Nồi gang của mẹ
2021-09-15 01:20
Tác giả:
Thu An
blogradio.vn - Mẹ đã đỡ vất vả hơn trước đây, không phải lụm cụm mỗi ngày chụm bếp củi nấu cơm, gian bếp đã không còn những cái nồi màu đen, mùi khói cũng không còn vương trên tóc mẹ nữa nhưng tôi cảm giác mất đi cái gì đó không tìm lại được. Lần nọ về chơi tôi hỏi lâu rồi không thấy mẹ nấu cơm củi nữa, mẹ chỉ cười bây giờ các con đi hết nấu cơm cháy cho ai ăn.
***
“Tiếc cái gì mà mẹ không vứt đi, cứ để một đống đó cho chật nhà”. Đó nguyên văn là lời nói của tôi trong một lần dọn dẹp cuối năm khi tìm thấy cái nồi gang treo ở xó bếp. Mẹ chỉ cười hiền bảo “Đồ của mẹ cứ để yên đấy cho mẹ”. Tôi không hiểu lý do lắm nhưng nghe lời vẫn để nguyên đó, cho tới khi trưởng thành chính mình cũng đi tìm lại từng mảnh ký ức trong những đồ vật vô tri vô giác tôi mới hiểu cảm giác của mẹ. Nồi gang chứa đựng bao ký ức xa xôi của mẹ.
Mẹ kể cái nồi gang ấy mẹ mua ở Thái Nguyên khi có anh tôi, tuổi đời đã mấy chục năm. Ngày ấy, nồi gang là một món đồ phổ biến và không thể thiếu trong mọi gia đình. Khi chuyển nhà từ Bắc vào Nam, tay xách nách mang ba đứa con nhỏ nhưng mẹ không quên mang theo cái nồi gang. Nó đã cùng gia đình tôi ngược xuôi từ bìa rừng ra đồng bằng tới tận cao nguyên, có mặt trong bao nhiêu bữa cơm ngon dở, vui buồn của cả nhà.
Mấy chục năm trước ở quê nhà nào cũng nấu cơm bằng bếp củi. Kỹ thuật nấu cơm bằng nồi gang cũng như các loại nồi khác chỉ là cơm sẽ đỡ bị cháy hơn nếu quá lửa. Có lẽ ngày nhỏ vì được tập nấu bằng nồi gang ấy nên cơm tôi nấu cũng ít khi bị khê hay cháy hơn các bạn cùng trang lứa.
Nồi gang của mẹ dày và rất nặng, bên ngoài nấu trên lửa nên đen nhưng bên trong và nắp lúc nào cũng sáng bóng. Mẹ tôi dành riêng cái nồi gang ấy để nấu cơm, hiếm khi sử dụng nấu món khác. Vì là gang nên khả năng giữ nhiệt rất tốt, mỗi lần ăn cơm nồi sẽ được bỏ vào một cái rế bằng tre dọn lên bàn chung đồ ăn, cơm được giữ nóng từ đầu tới cuối bữa cơm.
Hôm nào mẹ nấu cũng có một lớp cháy dưới đáy nồi vàng ươm, vừa giòn và thơm. Mấy anh em tới bữa ngồi vào bàn đều mong chờ hỏi “Mẹ ơi, hôm nay có cơm cháy không?” như một câu cửa miệng. Mẹ biết ý không quên chia cho anh em tôi mỗi đứa một miếng cơm cháy chấm với nước cá, thịt kho, hay chỉ với nước mắm mặn. Hình ảnh anh em tôi háo hức chờ đợi miếng cơm cháy ăn có lẽ đã là một ký ức đẹp khiến mẹ quý cái nồi gang đến vậy.
Điện về đến cao nguyên những năm cuối thập kỷ chín mươi, ít lâu sau nồi cơm điện cũng xuất hiện trong gia đình tôi, bố tôi mua về vì muốn mẹ đỡ vất vả. Nồi cơm điện tiện dụng và chẳng tốn thời gian canh lửa chờ cơm chín nhưng mẹ rất ít khi dùng, mẹ bảo nấu bằng nồi gang cơm thơm ngon nhất.
Bố tôi lại cứ tưởng mẹ tiết kiệm điện không dám nấu, còn tôi ngày ấy ham chơi nên cứ cằn nhằn vì sao phải mất công như vậy, hiện đại mà không chịu dùng, cực thân làm gì, cứ tới bữa có cơm ăn là được thôi mà. Mẹ vẫn mặc bố con tôi, hễ có thời gian là mẹ lại nấu cơm củi bằng cái nồi gang ấy. Mãi cho đến sau này khi lớn lên tôi mới hiểu rằng mẹ nấu cơm bằng nồi gang vì nó chứa đựng rất nhiều ký ức. Mẹ giữ lại không phải để dùng mà chỉ làm kỷ niệm, như một kỷ vật lưu dấu những thăng trầm mẹ đã đi qua trong cuộc đời.
Thời gian trôi, bữa cơm thưa vắng dần những đứa con, anh em tôi rời nhà xuống Sài Gòn học tập rồi lập nghiệp, mẹ thôi nấu cơm củi, chà nồi gang sáng bóng rồi cất gọn vào một góc bếp.
Mẹ đã đỡ vất vả hơn trước đây, không phải lụm cụm mỗi ngày chụm bếp củi nấu cơm, gian bếp đã không còn những cái nồi màu đen, mùi khói cũng không còn vương trên tóc mẹ nữa nhưng tôi cảm giác mất đi cái gì đó không tìm lại được. Lần nọ về chơi tôi hỏi lâu rồi không thấy mẹ nấu cơm củi nữa, mẹ chỉ cười bây giờ các con đi hết nấu cơm cháy cho ai ăn.
© Thu An - blogradio.vn
Xem thêm: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Mình muốn một tình yêu như vậy!
Họ không nói nhiều, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, không lãng mạn ngọt ngào, không hứa hẹn, không sở hữu, cứ thế hiện diện bên nhau, lắng nghe, an ủi.

Lỡ duyên
Trăng treo lẻ bóng bên đồi Gió ru khúc cũ nghẹn lời chia phôi Người đi để lại bồi hồi Ta ngồi đếm mãi một thời đã xa

Chia ly - khi khoảng cách không thể xoá nhoà ký ức
Cảm giác sắp chia ly ấy cũng thật khó giải thích. Có lẽ chỉ đơn thuần là cảm xúc trống vắng khi bàn ăn trong nhà thiếu đi mất một người thân thuộc, hay sự lạc lõng trong một không gian đã từng đầy đủ,... Chắc đó là sự hụt hẫng khi có những điều vốn tưởng chừng là vậy nhưng nay đã sắp không còn.

Tình khó phai
Em biết anh luôn là người yêu em và nghĩ cho em nhiều nhất. Nhưng anh à, em cần nên biết mọi chuyện đầu tiên chứ không phải giờ đây em là người sau cùng mới biết được.

Khi con muốn được yêu thương nhưng lại sợ mất gia đình
Không có gì đau lòng hơn việc chính những người ta yêu thương nhất lại không thể dang tay ôm lấy ta.

Khi mặt trời mỉm cười
Tôi thấy yêu làm sao mặt trời lúc đó, tôi thấy yêu làm sao những buổi sớm mai thật lắng đọng thật nhiều cảm xúc và những nguồn huyết mạch của cuộc sống cứ cuộn trào mãi trong tôi.

Người ơi
Em thích gọi anh là người ơi, chỉ là một tiếng gọi thật ngắn thật nhanh mà chứa đựng trong đó biết bao ân tình biết bao da diết của những tháng năm mình được quen nhau, mình được yêu nhau thật trọn vẹn.

Kí ức muốn lãng quên
Kí ức về cậu có lẽ là kí ức đời này tớ muốn quên nhất, cậu cũng có lẽ là người tớ muốn quên nhất...

Xem cuộc đối thoại chua chát của 2 mẹ con trong Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, tôi thề sẽ không bao giờ nói "Mẹ sống vì con"
Đứa trẻ lớn lên trong “sự hy sinh của mẹ” sẽ không học được cách hỏi mình: “Mình muốn gì?”, mà chỉ biết hỏi: “Mình nên làm gì để cha mẹ vui?”

Yên đơn phương
Em đã cố kìm nén không khóc trước mọi người. Chắc chỉ có mỗi mình anh không nhận ra tình cảm của em dành cho anh mà thôi.