Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hồi ức núi Bà Đen

2021-09-23 01:05

Tác giả: Tara


blogradio.vn - Núi Bà Đen thật đẹp vì được bao phủ bởi những lớp sương mù xung quanh. Cảm xúc khi ngắm nhìn núi Bà Đen từ xa khá giống với cảm xúc khi mình ngắm nhìn núi Phú Sĩ của Nhật Bản vào đầu năm.

***

Cảm giác se se lạnh, khẽ phả vào da mặt mỗi khi mình dừng chân ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời bao quanh Núi Bà Đen vẫn làm mình xao xuyến. Cái cảm giác nhẹ nhàng, bình yên, và khoang khoái ấy ai mà chả yêu cho được. Quả thật, leo Núi Bà Đen là một trong những trải nghiệm khó quên và nguy hiểm nhất mà mình từng có.

Đó là một buổi chiều Thứ Bảy cuối Tháng Mười, một buổi chiều mùa đông mát mẻ hiếm có, khi ấy mình ngồi trên sân thượng để nghe nhạc và ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh thì bất chợt trong đầu mình lóe lên ý tưởng leo núi vào ngày mai thay vì cứ nhốt mình trong phòng và lướt điên thoại. Để thực hiện kế hoạch leo núi này, mình liền chạy vụt xuống phòng và lên mạng tìm kiếm thông tin về những ngọn núi gần kề Thành phố Hồ Chí Minh. Qua vài cái tên như Núi Chứa Chan (Gia Lào), Núi Lớn, hay Núi Bà Rá, mình dừng lại ở cái tên Núi Bà Đen, rồi tò mò tìm hiểu về nó. Mất một hồi tiếp cận thông tin về núi này, mình tự nghĩ: “Chà, núi này leo ngon hà, cao gần 1000m, kiểu này tha hồ mà chinh phục”.

Chỉ còn vài tiếng nữa để chuẩn bị cho chuyến leo núi Bà Đen vào ngày mai nên mình cứ cuống cuồng lên như mồng biển, hay dân gian thường nói: “Nước tới nơi, vắt chân lên cổ mà chạy”. “Nhưng làm gì mà phải lo, vẫn còn thời gian mà”, mình tự nhủ. Để cụ thể hóa kế hoạch chinh phục ngọn núi này, mình đã ghi chú lại tất cả các chi tiết quan trọng sau:

· Núi Bà Đen tọa lạc tại xã Thạnh Tân, tỉnh Tây Ninh, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110km về phía Tây Bắc (đi tầm 3h đồng hồ).

· Phương tiện di chuyển: Xe máy.

· Tuyến đường di chuyển: Từ Hồ Chí Minh, đi theo quốc lộ 22A, đến Ngã 3 Trảng Bàng, sau đó, tiếp tục đi theo tỉnh lộ 782. Từ vị trí này, tiếp tục đi khoảng 50km nữa sẽ đến được Tây Ninh, đến đây, đi thêm 11km nữa là đến Núi Bà Đen.

· Vật dụng cần mang theo gồm: Một túi Doraemon gồm những vật dụng cần thiết như bàn chải và kem đánh răng, sửa rửa mặt, 2 cái bánh hotdog, 2l nước khoáng, điện thoại, sạc dự phòng và 800 nghìn đồng để đổ xăng và ăn uống suốt quá trình, sổ tay, bút.

Sau khi liệt kê ra tất cả các vật dụng cần thiết để mang theo, mình thấy nhẹ nhõm hẳn. Tiếp đến, mình liền mang 120 nghìn đồng ra tiệm để họ thay nhớt xe. So ra để leo được ngọn núi này có thể mất cả triệu bạc. Nhưng dù sao chi tiền cho những trải nghiệm bổ ích thật sự là một việc nên làm.

Cả đêm thứ Bảy ấy hầu như mình thức trắng đêm, phần vì chuẩn bị đồ đạc, phần vì háo hức cho chuyến leo núi ngày mai. Đôi lúc mình thấy chột dạ rồi nươm nướp sợ bởi vì đây là lần đầu tiên mình leo núi, ai bảo thân nữ nhi mà lại cứ thích đi một mình. Nhưng nếu các nữ phượt thủ có thể làm được, thì mình cũng vậy, thế là mình lại tự khích lệ bản thân: “Có gì mà sợ, phải mạnh mẽ lên!”. Trong lúc thu xếp đồ đạc thì mình lăn ra ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Ring ring ring, tiếng đồng hồ báo thức reo lên inh ỏi, lúc này là 3 giờ 40 phút sáng. Mình ngồi bật dạy, tắt báo thức, làm vệ sinh cá nhân và chuẩn bị lên đường. Vì trời bên ngoài khá lạnh nên thay vì mặc cái áo khoác mỏng thông thường, mình đã chọn một cái áo hoodie dày để thay thế.

Sáng nay cô chủ phòng phải thức dạy rất sớm để mở cổng nên cổ có vẻ không được vui. Cô ấy có dặn dò một chút, rồi lại ngăn: “Trời, hay con ở nhà đi, chứ con gái con lứa mà đi leo núi làm gì cho nguy hiểm. Mày đi vậy, cô cũng lo”. Mình cười khì, rồi nói: “Dạ không sao đâu cô, con đi hoài rồi, nên con quen, mấy cái này có là gì đâu, có gì khi về con mua cho cô mít Tây Ninh nha, nghe nói mít ở đó ăn là số 1”. Chào cô chủ phòng xong là mình vụt xe đi ngay. Lúc này đã hơn 4 giờ sáng mà trời vẫn còn khá tối. Ngoài quốc lộ thì có khá nhiều xe qua lại, chủ yếu vẫn là các loại xe có tải trọng lớn. Trời ơi, ta nói không khí nó đã, mát lắm, yên tĩnh lắm. Chạy xe giờ này cũng an toàn nữa vì đường xá thoáng và ít xe lưu thông hơn bình thường. Nhờ đi ra đường sớm vậy mà mình có thể thấy được cảnh mấy cô chú mở chợ sớm. Có mấy bé tuổi còn nhỏ cũng tranh thủ vừa dụi mắt vừa giúp mẹ mở quầy bán.

Thế là 2 giờ đồng hồ đã trôi qua, mình cứ lái xe theo sự hướng dẫn của google map, và đã đến tỉnh lộ 782, mình dừng lại hỏi mấy cô chú uống nước bên lề đường liệu có con đường nào đến núi Bà Đen ngắn hơn không. Được hỏi, mấy cô chú hỏi liền quay sang và hỏi lại những người ngồi kế bên. Không khí tại quán cà phê buổi sáng bỗng trở nên rộn rã hơn hẳn, mọi người ai cũng nhiệt tình, có chú bảo mình có thể đi dọc theo tỉnh lộ này, rồi sau đó thấy biển hiệu tỉnh thì rẽ phải đi tiếp đến núi, nhưng nếu muốn thì có một đường tắt, đi cũng nhanh. Nhưng rồi có vài chú khác can ngăn, họ nói: “Thôi, đường đó nhiều hướng rẽ, con nhỏ đi dễ bị lạc, tốt nhất là cứ đi theo tỉnh lộ rồi hỏi tiếp”. Nhận được lời khuyên, mình thấy an tâm hơn hẳn, vì ít ra mình cũng đang đi đúng đường. Có vài anh thanh niên ga lăng thì đòi mua cho mình bữa sáng với vài chai nước, nhưng mình đã tế nhị từ chối. Chà, đi leo núi mà cũng bị giai trêu chọc, ngại ghê. Thế là, mình chào họ và tiếp tục lên đường để đến địa phận tỉnh Tây Ninh.

Đi khoảng 20 phút, xe mình không may bị tắt máy, khu này dân cư khá thưa thớt, nhà ven đường thì ít, lúc ấy mình cố đẩy xe lên tí nữa xem thử có tiệm nào sửa xe gần đấy không, nhưng mình chẳng thấy bất kì tiệm nào cả. Mới dắt xe được một đoạn ngắn mà mình toát hết cả mồ hôi, công nhận xe này nặng thật. Có tiền mua xe mới là mình đã tiễn nó đi lâu rồi. Nhưng dù sao thì cũng nhờ có nó là mình có thể dễ dàng đi đây đi đó, giờ nó hư, thì cứ sửa thôi. May mắn thay có hai cô chú chạy xe ngang qua, dừng lại rồi giúp mình đẩy xe được một đoạn, đi một lúc thì chú ấy dừng lại và chỉ cho mình cái tiệm bên đường để sửa. Chú nói tiệm này quen, sửa cũng ổn nên dắt xe tới đó cho họ xem. Do bình xe bị yếu nên xe hay tắt máy. Trong thời gian chờ đợi họ sạc bình và thay buri xe, mình tranh thủ lấy hotdog ra ăn, đúng là đói nên ăn cái gì cũng thấy ngon. Thế là đã hơn 30 phút trôi qua, lúc này là 8 giờ 10 phút sáng, mà mình vẫn chưa tới núi Bà Đen được, mình thấy cũng hơi lo lắng, vì thời gian của mình không còn nhiều. Anh thợ mang xe ra, cho nổ xe rồi tính tiền, thế là mất thêm 100 nghìn đồng nữa. Nhân tiện, cũng hỏi mấy anh con đường đi đến núi gần nhất, họ nói sắp đến rồi, tầm 15km nữa thôi, cứ rẽ phải, đi thẳng là tới. Đúng thật, khoảng 30 phút sau là mình đã thấy núi lấp ló đằng xa, thế là mình tranh thủ dừng xe bên lề đường để ngắm nhìn Núi Bà Đen giây lát, nhân tiện chụp luôn môt bức ảnh toàn cảnh của nó. Núi Bà Đen thật đẹp vì được bao phủ bởi những lớp sương mù xung quanh. Cảm xúc khi ngắm nhìn núi Bà Đen từ xa khá giống với cảm xúc khi mình ngắm nhìn núi Phú Sĩ của Nhật Bản vào đầu năm.

Mình lập tức tìm chỗ đỗ xe ngay khi vừa đến núi, bãi đỗ rất thoáng, mình nhớ không nhầm thì có đến tận 2 bãi đỗ xe máy với sức chứa cả nghìn chiếc. Vì là lần đầu mình đến đây nên mình đã hỏi anh chị quầy vé thông tin về các tuyến đường lên núi cho tiện. Nhưng thay vì hướng dẫn cho mình lối lên thì họ lại tư vấn vé cáp treo. Thật thất vọng. Sau đó, mình có đến và hỏi chú bảo vệ kế bên quầy bán nước, chú ấy nói là có 4 tuyến đường để chinh phục đỉnh núi này bao gồm đường chùa, đường cột điện, đường ma thiên lãnh và đường ống. Trong đó đường Ma Thiên Lãnh là con đường nguy hiểm nhất, đi rất dễ bị lạc, đường trơn, kèm theo nhiều trở ngại và vật chắn. Nói chung, nếu bạn muốn leo núi bằng con đường này thì các bạn phải có kinh nghiệm leo trước đó, hay ít ra bạn cần phải có một ý chí sắt đá, nên hầu như con đường này chỉ dành cho dân chuyên nghiệp vì họ đã từng leo núi bằng các con đường khác. Nếu bạn là dân leo núi nghiệp dư như mình thì nên đi theo nhóm 4 đến 5 người, có kèm theo người hướng dẫn. Hai lựa chọn tiếp theo gồm đường chùa và đường cột điện. Hai đường này dễ leo hơn, và nó cũng có đánh dấu hướng đi sẵn nên chú ấy đã hướng mình đi theo một trong hai con đường ấy. Còn đường ống thì đang trong quá trình hoàn thiện cho nên không nên đi. Sau một hồi cân nhắc thì mình đã quyết định leo đường cột điện và nhờ chú ấy chỉ cho lối vào. Từ địa điểm quầy vé, mình cần quay ngược lại, đi thẳng đến biển hiệu hướng dẫn lối đi của đường Ma Thiên Lãnh và đường cột điện, sau đó rẽ phải, gặp chốt biên phòng để điền thông tin và họ sẽ chỉ tiếp.

Khi mình đến chốt trực, mình tiến hành điền đầy đủ thông tin liên lạc theo hướng dẫn, và không quên xin số điện thoại của đội cứu hộ. Tiếp đó, mình có mua một chai nước trà xanh (chỉ 15 nghìn đồng thôi), rồi được một anh trong đội chỉ đường cho lên. Anh trực chốt đưa tay chỉ về phía bên phải nên mình cứ đi theo sự hướng dẫn của anh ấy. Và rồi, bạn biết không, mình bị lạc vì đi nhầm đường. Thay vì rẽ trái tại khúc cua để đi theo đường cột điện thì mình cứ bắt đường bên phải mà đi, vì lúc ấy hình ảnh anh trực chốt chỉ tay về bên phải cứ hiện lên trong đầu mình.

Đi được khoảng 200m hay 300m thì mình dừng lại uống nước và ăn trưa, lúc ấy là 10 giờ 20 phút, trời nóng như đổ lửa, mình không mang theo nón, nên đã đội tạm cái nón trên áo hoodie của mình. Cũng may là cây cối xung quanh cũng dày nên có nhiều bóng mát. Lúc này, mình đang đi dọc theo đường ống, nhưng mình chẳng hay biết gì cả. Mình tự hỏi: “Ủa, sao ở đây có nhiều ống sắt màu xanh to vậy, mấy ống này chạy một mạch từ trên xuống, tạo một đường thẳng tắp. Mấy ống này để làm gì?”. Thế là mình sinh nghi, phần vì đi lâu quá rồi mà chẳng thấy cái cột điện nào, phần vì có cảm giác mình đã đi nhầm vào đường ống như chú bảo vệ có nói. Nhưng thay vì gọi điện để hỏi người trực chốt, thì tính ngang bướng của mình đã thôi thúc mình leo tiếp. Một lúc sau, mình bị kẹt giữa những tảng đá to, được bao phủ bởi những bụi gai lớn xanh rì, mình thầm nhủ: “Kiểu này thì toang rồi”. Để vượt qua tảng đá lớn thế này, mình đã phải dùng hết sức lực để nắm chặt các lõm sâu, nhoài người lên rồi quàng chân qua ống để giữ lại, thật sự cảm giác ấy giống như bạn đang đứng trước mõm tử thần, bạn có hai lựa chọn, hoặc là leo lên cao, hoặc rơi xuống. Và rồi ý chí mình đã thắng, mình đã leo lên được, dưới cái nắng chói chang trên 36 độ, không có tán lá cao nào gần kề, và những cái ống đang ngày càng nóng lên, mình đã không thể ngồi nghỉ vì tất cả tảng đá đều nóng như đun.

Mình sợ lắm, người bắt đầu run khi nghe những tiếng vang rất lạ, tiếng kêu của con vật hay chỉ đơn giản là tiếng cây cối đung đưa trước gió. Thật sự mình không biết rằng mình đã lo sợ đến mức phải khóc. Mình quyết định mở balo, lấy điện thoại và bắt đầu gọi đội hỗ trợ, cuộc gọi đầu tiên không thành công nên mình đã thử gọi lần hai, một người đàn ông bên đầu dây bắt máy. Mình nói: “Anh ơi, em là Thuận, hình như em bị lạc rồi, anh có thể hỗ trợ đưa em xuống được không?”. Anh ấy hỏi mình tới cột điện thứ mấy rồi, mình nói là mình không biết. Sau đó anh ấy lại hỏi gặng, vậy em đang đứng ở đâu? Mình trả lời là mình đang đứng giữa những tảng đá rất to, xung quanh có những cái ống rất lớn. Thế là anh ấy chắc chắn nói: “Em đi nhầm đường rồi, bây giờ mọi người đang không có ở chốt, chỉ có mình anh trực ở đây nữa chứ. Em có muốn ngồi ở đó chờ anh lên đưa xuống không? Có thể sẽ mất cả tiếng đó. Hay là em thử theo đường ống đó mà leo xuống lại”. Mình ngừng khóc, rồi cuối cùng cũng đồng ý leo xuống. Người mình bị ê ẩm hết cả rồi, mình muốn leo lên đến đỉnh, nhưng giờ mình đã đi sai đường nên buộc phải xuống lại theo đúng cách mà mình đã đi lên. Giờ đã là 10 giờ 6 phút rồi, mình phải tranh thủ leo xuống thôi, chứ còn cách nào đâu. Khi nhìn xuống, mình đã cảm thấy rất sợ, con đường đi xuống khá phẳng và trượt hoặc bị chắn bởi những bụi cây và tảng đá to, tất cả những gì mình có thể làm là trượt xuống theo đường ống. Và mình đã làm được. Mình cuối cũng cũng đã xuống lại điểm xuất phát ban đầu.

Thay vì tự tìm đường đến cột điện, mình đã chạy xuống chốt để xin mấy anh giúp dẫn mình đi một đoạn vì mình không muốn lại bị lạc. Lúc đó, anh trực chốt rất bất ngờ khi thấy mình, anh ấy nói: “Trời, em làm anh hết hồn, anh sợ em còn đang ở trên đó nên đang nhờ người lên tìm, ai dè xuống rồi. Thôi, đừng leo lên nữa, con gái con lứa đi một mình nguy hiểm lắm, với lại cũng trễ rồi”. Mình bảo: “Dạ không, em phải leo tiếp chứ, anh bán cho em một lon bò húc, rồi dẫn em đến mốc có cây cột điện nha, em muốn lên càng nhanh càng tốt”. Người đã muốn đi thì anh ấy giữ lại sao được, mua xong một lon bò húc với hai chai nước khoáng, mình lại tiếp tục đi. Anh ấy dẫn mình đi một đoạn, đến cột điện đầu tiên anh ấy dặn: “Nè, em thấy nó để cột số 1 đúng không, hồi nãy giờ mình cũng đi được một quãng khá xa rồi đó, bây giờ em cứ bắt đường này mà đi, ở đây có đánh dấu lối đi rõ ràng, nên lúc nào cũng phải nhìn theo dây mà đi, dây dẫn tới đâu thì đi tới đấy, kẻo bị lạc lần nữa. Nhớ là có chuyện gì phải gọi liền cho đội cứu hộ nha”. Mình háo hức hẳn, hai con mắt sáng trưng, gật gù, dạ dạ vâng vâng liên hồi. Thế là cứ theo con đường đó mà mình cứ leo thôi.

Giữa đường mình gặp hai vợ chồng người Hàn Quốc đang đi xuống, mình chào rồi mọi người cười rồi tiếp tục đi. Hoàn thành xong cột mốc 62 thì cũng đã gần 2 giờ chiều. Lúc đấy, mình gặp một nhóm bạn thiếu niên, có thể chỉ vừa mới học xong trung học cơ sở. Khi đi ngang qua mình, các em ấy hỏi thăm liệu mình có mệt lắm không, rồi khuyên mình nên đi xuống núi chung vì đã khá trễ. Mình cười rồi nói: “Chị khỏe lắm, con đường này cũng dễ đi nên chị đi khá nhanh, giờ gần tới đích mà đi xuống thì uổng nè”. Thấy vậy, hai bạn trai trong nhóm ấy lấy ra hai chai nước 500ml đưa cho mình, mình rất xúc động, mình lịch sự từ chối, nhưng các em nói: “Không sao, tụi em còn vài chai mà, đủ uống cho ngày mai luôn đó chớ, chị cứ giữ lấy mà phòng hờ, đường đi còn xa mà”. Quả thật, những hành động như vậy khiến mình cảm thấy rất ấm lòng. Giờ chỉ còn khoảng một phần ba con đường trước mắt, để đi nhanh hơn, mình bắt đầu chạy trên những đoạn đường dốc thoải.

Thật sự đường cột điện này đi khá nhẹ nhàng, mình có thể vừa leo núi vừa hát, vừa ngắm nhìn chim bay và khung cảnh xung quanh mà không quá mệt như khi mình leo đường ống. Trên đoạn đường đi lên, mình còn bắt gặp cả cây quýt, chuối, mít đậu quả hẳn hoi. Mình đưa tay một trái quýt và ăn thử, chao ôi, nó chua đến chảy nước mắt. Vậy là cơ hội nạp vitamin C coi như vụt qua tay. Cột mốc 79, đường khá trơn trợt, dọc đường có nhiều khe nước chảy xuyên qua những phiến đá phủ đầy rong và rêu xanh, nếu đi bất cẩn rất dễ bị trượt nên mình đã mất khá nhiều thời gian để hoàn tất cột mốc này. Đồng hành với mình trên cột mốc này là một tốp thanh niên khoảng 10 người. Họ đang nghỉ ngơi giữa chặng, mồ hôi rũ rượi, có người không nói nên lời, họ trông rất mệt mỏi, điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì họ mang khá nhiều đồ đạc để cắm trại qua đêm, chúng mình có bắt chuyện một chút, sau đó mình chào tạm biệt và bắt đầu đi tiếp. Cách đó vài chục mét là một anh chàng có vóc dáng thể thao, anh ấy hỏi mình có muốn đi chung với nhóm bên dưới do ảnh hướng dẫn không, vì nhóm sẽ ở lại cắm trại nên sẽ vui lắm, với lại có gì mai về chung. Nghe thú vị thật đấy, nhưng mình không thể ở lại, vì sáng mai mình phải đi làm nên mình bắt buộc phải về lại trong ngày.

Đoạn đường từ cột điện 90 đến 97 khá thoải nên mình có thể tăng tốc bằng cách chạy thật nhanh. Từ cột điện 100 trở đi, bạn sẽ có cảm giác như đang đi trong khu rừng rậm vì lối đi khá nhỏ, có thể chỉ vừa một người đi. Đi qua cột mốc thứ 102, mình không may bắt gặp bốn anh chàng, trông khá ngổ ngáo, thấy đáng ngờ nên mình đi chậm lại, giả vờ nhìn xuống và kêu to: “Anh Dương Minh ơi, chị Phương ơi, em ở đây này, mọi người tới chưa?”. Thấy vậy, hai trong bốn anh cười to, rồi cởi áo thun đang mặc trên người ra. Mấy anh này chỉ dọa mình thôi, bởi vì sau đó họ cũng vắt áo trên vai mà đi xuống. Vừa đi vừa cười nói ầm ĩ. Trời ơi, tim mình như muốn bay ra khỏi lồng ngực. Khi họ đi được một đoạn, mình liền chạy đi thật nhanh, vừa mệt vừa sợ. Vượt qua 117 cột điện, cuối cùng mình cũng đã lên tới đỉnh núi. Từ đỉnh, bạn có thể thấy cáp treo, tượng phật, và những công trình đang xây dựng xung quanh núi. Khung cảnh dưới chân núi đẹp nên thơ bởi nó được bao phủ bởi lớp sương mù khá dày. Mình rất thích cảm giác ấy.

Khoảng 3 giờ kém thì mình bắt đầu xuống núi, ở đó có hai cô chú đang dựng lều, họ nói mình nên xuống núi theo đường chùa cho tiện, nếu muốn mua thức ăn nước uống hay trời tối thì cũng có người giúp đỡ. Thế là mình nghe theo họ, và xin họ chỉ lối và bắt đầu đi. Lúc này điện thoại mình còn vỏn vẹn 19% pin, mình đã cố gắng không sử dụng đến nó nữa. Thế là, mình đã mở balo để sạc pin thông qua cục sạc dự phòng. Khi mở balo, mình mới tá hỏa khi không thấy sạc dự phòng đâu, mình giận tím người. Điều mình cần làm là phải xuống núi nhanh nhất có thể trước khi trời tối, và không được sử dụng điện thoại thêm nữa ngoài việc bật đèn pin soi đường. Mình biết, dù cho thế nào đi chăng nữa thì vẫn cần tiết kiệm pin điện thoại để gọi trong trường hợp khẩn cấp.

Vì mình bị mù đường, nên khi vừa xuống núi được một đoạn thì mình lại bị lạc đường, quả thật mình không thể hình dung ra đường chùa đi như thế nào cả, nên cứ bắt đường nào lớn nhất mà đi. Mình tin rằng những ống nước này sẽ là nguồn cung cấp nước sạch cho những ngôi nhà dưới chân núi hay cho nhu cầu sử dụng của nhà chùa, nên cứ theo nó mà đi xuống. Hơn một giờ trôi qua, sau khi leo xuống được một đoạn khá xa, mình bị trượt chân, và ngã ba lần. Bầu trời lúc này vẫn còn khá sáng cho dù mưa phùn đã bắt đầu rơi nặng hạt hơn. Và khoảng 30 phút sau, trời bắt đầu nhá nhem tối, và mình đang dần chìm vào bóng đêm. Mình bắt đầu nươm nướp sợ, và một lần nữa mình lại bật khóc. Sao mình ngớ ngẩn quá, sạc dự phòng cũng bỏ quên. Giờ đây, chính sự liều lĩnh đang đánh bại ý chí của mình. Điều đó khiến mình cảm thấy bản thân thật sự yếu đuối. Nhưng cho dù có như thế nào thì mình vẫn cần phải bước tiếp, mình cố gắng dùng tay chạm vào những sự vật xung quanh rồi mò mẫm mà đi.

Thế rồi đến một đoạn đường trơn, mình lại bị trượt chân, lần này trượt sóng soài rồi lăn hai vòng đến khi cơ thể được một tảng đá lớn chặn lại, đầu của mình chúi xuống đất, được che đỡ bởi một phần của chiếc balo bên dưới, bàn tay mình đang nắm chặt lấy mảnh gai xương rồng sau khi cố gắng nắm lấy bất kể những mình có thể. Sau đó, mình cố gắng hết sức để mon men đứng lên tìm điểm tựa, rồi lại ngồi bệt xuống và dựa lưng vào tảng đá khi nãy. Tiếng thác nước đổ xuống không mạnh, nhưng vì không gian quá tĩnh mịch và mình lại đứng qua gần thác nên mình cứ có cảm giác nó gầm gừ như muốn nuốt chửng mình. Nước thấm vào làm quần áo ướt sũng, và bàn tay mình đầy vết chi chít bởi gai nhọn mà mình không đủ can đảm để lấy chúng ra. Mình mệt lắm, mệt rã rời. Mình đã thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, ngay lúc này đây, xin Chúa cho con được bình an, được sống trong tình yêu thương và sự bao bọc của người”.

Trong khoảnh khắc vô vọng ấy, mình rút điện thoại ra và lấy hết can đảm gọi cho đội cứu hộ. Nhưng điều khiến mình bất ngờ là khi mình vừa mở điện thoại ra, thì màn hình hiện lên rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ anh trực chốt sáng nay. Không chút do dự, mình liền quay số và gọi lại cho anh ấy. Khi nghe giọng nói của anh, mình đã không thể kiềm được nước mắt. Anh hỏi mình đang ở đâu, nên mình đã mô tả lại vị trí mà mình đang ngồi, nhưng ngoài việc mình biết mình đang ở gần một con thác thì mình không thể thấy gì khác. Thông tin chỉ vọn vẹn vài từ. Anh ấy nói sẽ gọi cứu hộ đến ngay, và tranh thủ trấn an mình. Anh ấy nói mình đừng khóc, vì anh ấy có em gái cũng gần bằng tuổi mình nên thấy thương cho mình. Mình không dám nói lâu vì điện thoại giờ chỉ còn lại 2% pin. Sau đó, mình liên tục nhận được hai cuộc gọi khác từ đội cứu hộ. Họ cũng hỏi thông tin về vị trí mình đang đứng, nhưng tất cả những gì mình có thể mô tả chỉ có vậy. Và một anh trong đội cứu hộ nói có thể là mình đang ở trong lòng thác nên phải đứng yên, vì nếu không may trượt chân mà bị ngã xuống lòng thác sâu thì sẽ bị mất mạng. Nên việc lúc này là cần phải thật bình tĩnh. Anh ấy cũng hứa với mình là đội cứu hộ đang trên đường đi đến chỗ mình nên mình để mình cảm thấy yên tâm hơn.

Trong màn đêm của núi, bạn dễ dàng nghe được tiếng nước đổ xuống, tiếng con vật kêu thất thanh, và tiếng côn trùng rít từng đợt. Để giữ bình tĩnh, mình hầu như chỉ nhìn lên bầu trời hoặc nhìn xuống chân núi, ngắm nhìn những ngôi nhà và dòng xe qua lại, mình cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Trong giây phút ấy, hình ảnh về những người thân trong gia đình, cũng như bạn bè, đồng nghiệp cứ hiện ra trước mắt mình. Nếu ba mẹ mình biết mình đi leo núi một mình và bị lạc thế này thì mình chắc rằng họ sẽ ngăn mình lại bằng mọi giá.

Đến 9 giờ 15 phút tối hôm ấy, tia hy vọng cuối cùng đã xuất hiện khi mình thấy ánh đèn pin chiếu rọi xung quanh. Họ bắt loa và gọi tên mình, họ hét rất to, nhưng vì ở khoảng cách rất xa nên mình không nghe rõ lắm. Lúc ấy điện thoại mình đã bị tắt nguồn nên mình không thể bật đèn pin sáng để gửi tín hiệu. Thay vì đứng yên, mình đã lấy hết tất cả sức lực còn lại để hét to: “Cứu, tôi ở đây này. Có ai không, làm ơn, cứu với”. Vừa hét tôi vừa vẫy tay vì có thể ai đó sẽ thấy tôi rõ hơn. Nhưng rồi 5 phút rồi 10 phút trôi qua, tiếng nói ở dưới cứ nhỏ dần, ánh đèn soi bắt đầu rọi vào những khu vực xa hơn. Trong khoảnh khắc ấy, mình thấy hoàn toàn vô vọng, mình sợ họ không thể nhìn thấy mình. Nhưng rồi, mình đã không từ bỏ, mình cố gắng gượng dậy, vẫy tay và tiếp tục hô to: “Cứu, tôi ở đây này, làm ơn!”. Mình cứ làm như vậy cho đến khi có người rọi đèn thẳng vào mình. Có tiếng gọi bên dưới vọng lên: “Thấy rồi”. Lúc này, mình hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhõm và ngồi bệt xuống vì mệt. Cơ thể mình cứ run cầm cập, phần vì đói, phần vì lạnh, và phần vì lo lắng. Thú thật, mình chưa bao giờ trải qua nhiều cảm xúc tromg cùng một lúc như lúc này.

Ánh sáng dường như càng lúc càng lớn dần, nhưng mình phải đợi gần một tiếng sau thì đội cứu hộ mới đến chỗ mình. Khi họ tiến lại gần, một anh rọi đèn sát vào mặt mình, và hỏi mình cảm thấy thế nào rồi, có đi được không. Một anh khác đứng kế bên, đang cố gắng giăng dây thừng qua các tảng đá, và nhánh cây gần kề để đưa mình xuống vì đoạn đường này bị ngắt quãng. Hai anh mới đến cứ thay nhau hỏi liệu mình có ổn không, anh khác lại nói hay để cho em nó nghỉ một chút, nó run quá kìa. Đội cứu hộ này có bốn người tất thảy, mỗi người làm một nhiệm vụ. Lúc này, cố gắng đưa mình ra khỏi lòng thác trước, tìm chỗ bằng phẳng rồi đỡ mình ngồi xuống. Một anh nói: “Bây giờ tính sao chứ em gái này đang run quá, chắc là bị nhiễm lạnh”. Lúc ấy, mình chỉ ngồi im, nghe họ nói chuyện với nhau mà mình không thể nói một lời.

Anh cao nhất trong đội bất chợt cười to khiến mình giật mình. Anh ấy nói: “Con nhỏ này đúng gan thiệt, hồi nãy nghe đại đội trưởng nói mà tao giật mình, ổng nói còn một con nhỏ leo núi mà chưa thấy xuống, giờ bị kẹt đâu đó trên đây, đúng là gan thiệt. Hiếm có ai dám đi leo vậy lắm. Lần sau có đi một mình thì nhờ mấy anh dẫn đi, còn không thì đi với bạn hoặc người yêu nha, chứ đi như vậy rồi bị lạc thì khổ”. Nghe anh ấy nói, mình tán thành nên đã gật đầu đồng ý. Sau đấy, mọi người giăng dây dọc theo thân cây mà đi xuống. Theo họ, con đường này hầu như rất ít người đi, bởi nó là một phần của Tuyến đường Ma Thiên Lãnh, nên giờ muốn đưa mình xuống thì họ cần phải rất thận trọng, phần vì mình khá yếu, phần vì trời rất tối nên khó tìm đường ra.

Mọi người có phổ biến cho mình một số thông tin về độ cao và những lưu ý trên các đoạn đường cả nhóm sẽ đi qua để đi xuống núi. Theo đó, mình và đội cứu trợ đang ở đội cao gần 300m kể từ chân núi. Để xuống núi này, cả nhóm cần băng qua vài con suối nhỏ bằng dây thừng. Ngoài ra, lối đi xuống núi hiện tại đang rất trơn vì trời vừa mưa xong, nên trong quá trình đi cần giảm tốc độ bước chân đến mức tối thiểu. Sau đó, một anh bắt đầu đeo cho mình một cái đèn soi trước trán để mình dễ nhìn đường. Bây giờ là 10 giờ 20 phút, tuy rằng có hơi đói bụng, nhưng mình thấy đỡ hơn rồi, và mình cũng lấy lại bình tĩnh để có thể xuống núi một cách nhanh nhất. Thế là cả nhóm bắt đầu đi, vừa đi họ vừa kể những câu chuyện xoay quanh núi Bà Đen nên mình thấy thời gian trôi qua khá nhanh.

Đoạn đường mình thích nhất đó là khi đu dây và đu các cành cây triễu xuống nước để bước qua các tảng đá lớn dưới lòng suối. Nó khá mạo hiểm nhưng vui lắm. Hồi nhỏ mình cũng hay đu cành cây nên nó chẳng gây ra bất cứ khó khăn nào. Đôi lúc khi đi qua những đoạn đường cát lún mà những tảng đá lại cách xa nhau, các anh trong đội cứu hộ lại thay phiên cõng mình qua, vì chân mình không vướng tới. Họ thật sự rất tốt bụng, và mình rất cảm kích vì điều ấy. Khoảng một giờ đồng hồ sau, cuối cùng cả nhóm đã có thể đi xuống bằng đường chùa, lúc này mình mới biết đường chùa là con đường được xây dựng thao dạng bậc thang nhằm phục vụ để dân tiện lên và xuống núi. Từ địa điểm chúng mình đang đi xuống đến chốt phải mất gần một giờ đồng hồ nữa. Mình có cảm giác nhức ở lòng bàn chân vì mình đã di chuyển khá nhiều trong ngày nên đây cũng là điều dễ hiểu. Vì đường bậc thang dễ đi và lại mát mẻ nên mình cảm thấy khá thoải mái.

Cố gắng đi mãi cuối cùng tất cả mọi người cũng về lại chốt. Mấy anh trong đội cứu hộ dẫn mình vô chốt trực để rửa mặt. Sau đó, họ có hỏi một số thông tin cá nhân để lưu và danh sách những người đi lạc. Khi đã lấy thông tin xong, tiểu đoàn trưởng đã dùng một chiếc xe máy đưa mình và vợ đến một nhà nghỉ để đăng kí trọ lại, vì giờ cũng quá nửa đêm. Thế rồi cuối cùng mình cũng có chỗ nghỉ ngơi sau một ngày dài, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì điều ấy. Khi tiến hành giao chìa khóa phòng cho mình, anh chủ nhà nghỉ có nói tiền phòng là 200 nghìn đồng một đêm, nhưng vì tiểu đội trưởng đội cứu hộ có quen với anh nên anh giảm cho mình 50 nghìn đồng, giờ còn 150 nghìn. Thời gian trả phòng trước 2 giờ chiều mai. Mình còn nhớ lúc đó mình còn vỏn vẹn 300 nghìn đồng trong ví, nếu trừ đi 150 nghìn đồng tiền phòng thì mình chỉ còn 150 nghìn đồng, đủ để đổ xăng đi về. Tối hôm ấy mình được cho một gói mì nên mình không cần mua thức ăn cho bữa tối. Tắm rửa và vệ sinh cá nhân xong là mình đi ngủ ngay vì mắt mình không tài nào mở lên được.

Sáng hôm sau, mình thu dọn đồ đạc sớm rồi tranh thủ trở về Hồ Chí Minh trước khi nắng lên cao. Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy mình tiến hành trả phòng. Khi mình gửi tiền phòng tại quầy tiếp tân, thì anh chủ nhà nghỉ không nhận và gửi lại cho mình với lời dặn: “Em cứ giữ số tiền này mà đổ xăng đi đường, hay em muốn mua cái gì đó từ Tây Ninh về làm quà thì em cứ mua nha. Khi nào có dịp xuống Bà Đen lại thì gửi anh sau cũng được. Đi đường cẩn thận nha!”. Cầm số tiền trong tay mà mình rươm rướm nước mắt. Anh chủ nhà nghỉ chỉ nhìn mình cười rồi nói: “Thôi, 150 nghìn đồng, số tiền nhỏ xíu đó mà, em khỏi bận tâm nha. Tiện thể để anh chở em ra bãi đỗ xe, vợ anh cũng muốn anh làm vậy mà. Em đừng ngại”. Thế là anh chở mình vào bãi đỗ xe rồi chào tạm biệt trước khi về. Khoảnh khắc ấy thật đẹp. Đến tận hôm nay, khi nhìn lại, những kỉ niệm ấy vẫn xuất hiện trong tâm trí mình rõ như in. Và, chắc chắn rằng mình sẽ không quên tình cảm mà người dân Tây Ninh đã dành cho mình.

Hẹn gặp lại Tây Ninh, hẹn gặp lại Núi Bà Đen trong một dịp không xa khi mình đã có những sự chuẩn bị tốt hơn. Cảm ơn vì tất cả!

Tự truyện Nguyễn Mỹ Thuận

© Tara - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Blog Radio 546: Được sống là món quà vô giá

Tara

Một cô gái nhạy cảm nhưng mạnh mẽ. Tôi yêu mọi điều trong cuộc sống này. Leo núi, đọc sách, chạy bộ và du lịch đó đây là những sở thích thường ngày của tôi. Tôi yêu cuộc đời, yêu mọi người, yêu thiên nhiên, yêu gia đình và công việc của mình. Tuy mạnh mẽ là vậy nhưng không nhiều người biết rằng tôi cũng chỉ là một cô gái mặc lấy tâm hồn mỏng manh và dễ bị tổn thương bởi cuộc sống của tôi không phải chỉ màu hồng, mà đó là cả một hành trình của sự hi sinh và đánh đổi.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top