Sài Gòn - Thanh xuân của chúng tôi!
2020-08-08 01:28
Tác giả: Moon
blogradio.vn - Chúng tôi năm đó – những cô cậu sinh viên tròn 20 tuổi, lần đầu tiên thấy người ta đi “bão” khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup, cũng hùa theo, mang chảo, nắp xoong đạp xe ra ngoài trung tâm thành phố mà gõ, hò hét với họ.
***
Sài Gòn trong tưởng tượng của đứa trẻ lớn lên ở miền quê như tôi là một nơi nào đó hào nhoáng, sinh động, vui tươi. Và đến giờ, sau 12 năm sinh sống ở đây, Sài Gòn trong tôi vẫn luôn đẹp, đẹp với những kỷ niệm, với những kiến thức và đẹp bởi những điều thân quen tôi đã có ở chốn này.
Tôi có một nhóm bạn, tính đến giờ cũng gắn bó với nhau hơn 10 năm, chúng tôi cùng nhau trải qua những kỷ niệm buồn vui khi còn là sinh viên, khi mới ra trường và cho đến tận bây giờ, lúc mà tuổi đời đã bước qua 30.
Năm hai đại học, khi đã có tí xíu kinh nghiệm sống trên đất Sài Gòn, khi đã có điện thoại di động và liên lạc được với nhau, chúng tôi tìm thuê một ngôi nhà nguyên căn để ở chung. Căn nhà thuê trong con hẻm nhỏ đường Cách Mạng Tháng 8 là nơi 15 đứa sinh viên chúng tôi trải qua một năm đúng nghĩa của “cuộc sống sinh viên”.
Chúng tôi gồm 10 nam và 5 nữ, đến từ nhiều trường khác nhau, nào là Kinh tế, Sư phạm, Khoa học tự nhiên, Giao thông vận tải, Văn Lang,… Vì số lượng đông nên mỗi ngày sẽ có 2 đứa đi chợ, nấu ăn, rửa chén, cứ thế xoay vòng cho cả tuần không phân biệt trai gái. Sáng sáng, lại có một nhóm cặp sách, dắt xe đạp đi học, trưa về quây quần bên mâm cơm, chiều lại đi học. Buổi tối có đứa đi dạy kèm, đứa đi làm phục vụ ở nhà hàng. Vì nhà đông nên làm gì chúng tôi đều không sợ thiếu bạn đồng minh, gần như tối nào cũng có vài ba đứa rủ nhau đi bộ ra đường Hòa Hưng ăn hủ tiếu gõ 5.000đ, rồi ghé ngang qua xe sữa đậu nành gần đó mà xách về thêm vài ba bịch cho những đứa ở nhà. Buổi tối muộn là thời điểm tụ tập đông đủ nhất của cả nhà, nhóm thì ngồi trên gác học bài, nhóm thì ngồi dưới nhà chat Yahoo, tám chuyện, có nhóm lại thấy nóng bức, rủ nhau trèo lên mái nhà, ngồi nhìn sang ánh điện của ngôi trường mầm non đối diện mà kể cho nhau nghe những câu chuyện thường nhật, những dự định tương lai hay những rung động vừa chớm nở…
Chúng tôi năm đó – những cô cậu sinh viên tròn 20 tuổi, lần đầu tiên thấy người ta đi “bão” khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup, cũng hùa theo, mang chảo, nắp xoong đạp xe ra ngoài trung tâm thành phố mà gõ, hò hét với họ. Rồi cũng lần đầu tiên, chúng tôi hiểu được cảm giác bị mất chiếc xe đạp khi vừa quay lưng chưa đầy 1 phút đồng hồ là thế nào. Lần đầu tiên, cả bọn hết tiền mà gia đình thì chưa kịp gửi, không đủ tiền mua thức ăn, thế là nấu cháo, chiên cơm ăn cho qua bữa. Và cũng lần đầu tiên, tôi thấy thằng bạn tưng tửng thường ngày của mình thất tình, nó không khóc, nó không kể lể gì cả mà im lặng, lửng thửng đi bộ như người vô hồn vào sâu trong con hẻm,…
Tuổi 20, chúng tôi cũng có những sốc nổi, những cá tính riêng, ở chung thì vui đó nhưng rồi cũng có không ít chuyện làm nhau khó chịu mà cãi vã nhau. Khi được một năm, chúng tôi quyết định không thuê căn nhà đó nữa mà tách nhau ra ở riêng. Nhưng tình bạn thì không dừng lại ở đó.
Thường thì cuối tuần, mấy đứa bạn lại chạy sang phòng trọ của tôi – căn gác nhỏ trên đường Âu Cơ để ăn cơm, đi trà sữa với nhau. Bữa cơm nhiều lúc chỉ có trứng chiên với canh, nhưng ngồi ăn với nhau, chúng tôi lại có cảm giác của một bữa cơm gia đình mà thấy rất ngon miệng. Quán trà sữa “Honey” trên đường Nguyễn Thị Nhỏ là nơi quen thuộc của nhóm, một tuần vài ba lần chúng tôi ngồi ở đó, có lúc quân số lên đến 8 – 10 đứa, vậy nên mỗi lần chúng tôi vào là 2 chị chủ quán lại xếp 2 – 3 cái bàn lại với nhau để cả bọn thoải mái mà tám chuyện.
Công viên Tân Phước cũng là nơi gắn bó với thời thanh xuân của tôi, tôi nhớ có một khoảng thời gian, tôi với con bạn quyết tâm cùng nhau sống lành mạnh, sáng dậy sớm ra công viên đi bộ để tăng cường sức khỏe. Thế mà, vừa đi được vài vòng, hai đứa đã thấm mệt, rồi ngồi nhìn người khác tập thể dục, đánh cầu lông, đến lúc trời nắng, là mua xôi, mua sữa đậu nành xách về. Chiều cuối tuần, hai đứa lại ra công viên ngồi, hóng sang Nhà thờ kế bên để nhìn người ta đi lễ, hát Thánh ca. Chúng tôi cứ êm đềm như thế mà bên nhau đến khi cả bọn lần lượt ra trường, đi làm
Dù đã đi làm nhưng căn gác nhỏ, quán trà sữa vẫn là nơi tụ tập quen thuộc. Sau này, chúng tôi lại có thêm cái thú vui là sáng sớm cuối tuần, thỉnh thoảng rủ nhau ra Nhà thờ Đức Bà và Công viên 30/4 để uống “cà phê bệt”, ngồi nhìn Sài Gòn sáng sớm, cảm nhận được sự trong lành, yên ả ngay giữa trung tâm thành phố.
Sau hơn 10 năm kể từ ngày thuê nhà ở chung, hiện tại quá nửa số bạn của tôi đã có gia đình, vì cuộc sống riêng mà đứa ở Sài Gòn, đứa Vũng Tàu, đứa về quê, và có cả đứa đã bỏ dở tình yêu, hoài bão, trách nhiệm với gia đình mà sang thế giới bên kia lúc tuổi đời chỉ mới 25…
Tôi không còn ở căn gác nhỏ trên đường Âu Cơ ấy nữa, chúng tôi cũng không còn ghé công viên Tân Phước, hay quán trà sữa ngày xưa, và cũng bỏ luôn thói quen “cà phê bệt” cuối tuần, thỉnh thoảng đi ngang con đường Nguyễn Thị Nhỏ, hàng quán đông đúc hơn trước, nhưng cái cảm giác thân thuộc khi trở về nơi có nhiều kỷ niệm của mình nó vẫn làm tôi xao xuyến khó tả mà cứ thể chậm chậm vòng xe để ngắm nhìn nơi này thật kỹ.
Mỗi năm chỉ vài ba lần đám bạn chúng tôi gặp nhau, ngồi với nhau kể về công việc, hoài bão, gia đình. Thời gian làm chúng tôi thay đổi nhiều quá, cả về ngoại hình lẫn tư tưởng sống, sự chật vật mưu sinh, trách nhiệm với gia đình, áp lực của công việc,… làm người ta già đi nhiều quá. Cứ mỗi lần như thế tôi lại bồi hồi nhớ về thời sinh viên của chúng tôi - sinh động, trong trẻo và tươi đẹp vô cùng.
© Moon - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Chơi vơi giữa Sài Gòn | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Thân gửi, anh yêu em
Nhưng chẳng có từ ngữ nào đủ để miêu tả nỗi nhớ ấy, và càng viết thì anh càng thấy mình rơi vào trong nó sâu hơn. Giờ đây anh đã hiểu nỗi lòng của những người yêu xa, anh muốn ôm và hôn em nhiều hơn bao giờ hết.
Tết là đừng xa nhau
Cái niềm ao ước đó cứ làm bác Ba trăn trở hoài mỗi khi từ tết xuất hiện, mong sao tết là tất cả được gần gũi bên nhau. Tết là đừng làm mọi người phải cách xa, vậy mà bác cứ ước hoài cũng có được đâu, là vì vậy đó.
Hôn nhân địa ngục hay ngã rẽ thiên đường
Người yêu hiện tại của em, anh ấy đã chứng kiến mọi thứ. Anh ấy đã an ủi và chăm sóc em khi em yếu đuối nhất, và em không thể ngừng tự hỏi: Tại sao em lại phải gắn bó với người chồng bạo lực, trong khi em có thể tìm được hạnh phúc thực sự?
Dịu dàng trong đời (Phần 5)
Cô từng nghe qua một câu nói: “Đến một lúc nào đó bạn sẽ phải bật khóc trước lựa chọn của bạn”, chuyện của Ngọc cũng vậy chuyện của cô cũng thế, mãi đến sau này cô mới có thể hiểu ra những điều này. Cô tổn thương người mình yêu cũng tổn thương cả chính mình
Những chuyện đến với mình đều là cái duyên
Cách tiếp nhận, xử lý các vấn đề của mỗi người cũng khác nhau. Những người cảm tính, bồng bột, xốc nổi thì hành động thường thái quá khi đối diện với sự việc. Còn những người chín chắn hơn, trải nghiệm hơn, trưởng thành hơn họ sẽ bình tĩnh để đối đáp.
Bãi sông Hồng
Cầu nhộn nhịp, lung linh trong nắng mới, Bóng nghiêng soi rạo rực nước sông Hồng. Sóng dạt dào năm tháng mãi chờ mong, Thuyền ai đó mong về lại bến xưa.
Người EQ cao không tuỳ tiện nói 3 điều này, trong khi người EQ thấp gặp ai cũng kể
Người EQ cao không dễ dàng chia sẻ 3 điều này với người khác. Họ luôn biết điều gì nên nói và điều gì không nên nói.
Vì còn thương nên còn vương
Muốn kêu than với đất trời rằng mình nhớ em, muốn gào lên cho cả thế giới biết mình thương em nhưng nào có ai quan tâm đến anh cơ chứ, người ta cũng chỉ cười trừ vì hơi sức đâu mà để ý đến một kẻ tình si. Anh đành gửi gắm vào hết con chữ, anh vùi đầu vào những suy tư, anh cứa vào tay mình rỉ máu, à thì ra, chẳng đau bằng việc đánh mất em.
Buồn - tức là cuộc sống vẫn còn ý nghĩa
Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, tôi cũng vậy và mọi người cũng vậy. Cho đến lúc nào đó bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách bạn sẽ thấy rằng những thứ làm khó bạn lại chính là những thứ giúp bạn được thăng hạng.
Dịu dàng trong đời (Phần 4)
Khi anh mở lời muốn tiến xa hơn, cô vui vẻ nhưng lại không dám tin, cô lại lùi lại, nhưng khi anh nói: “khi nào em muốn nói anh sẽ nghe” thì cô đã không còn do dự nữa rồi. Hẹn anh hôm nay là muốn kể cho anh quá khứ của cô, lại muốn cùng cho anh danh phận.