Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hoài niệmTết xưa

2013-02-11 08:43

Tác giả:


Bài dự thi Tết trong tim tôi.

Tết Tết Tết …Tết đến rồi, Tết Tết Tết …Tết đến rồi.

Tết Tết Tết …Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người…

Bài hát vẫn bất chợt vang lên đâu đây trong khu phố nhỏ, vào những buổi sáng tháng chạp này, khi trời còn chưa sáng rõ.

Những lời hát của quê hương tôi, những lời hát đã quá quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Ngay cả ở nước Mỹ này, một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, thì khi những lời hát này vang lên vào mỗi dịp xuân về, cũng đều khiến mỗi một người con của đất Việt nơi đất khách quê người, lại trào dâng một niềm hân hoan, một cảm giác hoài niệm nhớ nhung thật khó tả.

Và với riêng tôi, một người con xa quê hương đã hơn hai mươi năm trời, đó còn là một cái gì tiếc nuối nữa!

Hôm nay, nếu như tính theo lịch cổ truyền, đã là hai mươi ba tháng chạp. Lúc này khoảng tám giờ sáng, tôi kiểm tra lại hành lý một lần cuối, chuẩn bị cho chuyến bay chiếu nay. Nếu tính từ lần tôi về quê gần đây nhất, thì đến giờ đã hơn hai mươi năm, nhưng lần ấy không phải là tết. Và từ khi định cư hẳn ở bên này, cũng chưa lần nào tôi trở về Việt Nam ăn tết cả.

tết

Lần về quê này tôi đã dự định từ mấy tháng trước, và cũng thấy bình thường như mọi lần đi công tác của tôi thôi. Chỉ khoảng hai ba ngày trở lại đây, bỗng dưng tôi lại có cái cảm giác bồi hồi, suốt ruột khó tả. Không phải là mong ngóng đến ngày về, mà là một cái cảm giác bứt rứt, hụt hẫng gần như là nhớ nhung hay tiếc nuối một cái gì đã xa xôi, mờ nhạt lắm. Thành ra tôi thấy buồn buồn, thi thoảng lại bâng khuâng thơ thẩn cả người.

Hành lý mang theo cũng không có gì nhiều, chỉ vài bộ quần áo, mấy thứ đồ dùng cá nhân và một vài món quà nho nhỏ cho cô chú và mấy đứa em họ ở quê. Trong khi lục tìm một món đồ gì đó, tôi vô tình cầm lên một chiếc túi vải nhỏ, bất chợt khiến tôi rùng mình, một cảm giác lâng lâng nghẹn ngào ập vào tôi. Bên trong chiếc túi vải là bộ quần áo mà bà nội tôi đã mua cho tôi vào đúng ngày này hai mươi ba năm về trước… Tôi lặng đi, thẫn thờ ngồi xuống, chăm chăm nhìn vào chiếc túi vải. Những kỉ niệm của một thời thơ ấu đã qua rưng rưng ùa về ...

Vào dịp tết năm ấy, tôi còn là một đứa trẻ mười, mười một tuổi. Ngày đó gia đình tôi còn nghèo lắm, bố mẹ tôi làm việc ở trên thành phố, còn tôi ở với ông bà nội dưới quê. Một năm bố mẹ tôi về có ba lần. Một lần vào những ngày hè tháng năm, tháng sáu, một lần vào dịp quốc khánh mồng hai tháng chín, và lấn thứ ba chính là dịp tết nguyên đán này.

Bởi vậy tuổi thơ tôi là những ngày tháng êm đềm sống bên ông bà nội. Ông bà thương tôi lắm. Tôi còn nhớ vào những đêm hè nóng nực, khi ấy ở quê còn chưa có điện ông bà thường mang chõng tre ra ngoài sân ngồi hóng mát, và khi ấy tôi sẽ nằm bên cạnh bà để được nghe bà kể chuyện cổ tích. Bao nhiêu là chuyện, dễ tất cả những câu chuyện mà bà đã kể, có thể viết thành một pho từ điển chuyện cổ tích cũng nên. Thi thoảng bà lại kể những câu chuyện về ngày tết như sự tích bánh chưng bánh giầy, sự tích cây nêu xanh, sự tích ông công ông táo, sự tích bao lì xì,... Mỗi lúc như vậy tôi lại hỏi bà:

- Bà ơi, thế khi nào mới đến tết hả bà?

Ông tôi ngồi ở bờ hiên, vừa châm thuốc hút vừa mắng yêu:

- Cái thằng… còn chưa đến trung thu thì mò đâu ra tết.

Bà tôi nói chêm vào:

- Mày mong đến tết để trông bánh chưng cho bà, rồi lại ngủ lăn quay ra đấy như mọi năm hả?

Tôi ngồi hẳn dậy, nói như thể tuyên bố một cái gì trọng đại lắm:

- Đấy rồi ông bà xem, nhất định năm nay cháu sẽ thức trông đến sáng, hôm nào luộc bánh trưng cháu sẽ ngủ trưa một giấc thật đẫy, đấy rồi ông bà xem.

Ông tôi thở vội đám khối thuốc lào đen sì, khét lẹt cười bảo:

- Sư bố anh… Chẳng khác gì thằng bố anh ngày trước.

Rồi mùa hè êm ả năm ấy thấm thoát trôi đi, cuối cùng chờ mãi tết cũng đến.

Tôi còn nhớ, như mọi năm trước, tết năm ấy mãi ngày hai mươi sáu tết bố mẹ tôi mới về. Nhưng không khí tết ở quê đã bắt đầu tràn ngập từ hơn nửa tháng trước.

Từ đầu tháng chạp. bà tôi đã chăm chút hơn vườn dong, bà bảo gói bánh chưng thì phải gói bằng lá dong này thì mới ngon. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại như vậy, cứ thấy lá nào gói mà chả được miễn là cái lá phải đủ to, hơn nữa mấy năm trước tôi còn thấy bác hàng xóm gói bằng cả lá chuối mà. Ông tôi thì nấu rượu nhiều hơn bình thường, vì ông bảo ngày tết người ta đi thăm hỏi, chúc tụng nhau nhiều nên phải nấu thêm để cho bà ra chợ bán. Tôi thấy thế thì hỏi, chứ còn cái món thuốc lào khét lẹt và món rượu cay xè của ông, cũng như mấy miếng trầu đắng ngoét của bà, lúc đó với tôi thật đáng ghét.

Từ mấy tháng trước bà tôi đã chuẩn bị sẵn hai vò gạo nếp và một vò đậu tương, bà bảo những cái này để nấu cơm xôi và làm bánh. Rồi tôi còn thấy bà chuẩn bị nào là hạt tiêu bắc, phải đến ba bốn luống rau thơm. Lại còn cả bầy gà nữa, con mái con trống đủ cả. Con nào con nấy béo núc ních, trông ngồ ngộ. Thi thoảng chúng lại rủ nhau chạy thình thịch, tưởng như vỡ cả nền sân.

Mới đầu tháng chạp mà không khí tết đã tràn ngập khắp nơi, người người nhà nhà chuẩn bị đón tết. Đi đến đâu người ta cũng hỏi nhau: “Thế nhà bác chuẩn bị tết nhất đến đâu rồi?”. Người lớn thì tập trung thu xếp mọi công việc cho xong để tập trung mua sắm tết. Còn trẻ nhỏ như bọn tôi thì đếm từng ngày, đó là khoảng thời gian duy nhất trong năm mà những đầu óc trẻ thơ như chúng tôi cảm nhận được rằng thời gian có lúc trôi chậm hơn bình thường. Các nhà khác trong xóm thì không biết thế nào, riêng nhà tôi thì đến rằm tháng chạp là ông bà đã chuẩn bị tươm tất hết rồi.

Cũng cái tết năm đó, là cái tết mà tôi đi chợ theo bà nhiều nhất. Tết có khác, trời sáng còn chưa rõ mặt đường mà chợ đã đông nghịt người. Dễ mấy bà bán thịt phải đi từ ba giờ sáng. Chưa kể, vào những ngày này, trời rét như cắt da cắt thịt. Thường thường vào những ngày rét như thế, phải tám giờ sáng tôi mới chịu dậy, có hôm tôi ngủ nướng, ông tôi gọi mãi nhưng tôi vẫn cứ cố cuộn người vào trong chăn, ông liền cầm roi tre vào “lôi cổ” tôi dậy như ông vẫn thường mách với bà khi bà đi chợ về. Ấy thế mà vào những phiên chợ tết ấy tôi dậy rõ sớm, từ hơn năm giờ sáng để theo bà ra chợ. Ngày nào cũng hệt như ngày nào.

tết

Đến phiên chợ ngày hai mưoi ba tháng chạp năm ấy, bà mua cho tôi một bộ quần áo mới tinh, bộ quần áo mà tôi cứ giữ khư khư trong túi cho đến lúc về tận nhà mới thôi vì tôi sợ bị bụi bẩn bám vào. Mọi lần, mỗi khi được mua quần áo mới, tôi mặc ngay sang khoe với mấy đứa hàng xóm. Nhưng lần này thì khác, tôi cất rõ kĩ, vì bộ quần áo này tôi sẽ để dành mặc vào ngày mùng một tết.

Khi ấy, tôi đã không ngờ được rằng, đó là bộ quần áo cuối cùng mà bà mua cho tôi. Bộ quần áo mà tôi còn giữ như mới tới tận ngày hôm nay. Như một kỉ vật thiêng liêng nhất thời thơ ấu.

Cũng trong phiên chợ đó, bà mua ba con cá chép, giống hệt như trong sự tích ông công ông táo mà bà vẫn thường kể. Tôi còn nhớ, lúc bà kể đến đoạn ba ông táo cưỡi cá chép lên chầu trời, tôi mới hỏi:

- Bà ơi thế các ông Táo ấy có to không bà?.

Bà cười bảo:

- To, to bằng ông nội mày ấy!

Nghe thấy vậy tôi thắc mắc:

- Bà ơi, ông ấy to bằng ông nội thì làm sao mà cưỡi được cá chép hả bà?

- Đi mà hỏi ông mày ấy.

Bà mắng yêu, rồi lại kể tiếp.

Khoảng hăm sáu hăm bảy, cha mẹ tôi về. Và thế là cả nhà lại được xum vầy, cùng nhau sắm tết, sửa sang nhà cửa, và đi thăm hỏi bà con lối xóm.


Những ngày tết năm ấy, với tôi có lẽ là những ngày tháng đẹp nhất trong đời. Bây giờ đây, đã hơn hai mươi năm trôi qua, với bao thăng trầm biến đổi của cuộc sống, bao được mất của đời thường, mà mỗi khi nhớ lại những tháng ngày xưa êm đẹp ấy, tôi vẫn tưởng chừng như vừa mới hôm qua.

Tuổi già mong manh như lá úa trên cây. Mới đó thôi ông bà tôi còn khỏe mạnh, hoạt bát, mà chỉ sau cái tết ấy vài tháng, ông bà tôi đã lần lượt ra đi. Với tôi, đó thật là một mất mát không gì bù đắp lại được.
Và cũng từ đó, cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Sau khi ngày ông bà mất vài tháng, cha mẹ đưa tôi lên thành phố ở. Thoạt đầu cái gì ở đây cũng trở nên xa lạ. Những con phố chằng chịt, ngõ thì chật, nhà thì hẹp, đường trải nhựa, có cả điện nữa. Thích ăn, thích mặc cái gì cũng có.

Rồi theo thời gian, tôi cũng quen dần với cuộc sống tiện nghi, ồn ào phố thị.

Nhưng dù vậy. trong trái tim tôi, vẫn còn đó những tháng ngày của tuổi thơ êm đềm. Trong giấc mơ tôi, tôi vẫn thấy Ông tôi, Bà tôi ngồi bên hiên nhà những đêm trời mùa hạ. Thấy những câu truyện cổ tích, những con đường làng, ánh trăng vằng vặc, thấy những ngày tháng chạp và cái tết cổ truyền, thấy nồi bánh chưng xanh trên ánh lửa hồng chập chờn sáng tối…
Ông bà ơi! Tuổi thơ ơi, có lẽ nào tất cả đã xa thật rồi sao?

Tôi bất giác thốt lên, mắt rưng rưng ướt từ lúc nào không biết!

- Đầy đủ hết rồi chứ con?

Đúng lúc ấy mẹ tôi bước vào trên tay cầm một cành đào và mấy thứ đồ hàng mã, có lẽ là đồ cúng ông công ông táo. Ở bên này, mặc dù không được như ở quê, nhưng Việt kiều chúng tôi vẫn giữ những phong tục cổ truyền quan trọng nhất trong tết nguyên đán. Tôi chưa kịp đáp lại thì mẹ đã nói, trong khi vẫn loay hoay cắm cành đào vào chiếc bình:

- Gớm, Tết nhất cái gì cũng đắt… Mà con dự kiến sang bên ấy mấy ngày ?

- Dạ khoảng mười ngày mẹ ạ!

- Ừ, thế cho nó rộng rãi, con nhớ phải đến chúc tết đầy đủ họ hàng nhà ta đấy nhé, không có người nhà quê rách việc lắm, chả mấy khi về quê lại mang tiếng này nọ, mệt lắm.
Tôi đáp lại như để cho xong chuyện:

- Vâng, con biết rồi.

Tôi giúp mẹ đặt đồ cúng lên bàn thờ, rồi quay trở lại phòng, trong lòng vẫn cứ có một cái gì buồn tẻ, nhạt nhẽo, trống không.

Trên con đường làng năm xưa, một chiều mưa bay lất phất. Tôi bước những bước chậm rãi. Đã bao nhiêu năm nay, tôi quen với một cuộc sống hối hả, ồn ào, xô bồ nhưng khi trở lại đây, nơi quê hương tuổi thơ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã chở che nuôi mình khôn lớn, tôi không thể nào không ngậm ngùi tiếc nhớ, không thể nào không có cái cảm giác như được sống lại những ngày ấy, mặc dù theo thời gian tất cả đã đổi thay, không còn nguyên vẹn nữa.

- Mẹ ơi, Bố ơi! Anh Phan về rồi này.

Thằng Tít đứng đầu ngõ, vừa trông thấy tôi, nó đã chạy thình thịch về nhà, vừa chạy vừa hô:

- Mẹ ơi! Bố ơi! Anh Phan về rồi…

Cô và hai em hớn hở ra đón. Cô tôi tay còn lấm bột gạo, chùi vội vào tạp dề:

- Gớm, cái thằng… trông còn chẳng nhận ra mày nữa. Con Đào, cầm vali cho anh.

Chưa kịp để tôi chào hỏi, cô tôi lại hỏi túi bụi:

- Vào nhà đi cháu, vào đây. Thế có mệt lắm không? Rõ thật hôm nay lại mưa phùn thế này. Bố mẹ mày khỏe không? Đấy, có tệ không cơ chứ, mười năm rồi mà cấm cho mày về lấy một lần. Ơ kìa thằng Tít, rót nước cho anh con. Ngồi đi cháu, cô đi ra rửa cái tay đã.

- Dạ, cô cứ làm đi ạ, à thế chú đâu hả cô?

Cô tôi vừa đi ra vừa nói vọng vào:

- Chú mày tranh thủ ra đồng, về ngay đấy cháu ạ.

Từ nãy thằng Tít cứ bám riết lấy tôi, lần về trước nó còn đỏ hỏn như cục than, thế mà giờ đã lớn tướng. Còn con Đào hồi ấy cứ ngồi ở một góc nhà, mút tay nhìn tôi như nhìn một cái gì lạ lẫm lắm giờ thì đã trở thành một thiếu nữ e thẹn, nó xách va li cho tôi để vào nhà rồi đỏ mặt đi luôn vào phòng trong, chẳng thấy đâu nữa.

Tôi đi xuống căn nhà cũ, chỉ căn nhà này là chưa hề đổi khác, chỉ cũ hơn một chút với thời gian. Đó là nơi thờ ông bà nội tôi. Vẫn bực hiên ấy, nhưng những cánh cửa gỗ bây giờ không còn mở ra nữa, chỉ mở ra vào những ngày rằm ngày tết hay ngày giỗ ông bà thôi. Đã hơn hai mươi năm, ngôi nhà thân thuộc vắng tiếng cười tiếng nói ông bà tôi. Tuy thế mỗi khi bước vào, tôi vẫn thấy ấm áp vô cùng. Tôi thắp nén hương cho ông bà, làn khói trầm bay nghi ngút, như đưa tôi về những ngày tháng xa xưa. Tôi thầm nói “Ông bà ơi, cháu đã về rồi đây”

- Thằng Phan về rồi à? Đâu rồi? Mẹ cha mày, thế mà tao cứ tưởng tết này mày không về cơ đấy – Ông chú chống vội cái xe đạp. nói toáng lên.

- Cháu chào chú ạ!

-Ừ, thế đang thắp hương cho ông bà đấy hả? Ừ đúng rồi, phải thế mới được. Lúc ông bà mày mất, chỉ gọi mỗi tên mày. Thôi lên nhà chơi đi cháu, lên nhà cô dọn cơm ăn, chắc đói rồi còn gì, thế bố mẹ mày bên đó thế nào, có khỏe không?

- Dạ, thưa chú bố mẹ cháu khỏe.

- Thế sao mày còn chưa chịu lấy vợ đi, để ông bà ấy chờ mãi.

- Nó kén quá đấy mà – cô tôi vừa bê mây cơm vừa nói chen vào – mày có muốn lấy vợ quê không, về cô giới thiệu cho, hơn chán mấy cô thành phố chúng mày.

Tôi cười trừ:

- Vâng, thế cô chú chuẩn bị tết nhất đến đâu rồi ạ?

Cô tôi vừa xới cơm vừa bảo:

- Ôi dào, bây giờ có như xưa đâu cháu. Cái gì cũng có sẵn ấy mà. Hăm chín ba mươi cô ra chợ nhoáng cái là xong, có cái gì lăm lắm đâu mà phải chuẩn bị.

Nghe cô nói vậy, trong lòng tôi chợt có cảm giác nao nao. Tôi đưa tay đỡ lấy bát cơm, rồi hỏi cô:

- Thế nhà mình có gói bánh chưng không cô.

- Không, mệt lắm cháu ạ, ăn có bao nhiêu đâu mà làm. Hơn nữa không có thời gian, cô chú chạy chợ suốt ngày ấy mà. Cô đặt người ta làm cả rồi, mấy hôm nữa là lấy thôi. Thôi ăn đi cháu…

Mấy ngày giáp tết tôi phụ cô chú đi chợ. Tôi chợt nhận ra những phiên chợ tết bây giờ không còn nhộn nhịp như xưa, người ta chỉ ra mua bán qua loa một chút đồ ăn trong ngày rồi về. Ngày tết mà có cảm giác như ngày thường, vào mỗi buổi trưa hay chiều, đường xá vắng tanh, thi thoảng mới thấy người qua lại. Có cảm giác tết bây giờ thu nhỏ lại vào mỗi gia đình, không còn cái không khí bao trùm khắp làng trên xóm dưới nữa. Không còn cái không khí người ta đi đi lại lai hỏi han mua sắm, vì có lẽ khi nào cần cái gì đó, thì có thể mua ngay lập tức, như cô tôi vẫn nói “nhoáng cái là xong”. Cũng không còn mấy nhà gói bánh chưng nữa, mà chỉ đặt người ta làm. Trẻ con bây giờ không còn thích thú tết như xưa. Có lẽ với chúng bây giờ cuộc sống đã no ấm, chúng không còn phải chờ đến tết nữa mới được ăn thịt gà, ăn kẹo hay bánh chưng. Cũng không phải chờ đến tết để được may áo mới như lứa tuổi chúng tôi ngày ấy. Còn với người lớn, đời sống kinh tế đã khá giả hơn xưa phải chăng đã thu hẹp lại những mối quan hệ hàng xóm láng giềng, thay vào đó là những quan hệ làm ăn, lợi ích. Người ta chúc nhau vì tình làng nghĩa xóm hay vì một mục đích nào đó chăng?

Tết với những phiên chợ đông vui nhộn nhịp, những tiếng cười nói vui vẻ khắp làng trên ngõ dưới, nồi bánh chưng xanh trên bếp lửa rực hồng những đêm mùa đông tháng chạp… có lẽ nào tất cả đã dần chìm vào quên lãng, chỉ còn lại đó như một nét gì của ngày xưa?

Tôi không bất ngờ, mà chỉ thấy tiếc nuối. Cũng đành vậy, cuộc sống sao tránh khỏi những đổi thay, dẫu sao thì tết vẫn còn là những ngày vui nhất trong năm. Ở đó người ta tìm về cội nguồn, và là lúc người ta tạm gác lại mọi công việc, mọi lo âu muộn phiền của đời sống, để quây quần bên nhau và chúc nhau những điều tốt lành nhất cho một năm mới đến.
Vì ngày mùng hai tết tôi đã phải đi, nên theo thời mẹ dặn tôi đã đi chúc tết bà con họ hàng từ nhũng ngày trước tết. Thời gian rảnh rỗi tôi lại ra ngoài bãi sông, thơ thẩn ngắm nhìn làng quê yêu dấu.

Chiều mùng hai tết, tôi lên máy bay sang mỹ. Trước khi lên taxi ra sân bay, tôi ra thăm mộ của ông bà, nơi ông bà đã yên nghỉ hơn hai mươi năm nay.

Tôi thắp cho ông bà một nén nhang rồi đứng lặng một hồi lâu. Tôi không biết đến bao giờ nữa tôi mới trở lại mảnh đất này. Nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ: Ông bà tôi, tuổi thơ tôi, và những ngày tết cổ truyền mãi mãi chỉ còn là hoài niệm thôi!
  • Bài dự thi của Thạch Phan

Để bình chọn bài viết này mời bạn để lại bình luận - phản hồi cuối bài viết!



Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn
.









Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

back to top