Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ngày ấy và những người ấy

2021-07-04 01:25

Tác giả:


blogradio.vn - Mỗi người trong mọi người có riêng cho mình bao nhiêu người ấy, hay người ấy của mỗi người chỉ là người yêu, là chồng là vợ là ông xã bà xã thân thương. Còn tôi, thời sinh viên thật đẹp, ngày ấy của tôi, tôi có đến ba người ấy bên cạnh

***

Tôi là một trong vô vàn những người may mắn được sống, được trải qua thời sinh viên thật đẹp. Sinh viên là cái tuổi đã trưởng thành, đã tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình, là cái tuổi bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên giấc mơ của mình, chưa đứng vững được trên đôi chân nhưng đã không còn phụ thuộc ba mẹ trong những quyết định cho công việc học tập và giao lưu với cuộc sống rộng lớn bên ngoài

Nếu kết thúc xong bốn năm đại học, tôi sẽ là một cô giáo

Thành phố Huế mộng mơ có con sông Hương nổi tiếng đã đón chúng tôi tại ga Huế. Tôi nói chúng tôi là vì ngày ấy tôi có ba người bạn, cùng gặp nhau tại sân trường khi đi xem kết quả thi và thật ngẫu nhiên khi biết chúng tôi sẽ cùng học chung một lớp, vì thời điểm đó lớp học về tiếng Pháp là cực kỳ hiếm. Thật ra, chúng tôi đã có ba năm học tại quê nhà, hai năm còn lại mới phải ra Huế để học.

Chúng tôi nhanh chóng hẹn nhau mua vé tàu để ra trường nhập học. Tôi còn nhớ suốt đoạn đường trên tàu, cả bốn chúng tôi đã nói chuyện cùng nhau rất nhiều, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, rồi những tháng ngày tiếp theo sau đó, chúng tôi được ở bên nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng sinh hoạt vui chơi và gần như đi đâu cũng có nhau

Trong bốn đứa, chị Thúy là lớn tuổi nhất, tôi và Kim bằng tuổi nhau, còn Mỹ là nhỏ tuổi nhất, là út của phòng như chúng tôi hay nói vui, nhưng út cũng là người học giỏi nhất trong bốn đứa và giỏi nhất nhì trong lớp chúng tôi.

Chúng tôi thuê được một phòng trọ ở gần trường, thật là quá may mắn vì chúng tôi không mang theo xe đạp, một phần vì thời đó việc đi lại và vận chuyển đồ đạc khó khăn lắm, không dễ dàng thuận tiện như bây giờ, nên suốt đoạn đường từ chỗ trọ đến trường chúng tôi toàn đi bộ, khoảng hai trăm mét, tôi đoán vậy. Chúng tôi đặt cơm tháng ở một quán cơm cũng ngay trên con đường ấy, cứ trưa đi học về là chúng tôi ghé vào ăn trưa xong mới về phòng. Đó là quán cơm gần như chỉ dành cho bọn sinh viên như chúng tôi, đến giờ ăn trưa và ăn tối là quán chật kín, toàn là sinh viên.

Chúng tôi có một may mắn khác nữa về tài chính.

Những năm đó trường luôn xét cấp học bổng hàng tháng cho sinh viên, cứ tính theo xếp loại về học tập mỗi học kỳ của từng sinh viên. Có ba mức học bổng khác nhau, là giỏi, khá và trung bình. Hàng tháng, đúng ngày quy định thì sinh viên lên phòng Hành chính của trường để nhận tiền. Tất cả bốn chúng tôi đều nhận giống nhau ở mức khá. Tôi nhớ là sáu mươi lăm ngàn, chúng tôi đóng tiền ăn mỗi tháng là ba mươi ngàn, còn lại là tiền nhà và tất cả các khoản chi tiêu khác, ba mẹ chúng tôi vẫn gửi thêm nhưng chúng tôi tiết kiệm lắm, tuy gia cảnh của bốn đứa đều không khó khăn nhưng chúng tôi chỉ mua những gì thật cần thiết cho sinh hoạt mỗi ngày, không phung phí vào những việc không cấp thiết lắm.

Chúng tôi ngỡ ngàng bước vào trường, ngôi trường đại học sư phạm Huế rộng bao la hơn chúng tôi tưởng nhiều, chiều dài của trường là dài ơi là dài, tôi không ước lượng được là bao nhiêu mét nữa, chỉ biết trường nằm đối diện với sông Hương nên chúng tôi rất thích, cứ sau mỗi buổi học là được ngắm thỏa thích con sông đẹp nổi tiếng khi trên đường tản bộ về phòng, rồi thi thoảng những lúc dễ thở hơn một tí sau những kỳ thi, chúng tôi rủ nhau ra ngồi trên bờ sông hóng gió và nhìn ngắm mây trời sông nước.

Chúng tôi được học chung với các bạn ngoài đó, là dân xứ Huế chính gốc. Các bạn vô cùng dễ mến và tất cả chúng tôi nhanh chóng thành bạn, rất hòa đồng thân thiện cùng nhau trong học tập cũng như những sinh hoạt khác. Những tiết học giúp chúng tôi hiểu về nhau nhiều hơn với những truyền đạt kiến thức tuyệt vời từ các thầy cô, mà tôi nhớ những năm đó các thầy cô trong khoa cứ thay nhau đi Pháp như người ta đi chợ mỗi ngày, tháng này thầy Quang thì tháng sau là cô Tuyết, rồi thầy Huệ, cô Chi, cứ thay phiên nhau đi hoài, nên nhiều khi tôi nói vui là các thầy cô cứ vào lớp là bắn tiếng Pháp như gió làm cả lớp phải vất vả lao theo cho kịp.

Nhưng không hiểu sao khi ngồi viết bài viết này, điều làm tôi nhớ nhất không phải là lớp học, không phải là thầy cô, không phải là những giờ tự học ở Trung tâm tiếng Pháp chỉ dành riêng cho sinh viên lớp Pháp, được một tổ chức bên Pháp tài trợ toàn bộ, mà lại là những gì thuộc về những sinh hoạt ngoại khóa của cả lớp.

Tôi nhớ những lần đi chơi được tổ chức gọn trong ngày, cứ sáng đi chiều về, các bạn ngoài đó ai cũng có xe đạp, vậy là mỗi bạn lại chở một bạn của lớp tôi trong này ra, lúc thì đi chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, rồi các chùa các lăng tẩm khác, còn được ở lại ăn cơm ở chùa vì được các sư ở đó mời cơm. Rồi các bạn ngoài đó còn chở tất cả chúng tôi đi ăn những món ăn nổi tiếng của xứ Huế như bún bò, cơm hến, nhưng tôi chỉ nhớ nhất và khoái nhất là món bánh bèo và món chè hẻm. Tôi còn nhớ mỗi lần đến ăn là quán đều đông kín, có đến năm sáu người gì đó phục vụ mà vẫn không kịp, những chén bánh bèo thật nhỏ thật nóng được xếp đầy trong một cái khay, mà nếu muốn thưởng thức cho đã cơn ghiền thì mỗi người phải ăn đến ba khay. Bây giờ tôi vẫn ăn món bánh đó, vẫn giống hệt vậy, ở ngay quê hương tôi, nhưng sao không giống hương vị của bánh bèo năm đó, chắc là do tôi đã không còn cái cảm giác được ngồi xúm quanh bên nhau như năm nào.

Thật nhớ các bạn ngoài đó.

Còn món chè hẻm thì tôi hay đi ăn với ba người bạn thân của tôi hơn, chè ở đây rất lạ, chè được gói thật gọn thật ít trong cái túi nilon bé tí và được ướp lạnh. Có đủ các loại chè không thiếu loại nào hết, có cả sinh tố các loại nữa, và cái quán thì giống hệt như quán bánh bèo, lúc nào cũng đông kín, mà chỉ cần nhìn lướt qua cũng biết đó toàn là sinh viên.

Hồi ấy, bốn chúng tôi chơi thân với một nhóm các anh bên trường đại học Y. Tôi không nhớ bắt đầu từ đâu mà quen rồi thành thân nhau như vậy, nhưng những lúc rảnh rỗi các anh hay đến phòng chúng tôi, có lúc cả nhóm ngồi chơi tại phòng, có lúc rủ nhau ra ngoài, thường là bốn anh chở bốn chúng tôi, những chiếc xe đạp cứ thong dong trên khắp các con đường của thành phố. Chúng tôi là anh em thật sự, không có bất cứ chuyện tình cảm nào khác, chỉ có út của phòng hay cười và nói đùa thật nhỏ với tôi

“Mấy anh ấy hơi bị xấu, chắc mấy anh lo học nên chưa có người yêu”

Tôi biết, Mỹ đang nhận xét về ngoại hình, tôi chỉ cười chứ không nói gì.

Huế đẹp một cách trầm lặng, mộc mạc và da diết. Đó cũng là xứ của đạo Phật, gần như bảy mươi phần trăm người dân của Huế theo đạo Phật. Vào những ngày rằm lớn như rằm tháng tư là lễ Phật đản, hay rằm tháng bảy là lễ Vu lan, mùa báo hiếu ba mẹ, gần như mọi ngôi nhà đều cúng, mọi người về chùa lễ Phật kín khắp các con đường làm các chú công an phải vất vả nhiều phen.

Huế, các thầy cô và các bạn, những phố phường, những con đường, những hàng quán, những phong cảnh, những ngôi chùa, những món ăn, những tiết học, những sách vở, sông Hương và cả căn phòng trọ, tất cả có biết tôi đang ngồi đây nhớ về và viết về không.

Ngày ấy, đã cách xa mấy chục năm, có quá nhiều chuyện để nhớ, để viết, mà tôi thì không đủ sức để viết hết.

Ngày ấy của bốn chúng tôi, khi chúng tôi bên nhau. Cả bầu trời kỷ niệm bên ba người ấy của tôi.

Tôi muốn dừng lại để hỏi nhỏ mọi người một câu, mỗi người trong mọi người có riêng cho mình bao nhiêu người ấy, hay người ấy của mỗi người chỉ là người yêu, là chồng là vợ là ông xã bà xã thân thương.

Còn tôi, thời sinh viên thật đẹp, ngày ấy của tôi, tôi có đến ba người ấy bên cạnh.

Người ấy thứ nhất

Là Mỹ, nhỏ tuổi nhất trong bốn đứa, nhưng học giỏi nhất, cũng là người ấy thân nhất với tôi suốt quãng đời sinh viên. Nghe tên thôi thì ai cũng nghĩ bạn tôi đẹp, nhưng tôi lại thấy từ đẹp không phù hợp với Mỹ, với mái tóc dài ngang lưng óng mượt, các đường nét trên gương mặt hài hòa và cân đối, cùng dáng người gầy gầy thanh thanh

Bạn ấy xinh, tôi thấy vậy

Nhà tôi và nhà Mỹ khá gần nhau nên khi ở nhà là chúng tôi hay chạy đến nhà chơi cùng nhau, gia đình Mỹ và gia đình tôi đều biết cả hai đứa tôi thân nhau, đi học đi chơi đi mua sắm đủ các kiểu lúc nào cũng sánh đôi cùng nhau. Tôi còn nhớ tôi và Mỹ có hai đôi giày giống hệt nhau nên mỗi lần mang vào là cả hai đứa cùng thích thú.

Mỹ học giỏi nhất nhì trong lớp, ở Mỹ luôn có nét cứng cỏi và quyết tâm, không chỉ trong việc học mà còn trong các sinh hoạt đời thường. Mỹ đã quyết việc gì là phải làm cho bằng được mới thôi, bất chấp khó khăn, không ngại gian nan. Nhiều lúc tôi cứ muốn học hỏi Mỹ điều đó, rằng không được sợ thất bại, đã lên kế hoạch là phải làm, không được bàn lui.

Người ấy thứ nhất của tôi luôn được thầy cô quý mến, bạn bè nể phục không chỉ ở sức học mà còn ở tính cách, Mỹ hòa đồng, vui vẻ và thân thiện với mọi người. Tôi nhớ nhất cái lần các bạn đến nhà Mỹ cùng tổ chức nấu ăn, vì nhà Mỹ rộng lắm, tha hồ cho chúng tôi tung tăng, lần đó chúng tôi đúc bánh xèo, tôi nhớ mãi một bạn đã nói câu này

Cái món này là phải dành nhau ăn ngay trên bếp than nóng mới ngon

Ba má Mỹ cũng vui lắm khi chúng tôi đến chơi, ba Mỹ có vẻ nghiêm khắc nhưng má Mỹ thì hiền khô, nhiều lúc tôi đến chơi nhưng không có Mỹ ở nhà, tôi ngồi chơi với má Mỹ. Bác và tôi nói cùng nhau nhiều chuyện lắm, cảm giác bác xem tôi như con trong nhà vậy, ngược lại ba má tôi cũng vậy, cũng xem Mỹ như con trong nhà.

Tôi nhớ Mỹ đã nói với tôi

“Má tôi nói sau này ai lấy được bạn thì sẽ sướng”

Lúc đó tôi chỉ cười, tôi còn chưa có người yêu, tôi đang tập trung vào việc học nên không quan tâm lắm câu nói đó, tôi chỉ giật mình vì Mỹ nói với tôi mà không vui chút nào. Từ đó tôi ít đến nhà Mỹ hơn, ít gặp bác gái hơn, nhưng chúng tôi vẫn thân như trước.

Trong bốn chúng tôi hôm nay, tôi không có tin tức của Kim và của chị Thúy, nhưng tôi biết Mỹ là người thành công nhất trên con đường công danh sự nghiệp và cả trong đời sống riêng. Người ấy vẫn như xưa, vẫn cái dáng gầy gầy thanh thanh, vẫn giọng nói ấy, nhưng hiện tại là một giám đốc của một đơn vị có tầm quan trọng nhất nhì ngay tại quê hương Mỹ với tính cách đầy năng động bất chấp tuổi tác. Chồng Mỹ cũng vậy, là hiệu trưởng một trường đại học lớn nhất nhì trong tỉnh. Nói ngắn gọn là hai vợ chồng Mỹ đều rất nổi tiếng, nghe tên là mọi người biết ngay đó là ai.

Người ấy thứ nhất của tôi, bạn vẫn vậy, như ngày xưa, vẫn rất giỏi và rất thành công trên con đường bạn đang đi. Tôi biết bạn đang hạnh phúc với tất cả những gì bạn đạt được và đang có trong tay.

Chắc chắn rồi, với tính cách ấy, năng lực ấy, bạn sẽ còn đạt được nhiều hơn nữa những gì bạn muốn có

Người ấy thứ hai

Là Kim, người cùng tuổi với tôi. Tôi nhớ Kim hiền lắm, tính bạn ấy vốn vậy mà, hiền lành và chân thật, hay lo lắng cho việc học lắm, đến nỗi mà Kim đang ngủ mà thấy các bạn đang ngồi học là cũng cố thức giấc để ngồi học cùng, hình như Kim sợ nếu bạn ấy ngủ lúc đó thì sẽ học thua bạn mình nên cứ hay vậy lắm, mặc dù sức học của bạn là vào loại khá của lớp.

Tôi nhớ Kim chỉ hay bực bội vì không hài lòng về ngoại hình của mình, Kim nói sao bạn ấy mập quá, và mặt Kim hay bị nổi mụn thường xuyên, nhưng tôi thích nụ cười của Kim, bạn ấy có nụ cười làm sáng bừng cả gương mặt.

Tôi biết Kim lập gia đình và hiện đang sinh sống ở thành phố lớn nhất cả nước này, có một con trai, hình như nhỏ tuổi hơn con tôi hay sao, bạn ấy có một công việc về kinh doanh, nghe nói cũng phát đạt và thành công lắm. Tôi mừng cho bạn.

Người ấy thứ ba

Là chị Thúy, chị là người lớn tuổi nhất trong bốn đứa. Chị dịu dàng, gầy mong manh, có đôi mắt to tròn. Chị luôn nhỏ nhẹ với mọi người, nhưng chúng tôi đều vâng lời chị trong những chuyện sinh hoạt hàng ngày, chị giống như chị hai của chúng tôi vậy, luôn nhắc nhở các em mình những điều nên làm và những điều nên tránh. Chị chỉ có một trở ngại duy nhất là chị nói giọng bắc mà lớp chúng tôi là lớp chuyên ngữ nên chị hay bị lỗi trong phát âm, nên chị luôn cố gắng rất nhiều để đạt học lực khá như chúng tôi.

Hình như chị đang sinh sống ở Hà Nội, tôi không chắc lắm, và cũng không biết hiện tại chị ra sao, mấy chục năm rồi không gặp chị.

Những người ấy một thưở của tôi, các bạn của tôi, có ai đã viết hay sẽ viết như tôi bây giờ không. Tôi chỉ chắc chắn một điều là cả bốn chúng tôi đều đã là một phần rất đẹp trong quá khứ của nhau, nên sẽ chẳng ai quên được những ngày tháng đó, những ngày ấy đầy yêu thương bên nhau. Ba người ấy có nhớ hay thích tôi hát bài “Ngàn thu áo tím” hay không.

Khi tôi bước hẳn ra khỏi cánh cổng trường đại học, chạm tay vào cuộc đời, với đầy đủ những thăng trầm, những thành công và những thất bại, tôi thấy biết ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều bài học quý. Tôi không quên những bài học của thầy cô năm xưa, của ngày ấy ngọt ngào, nhưng những bài học cuộc đời lại luôn song hành cùng tôi trên mọi nẻo đường, dạy cho tôi hiểu điều đơn giản nhất

Cuối cùng, thì tình người chính là điều để chúng ta trân quý và gìn giữ, chia sẻ để nhân lên, mặc cho vòng xoáy của những ganh ghét đố kỵ, của những thắng thua, những thù hận và trách oán có xoay chuyển vần vũ như nào thì cũng chỉ đem lại kết cục đau khổ mà thôi, cho chính chúng ta, và cho mọi người quanh ta nữa, nếu con người cứ lao vào vòng xoáy vô tận đó.

Ngày ấy của hôm qua, những người ấy của tôi, tôi mong các bạn cũng sẽ viết như tôi, vì tôi biết các bạn không quên.

© HẢI ANH - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Chuyến tàu của thanh xuân l Radio Tâm Sự

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

back to top