Những chuyến tàu xa
2021-02-04 01:24
Tác giả: Óng Ánh
blogradio.vn - Tàu không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển mà nó giống như một kí túc xá di động thú vị. Người ăn, người ngủ, người đọc sách, uống cà phê, người nghe nhạc. Tàu cũng là một xã hội thu nhỏ, nơi phản chiếu nhiều mảnh đời, số phận.
***
Lần đầu tiên đi tàu là năm tôi mười ba tuổi. Đó chuyến tàu ghế ngồi cứng từ Nam Định đi Nha Trang mà tôi nhớ mãi bởi lúc xuống tàu bàn chân sưng vù lên do máu dồn xuống. Tôi và bố mẹ ngồi một dãy ghế đối diện với một anh và một chị đều đi một mình. Chị gái ngồi đối diện khá duyên, người Huế, giọng nhỏ nhẹ. Anh trai bên cạnh cũng bảnh tương xứng với độ đoan trang của chị, mặc áo sơ mi trắng, quần âu sơ vin lịch sự. Mặc dù trông có chút phong trần, mái đầu đã điểm vài sợi bạc, nhưng tôi đoán anh lúc đó chắc chỉ tầm ba mươi thôi.
Suốt cả chặng đường dài anh nói chuyện với chúng tôi, khá thân thiện và đĩnh đạc. Còn chị chỉ im lặng ngắm cảnh qua cửa sổ. Rồi tôi thấy anh lân la bắt chuyện với chị, chị ban đầu bẽn lẽn nhưng sau đó cứ tủm tỉm suốt. Tối hôm đó, những người ngồi ghế cứng như gia đình tôi bắt đầu tìm chỗ trống để ngả lưng. Tất cả chúng tôi đều không có một nơi thoải mái để ngủ. Người ta tìm bất kì chỗ trống nào để trải chiếu nằm, người nằm giữa lối đi, kẻ rúc cả đầu vào gầm ghế. Tôi gật gà gật gù trên vai bố rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.Trong cơn ngủ chập chờn, tôi thấy thấp thoáng bóng chị, xoã mái tóc dài ngồi lặng im nhìn ra màn đêm mịt mùng điểm xuyến vài ánh đèn yếu ớt. Và anh ngồi cạnh trầm ngâm hướng về cùng phía.
Tiếng còi tàu vô tình làm tôi tỉnh giấc giữa đêm, mọi người đều vạ vật trong khoang tàu với những tư thế ngủ chẳng hề thoải mái. Vô tình hướng mắt về phía đối diện, tôi thấy chị dựa vào anh ngủ, anh quàng cả hai cánh tay ôm lấy chị, thắm thiết như thể ôm người yêu sau bao ngày xa cách. Tôi có phần ngỡ ngàng, xen lẫn coi thường hai anh chị vì quá dễ dãi. Tôi thất vọng về chị vì tôi nghĩ một cô gái đoan trang, nhã nhặn như chị sẽ không dễ dàng dựa vào một người đàn ông lạ chỉ mới gặp. Không biết anh chị sau đó còn liên lạc với nhau và yêu nhau không nhưng những hình ảnh đó khiến tôi của năm mười ba tuổi, trên chuyến tàu đầu tiên cuả cuộc đời bâng khuâng với suy nghĩ: “Hoá ra người ta yêu nhau chóng vánh như chuyến tàu đêm”. Nhưng tôi của hiện tại lại nhận ra chưa chắc đó là tình yêu, mà thời gian cũng không phải là công cụ để kiểm chứng một mối tình. Khi người ta yếu đuối, cần chỗ dựa, và đột nhiên xuất hiện một người sẵn sàng để tựa, thì có lẽ họ cứ vô thức nghiêng mình trong khoảnh khắc ấy. Dù quãng đường đi cùng nhau ngắn hay dài thì trong giây phút ấy, họ thấy họ cần nhau.
Chuyến tàu thứ hai của tôi cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên sang nước bạn. Đó là mùa hè sục sôi với sự kiện Trung Quốc mang tàu HD 981 sang vùng biển của nước ta để khai thác dầu. Không khí cả nước vô cùng căng thẳng thì tôi lại một mình sang bên đó làm tình nguyện. Lần đầu tiên ra nước ngoài một mình trước tình hình chính trị căng thẳng khiến tôi có cảm giác mình đang đi vào vùng lõi chiến tranh. Rồi tôi gặp So So ở ga Gia Lâm khi cô bạn đang ngồi phì phèo điếu thuốc. So So mang vẻ đẹp đặc trưng của một cô gái Trung Hoa, da trắng, tóc dài đen mượt, mặc áo phông và váy bò trông khá năng động.
Cô bạn học ngành tiếng Anh thương mại và trốn sang Việt Nam chơi một mình. Đến khi bố mẹ biết được, cuống lên vì lo lắng thì nàng vẫn tung tẩy khắp nơi. Rồi ngày cuối cùng ở Hà Nội, So So bị mất ví tiền, điện thoại. May thay, vé tàu về nước để trong va li. Giờ thì cô nàng không một xu dính túi trong khi cần phải mua vé chặng tiếp theo từ Nam Ninh về Hà Nam. Tôi bỗng thấy mình liều một thì So So liều mười. Vì ít nhất tôi còn được cho biết tình hình bên Trung Quốc không quá căng thẳng. Còn lúc đó ở Việt Nam, bạn bè Trung Quốc của tôi đều nhanh nhanh chóng chóng về nước vì sợ bị liên lụy. Chúng tôi ngay lập tức “bắt sóng” với nhau vì máu phiêu lưu và hợp gu âm nhạc. Nỗi lo lắng trong tôi liền mất hút vì ít nhất tôi đã có So So đồng hành.
Khoang giường nằm trên tàu khá sạch và đẹp. Trong khoang có tôi, So So và một chú người Trung Quốc tên Trương Phi. Chú Trương Phi là một thương nhân thường xuyên sang Việt Nam tìm mối kinh doanh, không hề dữ dằn như Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa mà khá cởi mở và điềm tĩnh. So So kể cho chú nghe về chuyện mình mất tiền và điện thoại, rồi lúc ra ngoài cô nàng cũng đem chuyện của mình đi kể khắp toa. Ai ai cũng chăm chú nghe chuyện và tỏ ra thông cảm cho hoàn cảnh của cô bé. Chuyến tàu đêm nồng nặc mùi thời sự, hành khách chủ yếu là người Trung Quốc, họ xôn xao bàn về những tình hình ở Việt Nam. Nhưng chung quy lại họ chẳng hiểu tại sao lại thế, cũng không chửi mắng gì người Việt, cứ như thể là chuyện tầm phào không liên quan đến cuộc sống của họ. Điều khiến tôi vô cùng cảm động là chú Trương Phi trước khi rời tàu mang hết túi quà mua từ Việt Nam về chia cho tôi và So So. Chú còn chẳng tiếc dúi vào tay So So 500 tệ (tầm 1,8 triệu lúc đó) để mua vé tàu về nhà khiến cô bé cảm động cảm ơn rối rít. Chuyến tàu thứ hai, tôi của tuổi hai mươi biết được người Trung Quốc không hề xấu mà khá tình cảm và có tấm lòng lương thiện.
Chuyến tàu thứ ba nối tiếp hành trình xuất ngoại đầu tiên của tôi sang đất bạn. Vì tiết kiệm tiền, tôi không dám mua vé giường nằm mà ngồi ghế cứng thâu đêm từ Nam Ninh đến Trường Sa (Hồ Nam). Chuyến tàu này khác hẳn chuyến tàu trước, bẩn hơn, hỗn loạn hơn. Khoang tàu có phần giống như một trại tị nạn, hành khách toát lên vẻ khắc khổ, lấm lem của tầng lớp lao động. Hành lí của họ là những chiếc túi rách sờn và hầu như ai cũng có một xô nhựa để đựng chăn chiếu hoặc đồ ăn. Khoang tàu chật kín người và nghi ngút khói từ những bình trà nóng và những hộp mì ăn liền. Tiếng hụp nước xì xụp, tiếng cắn hạt hướng dương tanh tách và thỉnh thoảng vang lên tiếng bàn luận sồn sồn mà mọi người vẫn thường thấy khi đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam tham quan. Giọng địa phương vừa nhanh vừa nặng khiến một từ duy nhất có thể lọt vào tai tôi là “duê nán” (Việt Nam). Người ta đang nói gì về Việt Nam và tại sao lại nói nhiều đến vậy? Tôi im lặng trong hoang mang. Cả một chặng đường dài tôi không nói chuyện với bất cứ ai. Tôi sợ bị lộ ra là người Việt Nam, bị bắt cóc, sợ vô vàn thứ như đã bị doạ trước khi đi.
Đến khi em bé ngồi cạnh ríu rít gọi “tỷ tỷ”, tôi bắt đầu bập bẹ với vốn tiếng Trung ít ỏi của mình, thì mẹ bé mới ngạc nhiên hỏi tôi có phải người dân tộc thiểu số. Chẳng hiểu sao lúc đó mọi sợ hãi tan biến hết, tôi vui vẻ giới thiệu mình là người Việt Nam trước sự ồ lên đầy ngạc nhiên của những người ngồi cạnh. Tình thế xoay chuyển, tôi từ vô hình trở thành minh tinh. Người mẹ trẻ ngồi cạnh khoe khắp xung quanh tôi là người nước ngoài. Sự tò mò đến hồn nhiên của những hành khách trên chuyến tàu về Việt Nam bỗng khiến tôi thấy ấm lòng. Hoá ra không hề có mâu thuẫn gì hết. Việt Nam trong mắt những người lao động vất vả này vốn chỉ là một đất nước hàng xóm ngỡ gần mà xa, ngỡ quen mà lạ.
Những đồng tiền Việt nhiều số không mà tôi đem ra khoe cũng đủ để trở thành một chủ đề hấp dẫn. Hai cha con ngồi đối diện háo hức hỏi tôi về Việt Nam, về đồ ăn, cảnh đẹp. Cậu con trai chắc tầm 15, 16 tuổi hào hứng với những bức ảnh tôi khoe về Việt Nam, rồi kiên trì daỵ tôi đọc chữ tiếng Trung trên những chai nước và vỏ bánh kẹo. Chuyện nối tiếp chuyện khiến chuyến tàu đêm bớt dài lê thê và uể oải. Rồi đêm xuống, người ta cũng gục đầu vào bất cứ chỗ nào để ngủ. Úp mặt xuống bàn và ngủ thiếp đi vì mệt, khi tỉnh dậy, tôi thấy con tàu vẫn chuyển động, tiếng còi chạy tít về miền xa. Hai cha con ngồi đối diện đã xuống tàu lúc nào không hay. Thay vào đó, là một người mẹ trẻ đang bồng đứa bé chỉ vài tháng tuổi, ông chồng hớt hải chạy về từ chỗ lấy nước, tay cầm bình sữa còn mịt mù hơi nóng. Phía dãy bên kia, một người phụ nữ xanh xao gầy guộc nằm mê man, người chồng già đứng vịn vào thành ghế, cô con gái ngồi bệt xuống nền để nhường phần ghế trống của cho mẹ nằm. Hỏi ra mới biết hai bố con đang đưa mẹ lên bệnh viện tuyến cao hơn để chữa bệnh. Vì không có tiền nên họ chỉ dám mua vé ngồi, nhưng người mẹ quá yếu nên hai cha con đành nhường toàn bộ ghế cho bà nằm. Chúng tôi ai nấy đều thấy xót thương, bảo hai cha con ngồi tạm chỗ của mình rồi luân phiên nhau đứng dậy. Nhưng họ nhất định từ chối. Trên chuyến tàu thứ ba của cuộc đời, tôi thấy nhiều cảnh đời, nhiều số phận và thấy mình may mắn.
Từ nhỏ tôi đã mơ ước được đi những chuyến tàu xuyên từ nước này sang nước khác, từ châu này sang châu khác như những phóng viên trong phim tài liệu “Ký sự hoả xa”. Ước mơ ấy vẫn còn mạnh mẽ cho đến tận bây giờ. Sau ba chuyến tàu đêm đầu tiên đó, tôi cũng có rất nhiều chuyến tàu mới. Có những chặng dài đến ba ngày, cảm giác thật phấn khích vì đang di chuyển vể một miền xa xôi và kì thú.
Tàu không chỉ đơn thuần là phương tiện vận chuyển mà nó giống như một kí túc xá di động thú vị. Người ăn, người ngủ, người đọc sách, uống cà phê, người nghe nhạc. Tàu cũng là một xã hội thu nhỏ, nơi phản chiếu nhiều mảnh đời, số phận. Tàu cũng khác với máy bay vì qua khung cửa sổ ta không chỉ nhìn thấy những tầng mây mà còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc đa dạng khác. Những buổi sáng dậy sớm nhâm nhi cà phê, nghe nhạc phát ra từ loa hay những đêm nằm đắp chăn, khùa tay hứng ánh trăng len lỏi qua rèm cửa sổ trong tiếng xình xịch của sự chuyển động không ngừng là những trải nghiệm mà có lẽ chỉ có tàu mới mang lại được.
Việc chọn đi tàu hay đi máy bay cũng giống như chúng ta lựa chọn cách sống, đều có những trải nghiệm và đánh đổi riêng. Ta chọn sống nhanh thì ta đến đích nhanh hơn. Nhưng ta chọn sống chậm thì ta có nhiều thời gian để trải nghiệm và cảm nhận hơn. Không có gì là xấu, tốt, mấu chốt chỉ là ta sống sao để thoả mãn chính bản thân mình, để không thấy hối tiếc về sự lựa chọn đó. Nhưng dù có thích đi máy bay, thì cũng nên lựa chọn đi tàu một lần, đặc biệt là một chuyến tàu xa để cảm nhận vẻ đẹp của những chuyển động chậm. Để thấy cuộc sống đôi khi thật bình dị và bản thân ta thật may mắn. Hẹn gặp lại những chuyến tàu xa.
© Óng Ánh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Chuyến phiêu lưu trên con đường mang tên trưởng thành | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu