Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những ngày tuổi thơ cơ cực ấy sao ta cứ tiếc làm chi?

2019-07-02 02:15

Tác giả: Tử Đinh Hương


blogradio.vn - Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ nhọc nhằn, nhưng tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về nó như một phần đẹp nhất của cuộc đời mình.

***

Những ngày tuổi thơ ấy, có những buổi chiều tôi tha thẩn cạnh bờ rào, vạch tìm trái dủ dẻ vàng lịm, ăn vào mát rượi, không có trái thì hái mấy bông hoa màu nhạt ủ vào túi áo, mùi thơm vấn vít đến cả ngày hôm sau. Những đợt mưa bão, nước dâng cao, tôi theo chân anh cả ra đồng thả lưới bắt cá. Thực ra rất đơn giản, chỉ cần lựa chân ruộng cao hơn, thả lưới dọc theo bờ ruộng, nước rút thì cá mắc vào lưới, không thoát đâu được.  Trời sắp tối, hai anh em ướt từ đầu đến chân nhưng vô cùng vui vẻ đem giỏ cá về cho má, tắm rửa sạch sẽ xong là đã có cơm nóng hổi với nồi canh cá lẫn mấy món cá kho, chiên má làm, cứ gọi là vét sạch nồi.

Những hôm nước lớn không đi học được, tôi hay ngồi bó gối ngắm bong bóng nước trong sân xoe tròn rồi lại vỡ tan, thỉnh thoảng lại lon ton chạy ra xem ba đánh dấu mực nước lên. Mỗi lần mưa lũ, ba má hay thở dài vì mùa màng hư hại, lúa gặt về không phơi được, chỉ biết nằm chờ lên mầm. Tôi đâu biết lẫn trong niềm vui con trẻ vì không cần phải đi học của tôi là bao lo âu nghĩ ngợi của ba má…

Ảnh minh họa: Tung Beng

Tuổi thơ tôi là một tuổi thơ nhọc nhằn, nhưng tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về nó như một phần đẹp nhất của cuộc đời mình. Ba tôi là giáo viên nhưng đồng lương công chức ngày ấy không nuôi nổi gia đình tôi. Ba má làm thêm rất nhiều ruộng. Tôi cũng quen với mùi nắng dịu dàng buổi sớm, cũng có cả nắng gay gắt buổi trưa, quen mùi rạ, mùi bùn đất, quen mùi rơm phơi khô hăng hắc, quen cả mùi mồ hôi rơi như mưa giữa ngày hạ oi nồng của ba má. Lúc đầu tôi chỉ phụ trách đưa cơm, sau lâu dần, cũng tham gia vào công việc đồng áng, cũng biết cầm liềm gặt phụ với má, biết cầm cào cỏ cào giũ phần lá và thân lúa bị tuốt chung vào phần hạt, cũng biết hối hả chạy đôn chạy đáo để che kịp cho sân lúa trước khi cơn giông ập tới…

Vất vả suốt cả mùa gặt, đến lúc lúa đã sẵn sàng trong bao, ba má giữ lại một phần đủ ăn còn lại kéo xe bò đi bán. Tôi cũng hay lon ton chạy theo, có lúc ở phía sau đẩy phụ, có lúc ngồi vắt vẻo trên gọng xe bò cho ba kéo. Đến nơi, thể nào má cũng đặt tôi lên cân trước, xem con gái má bữa nay nặng được bao nhiêu. Xong  xuôi, má hay mua cho tôi một hộp sữa chua, ngày ấy ở thôn quê, sữa chua vốn là món hàng xa xỉ. Tôi bao giờ cũng nằng nặc đòi má ăn chung, còn má bao giờ cũng ăn một muỗng rồi chê “Chua quá, răng mà con ăn được hay rứa” (*)… Ấu thơ đơn thuần cứ nghĩ má ăn chua thiệt dở, ngon rứa(*) mà má chê chua, rồi vui vẻ ngồi ăn hết một mình, đâu biết má nói dối chỉ để niềm vui của tôi được trọn vẹn hơn…

Sau này khi gia đình tôi chuyển nhà, ba má không còn làm ruộng nữa. Mỗi khi thấy tôi tiếc nhớ thời gian xưa cũ, má hay bảo: “Hồi xưa cực muốn chết, con tiếc làm chi!”. Có lẽ là thế thật, nhưng một đứa con nít như tôi hồi ấy đâu chỉ thấy khổ cực. Những buổi chiều tà, mặt trời sắp khuất bóng, tôi theo chân má đi cắt rau khoai. Bãi trồng khoai hơi xa nhà nên má thường dẫn tôi băng đường ruộng, cỏ mọc ken dày dưới bàn chân mát rười rượi. Trong khi má cắt rau, tôi chạy nhảy khắp nơi bắt mấy con cào cào đem về cho con gà nhép ông ngoại mới cho, tiện thể ngắt thêm mấy bông hoa khoai lang tím nhạt có phần cánh trên loe ra như cái ống. Nếu là khi khoai đã có củ lớn mà ba má vẫn chưa dỡ, tôi bới thêm vài củ tối về lùi bếp trấu, đói bụng là có củ khoai lịm mật cứ ngọt theo hoài năm tháng…

Nhà mới to hơn, đẹp hơn, nhưng nhà mới không có hàng rào dủ dẻ để tôi hái, trước nhà mới chỉ là đường bê tông, không có con đường dẫn ra đồng xanh ngát cỏ với mấy cụm hoa dại bé xíu, xinh xinh nhiều màu. Nhà mới cũng không cho tôi những buổi thăm đồng với má, ngắt một bông lúa còn đọng sương, nhấm nháp vị sữa ngọt ngào thanh mát, lại tung tăng đi dọc những con mương bắt mấy con ốc bươu về “bồi dưỡng” cho bầy vịt sau nhà. Nhà mới dùng nước khoan, không còn cái giếng rêu bám mà mỗi lần nước lụt, tôi với anh cả lại rất hứng khởi cầm gàu múc chứ chẳng cần thả dây như mọi khi…

Ấu thơ nhọc nhằn, nhưng nuôi cho tôi một tâm hồn mát lành, không gì thay thế…

© Tử Đinh Hương – blogradio.vn

Chú thích:

(*): Tiếng địa phương miền Trung

Mời xem thêm chương trình:

Ước gì mình đừng lớn nữa

Tử Đinh Hương

Vì cuộc sống là một biểu đồ hình sin.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top