***
Tháng Giêng là tháng ăn chơi, là mùa mà người ta nô nức kéo nhau đi lễ hội, vãn cảnh đền chùa. Đây cũng là dịp để mọi người cầu nguyện lấy may, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhưng bên cạnh đó cũng có những hình ảnh khiến chúng ta buộc phải suy ngẫm.
Gần đây, trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Quang Ngọc đã chia sẻ quan điểm của mình về việc phóng sinh đầu năm, kèm theo hình ảnh những con chim bị kiệt sức chết ngay trong khuôn viên sân chùa. Được biết những chú chim này là chim được người ta mua để phóng sinh, nhưng người bán đã dùng những chiêu trò như tiêm thuốc, cắt cánh khiến chim không thể bay xa được. Ngay sau khi chim được phóng sinh đi sẽ bị lái buôn bắt lại và bán cho người khác, cho đến khi chim kiệt sức và gục xuống chết.
Những hình ảnh chim chết ngay trong khuôn viên chùa do anh Nguyễn Quang Ngọc ghi lại.
Cụ thể, trên Facebook cá nhân, anh Nguyễn Quang Ngọc viết: “Chim phóng sinh của các vị đây. Các vị nghĩ thành phố của các vị tươi đẹp hiền hòa nên chim chóc gần gũi con người ư? Không phải! Người ta bắt chim từ nơi khác mang ra cửa chùa bán, các vị mua chim thả ra gọi là phóng sinh. Các vị thỏa mãn tâm hồn các vị, chim đã được cho uống thuốc để không bay xa được, người ta đợi các vị đi lại bắt bán tiếp.
Con tôi hỏi: “Bố ơi sao mấy con chim lại ở trong bồn nước?” Tôi chỉ kịp nói: “Con đừng nhìn, nó trượt chân ngã xuống nước thôi. Con tôi theo mấy con chim và hỏi: “Sao nó không bay bố ơi? Con nào biết họ đã cắt lông cánh, lông đuôi khiến bọn nó không thể bay xa.
Ở đâu đó tôi thấy họ gánh những bó lúa trĩu hạt trong thành phố, bạn tôi bảo: “Ở đây, phóng sinh người ta không mua chim để thả mà họ mua bó lúa này cho chim tự nhiên tới ăn. Tôi gọi về cho mẹ, mẹ bảo: “Nay mẹ đi phóng sinh theo chùa”. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ phóng sinh thế nào?”, bà kể mua cá, mua rùa, mua chim để thả. Sau khi nghe tôi nói một hồi bà bảo: “Ừ, mày nói đúng, mai tao không đi nữa không bao giờ làm thế nữa!
”
Anh Nguyễn Quang Ngọc hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.
Trên mạng xã hội, bài viết của anh Quang Ngọc đã nhận được rất nhiều lượt bình luận và chia sẻ. Trong đó có cả những ý kiến đồng tình và trái chiều với quan điểm của anh trong bài viết. Tuy nhiên khi nhìn những hình ảnh này, có lẽ chúng ta đều không khỏi xót xa. Phóng sinh cho động vật lẽ ra là một hành động rất nhân văn, nhưng việc bắt chim ở nơi khác về, lợi dụng việc phóng sinh để trục lợi thì lại đi ngược lại với quy luật tự nhiên.
Liên hệ với anh Nguyễn Quang Ngọc, chúng tôi phận được ý kiến phản hồi từ anh:
“Theo quan điểm cá nhân của mình thì phóng sinh là cái duyên của mình với sinh linh yếu ớt mà mình gặp và thả nó. Khi mình thả nó về với tự nhiên mình cũng phải kiếm cho nó môi trường an toàn và phù hợp, rồi quan tâm xem sức khỏe của nó có tồn tại được không. Mình không chấp nhận được chuyện nảy sinh nhu cầu phóng sinh để tìm cảm giác về sự từ bi hỉ xả hay bất kỳ mục đích nào khác. Phóng sinh là nét đẹp văn hoá, thể hiện nhân văn nhưng hãy để là Duyên chứ đừng đưa thành nhu cầu.
Theo tôi, chúng ta nên bỏ việc phóng sinh. Tôi lấy ví dụ, để mua một số con cá nhỏ với mục đích phóng sinh. Người bán sẽ đánh bắt cá ở một địa điểm A, vận chuyển mang ra chợ bán, người mua sẽ mua mang ra thả tại địa điểm B. Vậy thì sẽ có một số lượng bị chết trong quá trình đánh bắt và vận chuyển rồi bán, mua xong sẽ được vận chuyển tới địa điểm B để thả sẽ lại có một số lượng khác bị chết trong quá trình này, khi được thả xuống môi trường B sẽ lại có một số lượng nữa bị chết do không hợp môi trường mới và do bị yếu đi trong quá trình vận chuyển. Ngoài việc làm chết một số lượng nào đó còn làm biến đổi chủng loại sinh vật tại nơi được phóng sinh.
Việc phóng sinh tốt nhất chúng ta nên làm đơn giản nhất là cho chim tự nhiên ăn, cho cá tự nhiên ăn, giữ gìn môi trường tự nhiên để các sinh vật sinh sống và phát triển về số lượng. Không vứt rác bừa bãi, phân loại rác sinh hoạt để tái chế rác có thể tái chế và rác phân huỷ được sẽ được phân huỷ tốt hơn. Nếu chúng ta làm được thế sẽ không phải nhìn thấy những con Rùa bị biến dạng vì lỡ chui vào cái vòng nilon. Nên quay về ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của sự phóng sinh là gặp do duyên và cứu vớt do lòng từ bi.”
Đồng tình với quan điểm của anh Quang Ngọc, ngay dưới bài đăng của anh, một người dùng Facebook tên N.T.N cũng thể hiện góc nhìn của mình: “Phóng sinh trong Phật học là một trong pháp môn tu của người con Phật. Tu niệm Phật, tu ăn chay, tu giúp người. Khi phóng sinh, đồng nghĩa với tha đi sinh mạng, thể hiện lòng từ bi thương xót các chúng sinh bị bắt bớ, giam cầm hay sắp bị người ăn thịt, từ đó có được phước báo về sức khỏe. Nhưng với loài chim đang bay trên trời, quý Thầy Phật giáo khuyên mọi người phải phóng sinh cho đúng cách là tình cờ gặp chim bị bắt thì phóng sinh bằng cách mua chuộc.
Bây giờ một số người dựa vào chuyện này để kinh doanh, mà còn kinh doanh ác, làm cho chim bay được để bán cho nhiều người. Do đó, phóng sinh không đúng không mang thêm phước mà còn thêm tội.”
Nhiều người đến nơi cửa đền, cửa chùa để khấn vái, cầu nguyện phước lộc, danh lợi cho bản thân nhưng lại không hiểu gì về triết lý của nhà Phật, từ đó không những không có thêm phúc mà còn tạo nghiệp. Không chỉ là hình ảnh những con chim chết rũ ngay trong khuôn viên chùa, đến chùa chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh xấu xí khác như tượng Phật bị xoa đến mòn nhẵn, tiền lẻ nhét vương vãi khắp nơi. Đây không phải là điều mà Phật khuyến khích chúng sinh làm.
Thiết nghĩ, muốn gieo yêu thương, chúng ta phải thấu hiểu, muốn làm việc thiện cũng phải đúng lúc, đúng chỗ và hiểu công việc mình đang làm sẽ mang lại kết quả như thế nào. Nhìn hình ảnh những con chim tội nghiệp này, liệu chúng ta có còn nên mua chim, mua thú để phóng sinh nữa không?
Hằng Nga (tổng hợp)
Ảnh: Nguyễn Quang Ngọc