Tìm bình yên nơi gia đình
2019-08-02 08:20
Tác giả: Hoài Thương
blogradio.vn - Tôi hiểu rằng, chẳng ai muốn trở thành người xấu trong mắt đứa trẻ của mình, chỉ là họ phải gắng gượng quá nhiều với khắc nghiệt của cuộc đời, họ muốn phải bẻ lái con thuyền mang cả tương lai của con mình sang một hướng khác.
***
Năm nay tôi 20 tuổi, chẳng phải quá trưởng thành nhưng cũng đã bước qua ranh giới của cái tuổi được phép bồng bột suy nghĩ rồi. Ngày ấy, một chiều nắng nhẹ, tôi ngồi cùng mẹ, hai mẹ con nói chuyện thật nhiều.
Mẹ tôi của ngày ấy khác xa bây giờ, gia đình tôi không phải sinh ra đã đầy đủ tất cả mọi thứ, đến mức thật sự phải nói là không có để ăn cho no nữa. Hồi ấy mẹ gầy lắm, tóc ngắn, hay nổi cáu và còn hay khóc nữa. Tôi nói nhỏ: “Hồi con còn bé, mẹ kì cục thế nào ấy?”. Mẹ cười bảo: “Lúc đói thì ai cười cho nổi, rồi nhìn thấy tụi bây hơi sa sút một tí, mẹ mày lại sợ tụi mày học kém đi, rồi không có tương lai, rồi lại khổ”.
Tôi im lặng nhìn mái đầu đã điểm bạc của mẹ, và nhớ lại khoảng thời gian, khi mà mỗi chúng tôi đều phải chạy đua với cuộc đời để sống, nhưng tôi lại khao khát trở lại để cảm nhận trọn vẹn những yêu thương đong đầy ấy một lần nữa.
Tua lại đoạn băng cuộc đời tôi, 15 năm trước, lúc ấy gia đình tôi ở nhà tổ do ông bà ngoại để lại. Ba tôi là con trai cả, bà nội mất sớm, ông tôi một mình nuôi 10 người con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, ba tôi đang được đi học thì phải nghỉ, về nhà phụ bố coi sóc các em, rồi lên rẫy làm để nhà còn có cái ăn. Bà ngoại không chịu gả mẹ cho ba đâu, nhưng vì cái chân chất hiền lành nhưng cũng cực kì kiên định lại còn tài năng của ba (biết chơi organ, biết đánh guitar, biết tiếng Anh cơ bản, đọc được tiếng Pháp, lại còn có background từng là phát thanh viên của xã), mà ba lấy được má, rồi có tôi, của ngày hôm nay.
Lúc ấy ba ở rể, nhà bà ngoại rộng thật, nhưng lại dột, mỗi lần mưa xuống, là chị em tôi kéo nhau xem thác nước dưới bếp. Ba đắp giếng thật cao, cao hơn nền rất nhiều, để lúc ngập, nước bẩn ở cống không tràn vào giếng được. Lúc ấy tôi ghét mưa lắm, ghét tới tận bây giờ, vì mỗi lần mưa là mẹ lại vào phòng, tôi biết, mẹ đang khóc.
Ba mẹ hồi ấy đi làm, từ sáng sớm đến tối muộn, hai chị tôi một tay bác lớn trong nhà chăm sóc, cơm nước. Tôi được gửi ở cùng nội, nội tôi là cực đại thi hào, với riêng tôi, ông gà trống nuôi 10 người con trưởng thành, ông có 1 tập thơ sáng tác lúc nghỉ trưa hồi ông còn trẻ, ông kể tôi thế, ngày ấy, trưa nào tôi cũng đung đưa ở võng nghe ông đọc từng câu từng chữ. Ông mất, tập thơ ấy cũng được ông mang theo.
Tôi nhỏ nhưng, tôi biết hết mọi chuyện mà người lớn nghĩ tôi không biết. Tôi biết ngày tôi vào lớp 1, mẹ không đưa tôi tới trường, là có lí do. Lúc ấy mẹ bị thoái hoá cột sống, người mẹ nghiêng hẳn đi một bên. Mẹ đỡ cả thế giới cho 3 chị em tôi, ba có cái mạnh mẽ của một người đàn ông, còn mẹ dù gì cũng là phụ nữ, cái khổ cái cực đè khiến mẹ không chịu đựng nổi.
Ba bận lên rẫy hằng ngày, mẹ chỉ chờ tôi vào học mới yên tâm đi khám. Mẹ sợ biết bệnh của mình, mẹ sợ trở thành gánh nặng. Biết bệnh rồi để làm gì, tiền đâu để chạy chữa cho hết. Nhưng hôm ấy chân mẹ cũng bị teo đi, mẹ đứng không vững, mẹ té, và vào viện một mình. Chiều ấy bác sĩ báo mẹ phải nhập viện theo dõi, mẹ im rồi cắn răng xuất viện về nhà.
Vài tháng sau không chịu nổi, ba đưa mẹ đi, hôm ấy chị hai cũng khóc, nhưng chị nói tôi và chị ba là ba mẹ lên rẫy muộn, bảo tụi tôi học bài rồi ngủ sớm. Tối đó ba chị em đều ôm nhau khóc, chẳng biết tại sao mình lại khóc, dù chẳng đứa nào biết rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà tụi tôi đang gặp. Trong cái ám ảnh ấy, tôi lại thấy ba thương mẹ thật nhiều.
Vài ngày sau tụi tôi lên thăm mẹ, ba gầy chỉ còn một nửa, ba đi mua 4 phần cơm, cho mẹ và ba đứa trẻ của ba, ba nói cơm bệnh viện ngon hơn những thứ này, nên tụi tôi phải ăn thật no rồi còn đón xe về. Ai cũng biết, cơm bệnh viện ba nói chỉ là gạo nấu miếng sống miếng chín và chan toàn là nước mắt, chúng tôi lại cùng khóc, nhường qua nhường lại những hộp cơm dở dang, rồi ai cũng no. Chúng tôi khi ấy là no hạnh phúc, no tinh thần, no đến mức căng phồng sung sướng.
Có lẽ phép màu đã xảy ra đối với trường hợp như gia đình tôi vậy. Nên trước 2 ngày mẹ phẫu thuật, bác sĩ nói mẹ bị chẩn đoán sai, mẹ chỉ cần chăm vật lý trị liệu thì một tháng là bình phục.
Mẹ tôi là người phụ nữ kiên cường mà, một tháng đó với mẹ, búng tay là xong. Rồi ba mẹ lại quay guồng vào công việc. Mẹ tôi cũng là người phụ nữ thông minh nhất tôi từng gặp nữa. Năm ấy mẹ nói ba phá bỏ hết rẫy, trồng tiêu. Rồi tiêu chẳng biết thế nào lại đội giá gấp 4 5 6 lần bình thường, thế là chúng tôi sửa được cả cái bếp tạo thác ấy. Mười năm sau, ba mẹ xây nhà. Hai chị tôi đi du học đã gần năm năm, chỉ còn những cuộc gặp gỡ qua màn hình điện thoại. Đến giờ, tôi chẳng thiếu thứ gì.
Mẹ chẳng còn hà khắc với tôi như trước nữa, mẹ chẳng bao giờ kiểm tra hay dò xét tôi. Mẹ biết, những lần mẹ đánh hay mắng tôi, tôi đều sẽ tự thay đổi sau đó, sẽ không bao giờ phạm lỗi tương tự một lần nào nữa.
Tôi hiểu rằng, chẳng ai muốn trở thành người xấu trong mắt đứa trẻ của mình, chỉ là họ phải gắng gượng quá nhiều với khắc nghiệt của cuộc đời, họ muốn phải bẻ lái con thuyền mang cả tương lai của con mình sang một hướng khác. Nơi mà điểm đích sẽ là sự ổn định, sẽ là những mái nhà vững chãi không còn mưa đổ thành sông, sẽ là những gia đình nhỏ không còn nước mắt của sự tủi nhục vất vả nữa.
Đấy là câu chuyện của gia đình tôi. Có nước mắt, có hạnh phúc, có gắn kết, có niềm tin, và có cả tình yêu.
Có lẽ bạn không có một tuổi thơ nhiều biến cố và thử thách như tôi, nhưng tôi biết ai rồi cũng có câu chuyện riêng để kể khi nhớ về quá khứ, về gia đình mình. Tới đây, hãy để cuộc đời bạn dừng lại trong 60 giây, để nghĩ về những hồi ức đầy tuyệt vời ấy, hãy tắt đi tab facebook còn đang dở dòng tin nhắn hay comment nào đó, cầm điện thoại và nhắn cho ba mẹ một tin, rằng bạn yêu họ và biết ơn họ thật nhiều.
© Hoài Thương – blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Giá có thể trốn phố về quê
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?