Phát thanh xúc cảm của bạn !

Lương duyên với mảnh đất đã từng gắn bó

2017-03-18 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Để rời xa một nơi mình từng gắn bó quả thật không dễ dàng, nếu mình không muốn rời xa một vùng đất, không muốn rời xa một người, xa một con vật thì tức là giữa ta và thứ đó có mối lương duyên. Lương duyên không phải chỉ là người với người mà còn là người với vật, là người với đất, với rừng, với những thứ mà ta thương yêu.

***

Tôi dắt ngựa vào chuồng, bỏ cho nó nắm cỏ và vuốt ve tấm lưng êm êm hồi lâu, chú ngựa non này là loài ngựa hoang được bố tôi đem về khi nó mới chỉ sinh ra được chừng hai tuần, ánh mắt nó chớp chớp với tôi, con ngươi căng mọng nước như đang muốn nói điều gì đó. Tên nó là Gau, hình như Gau cũng nhận ra tình cảnh của nó lúc này, cũng nhận ra rằng tôi và nó chẳng gắn bó được lâu dài nữa nên nó mới buồn chăng? Mẹ bảo trong năm nay sẽ bán nông trại này và chúng tôi sẽ cùng nhau lên thành phố sống cuộc đời mới. Mẹ bảo, đã đến lúc tôi phải học hành cho nghiêm chỉnh để sau này còn làm ông nọ, bà kia, tôi không nghe hết lời mẹ mà bỏ đi ngay tắp lự, bố ngồi im hút vội điếu thuốc lào mà ánh mắt mang vẻ buồn man mác.

Tôi hay theo bố thồ cam hoặc mận lên thành phố để bán, nhưng họa hoằn lắm mới có những lần như thế, chủ yếu thương buôn xuống tận nông trại mua rồi đem đi. Tôi thích lên thành phố, ở đó xe cộ tấp nập và cái gì cũng mới lạ đối với một đứa trẻ vùng cao như tôi, mặc dù vậy để rời bỏ nơi này và chôn chân vĩnh viễn ở đó là điều tôi chưa từng muốn. Mẹ không biết điều đó, hoặc giả như bà biết nhưng vẫn nhất quyết rời xa nơi đây.

Tôi bê bát mèn mén ra ngồi ở thanh chắn chuồng ngựa, vừa ăn tôi vừa lấy chân hẩy hẩy vào cái đuôi dài sát đất của Gau, thấy tôi trêu, nó được thể càng quật cái đuôi mạnh hơn. Tôi xúc một thìa mèn mén bỏ vào cái máng của Gau, nó hửi hửi rồi lấy lưỡi quét qua một đường máng, chỗ mèn mén sạch bong.

- Mai mốt chắc mày không được ăn mèn mén của tao nữa đâu. – tôi nhìn nó ủ rũ.

Lương duyên với mảnh đất đã từng gắn bó

Nó dậm chân ì ạch một hồi rồi vươn cái cổ dài về phía tôi, cái đầu to lớn dụi khẽ vào vai khiến tôi mất thăng bằng ngã nhào xuống nền cỏ và làm đổ cả bát mèn mén. Gau khỏe lắm, nó có thể thồ trên vai bao nhiêu là ngô và hàng hóa vì vậy cái dụi đầu của nó dù rất khẽ cũng khiến tôi lao đao.

Sáng sớm trời rét cắt da, tôi mặc cái áo phao đã cũ rồi chạy như bay về phía nhà của thằng Giàng A Lùng, nó bằng tuổi tôi, hôm nay nhà nó tổ chức đám cưới cho chị nó. Vừa đến cổng tôi đã thấy thằng A Lùng đứng đợi, nó khoát tay rồi bảo:

- Ngủ quên hả? Nhanh lên, anh Chỉn Hùng sắp đến rồi.

Chỉn Hùng sẽ là anh rể của nó sau lễ cưới hôm nay. Tôi theo chân A Lùng sục sạo vào chỗ người ta đang nấu nướng, thỉnh thoảng các bà lại cho chúng tôi miếng thịt lợn hay thịt bò ăn cho đỡ thèm. Chị thằng Lùng mặc bộ đồ mới tinh ngồi im trong buồng, hiếng mắt qua lớp ván gỗ chắp vá tôi thấy chị đưa tay chấm nước mắt, cái khăn rằn kẻ sọc đen trắng được chị đưa lên mũi ngửi rồi lại ôm khư khư vào ngực. Tôi chỉ đoán chừng là chị khóc vì đôi vai chị thoáng chốc lại giật lên từng hồi nhưng không có tiếng hưng hức nào phát ra cả, có lẽ chị buồn vì xa gia đình hay chị buồn vì một điều gì khác riêng chị biết. Tôi định quay lại hỏi thằng A Lùng xem bao giờ anh Chỉn Hùng đến thì nghe tiếng lao xao ở ngoài cổng. Tiếng khèn, tiếng đàn, tiếng trống được dịp vang lên rộn rã, hóa ra đàng trai đã đến đón dâu rồi. A Lùng túm lấy bả vai tôi lôi đi:

- Đến rồi, anh Chỉn Hùng đến rồi kìa.

Tôi theo chân nó chạy ào ra khoảng sân dưới mấy cột nhà sàn. Anh Chỉn Hùng cao to, nước da trắng trẻo vì không phải lên nương trồng lúa, trồng ngô. Anh có giọng cười sang sảng, một bà chạc tuổi bảy mươi móm mém bảo với người đứng bên cạnh:

- Điệu cười này thì sang phải biết.

Ở Mèo Vạc có chợ tình Khau Vai, tôi chẳng có hẹn với cô gái nào ở đó, cũng chưa đến cái tuổi đi tìm bạn tình nhưng vẫn một mực đòi đi cho bằng được. Chỉ vì năm nay thằng A Lùng cũng sẽ đến đó, nhà anh Chỉn Hùng ở Mèo Vạc, tôi và nó sẽ gặp nhau ở Khau Vai. Đêm đến chợ đông nghẹt, họ vận lên người những bộ quần áo thật đẹp, chiếc váy Mông xòe to thấp thoáng, có tiếng đàn môi gọi nhau réo rắt, tôi đói bụng quá nhưng vẫn cố chờ A Lùng thêm một lúc nữa. Con Gau được bố tôi đem gửi ở một nhà nào đó gần chợ nên thành ra trong lúc rảnh rỗi thế này tôi không có ai để tâm sự. Ở Khau Vai người ta gặp nhau chỉ cốt để tìm người tâm sự, những người trẻ thì đến tìm bạn tình, những người đã đứng tuổi thì đến gặp lại người mà họ yêu thương nhưng không có duyên phận làm vợ, làm chồng. Tôi không biết một đêm ngắn ngủi thế này họ có thể nói hết cho nhau nghe về những ngày đã qua trong một năm hay không nữa.

Lương duyên với mảnh đất đã từng gắn bó

Muỗi chích vào chân ngứa ngáy, đêm xuống mang theo sương mù giăng mắc lành lạnh, tôi bực mình vì thằng A Lùng không giữ đúng lời hứa. Dưới mỗi một gốc cây đều có tiếng thủ thỉ tâm tình của một đôi trai gái nào đó cất lên, có khi cả tiếng cười vui vẻ, có khi còn là tiếng hưng hức phát ra một cách não nùng, tôi nhìn qua gốc cây đối diện, trong khoảng tranh sáng tranh tối, tôi thấy một đứa con gái Mông đang gặm một cái bánh nếp bốc khói nghi ngút. Nó ngồi một mình và nom chừng còn nhỏ tuổi hơn tôi.

- Mày đến tìm bạn hử? – tôi cất tiếng hỏi đứa con gái.

Nó ngước đôi mắt nhìn tôi, đôi mắt đen loáy và to tròn, vừa nhai nốt miếng bánh nếp trong miệng nó vừa trả lời:

- Không, tao theo mẹ tới đây.

- Tao cũng theo bố tới đây này.

Đứa con gái mỉm cười nhìn tôi, không hiểu sao trong cái thứ ánh sáng yếu ớt đó tôi lại thấy đôi má nó ửng đỏ như trái đào chín, nó chìa nửa cái bánh nếp còn lại cho tôi rồi hỏi:

- Ăn không?

Tôi cầm cái bánh rồi cho vào miệng cắm một miếng ngon lành, đứa con gái thò tay vào túi thổ cẩm nhỏ bằng hai bàn tay rồi lôi ra một cái bánh nếp khác, nó bóc rồi tiếp tục ăn. Đi chợ tình chẳng ai cho đem theo trẻ con, chắc chỉ mỗi tôi và đứa con gái đó là ngoại lệ, nhưng còn A Lùng, nó có thể ở đâu nhỉ? Tôi ngồi chờ mãi trên con đường dẫn vào chợ, mỗi bóng dáng lướt qua tôi dều cố căng mắt xem họ có dắt theo một đứa bé nào không, nhưng chẳng có ai hết, họ đi một mình. Đứa con gái lôi từ túi thổ cẩm ra một con búp bê, nó cười khúc khích rồi nói chuyện với con búp bê như người thật, thỉnh thoảng nó quay qua phía tôi nói vài câu rồi lại cười.

- Ù hú!

Lương duyên với mảnh đất đã từng gắn bó

Tôi giật mình quay lại thì thấy thằng A Lùng đứng sau lưng từ bao giờ. Nó ngồi xuống bên cạnh tôi rồi giải thích về chuyện đi trễ của nó. Hóa ra nhà anh Chỉn Hùng nấu thắng cố nên nó ở lại ăn cho no bụng rồi mới đến đây. Nó nói làm tôi chảy nước miếng, hình ảnh chảo thắng cố to bổ chảng đang nghi ngút khói khiến cái bụng tôi lại sôi lên ùng ục. Thắng cố là món canh được nấu trong một cái chảo to, bao gồm thịt, xương, lòng, gan, tim,… bò hoặc dê cắt khúc rồi cho sôi sùng sục trên bếp. A Lùng lôi từ túi thổ cẩm đeo chéo của nó ra một cái bánh ngô còn thơm phức, nó bẻ nửa, nửa chia cho tôi, nửa cho đứa con gái ngồi cạnh.

Đêm ấy, cũng như những người lớn, chúng tôi ngồi dưới gốc cây tâm sự, nhưng không biết tâm sự gì, thỉnh thoảng tôi hay thằng A Lùng sẽ chạy đi rình dưới một gốc cây nào đó, nghe xem họ nói chuyện gì rồi chạy về chỗ đứa con gái Mông và chúng tôi sẽ bàn về chuyện đó.

- Họ hỏi nhau năm nay có được mùa ngô không. – Tôi nói.

Lát sau thằng A Lùng chạy về, nó hỏi tôi và đứa con gái bên cạnh:

- Mày đã đẻ thêm đứa trẻ nào chưa?

Đứa con gái thẹn đỏ mặt, nó hơi cúi đầu khiến đám tóc rơi lòa xòa xuống trán. Tôi nạt thằng A Lùng:

- Đẻ cái đầu mày.

- Họ hỏi nhau như thế còn gì.

Bố tôi quay lại khi trời đã sáng bừng. Dưới gốc cây tôi, thằng A Lùng và cả đứa con gái ôm nhau ngủ. Đứa con gái tỉnh dậy trước tiên rồi chọc vào mạn sườn của tôi và A Lùng khiến hai đứa không thể ngủ yên được, nó cười nhe hàm răng trắng đều rồi hỏi:

- Năm sau lại đến chứ?

A Lùng gật đầu còn tôi thì lặng im, không biết đến năm sau liệu tôi có được trở về hay đang buồn bã ở thành phố, chắc lúc ấy tôi sẽ nhớ thằng A Lùng lắm, nhớ cả đứa con gái, nhớ cả đêm chợ tình Khau Vai này nữa. A Lùng thúc tay tôi, tôi gật đầu ba, bốn cái lia lịa.

Tôi và thằng A Lùng vờn nhau trên đồi, con Gau được cột vào cái cọc gỗ và đang nhởn nhơ gặm cỏ non. Được một lát thì từ dưới chân đồi có một tốp người mặc những chiếc áo cùng kiểu leo lên, tôi nhận ra màu khăn rằn đen trắng thấp thoáng từ phía xa. Tôi nhớ đến cái khăn rằn của chị thằng A Lùng, chắc chị ấy đã chờ một người nào đó rất lâu rồi, nhưng người đó không đến, rồi chị phải chấp nhận làm vợ anh Chỉn Hùng.

Tôi không biết rồi đây tôi có phải chờ đợi ai như chị thằng A Lùng không, hay tôi sẽ khiến một người con gái nào đó chờ tôi mòn mỏi, cả hai điều tôi đều không muốn. Tôi đã sống ở đây mười mấy mùa hoa mận nở, lớn lên cùng Gau, cùng A Lùng, tắm dòng suối mát trong chảy về hạ lưu, ôi, bấy nhiêu thứ tôi muốn đem đi, còn cả thửa ruộng bậc thang đổi màu qua từng mùa, bát mèn mén vàng ươm ngồi nhai mỗi chiều… Tôi nhớ thương da diết. Nhưng biết làm sao được, tôi phải rời xa nơi này thôi, vì mẹ tôi muốn thế.

Lương duyên với mảnh đất đã từng gắn bó

Đêm ấy, dưới bậc cầu thang đi lên nhà sàn tôi ngồi ngửa cổ ngắm sao thật lâu, bố bước đến ngồi trên bậc thềm – ngay phía sau lưng tôi.

- Cô giáo Thoa bảo rằng, buổi sáng những ngôi sao vẫn nằm im một chỗ chỉ là chúng ta không nhìn thấy chúng thôi, suốt hàng vạn năm nó vẫn mãi ở đấy, tại sao chúng ta không thể sống ở đây suốt đời hở bố? – tôi nói và đôi mắt vẫn chăm chăm nhìn lên bầu trời.

- Chúng ta có chân, còn sao thì không. – Bố tôi nói nhỏ nhẹ.

Tôi vụt quay lại nhìn bố, đôi mắt ngân ngấn nước:

- Nhưng con không muốn đi.

Nói rồi tôi chạy ào ra cổng, tôi theo lối nhỏ dẫn đến nhà A Lùng, nó đang ngồi gọt một bức tượng bằng gỗ, thấy tôi nó vội giấu ra sau lưng.

- Cái gì đấy? – tôi hỏi.

- Chẳng có gì.

- Nói dối.

- Tao định tặng mày lúc chia tay.

Nói rồi A Lùng chìa miếng gỗ cho tôi xem, chắc nó định gọt một con khỉ tặng tôi làm kỉ niệm đây mà nhưng khi tôi hỏi nó nhe răng cười bảo rằng đang gọt hình tôi. Phía bên kia đồi, đi xa vài chục cây số nữa sẽ là thành phố, bây giờ mỗi lần nhìn về phía ấy tôi đều thấy sợ hãi, một nỗi sợ hãi khó gọi thành tên mà dai dẳng, cố chấp cứ nhen nhóm trong lòng tôi. Phía bên kia đồi sẽ không còn những ruộng bậc thang thế này nữa, tôi sẽ phải học cách đi trên đường sao cho không bị xe tông trúng, phải bắt đầu tìm những người bạn mới, sống cuộc sống mới. Tôi trở về nhà khi gió đêm đã thổi mạnh trên những tán cây cao, bố tôi vẫn ngồi trầm ngâm trên thềm nhà, khi tôi bước đến ông cất giọng ồm ồm:

- Chúng ta sẽ ở lại.

- Sao hả bố?

- Chúng ta không bán đất nữa.

Tôi nhảy cẫng lên sung sướng rồi nắm lấy cánh tay của bố lắc thật mạnh.

- Để rời xa một nơi mình từng gắn bó quả thật không dễ dàng, nếu mình không muốn rời xa một vùng đất, không muốn rời xa một người, xa một con vật thì tức là giữa ta và thứ đó có mối lương duyên. Lương duyên không phải chỉ là người với người mà còn là người với vật, là người với đất, với rừng, với những thứ mà ta thương yêu.

Tôi chợt nhìn về phía bên kia đồi, ở đó thứ ánh sáng màu vàng nhạt vẫn le lói, nhưng tôi không còn sợ hãi nữa, tôi nhìn về đó và mỉm cười, phía bên kia đồi rồi sẽ có những chàng trai, cô gái đeo khăn rằn băng qua con lộ dài và tìm đến đây. Họ đến thì tại sao chúng tôi phải đi, chúng tôi sẽ ở lại, cười với họ rồi sẽ vẫy chào họ khi họ rời xa nơi đây, đi về phía bên kia đồi…

© Phan Thị Trang – blogradio.vn


Bài dự thi cuộc thi viết CẦN LẮM MỘT CHỮ DUYÊN. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

3 dấu hiệu chứng tỏ người ấy không đáng tin

Ngay cả khi người yêu hoặc người bạn đời của bạn có vẻ trưởng thành về mặt cảm xúc, điều đó cũng chưa thể chứng minh được rằng họ là người đáng tin.

Ấu thơ tươi đẹp!

Ấu thơ tươi đẹp!

Mặc cho bạo chúa thời gian nhẫn tâm xóa nhòa mọi thứ, mặc cho tuổi tác ngày càng chồng chất thêm, tôi vẫn nhớ mãi bức tranh sống động ấy, dù nó luôn gợi lên một chút buồn, một chút nhớ thương về những mùa hoa tươi đẹp...

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

Hồi ức mùa lúa chín

Hồi ức mùa lúa chín

Con đường xưa, cánh đồng xưa vẫn còn đó, nhưng cô gái của anh đã không còn nữa. Nỗi buồn không thể nói thành lời, chỉ còn lại trong tim anh, như một bản tình ca không trọn vẹn.

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

back to top