại gọi nhổ tóc hoặc đấm lưng, là y như rằng tôi cũng lại hậm hực khó chịu, rồi bị đánh khóc sướt mướt sau đó mới được đi…

Có thời gian sau này thì ba tôi nghỉ, không còn ra Hà Nội làm nữa mà ở nhà. Ai có công trình xây dựng ở đâu thì ba tôi đi làm thợ hồ. Lúc ấy thì chúng tôi không thấu được cái sự vất vả, nặng nề, dãi nắng dầm mưa để có được tài chính nuôi cả gia đình và chị em tôi ăn học đầy đủ. Tuy lúc ấy hoàn cảnh chẳng khá là mấy, nhưng cứ thỉnh thoảng ba tôi lại mua cho tôi thêm bộ quần áo đẹp, hay đôi giày mới - có một đôi giày và cũng là đôi giày cuối cùng ba mua mà đến sau này tôi đã giữ mấy năm trời cho đến năm lớp 6 khi tôi vào Đà Lạt rồi mới dám bỏ, một phần vì đi nhiều cũ quá, chật quá và cũng bị tróc da giày rồi, một phần vì gói đồ vào Nam đường xa, đồ nhiều nên chỉ mang được những thứ cần thiết nhất, nên tôi đành bỏ. Có lần cô bạn cạnh nhà tôi có bộ đồ Tiểu Yến Tử đẹp lắm, tôi rất thích nhưng tính tôi lại không mấy mở miệng đòi hỏi hay xin gì. Ba cũng biết tôi thích, thế mà mấy ngày hôm sau tôi đã có chiếc mũ Hàm Hương màu trắng. Tuy chỉ có mỗi cái mũ thôi, không có cả bộ váy, nhưng với tôi như vậy là đủ rồi, vì ở nhà tôi có nhiều váy lắm, cứ toàn thích mặc váy rồi lấy mũ Hàm Hương ra đội rồi đi khắp xóm để khoe. Có hôm gặp được bà hay cô nào khen là sướng nguyên ngày về không muốn thay ra…

Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi qua êm đềm và hạnh phúc như vậy. Cho đến thời gian ba tôi bị đột quỵ và ra đi mãi. Cũng từ đó cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Ba mất, gia đình tôi mất đi trụ cột chính, nên các Bác quyết định đưa tôi vào Đà Lạt để sống và học tập. Đà Lạt lúc tôi mới vào còn chưa quen với thời tiết, cái lạnh như cắt da cắt thịt. Chương trình học, môi trường học và sống đều chưa quen nên gặp áp lực không ít. Cộng với nỗi buồn, nỗi nhớ ba, nhớ tuổi thơ, quê hương và bạn bè da diết… thậm chí có lúc tôi chịu không nổi, đòi bác tôi cho về quê lại nhưng rồi lại thôi. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may. Tuy bị các bạn học mới xa lánh nhưng đổi lại tôi cũng có vài người bạn thân thiết và giúp đỡ tôi hết mình, mặc kệ gièm pha của các bạn khác trong lớp. Một số Thầy cô cũng yêu thương và giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập. Cuộc sống lại cứ thế mà thấm thoát trôi đi để rồi đến một ngày phát hiện ra: “Mình đã lớn rồi ư!?”

Cho đến tận bây giờ, khi đã bước ra khỏi vỏ bọc của gia đình, bước ra khỏi cánh cửa trường học, hòa mình vào xã hội, đi làm và học hỏi biết bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm mà lúc trước chỉ là trên nghe và thấy trên lý thuyết. Tôi lại càng ngẫm ra thật nhiều điều thú vị và ý nghĩa. Ai cũng ước ao mình sinh ra đều được sống như các hoàng tử và công chúa, mọi sự đều thuận buồm xuôi gió – nhưng ai cũng chỉ mong sướng rồi để cái khó, cái khổ cho ai. Thế cho nên tôi nghĩ ông trời công bằng lắm, chẳng lấy hết đi của ai cái gì, và cũng chẳng cho ai tất cả cái gì họ muốn. Tôi lại ngẫm ra, dù mình sinh ra và sống trong môi trường nào cũng được, chỉ cần mình cố gắng làm quen với nó, cố gắng vượt qua, và cố gắng tạo cho mình một cuộc sống như mình mong muốn…

Lại nhớ đến câu nói của ba tôi: “Con gái không cần quá giỏi nhưng cái gì cũng phải biết, dù có gặp môi trường nào con cũng có thể tự sống được" – nó thật tốt biết bao. Và quả thật, tôi đã gần được như thế. Tôi nấu ăn chưa thật sự giỏi, đôi lúc vẫn còn chút vụng về như năm nào nhưng cũng đủ để tự nấu một bữa cơm cho gia đình hay tự chăm sóc bản thân mình, nấu cho mình một bữa ăn thịnh soạn. Tôi cũng không phải kiểu người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” nhưng cũng biết cái nào đúng cái nào sai, cái gì nên và không nên, biết chấp nhận, biết chia sẻ và biết buông bỏ khi cần thiết,… Nói không phải ngoa chứ có lẽ phần vì tôi cũng được thừa hường tính cách giống ba tôi, phần vì do những gì ba tôi và gia đình đã dạy để có được một cô giáo tiểu học như ngày hôm nay…

Tôi thích dạy các em tiểu học nhất, phần vì đam mê, phần vì nó gợi tôi nhớ về quảng thời gian tuổi thơ tươi đẹp nhất. Mỗi lần cầm phấn viết bảng lại gợi tôi nhớ những ngày ba giảng bài cho tôi. Những khi cầm bút bắt tay các em rèn chữ, luyện chữ lại nhớ ngày trước ba cũng dạy mình rèn chữ như thế. Nhìn các em đang tuổi hồn nhiên, vô lo vô nghĩ lại nhớ về những ngày tháng năm ấy… nó thật đẹp. Nhưng có một điều khác hoàn toàn là trẻ em nông thôn chúng tôi thời ấy không điện tử, không mạng internet, không vật chất xa hoa, đi học không được đưa đón bằng ô tô, xe máy,… Nhưng có lẽ trong thời nay ít có trẻ em thành phố nào có được niềm vui và tuổi thơ hoành tráng giống như chúng tôi thời ấy (dẫu biết rằng mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh con người và môi trường sống đều khác nhau dẫn đến những sở thích của con người cũng khác nhau). Ba tôi viết chữ đẹp lắm, nên ngày bé ba cứ hay rèn chữ cho tôi rồi cứ bảo: “Nét chữ nết người”. Thế nên sau này khi học chuyên ngành Tiểu học, chữ viết của tôi là một lợi thế nổi trội so với các bạn cùng khoa, cùng lớp (họ phải mất tiền để đi học rèn chữ). Thế mới thấy tất cả những gì mà ba dạy ngày ấy có điều gì lãng phí đâu, đều ý nghĩa cả ấy chứ. Tôi cũng không nhớ được hết tất cả, và cũng chẳng chỉ dạy tôi điều gì quá nhiều, chỉ dạy những cài phù hợp và cần thiết với lứa tuổi của tôi lúc ấy thôi, chắc ba cũng muốn tôi có tuổi thơ như bao bạn bè khác…

Từng đó thôi cũng đủ để thấy Ba thật vĩ đại. Thế mà cho đến tận bây giờ, mãi mãi chẳng bao giờ có thể mua được tấm vé quay về tuổi thơ được nữa. Sau này có đôi lần được về thăm quê. Căn nhà vẫn còn đó, ao cá trước nhà, những cây trái và cả mảnh vườn vẫn còn đó nhưng đã được bác tôi về cải tạo và nâng cấp lên, trông khác xưa nhiều, đã đẹp và hiện đại hơn ngày trước. Nhưng những hình ảnh và ký ức ngày bé vẫn cứ xuất hiện trong đầu tôi khiến tôi cứ nghĩ mọi thứ vẫn vậy, không thay đổi. Góc ao ba vẫn hay ngồi câu cá ngày nào, hai cây vải xum xuê trước sân nhà mà ngày nào chúng tôi cũng bày đồ hàng chơi dưới gốc cây, rồi để hè về ve sầu đậu kín cây, kêu điếc cả tai và đái ướt đẫm một vùng dưới gốc cây. Còn có cây thị cạnh bên hông nhà, tôi vẫn nhớ y nguyên cái cành mà ngày ấy tôi hay trèo lên và nằm dựa trên đó đọc truyện vào mỗi buổi trưa trốn ngủ, giờ nó đã to lắm rồi. Rồi những buổi trưa hè bọn trẻ con chúng tôi tụ tập rủ nhau đi nhặt xác ve sầu, men dọc các hàng rào đầy gai tre, mây và dứa để hái hoa sim và những quả sim chín tím mọng, ngọt lịm. Những cánh đồng rộng thênh thang, bất tận sau mỗi vụ mùa đang đợi đám bọn trẻ chúng tôi ra quậy phá và lăn lộn. Rồi kìa, vẫn còn đâu đó tiếng gọi của thằng Chê (Thành) con chú Thủy hay cái Anh cháu bác Học sau nhà rủ đi chơi vào mỗi buổi trưa hè: “Chị/Cô Nhung ơi, đi chơi chưa”?...

Thế đấy, mọi thứ vẫn cứ hiện nguyên trong đầu tôi dường như không thay đổi – nhưng thực tế thì lại khác, cảnh cũng đã khác xưa hơn chút, con người cũng khác xưa hơn chút, đám bọn trẻ chúng tôi giờ mỗi đứa mỗi nơi, đứa đi xa học, đứa đã có gia đình và ở quê chồng,… Và còn một điều quan trọng nữa, là ba tôi, đã chẳng còn nữa rồi… Vậy nên tôi cứ mãi tâm niệm rằng, có ba tôi có cả một khung trời tuổi thơ đầy hạnh phúc và vô lo, nên cái tuổi thơ ấy giá trị biết bao nhiêu. Nó như một tấm vé không bao giờ có lần thứ 2, tấm vé mà cho dù có bao nhiêu tiền cũng chẳng thể nào mua được. Và cho đến tận bây giờ, mỗi khi buồn, tôi lại nghĩ đến ba, là lòng tôi lại bất chợt vui hơn vì cảm giác ba vẫn đồng hành trên mọi nẻo đường tôi đi, luôn có ba chi sẻ cùng mọi niềm vui hay bất cứ nỗi buồn nào – là như được tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong cuộc sống đầy bộn bề nhưng cũng không ít điều kỳ diệu này.

Bạn bè tôi thường hay bảo tôi rằng: “Có những chuyện trong quá khứ nên quên đi cho lòng mình nhẹ nhõm”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, tự tôi cảm thấy nó ý nghĩa và thật đẹp nên cứ muốn lưu giữ lại. Muốn để nó trở thành ký ức đẹp nhất và thậm chí còn muốn được như những bông hoa bồ công anh kia – gió lay nhẹ một cái là những ký ức đó bay thật xa, chia sẻ với biết bao nhiêu trẻ em hoàn cảnh khó khăn khác trên mọi miền đất nước, để mọi trẻ em đều có tuổi thơ thật đẹp và ý nghĩa.

© THÙY NHUNG - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Tuổi thơ và những ngọn đèn dầu không tắt | Radio Tâm Sự

THÙY NHUNG

Đừng thở dài, hãy vươn vai mà sống. Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

back to top