Phát thanh xúc cảm của bạn !

Lũng Pô - Nơi núi sông vời vợi ngàn trùng

2012-12-24 20:00

Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team

Bao nhiêu năm nay tôi đã rong ruổi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, không một nơi nào là không đặt chân tới. Nhưng mãi tận hôm nay tôi mới tới được Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Lòng tôi cứ rưng rưng trước lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên Trạm biên phòng Lũng Pô, rưng rưng nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sông núi vời vợi ngàn trùng…

Đầu năm 2011, huyện Bát Xát (Lào Cai) đặt một tấm bia ở Lũng Pô, nơi dòng suối Lũng Pô hòa vào dòng sông Hồng chảy vào đất Việt. Trên tấm bia khắc hai chữ "Lũng Pô" và câu thơ nổi tiếng của Dương Soái "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt".

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam - Người đọc: Thảo Kòi, J - Kỹ thuật :Thảo Kòi


Lũng Pô, tiếng địa phương là Đồi con rồng lớn, cũng có nghĩa là đầu rồng. Từ trên cao nhìn xuống, dòng suối Lũng Pô uốn khúc quanh một mỏm đồi tựa đầu rồng hướng ra dòng sông Hồng, hướng về cội nguồn Đất Tổ, hướng về biển Đông nơi sinh ra dân tộc Việt là con Lạc cháu Hồng. Nơi mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống bể, đời nọ nối đời kia xây dựng nên nước Việt Nam hùng mạnh hôm nay.

Cha ông ta gọi sông Hồng là sông Mẹ, dòng sông như phun ra từ miệng con rồng trên đất Lũng Pô qua triệu triệu năm vẫn thao thiết chảy, mang bao lớp phù sa mầu mỡ để bồi đắp nên vùng châu thổ sông Hồng. Đứng trên mảnh đất đầu nguồn của dòng sông Mẹ, giữa bốn bề mây núi điệp trùng bất chợt những câu thơ trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm rung lên trong tôi: "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi".

Dọc dòng sông Mẹ, đặt chân lên bất cứ nơi nào ta đều bắt gặp những dấu tích đánh giặc ngàn năm của cha ông thuở trước, vẫn còn đây Hàm Tử Quan, Chương Dương, Vạn Kiếp…vẫn còn vọng đâu đây tiếng súng chiến thắng sông Thao... Từ Lũng Pô xuôi về Trịnh Tường có một cái thác, người dân gọi là Thác Tây. Chuyện rằng: Trong kháng chiến chống Pháp quân dân ta đã phục kích đánh đắm một đoàn tàu chiến của giặc, giết chết tên quan hai chỉ huy đoàn tàu vận chuyển lương thực, khí tài lên đồn Lũng Pô.

Ngược dòng sông Mẹ lên Lũng Pô hôm nay, đã bao lần tôi phải dừng chân trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, trước mỗi bản làng nhòa nhạt khói sương, trước những cánh đồng ruộng bậc thang vân vi dưới thung lũng xanh thẳm… Lũng Pô, dòng suối đầu nguồn biên giới mùa này đã ngả màu đục phù sa, bắt nguồn từ đại ngàn rừng xanh Ý Tý, dòng suối sau mùa mưa xanh màu mực cửu long uốn lượn quanh co điệp trùng dưới những đồi chuối, đồi dứa leo lên tận mây trời.



Sau chiến tranh biên giới tháng 2/1979, suốt chiều dài biên giới từ thị xã Lào Cai lên tận Lũng Pô một thời gian khá dài chìm ngập trong bom mìn, mảnh đất trở nên hoang tàn, cây rừng rậm rạp. Mãi tới năm 1988 tình hình biên giới trở lại bình yên, khi đó người dân chạy tứ tán khắp nơi mới trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Nhất là sau ngày 1/10/1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, việc đưa dân cư ra biên giới làm ăn để giữ đất được thúc đẩy, tuy nhiên mảnh đất Lũng Pô vẫn còn thưa vắng bóng người.

Qua câu chuyện của Vàng Duần Phú, Bí thư Đảng bộ xã A Mú Sung tôi đã hình dung ra: Sau chiến tranh biên giới, A Mú Sung chỉ có hơn 30 hộ dân là người Dao đỏ ở bản Ngải Chồ. Để giữ đất miền biên ải từ năm 1980 huyện Bát Xát đưa dân từ xã Ngải Thầu lên, rồi vận động người dân từ xã A Lù xuống. Mảnh đất chênh vênh trên ngọn nguồn sông Hồng và suối Lũng Pô dốc dựng thăm thẳm, quanh năm khô khát, không ít hộ đến rồi lại đi vì thiếu nước sinh hoạt và đất làm ruộng.

Sau chiến tranh con đường lên các xã dọc biên vô cùng khó khăn, lại ít dân nên một dạo người ta cho dân bên kia sang thuê đất trồng chuối bất hợp pháp trên đất A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường. Chuyện vỡ lở, nhiều cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng huyện Bát Xát phải ra đi. Khi đó, vần đề đưa dân ra biên giới càng trở nên cấp thiết hơn, nhất là các xã vùng cao. Sau nhiều năm vận động và áp dụng nhiều chính sách giãn dân ra giáp biên, đến nay A Mú Sung đã có 11 thôn bản với hơn 2.300 nhân khẩu. Mặc dù A Mú Sung có 5.490 ha đất tự nhiên, nhưng chỉ có 70,9 ha ruộng, hơn 100 ha ngô, 80 ha sắn, mấy năm nay người dân mới trồng chuối, dứa được trên 110 ha. Bởi thế A Mú Sung có đến 84% hộ nghèo.

Vàng Duẩn Phú cho hay: Trong 11 thôn bản chỉ có 3 thôn kinh tế khá, đó là thôn Ngải Chồ, Lũng Pô 2 và Tùng Sán. Người dân Ngải Chồ ngoài việc mở mang ruộng nước để ổn định cuộc sống họ còn trồng chè và thảo quả. Thôn Lũng Pô 2 mới chuyển từ xã Dìn Chin huyện Mường Khương xuống năm 2007, người dân ở đây chủ yếu trồng chuối, dứa và sắn. Chuối thì bán sang Trung Quốc, dứa thì bán cho các thương lái trong nước, còn sắn thì người Lào Cai lên mua xuất khẩu. Mùa thu hoạch dứa và sắn xe từ khắp nơi đến ăn hàng chật kín các ngả đường.
Thôn Lũng Pô 2 nằm giáp bờ suối Lũng Pô, đã quá trưa mà nhà nào cũng đóng cửa. Trưởng thôn Ma Seo Páo cũng chẳng có nhà, gọi điện thoại mới hay ông đang đi trồng dứa trên đồi, chiều mới về. Cả thôn chả thấy người lớn nào ở nhà, chỉ có đám trẻ con và người già, mọi nhà đều đóng cửa im ỉm. Người dân Lũng Pô 2 chuyển từ Dìn Chin xuống, tôi để ý một số hộ mang kiến trúc làm nhà trình tường ở vùng núi cao lạnh giá xuống, nhưng Lũng Pô không quá rét như Dìn Chin, nên những ngôi nhà đó chỉ đắp tường dở dang, còn lại các hộ chủ yếu làm nhà thưng ván, lợp bằng những tấm lợp.

Trước cửa nhà nào cũng chất đầy các bao tải phân NPK Lào Cai và phân ghi bằng chữ Trung Quốc. Nhìn thế đủ biết các hộ trồng chuối, dứa ở đây đều phải sử dụng những loại phân này. Người dân học kỹ thuật trồng chuối, dứa từ những nông dân Trung Quốc bên kia dòng Lũng Pô, hoặc từ những người anh em trên Na Lốc, Cốc Phương (Mường Khương) xuống hướng dẫn từ cách phân hàng, chia lô, rồi kỹ thuật bón phân, sử dụng các loại thuốc kích thích cho cây quả phát triển… đều "nhập khẩu" từ phía Trung Quốc.

Điều lạ lùng, những người dân khu vực Na Lốc, Cốc Phương hay chính họ ở đây nhiều người không nói sõi tiếng phổ thông, chưa đọc thông viết thạo, nhưng tiếp thu kỹ thuật canh tác lại rất nhanh, họ thực hiện các qui trình: Xẻ rãnh, trồng, bón phân, phun thuốc… rất đúng kỹ thuật. Một cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai không ngần ngại: Với những vùng như vậy, hãy cứ để người dân tự du nhập kỹ thuật từ phía bạn, khuyến nông mình vào chưa biết chừng lại phá vỡ qui trình canh tác của họ, sản phẩm làm ra có khi không bán được, lúc đó thì rầy rà lắm...



Trên đường xuống trạm biên phòng Lũng Pô chúng tôi bắt gặp gia đình Lù Seo Nhà đang lịa ván ngôi nhà mới dựng cho người con trai sắp ra ở riêng là Lù Seo Lử. Trước kia gia đình Lù Seo Nhà ở Dìn Chin di dân xuống Ngải Thầu, đến năm 2007 thì về Lũng Pô 2. Nhà cười bảo tôi: Nhà mình có trồng dứa mà, không nhiều đâu khoảng 5-6 vạn gốc thôi. Vụ dứa tháng 6 bán được hơn 50 triệu, toàn người Việt Nam mua thôi, giá rẻ quá chỉ được 3.000đ/kg. Người Na Lốc, Cốc Phương bán được 4-5 ngàn. Họ bảo ở đây xa chỉ mua giá ấy thôi. Còn chuối à? Mới trồng được 2.000 gốc, mua giống của Trung Quốc, chưa có bán đâu. Cái nhà mình làm cho thằng Lử là tiền bán dứa đấy…

Lý Seo Phẳng ngồi trên tấm gỗ kê cạnh đống phân bón chất cao ngất ngưởng nghe tôi nói chuyện với Lù Seo Nhà thì cứ tủm tỉm cười, hỏi chuyện trồng dứa, chuối thì Phẳng bảo: Nhà mình trồng ít thôi, dứa thì 3-4 vạn gốc, chuối 1.800 cây, vừa rồi bán được 20 triệu chỉ đủ tiền mua phân bón. Nhà trưởng bản Páo năm nay thu hơn 70 triệu, nhà nó trồng nhiều dứa lắm, 7 - 8 vạn hay nhiều hơn mình không biết đâu…

Hai cây dứa, chuối đang làm đổi thay cung cách làm ăn và diện mạo cuộc sống của người dân Lũng Pô. Chảo Phù Quẩy người Dao đỏ thôn Lũng Pô 1, chuyển từ xã Phìn Ngan lên đây từ năm 2003. Mấy năm đầu gia đình Quẩy cũng chỉ trồng ngô lúa, ba năm nay mới chuyển một số nương ngô sang trồng chuối. Nhà Quẩy năm ngoái trồng 600 gốc, năm nay trồng thêm được 1.000 gốc nữa, gia đình không còn thiếu ăn, chỉ thiếu tiền tiêu. Năm nay bán được 20 triệu tiền chuối, ban đầu giá bán 5 đồng Nhân dân tệ, tương đương 15.000đ/kg, đến cuối vụ, chỉ bán được 7 hào, tương đương 2.100đ/kg. Quẩy bảo: Họ mua chuối của mình quả phải đều, không bị con sâu ăn. Nếu quả bé, vỏ bị đen thì giá thấp lắm, chỉ mấy hào thôi…

Từ mảnh đất Lũng Pô trên ngọn nguồn của dòng sông Hồng tôi đứng lặng nhìn dòng sông rực đỏ phù sa đang cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi cao tiếp ứng cho những mùa màng dưới đồng bằng thêm nặng hạt. Để kết thúc bài viết này, tôi xin được nói lời tri ân những người đang sống trên khắp vùng biên giới, mặc dù cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, nhưng chính họ đang giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho sự bình yên của đất nước…

Từ trên cao nhìn xuống trạm biên phòng Lũng Pô, ngôi nhà bát giác tựa như bông sen nở rực rỡ giữa bạt ngàn núi rừng. Lần đầu tiên đặt chân lên ngọn nguồn đất nước, lòng tôi rưng rưng và nước mắt cứ trào ra khi đọc dòng chữ khắc trên tấm bia đá: "Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt".



 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top