Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những đứa trẻ và Sài Gòn

2024-02-25 04:20

Tác giả: Bạch Mai


Con nhớ cái ngày con đến trường làm hồ sơ nhập học. Đó không phải lần đầu tiên con đặt chân đến Sài Gòn, nhưng lần này khác, đây không còn là chuyến đi ngắn hạn như những lần trước nữa. Nhiều cảm xúc đan xen trong con. Rạo rực, hiếu kì, sợ hãi,… Con nhận ra cuộc sống của con từ ngày hôm đó sẽ thay đổi một lần và mãi mãi.

Con tới kí túc xá nhận phòng cùng mẹ. Đặt chiếc va li màu đen xuống – cuộc sống cũ của con gói gọn trong đó, những vật dụng cá nhân con cảm thấy còn dùng được, những chiếc áo bạc màu con từng mặc đi rong rủi khắp quê nhà giờ đây cũng được con tận dụng làm những chiếc áo ngủ. Con cũng mang theo một vài cuốn sách con thích đọc hồi còn ở quê. Con tự hứa với lòng rằng, lần nghỉ dài hạn tiếp theo con sẽ về quê và mang nốt chỗ sách còn lại vào. Từ ngày hôm đó, căn phòng nhỏ trong kí túc xá là “nhà” của con, những người bạn cùng phòng giờ đây là “thành viên trong gia đình” tạm thời của con.

Lo cho con xong xuôi, mẹ đặt vội một chuyến xe về trong đêm. Tối hôm đó, khi tiễn mẹ về, con không khóc, nhưng lòng con trống trãi đến lạ kì. Con đi dạo một đoạn dưới khuôn viên kí túc xá trước khi về phòng. Kí túc xá về đêm thật đẹp, rộng hơn con nghĩ, những bạn và anh chị sinh viên khác đang tụ tập đàn hát cũng rất vui. Con tự hỏi mất bao lâu để con có thể hòa nhập và có cuộc sống tương tự vậy nhỉ? Con quay trở lại phòng, vẫn cái nỗi trống trãi đó. Con dọn dẹp sơ chỗ để ngủ, mền gối mẹ đã mua sẵn cho con từ chiều. Đêm đó con mất rất lâu để vào giấc, điều hiếm khi xảy ra với một đứa đặt lưng lên giường là ngủ ngay lập tức như con. Con cứ cựa nguậy, rồi nhìn ra khung cửa sổ cạnh giường. Cũng một bầu trời đó, nhưng giờ bên cạnh con là người xa lạ. Con đã trở thành sinh viên xa nhà rồi… Điều mà những ngày cấp ba con vừa mong chờ, vừa sợ hãi.

Những ngày sau này, Sài Gòn đã thay đổi con nhiều. Nhưng con vẫn cảm thấy mình là đứa trẻ tách biệt hoàn toàn so với cái thành phố ấy. Không phải con không thích Sài Gòn, chỉ là con cảm thấy vẫn chưa hòa được mình vào cái nhịp sống thật nhanh ở đấy. Con sợ nhất là những lần băng qua đường, đường Sài Gòn đông, ai cũng chen chúc nhau cho kịp giờ đến chỗ làm, đến trường. Nhịp sống ở đây cứ như thể không bao giờ dừng lại. Họ cứ chạy, họ cứ tiếp tục cuộc sống của họ. Mặc cho con có sợ hãi việc qua đường, mặc cho con đang cảm thấy bơ vơ, lạc lõng.

nha-tho-duc-ba-1024x768

Nhưng điều may mắn nhất mà Sài Gòn mang lại cho con là những người bạn. Những người cho con thấy cái nhịp sống bình ổn qua những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, những lần dạo chơi, những hàng quán dần trở thành quen thuộc hay thậm chí là những đêm tụi con cùng nhau đi học thâu đêm không về. Tụi con là những đứa trẻ xa nhà, nương tựa vào nhau, nhờ có nhau mới hòa nhập được phần nào đó với cái thành phố xa lạ này. Tụi con cũng giống nhau, cũng nước mắt ngắn dài khi không còn được sống chung với gia đình.

Tụi con cười nói, cùng nhau lên kế hoạch cho những ngày cuối tuần để đi khắp Sài Gòn. Cứ gần cuối tuần hay vài dịp lễ được trường cho nghỉ là liền rôm rả: “Ê cuối tuần đi quận nào?”, “Hay tụi mình đi picnic ở Hồ Bán Nguyệt quận 7 đi!”, “Đứa nào chở tao?”, “Ai ngồi sau xe thì bật Google Maps chỉ đường cho tao nha”… Con còn nhớ có đứa còn nói ngày tụi nó còn ở huyện, tìm cái trạm thú y cũng rất khó, phải đi rất xa thì may ra. Vậy mà giờ vô Sài Gòn không chỉ một cái trạm thú y nhỏ, mà còn có bệnh viện riêng dành cho thú cưng với bao nhiêu loại dịch vụ khác nhau. Đúng là Sài Gòn, to lớn và có đủ thứ cả!

Hơn ai hết, tụi con nhận ra quê hương là nơi tụi con thuộc về. Dù cho đó từng là nơi tụi con ấp ủ ý định rời đi để không phải chịu sự quản thúc, quán xuyến từ gia đình. Dù cho đó có là nơi chứa những con đường nhàm chán đã đi qua cả trăm, cả ngàn lần. Dù cho đó là nơi có sự hậm hực của ba mỗi khi tụi con đi chơi về muộn, có sự khó chịu của mẹ khi nói mãi con không chịu thay đổi kiểu cách ăn mặc luộm thuộm với đầu tóc bù xù. Quê hương là nơi chứa đựng bao nhiêu sự chán chường của tụi con, gói ghém bao nhiêu lần tụi con thấy tù túng đến độ muốn vung cánh bay đi. Đó còn là nơi lưu lại những giọt mồ hôi, nước mắt của những ngày ôn thi với mong muốn đỗ vào một trường Đại học tốt. Vào những ngày đó, tụi con không hề hay biết cái nơi tụi con muốn rời đi nhất lại chính là nơi tụi còn thèm cảm giác quay về tìm khoảng lặng.

Tụi con trở về quê hương rất ít, tụi con không có đủ thời gian để về không có nghĩa một ngày nào đó tụi con sẽ trở thành những vị khách trong chính quê nhà của mình. Tụi con đúng thật là những đứa trẻ xa nhà và cố để hòa nhập với nhịp sống ở đây. Tụi con vẫn đang phấn đấu, để lĩnh hội những gì mà ba mẹ tụi con chưa từng được chạm tới. Thật may mắn, ba mẹ đã không thúc giục con sống tiếp cho cuộc đời dang dở của ba mẹ. Ba mẹ đã dành cho tụi con những gì đủ đầy, hoàn hảo nhất để có cơ hội được viết tiếp tương lai.

Tụi con là những đứa trẻ, dù bây giờ có hai mươi, sau này là ba mươi hay hơn thế nữa…Tụi con vẫn là những đứa trẻ. Và những đứa trẻ này chỉ có duy nhất một chiếc dây rốn chôn sâu ở quê nhà mình.

 Sài Gòn là nơi tụi con chọn để viết tiếp cuộc sống. Sài Gòn là nơi tụi con chọn để trưởng thành.

 Còn quê nhà là nơi chờ tụi con trở về, thu mình lại thành một đứa trẻ.

© Bạch Mai - blogradio.vn

 

Mời xem thêm chương trình:

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

Hồi ức mùa lúa chín

Hồi ức mùa lúa chín

Con đường xưa, cánh đồng xưa vẫn còn đó, nhưng cô gái của anh đã không còn nữa. Nỗi buồn không thể nói thành lời, chỉ còn lại trong tim anh, như một bản tình ca không trọn vẹn.

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

back to top