Không nặng nề như tháng Giêng, tháng Hai mang Tết đến và đi nhẹ nhàng như chớp mắt. Tháng Hai có đặc điểm riêng biệt của nó, vì nó là tháng có ít ngày nhất trong năm. Nhân loại đi qua biết bao nhiêu tháng Hai nhưng không phải ai cũng ngoảnh lại và hỏi vì sao tháng Hai có 28 ngày và thỉnh thoảng mới lại thấy có 29 ngày.
Tháng Giêng đầy, tháng Hai vơi. Tháng Hai đầy mưa, vơi nắng. Tháng Hai vơi một ngày là làm cho ta thiếu đi hai mươi bốn giờ vàng ngọc. Chính cái thiếu thốn ấy đã nhắc nhở ta biết tranh thủ khẩn trương, không hoang phí những gì mình đang có. Nhờ có việc thiếu đi một ngày đó mà ta đã tìm thấy những thứ vô cùng quý giá mà ta chẳng thể nào tìm thấy trong lúc đủ đầy.
Vì thế mà trong xã hội ngày nay nhiều bậc phụ huynh muốn con cái mình phải "khổ một tý" để biết trân trọng nhiều hơn bát gạo đồng tiền. Họ muốn con mình chạy khắp cánh đồng, "vất vả một chút" để nhận ra rằng củ khoai củ sắn quê mình có hình hài giống giọt mồ hôi. Có lẽ vì thế mà khẩu hiệu "sinh viên giàu vượt sướng" không biết từ đâu đã len lỏi khắp "cộng đồng teen" trên facebook. Thế giới phẳng nhiều quá đã giúp người ta nhận ra hiện tượng nghiện internet là cái nghiện nguy hiểm và dễ làm cho người ta "mất nết" hơn nhiều thứ nghiện khác. Một người lãnh đạo do tham quyền cố vị mà mãi đến tận khi về hưu mới nhận ra sai lầm của mình là đã nắm giữ quá nhiều. Bởi vì, đôi bàn tay ta khi nắm nhiều quá sẽ không còn cơ hội để cầm nắm thêm những thứ khác thú vị hơn. Giận nhiều quá sẽ mất khôn, yêu nhiều quá sẽ sinh ghen tuông mù quáng. Đứa trẻ sẽ hư khi quá được nuông chiều. Cầm tiền chẵn nhiều quá thỉnh thoảng cũng cảm thấy... khó tiêu.
Vào năm 46 trước công nguyên, người La Mã đã chọn tháng Hai để tử hình các tội phạm nặng. Vì thế mà Hoàng đế La Mã đã quyết định bớt đi một ngày của tháng Hai để giảm bớt những đau thương không mong muốn. Vì ông cho rằng thù oán quá nhiều thì trái tim sẽ chẳng còn chỗ để cho yêu và cảm thụ những điều hay lẽ phải của cuộc sống. Có lần Bố đã từng khuyên ta là giữ cho mình luôn ở trạng thái "vơi" để thể hiện rằng mình biết sống. Giữ mình "vơi" để biết chăm chỉ siêng năng tìm tòi, sàng lọc và nhặt nhạnh những điều bổ ích từ mớ kiến thức khổng lồ hỗn độn. Để biết rằng sinh vật sống trên đời không phải chỉ dựa vào nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và khí trời. Để nhận ra mỗi khi Tết đến xuân về là quỹ thời gian của ta lại vơi đi mười hai tháng.
Cũng như Xuân năm trước, mấy ngày này mưa "thối đất thối trời". Mưa nhỏ thôi nhưng miệt mài tưới tắm như để bù đắp cho những tháng ngày khô hanh. Lúc này đây có cảm giác bầu trời như sà xuống thấp hơn để cho ta chỉ cần kiễng chân giơ tay lên cao một chút là với được. Tháng Hai! Nhặt những cành hoa Ly bị gẫy hay những cành Đào dăm chiều Ba Mươi Tết để lắng nghe tiếng gió xuân về. Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc. Chẳng cần se se để mặc áo phông áo gió, cũng không dở nóng dở lạnh để cho áo cộc và áo len xen lẫn nhau. Cái rét vừa đủ để cho ta làm duyên với cái áo vest khoác hờ trêu ngươi ai đó.
Chẳng hiểu từ bao giờ người ta đã đặt tên cho cái rét của tháng Hai là "rét lộc". Giữa cái rét của những "ngày xuân con én đưa thoi" ấy đã làm cho người ta mải mê với những cuộc du xuân, lễ hội, chùa chiền với tâm nguyện "cầu được ước thấy". Quan sát kỹ dòng người đang chen chúc và những người đứng ở phía sau đang chắp tay vái lưng người đứng trước để phân biệt rạch ròi giữa tín ngưỡng và cuồng tín.
Tháng Hai đưa ta về với cái Tết cổ truyền với 9 ngày nghỉ dài. Có một số người không ngại ngần đã coi Tết là những khóa học không sách vở. Một khóa học về gia đình, về nữ công gia chánh, về định vị bản thân mình, về yêu thương tha thứ và cách quản lí thời gian. Có những người lại biến 9 ngày Tết thành những buổi du xuân thưởng ngoạn bổ ích. Cũng có không ít người biến Tết thành những cuộc nhậu nhẹt bù khú chẳng biết được trời đâu đất đâu. Chỉ trong vòng 9 ngày tết thôi, cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông. Mỗi khi Tết đến lại là cái cớ để cho mọi người thường chúc tụng nhau rượu bia quá chén.
Chuyếnh choáng trong men say của chén rượu đầy ngày Tết mới nhận thấy ngày tháng của tháng Hai sao mà vơi, sao mà mỏng mảnh. Chỉ có đi qua lúc đầy mới thấu hiểu những khi vơi. Khi ấy làm cho người ta biết sống có trách nhiệm với nhau và có trách nhiệm hơn với người khác. Khi vơi ta mới nhận ra những trống rỗng từ nơi bản thân mình như những lỗ hổng của củ sen củ súng, như những kẽ tay của những bàn tay cần những yêu thương để được đan xen, được lấp đầy.
Đi qua tháng Hai để yêu những vơi đầy. Giữa sinh tử cận kề để biết sống trọn tình vẹn nghĩa. Để chở che, để đức độ bao dung, "Lương y như từ mẫu". Để ai đó dại khờ dẫu trót dối mẹ dối cha đi ăn vụng những que kem lạnh buốt mà vẫn thấy trong lòng ấm áp bình yên. Đi qua tháng Hai để thấu cái lạnh của đồng Chiêm. Áo mũ xênh xang theo Xuân ai vào hội. Bó mạ gầy tránh rét buộc cong bao mằn muộn. Ôm trọn bãi cát bồi để hỏi ngồng Cải có còn cay. Tháng Hai ơi! Ta ôm những nồng nàn đi qua vơi, đi qua đầy để thêm biết đắm say...
Tác giả: Nguyễn Thúy Hạnh
Được thể hiện qua giọng đọc: Jun & Nắng
Kỹ thuật: Jun
Bạn có thể tìm thấy những bản nhạc nền được sử dụng trong chương trình tại forum Nhacvietplus và Blog Việt theo địa chỉ: http://forum.nhacvietplus.vn. Những tâm sự muốn sẻ chia, những bài viết cảm nhận về cuộc sống, những sáng tác thơ, truyện ngắn mời bạn cùng chia sẻ bài viết với Audio Book bằng cách gửi đường link, file đính kèm về địa chỉ email audiobook@dalink.vn