Những người gánh bão giông
2020-03-23 01:18
Tác giả:
blogradio.vn - Nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu, đã từng để lại một vết thương và nỗi tự ti rất lớn trong lòng tôi. Tuy nhiên, may mắn thay, có một người phụ nữ như mẹ tôi đã giúp tôi vượt qua mọi nỗi mặc cảm, vượt lên đau thương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
***
“Thằng Nam khờ kìa!” – đó là cách mà mọi người ở đây gọi anh trai tôi. Ngày bố tôi trở về từ chiến dịch, thân thể lành lặn nguyên vẹn, ông bà và mẹ tôi mừng lắm. Ngày trước cùng với những trai làng khỏe mạnh khác, mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ, tạm biệt quê hương, bố tôi gia nhập vào binh đoàn để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ tàn khốc.
Đất nước được giải phóng, hòa bình lập lại, có những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, có những anh hùng dân tộc may mắn hơn được trở về đoàn tụ với gia đình, tiếp tục xây dựng quê hương đất nước. Một năm sau khi bố tôi trở về, mẹ tôi mang thai đứa con đầu tiên. Cả gia đình hồ hởi đón chào thành viên mới.
Ngày đó, mẹ tôi sinh được một bé trai, cả nhà quây quần hạnh phúc, ông bà chắc mẩm có thằng cháu khỏe mạnh nối dõi tông đường rồi. Nhưng bốn ngày sau, da dẻ của đứa trẻ vàng vọt hẳn đi, rồi đứa bé sùi bọt mép và chết trong vòng tay mẹ tôi. Bố mẹ tôi phải tự tay chôn cất đứa con đầu lòng trong nỗi đau khôn xiết. Mẹ tôi thương bố nên sau khi mất con cũng không than khóc nửa câu trước mặt chồng. Dẫu vậy, bố tôi cũng biết rằng, hằng đêm bà vẫn lặng lẽ rơi nước mắt xót thương cho đứa con vô tội.
Mỹ rải 80 triệu lít chất độc màu da cam và thuốc diệt cỏ trên đất nước hình chữ S, và bố tôi không may là một trong những người Việt đã nhiễm phải chất đioxin đáng sợ trong khi xả thân bảo vệ Tổ quốc. Ba năm trôi qua, bố mẹ tôi không nhắc đến chuyện sinh con nữa, nhưng ông bà nội luôn mỏi mòn mong ngóng về việc có đứa cháu đích tôn để lo hương hỏa. Chiều lòng ông bà, mẹ tôi mang thai lần thứ hai. Lần này, anh trai tôi thời điểm được sinh ra trông rất khỏe mạnh.
Ông bà, bố mẹ tôi vui mừng chăm bẵm cho anh từng chút một. Nhưng không hiểu sao, khi ấy anh tôi đã bốn tuổi mà vẫn chưa thể gọi được một tiếng mẹ, phản ứng cũng chậm chạp hơn so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Rồi thời gian trôi đi, da dẻ anh nhăn nheo lại, mắt bắt đầu lồi lên, cả nhà tôi mới đau đớn nhận ra - anh tôi cũng nhiễm chất độc màu da cam. Thời gian đó, bố tôi ngày nào cũng tự trách mình làm khổ bố mẹ, vợ và con cái mình. Bố gầy gò, tiều tụy hẳn đi. Mẹ tôi lúc ấy cũng mơ màng, có lúc đau khổ gần như điên dại nhưng rồi thấy bố như vậy, mẹ dần khuây khỏa, vực dậy tinh thần và nói với chồng mình: “Con cái là trời cho, mình cũng dốc hết lòng rồi, cứ thương lấy con, trời không phụ mình đâu”. Và rồi, để cho có nếp có tẻ, một thời gian sau bố mẹ sinh ra tôi rồi nuôi lớn mạnh khỏe đến giờ.
Tuy là con gái, nhưng tôi khá hiểu chuyện và thương bố mẹ. Mẹ nói, tôi và anh trai đều là món quà của bố mẹ. Chung thủy chờ chồng đi chiến dịch trở về, lại tần tảo nuôi lớn hai đứa con thơ dại, trong đó có cả đứa bị tật nguyền nhưng khuôn mặt mẹ tôi lúc nào cũng ánh lên nét cười. Mẹ từng nói với tôi, mẹ không muốn thấy bố buồn và tự trách nữa nên tôi và mẹ phải sống vui vẻ, cả gia đình phải yêu thương lẫn nhau để bố cũng được vui. Bố tôi đã hy sinh rất nhiều, do vậy ông xứng đáng có được sự tôn trọng chứ không phải sự trách móc từ người khác.
Năm nay, anh trai tôi đã hơn ba mươi tuổi nhưng vóc người chỉ nhỏ như một cậu bé chưa đầy mười sáu tuổi. Đến nay anh vẫn chưa có vợ và sống một cuộc sống khờ khạo không hay biết gì. Nhưng cả gia đình tôi chưa bao giờ coi thường hay hắt hủi anh. Mẹ tôi nói, anh là người đã gánh chịu mọi đau khổ để cho chúng tôi có được cuộc sống bình yên như bây giờ nên chúng tôi phải hết sức yêu thương anh.
Hồi nhỏ do không hiểu được nên thậm chí nhiều lúc tôi còn ganh tỵ với anh. Mỗi khi có thức ăn ngon, mẹ đều nhường phần anh, quần áo cũng phải mua cho anh loại tốt nhất, đẹp nhất. Nhà tôi không phải thuộc diện giàu có gì, có lúc cũng rất chật vật với cái ăn cái mặc nhưng bố mẹ tôi quyết dành dụm tiền mua ipad, thậm chí còn bắt hẳn cả wifi để cho anh tôi chơi. Do đó, anh tôi tuy tật nguyền nhưng cuộc sống của anh khá vui vẻ, trên môi lúc nào cũng thường trực một nụ cười chân thật.
Sau này khi đã lớn lên, tôi lại càng hiểu được sự thiệt thòi của anh nên càng thương anh hơn. Tôi đã cố gắng chăm chỉ học tập, thi đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Hà Nội và hiện giờ đang làm việc cho một ngân hàng khá lớn. Tiền lương của tôi tương đối cao, hàng tháng khi nhận lương, tôi sẽ gửi một khoản cho mẹ tôi để chăm lo cho cuộc sống của anh, ngoài ra, tôi cũng trích một khoản khác để ủng hộ cho quỹ chăm sóc những trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam. Đây là mong muốn của mẹ tôi. Bà mong rằng, những đứa trẻ không may như anh trai tôi sẽ nhận được tình yêu thương và sự thấu hiểu từ những người xung quanh.
Chiến tranh đã trôi qua nhiều năm, những tội ác kia cũng đã được người dân Việt Nam rộng lượng tha thứ nhưng những đau thương, mất mát vẫn mãi còn đây. Có những chiến sỹ đã ngã xuống, có những người anh hùng của dân tộc may mắn kịp trở về nhưng thân mình không còn nguyên vẹn hoặc thậm chí những di chứng còn để lại cho cả thế hệ sau.
Giới trẻ ngày nay, nhiều người chắc đã quên, có những người lại không quan tâm và thậm chí có những người khinh miệt những gia đình như chúng tôi. Nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu, đã từng để lại một vết thương và nỗi tự ti rất lớn trong lòng tôi. Tuy nhiên, may mắn thay, có một người phụ nữ như mẹ tôi đã giúp tôi vượt qua mọi nỗi mặc cảm, vượt lên đau thương để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như lời mẹ tôi đã nói: “Làm việc không hổ thẹn với lòng thì không phải xấu hổ, ngược lại, hãy luôn tự hào về sự dũng cảm và lòng yêu nước của bố con”.
© Trần Phong – blogradio.vn
Xem thêm: Cuộc đời này an yên thì ít mà bão giông thì nhiều
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?