Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mùa hè năm ấy

2023-08-18 06:30

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh


blogradio.vn - Một lần đến, một lần về chở theo tim tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng mãi mãi không thể mờ phai - đó cũng chính là lần đầu tiên từ một đứa trẻ con tôi phát hiện ra mình đã bắt đầu khôn lớn. Biết trân trọng, quý yêu, biết luyến lưu

***

Trong tuổi thơ yêu dấu của mỗi chúng ta, đều có những mùa hè đáng nhớ. Kỷ niệm đẹp biết bao, khi ta có dịp được đi đến miền đất lạ. Gặp gỡ những con người mà trước đây ta chưa từng gặp. Để rồi trước lạ sau quen, kết chặt thành tình bạn. Dẫu tháng ngày ấy có thể là ngắn ngủi, nhưng những tình cảm luyến lưu sẽ còn đọng lại mãi trong tim, trong niềm yêu thương, trong khoảnh khắc nhớ nhung, và luôn hằng sâu trong ký ức mỗi tâm hồn.

Trong cái nắng mùa hè ngày càng lên cao, chói chang và oi bức. Tất cả hành khách bắt đầu nôn nóng, bồn chồn. Vậy mà chiếc đò dọc có hiệu Hiệp Thành vẫn… làm nũng, vùng vằng nằm ườn ra trên bến sông. Ai nấy nhìn nét mặt cũng có vẻ căng thẳng, trông chờ lúc khởi hành. Mấy chú thợ máy thì hì hục lo sửa chữa, tay dính đầy dầu nhớt, tấm lưng trần đen nhánh, bóng loáng mồ hôi phơi dưới ánh mặt trời gay gắt.

Mặc cho tiếng ồn ào, tôi uể oải ghé đầu vào vai mẹ rồi không biết tự lúc nào lại ngủ thiếp đi.

Mãi tới khi tiếng máy nổ bình bịch, giọng ai đó reo lên nhẹ nhõm: "Chạy rồi, chạy rồi!", mới làm tôi giật mình choàng tỉnh.

Thằng Kiên em trai tôi ngồi gần, cười khúc khích:

- A, má nhìn kìa, hồi nãy giờ anh Quang ảnh ngồi ngủ gục! (ngủ gật)

Mẹ vỗ nhẹ vào đầu thằng Kiên, khẽ bảo:

- Ừ, hồi nãy anh Quang, chứ một lát tới lượt con coi ai cười, cho biết.

- Hi hi!

Thằng Kiên cười vô tư. Tôi đưa tay dụi mắt, chiếc tắc-ráng đã tách bến lướt băng băng trên dòng sông Cai Lậy. Chỉ mươi phút thôi cái thị trấn nhỏ đã bị bỏ lại phía sau lưng. Chuyến đò tiếp tục cuộc hành trình dài, mọi địa danh với tôi đều lạ lẫm vì chỉ mới qua lần đầu. Sau hơn nửa ngày hành trình chiếc tắc-ráng chợt giảm tốc rồi rẽ vào một nhánh của ngã ba sông. Khoảng gần xế chiều thì ba mẹ con tôi mới tới nơi gọi là: Tân Hòa – Tân Thạnh – Long An, một miền quê êm ả, có rừng tràm và đồng lúa trải rộng mênh mông. Chị gái tôi cùng chồng đang sinh sống nơi này.

- Má! Má mới lên!

Chị vừa reo vui, vừa nắm chặt lấy bàn tay của mẹ.

Vuốt tóc chị, mẹ cười:

- Con thiệt, cứ ở riết trên này. Má nhớ con nhiều lắm, Nguyên à!

- Con cũng nhớ má, nhớ mấy em, nhớ nhà kinh khủng.

Rồi chị Nguyên thể hiện nỗi nhớ thương của mình bằng cách bóp vào vai tôi một cái rõ đau , xong chị quay sang bẹo má thằng Kiên một cái.

Tôi vừa xoa xoa vai vừa khe khẽ gọi:

- Chị hai!

Thằng Kiên thì nũng nịu:

- Chị hai nói nhớ mà sao cứ ở tuốt trên này hoài, không chịu về nhà thăm má, thăm em?

- Tại hai bận mà, chứ hai đâu có quên "út cưng” của chị.

Mấy chị em cùng cười, trong lúc con đò ngoài sông đã tiếp tục chuyến hành trình của nó. Tôi đứng tần ngần nhìn theo, chợt thấy thương thương con đò chi lạ. Nó sinh ra đời là để đưa rước người ta, giúp mọi người đi đến nơi về đến chốn, nhờ nó mà người thân mới lại được gần, dù đang sống ở hai phương trời xa lơ xa lắc.

Tôi ngập ngừng giây lát trước ngôi nhà gỗ nhỏ đơn sơ, trong khi một người phụ nữ đứng tuổi bước ra tay bắt mặt mừng lúc chào hỏi mẹ. Không ai khác hơn đó chính là dì Hai nhà ở liền kề mà mỗi lần về thăm quê chị tôi thường hay nhắc tới. Nét dịu dàng hiền hậu của dì đã gây mối thiện cảm trong lòng tôi ngay lần đầu tiên gặp gỡ.

Dì cười thật hiền, đưa tay kéo nhẹ vai tôi:

- Vào nhà đi cháu. Đường xa, chắc cháu cũng thấm mệt rồi, ra sau rửa mặt, nghỉ ngơi tí cho khỏe cái đã.

- Dạ, con cảm ơn ạ.

Tôi đáp nhanh. Trong lúc chị Nguyên giúp mẹ đem hành lý vào nhà. Sau đó, chị Nguyên chỉ chỗ tôi ra mương lấy nước rửa mặt. Làn nước mát xua tan bao mệt nhọc. Có chút gió nhẹ nhàng thổi vào từ phía mặt sông, một miền quê êm ả đến vô cùng.

* * *

Tôi nhìn xung quanh, nên chợt phát hiện trong nhà ngoài dì Hai ra còn có thêm một anh thanh niên khoảng chừng hai mươi mấy tuổi. Với vẻ mặt lạnh lùng và đặc biệt ánh mắt cứ lom lom khi thấy người lạ đến nhà, làm tôi thoáng ngập ngừng, khẽ hỏi:

- Chị Nguyên, anh ấy…?

- Là con của dì Hai đó, em à. Tới chào làm quen với ảnh đi em.

- Dạ…

Tôi gật đầu nhưng hơi lùi về phía sau, chị Nguyên cười:

- Anh ấy coi vậy chứ hiền và vui tính lắm, em à!

Tôi có yên tâm một chút sau lời chị Nguyên, song, vẫn thấy “rét rét” trước vẻ mặt của anh. Nhưng sau này ở chơi lâu thì tôi mới hiểu, mới thấy tính tình của anh gần gũi và dễ mến.

Trong lúc tôi còn chần chờ, anh đột nhiên chìa cánh tay về phía tôi, ngoắc ngoắc:

- Lại đây!

- Dạ, em chào anh.

Anh gật gù, nhìn tôi nheo hai mắt:

- Mày tên gì?

- Dạ, tên của em là Quang. Còn anh, em gọi là anh gì ạ?

- Tư! - Anh buông gọn lỏn.

- Dạ, anh Tư!

Anh chợt cười hù hù:

- Ừ, Tư là tên của tao. Ê, Quang, còn em mày?

- Em của em, nó tên là Kiên ạ.

- Mày lên trên này là ở để đi cắt lúa hả Quang?

- Dạ không. Em đâu có biết cắt lúa đâu anh.

- Hỏng biết cắt lúa? Lên đây, chi?

- Em theo má lên thăm cho biết chỗ của chị Nguyên, rồi ở chơi luôn mấy tháng hè.

- Đi nghỉ hè… Ừ há, ở đây chơi với tao cho vui, không thôi tao buồn… dữ lắm.

Bất giác nhìn anh, tôi sững sờ.

* * *

Anh Tư đi ở phía trước thật nhanh, hai anh em tôi lon ton đuổi theo sau, thằng Kiên chân sáo nhảy nhót trên đồng ruộng. Hồi này, lúa còn chưa cao quá gang tay. Ba anh em như đang đi dạo vậy. Điều làm tôi ngạc nhiên là nhìn đâu đâu cũng thấy toàn rau muống mọc dại, bò đầy trên mặt đất. Ba anh em chọn hái những ngọn to mềm, non mơn mởn để đem về cho dì Hai với mẹ làm món rau canh. Anh Tư nhổ một chùm lát làm dây bó chúng lại rồi quảy lủng lẳng trên vai. Sau đó, anh Tư đưa anh em tôi lại bên một ao sen, hoa, toàn là hoa nở hồng mặt nước tỏa lên thứ hương thơm dịu nhẹ, ngọt ngào.

Anh Tư lội xuống hái cho thằng Kiên bông và mấy chiếc gương sen, nó nhảy cẫng lên vì thích thú. Rồi anh lặn sâu hơn để nhổ lên cả nắm ngó sen trắng nõn. Anh Tư rửa nó bằng làn nước trong vắt, bước lên đưa cho tôi:

- Nè, tụi bây ăn đi, ngon lắm!

- Dạ, em cám ơn anh Tư.

Tôi chia cho thằng Kiên rồi ăn thử một miếng, vị ngòn ngọt lan nhanh nơi đầu lưỡi, quả là có sự khác biệt vì tôi ăn ngay sau khi vừa mới hái xong. Tuyệt, cảm giác lần đầu tiên được biết qua.

Anh Tư cười hù hù:

- Ngon không?

- Ngon, ngọt lắm anh Tư.

Anh Tư lại cười, trông anh vui vẻ lạ. Sau đó, anh rủ nhau lên rừng tràm xem chim và lắng nghe chim hót thật vui tai.

Anh Tư chỉ tay lên một ngọn tràm:

- Trên đó có ổ chim, nhiều lắm. Để tao lên hốt trứng, bắt chim con về cho tụi bây chơi.

Vừa dứt lời anh đã định leo tót lên một thân cây, nhưng tôi vội ngăn anh lại:

- Đừng mà, anh Tư. Đừng có phá tổ chim!

- Sao?

- Tội nghiệp chúng lắm, chim nó cũng có mẹ có cha mà, nếu mình bắt đi là mẹ chúng đau lòng lắm đó, anh Tư à!

- Phải hôn? Tao đâu có biết, hổm rày tao bắt như vậy hoài hà, chắc mẹ của nó đau lòng lắm rồi. Thôi, mai mốt tao hổng bắt nó nữa đâu.

Mặt trời gần lặn thì chúng tôi quay về. Anh Tư và thằng Kiên vừa đi vừa giỡn, rồi rượt đuổi lẫn nhau. Tiếng cười thằng Kiên trong trẻo, giòn tan bật lên thật rõ giữa không khí êm ắng của buổi chiều quê.

Giọng dì Hai văng vẳng:

- Tư, Tư à! Đừng có rượt em, coi chừng nó chạy vấp té đó con. Thằng thiệt, cái tật “khật khùng” của nó không biết tới bao giờ mới khỏi nữa.

Tôi dừng lại bên hiên nhà, thoáng nghe dì Hai chợt thở dài. Có lẽ, dì rất buồn vì hoàn cảnh của anh Tư.

* * *               

Những ngày tiếp theo chúng tôi vẫn vui vẻ bên nhau, anh Tư cho tôi cảm giác giống như người bạn nhỏ hơn là một người anh.

Buổi sáng, anh vác cây cuốc lên vai rủ tôi cùng thằng Kiên ra ruộng để đào bắt chuột đồng. Chỉ nửa buổi thôi là thằng Kiên em trai tôi bê còn không xuể.

Đêm xuống, chúng tôi đốt một đống lửa to, cùng các bạn nhỏ trong xóm xúm nhau ca hát rồi nhảy múa xung quanh giống như đêm lửa trại. Thật vui vẻ và hào hứng, có cả tiếng cười xen lẫn giữa những tràng pháo tay rôm rả.

Nhìn anh vô tư như trẻ con, dì hai chép miệng rầu rầu, tâm tình với mẹ tôi. Qua câu chuyện của dì, tôi vô cùng cảm động khi biết trước đây anh Tư cũng khỏe mạnh bình thường chứ không như vậy…

chỉ từ khi người yêu anh đột ngột mất đi, anh mới trở nên thay đổi. Theo lời kể của dì Hai, chị ấy là một cô giáo rất dịu hiền, nhà ở cách đó không xa. Rồi một hôm, chỉ một mình chị vật lộn giữa trời mưa bão, để giành lại mạng sống cho các em học trò ngây thơ nhỏ dại của mình, mặc dù chị cũng biết bơi, nhưng sức người có hạn, thế là chị đành buông trôi chết đuối giữa dòng. Đến lúc mọi người hay tin thì đã quá muộn màng. Chính anh là người lặn hụp để tìm ra xác chị. Sau đó, mỗi ngày ra mộ chị ngồi lặng lẽ hàng giờ. Một hôm, người ta thấy anh đang bất tỉnh tím tái dưới một cơn mưa cũng ngay bên cạnh ngôi mộ chị.

Dì Hai lo chạy chữa thuốc thang để giữ lại được cho anh mạng sống, nhưng tâm trạng của anh cũng bắt đầu ngẩn ngẩn ngơ ngơ từ đó.

Chợt nhìn anh đang đùa giỡn với bé Kiên, vô tư như một đứa trẻ con, tôi lại thấy buồn, lòng dậy lên cảm giác thật xốn xang.

* * *

Mấy tháng hè thật ngắn, nhưng cũng thật đầy ý nghĩa. Nhờ một chuyến đi tôi đã khám phá ra nhiều thứ, quen biết thêm được nhiều người. Và trong số những người quen biết đó có hai chị em cô bạn nhà ở cạnh bên. Đó là bé Phượng và em gái. Phượng cũng sắp sửa vào phổ thông trung học giống như tôi. Hai chị em Phượng trạc tuổi anh em tôi, nên chúng tôi rất dễ dàng làm quen, chẳng mấy chốc thì lại chơi thân với nhau.

Một hôm buồn buồn tôi dắt thằng Kiên sang nhà bé Phượng.

- Bây giờ tụi mình kiếm trò gì để chơi với nhau cho vui đi Quang. Buổi trưa vắng tanh, Phượng nghe buồn quá!

Phượng đề nghị. Tôi hưởng ứng ngay:

- Phải đó, mình kiếm trò gì chơi đi. Nhưng Phượng thích trò gì, nhảy dây, cò bẹm, bắn bi hay trốn tìm?

Nghe tôi liệt kê ra cả đống trò chơi con nít, Phượng phì cười:

- Tùy Quang chọn đi, trò gì cũng được, miễn đừng có bày mấy đứa nhỏ tắm sông là được rồi, vì con nít tắm sông là nguy hiểm lắm.

- Ừ, Phượng thật là chính xác! Thôi, vậy tụi mình  "chơi chòi" bán hàng đi, Phượng nhé!

Phượng gật gù cười vui vẻ. Nói không phải chỉ đùa, bốn chúng tôi bắt tay nhau bày… "hàng xén" thiệt, ngay dưới gốc me nhà bé Phượng. Rủ nhau hái me non, hái trái mồng tơi, trái mua, trái đậu ma rồi hoa bìm bìm và bông mua tím. Sau đó chúng tôi chơi đủ các trò gọi chung là "trò chơi con nít".

Thực ra, tham gia chủ yếu vì muốn thằng Kiên và em gái Phượng vui thôi, chứ tôi với Phượng thì chẳng còn thiết gì ba cái trò "trẻ con" đó nữa. Chúng tôi đang ở lứa tuổi không còn là con nít mà cũng chưa được công nhận là người lớn, nhưng cũng biết tự tìm cách trò chuyện với nhau thật là cởi mở.

Phượng nói nhà Phượng nghèo lắm, mẹ phải gắng sức làm việc để lo cho hai chị em ăn học. Cha Phượng không may mất sớm, nên mẹ đem hai chị em Phượng về bên ngoại. Dù vậy, hoàn cảnh khó khăn chưa bao giờ ngăn được ước mơ cháy bỏng về tương lai trong lòng cô bé.

- Dù nhà mình rất nghèo, nhưng mình sẽ cố gắng học tập cho thật tốt, bởi chỉ có học thì mình mới mong thực hiện được ước mơ sau này lớn lên làm cô giáo dạy các em nhỏ vùng sâu. Vì ở nơi đó các em nhỏ còn thiệt thòi nhiều lắm Quang à. Giống như cô chủ nhiệm của mình tuy là người thành phố nhưng cô vẫn tình nguyện về đây để dìu dắt tụi mình. Còn Quang, ước mơ của Quang là gì vậy?

- Quang hả, Quang có ước mơ gì to lớn lắm đâu. Chỉ cần sau này Quang trở thành thi sĩ hay nhà văn nổi nổi tiếng một chút là được rồi!

Tôi và Phượng cùng cười vui vẻ.

Thật ra, tôi với thằng Kiên cũng sớm mất cha như chị em Phượng vậy, đồng cảnh ngộ nên chúng tôi rất hiểu nhau, dễ dàng thông cảm và gần gũi nhau hơn.

Nhưng, tình bạn hồn nhiên trong sáng của chúng tôi đành phải tạm chia tay, bởi mẹ đưa tôi và bé Kiên về Tiền Giang, anh em tôi còn phải quay lại trường lớp học.

- Mình sắp theo má mình trở về rồi Phượng ơi, Phượng ở lại đây vui vẻ, học hành thật tốt để đạt mọi ước mơ, Phượng nhé!

- Biết bao giờ tụi mình lại có dịp gặp nhau, chơi chung vui vẻ với nhau thêm lần nữa, hở Quang?

- Mình cũng không biết, nhưng mình tin chắc chắn một điều là, mùa hè nào rồi… mình cũng lại được nhìn thấy Phượng mà!

Tôi dí dỏm cho Phượng vui, nhưng cô bé chu môi, phụng phịu:

- Ứ! “Người ta” đang buồn muốn chết luôn đây nè, vậy mà Quang còn đùa được nữa.

Tôi lặng thinh, cười gượng rồi quay đi.

* * *

Thế là chia tay cô bạn nhỏ, mắt cậu bé đỏ hoe. Mắt Phượng buồn, rơm rớm ướt.

Ba giờ khuya, chuyến đò dọc sẽ chạy ngang đây. Mẹ đánh thức tôi và bé Kiên dậy từ rất sớm. Đứng với nhau bên bờ sông, chị Nguyên tay cầm đèn chong làm tín hiệu đón tàu. Tôi hôn vội dì Hai, anh Tư để chào từ giã, dì Hai căn dặn là mùa hè sau con hãy quay trở lại thăm dì. Tôi dạ, gật đầu, chuyến đò vô tình chở, một mùa hè lướt qua…

Qua ô kính cửa sổ con đò, tôi kịp nhìn lại ngôi nhà dì Hai thêm lần nữa. Còn nhà bé Phượng bên cạnh thì đang im lìm trong bóng tối, chiếc đèn bóng vặn cực nhỏ như đom đóm, thật buồn.

Lúc bấy giờ, tôi không thể nào biết trước lần chia tay ấy, tôi đã vĩnh viễn không bao giờ còn được gặp lại dì Hai thêm lần nữa, bởi vì dì đã mất chưa đầy một năm sau đó.

Chuyến đò chở ba mẹ con tôi xa dần, tôi không thể quên, lần cuối cùng, cánh tay vẫy vẫy của dì Hai, từ từ nhòa đi rồi khuất chìm vào trong bóng tối.

Một lần đến, một lần về chở theo tim tôi nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng mãi mãi không thể mờ phai - đó cũng chính là lần đầu tiên từ một đứa trẻ con tôi phát hiện ra mình đã bắt đầu khôn lớn. Biết trân trọng, quý yêu, biết luyến lưu những khoảnh khắc dù nhỏ nhoi nhưng êm đềm trong tình bạn. Biết nuôi dưỡng sự khát khao và cùng hướng về những hoài bão ở tương lai.

Sau mùa hè năm ấy có lẽ mỗi chúng tôi đều ý thức được rằng bản thân mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong học tập, vì đó là điều kiện cần thiết duy nhất để giúp chúng tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn đã bao đời tồn tại ở nông thôn. Nhưng suốt ba năm trung học phổ thông tôi vẫn luôn nuôi dưỡng sự khát khao và niềm tin kỳ lạ. Thi thoảng trong giấc mơ tôi lại thấy Phượng với tà áo dài thướt tha đang đứng trên bục giảng. Tôi thì phát hiện ra mình có những cảm xúc thường hay bất chợt, riêng tư, giống như là nỗi nhớ? Rồi lặng lẽ tuôn tràn thành dòng thơ, tôi viết để âm thầm tặng nó riêng em. Kỳ thực, chưa bao giờ tôi có thể quên được gương mặt sáng trong, đầy niềm tin và nghị lực, quên đôi mắt đặc biệt dễ thương hay rơm rớm ướt mỗi khi buồn, chút gì đó thoi thúc trong tôi chừng như là niềm hy vọng?

Và, năm tôi bước vào đại học, niềm hy vọng hằng ấp ủ kia cũng thật sự vỡ oà...

* * *

- Quang! Có phải là Quang không?

Giọng quen quen của cô gái bất chợt reo lên.

- Phải, mình là Quang. Ôi... Phượng!

Tôi chững lại vài giây với niềm sung sướng quá bất ngờ khi nhận ra em.

Đó là cái lần mà chúng tôi tình cờ gặp lại nhau bên cổng một ngôi trường sư phạm mà Phượng đang theo học.

Chúng tôi siết chặt tay nhau, đứng lặng nhìn nhau, cứ như thế nghe tim mình đập rộn lên trong lồng ngực. Giây khắc xúc động ấy, không ai trong hai chúng tôi có thể bảo ai được điều gì, nhưng kể từ lúc đó chúng tôi đã bắt đầu có chung với nhau một khoảng trời mới lạ, rồi cùng hướng về niềm ước muốn tương lai, về giấc mơ thật ngọt ngào và êm đềm của lứa tuổi thần tiên.

© Nguyễn Quang Vinh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Ngọt Ngào Đến Mấy Cũng Tan Thành Mây l Radio Tình Yêu

Nguyễn Quang Vinh

Trong cuộc sống, nếu hạnh phúc không mỉm cười, thì hãy tự biết góp nhặt cho mình những niềm vui nho nhỏ...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Niềm say mê và sự bứt phá

Niềm say mê và sự bứt phá

Không có con đường nào trải sẵn hoa hồng, không có thành công nào mà không phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt hay không dẫm trên chông gai. Chỉ khi con người biết sống với niềm say mê, bứt phá thì không có gì là không thể thực hiện được.

Yêu lại người yêu cũ

Yêu lại người yêu cũ

Phải chi, em không yêu anh nhiều thì có thể em đã không phải tổn thương nhiều đến vậy. Em chưa từng hối tiếc vì đã dành thời gian lâu để yêu và bên anh, bởi cũng nhờ anh mà em mới biết yêu một người là thế nào.

Thao thức

Thao thức

Cô lắng nghe mà thấu hiểu những thao thức canh khuya những thao thức trong đêm dài của họ, Trân cũng hiểu luôn nỗi lòng của họ, nỗi lòng của những người mẹ cứ luôn canh cánh cho tương lai cho cuộc sống của các con mình.

5 cách hành xử khiến người EQ thấp bị trừ

5 cách hành xử khiến người EQ thấp bị trừ "âm điểm", ai cũng muốn xa lánh

Để cải thiện chất lượng cuộc sống và mối quan hệ, việc nhận thức và phát triển EQ là rất quan trọng.

Khi chúng ta độc thân đủ lâu

Khi chúng ta độc thân đủ lâu

Có ai đó đã nói rằng, chúng ta vốn dĩ không sợ yêu… thứ chúng ta thật sự sợ hãi, thật sự ám ảnh chính là những thương tổn trong quá khứ. Chúng bám lấy cuộc sống của chúng ta như những bóng ma tâm lý khiến chúng ta đau đớn, khiến chúng ta đánh mất niềm tin vào bản chất thuần khiết của tình yêu.

Hai kẻ xa lạ nương tựa vào nhau bới tâm hồn đều vụn vỡ

Hai kẻ xa lạ nương tựa vào nhau bới tâm hồn đều vụn vỡ

Thương anh, nhỉ? Thương lấy những nỗi sầu Chữ thương này vì thấu hiểu cho nhau Thương, chẳng gặp, lòng em ngàn vết cắt Bởi lời mình có giúp được chi đâu?

Khám phá linh vật may mắn của 12 cung hoàng đạo

Khám phá linh vật may mắn của 12 cung hoàng đạo

Mỗi cung hoàng đạo đều có 1 linh vật đại diện, phản ánh đặc trưng tính cách và năng lượng của cung hoàng đạo đó. Không chỉ mang lại may mắn, linh vật đại diện còn là vị thần hộ mệnh tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng ta, đồng thời dẫn đường mỗi khi chúng ta nhụt chí.

Mùa hạ của những ngày xưa cũ

Mùa hạ của những ngày xưa cũ

Thấy chúng tôi ngoại cứ nhìn hoài mà cười. Giờ tôi nhận ra chẳng có gì quý hơn là những giây phút gặp được con cháu của mình. Bởi có còn mấy mươi năm nữa đâu. Xế chiều như những chiếc lá thu nhuốm màu đỏ của thời gian vậy chỉ chờ cơn gió cuối thổi qua mà thôi.

Trò chơi tình yêu

Trò chơi tình yêu

Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, cây hồng trước nhà đã rụng hết lá, trái đã chín đỏ rụng đầy sân, người ra đi người ở lại, thử hỏi rằng có tình yêu nào đẹp như chuyện cổ tích.

Những người tích cực

Những người tích cực

Dù những công việc họ đang làm là rất bình thường, nhưng họ đã mang đến cho mọi người, những người mà họ hay tiếp xúc và được tiếp xúc với họ một nguồn năng lượng tích cực rất lớn.

back to top