Phát thanh xúc cảm của bạn !

Hàng rào tuổi thơ

2021-04-27 01:20

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Cứ thế, hết ngày lẫn tháng. Cái hàng rào thuở ấu thơ luôn có đứa con thơ đứng tần ngần trước sân, trông chờ cái dáng của mẹ đi bán về. Chị bước ra trước sân đi về phía hàng rào với hai hàng nước mắt chảy không ngừng. Chị luôn miệng gọi "Như ơi, đứa con ngoan của mẹ, giờ này ở đâu rồi".

***

Chị Bình ngồi bệt xuống nền nhà, đôi mắt nhìn ra đầu ngõ như chờ đợi ai đó ra đi chưa trở về. Nét mặt buồn thăm thẳm, chị hết ngồi rồi lại đứng. Những tiếng thở dài dồn dập nối liền nhau, hòa tiếng kim đồng hồ tích tắc. Đêm dài, trong lòng chị khắc khoải nỗi chờ mong. 

Người ta hay nói "Thức đêm mới biết đêm dài” thật đúng, chẳng sai một tí nào. Đó không phải là thói quen của một người hay thức khuya, chỉ là chị không tài nào ngủ được. Cứ đi loanh quanh trong nhà, nhìn đồng hồ mà lòng như lửa đốt. Nỗi chờ ấy khiến đôi mắt thâm quầng, sau nhiều đêm đọ sức với thời gian đến tàn canh cuối khuya. 

Căn nhà thật lặng lẽ, người thân đã chìm vào giấc ngủ say sưa từ bao giờ. Tiếng côn trùng kêu nghe sầu thảm, lắng vào đêm như tiếng nỉ non. Ánh trăng cũng gầy guộc trên hàng cây cao vút, đứng bơ vơ soi sáng từng con đường. Cũng giống như chị, đôi mắt luôn dõi ra trước ngõ với niềm hy vọng ai đó sẽ sớm quay trở về.

Nghĩ mà buồn thay. Chị có hai người con gái, một đứa đã bước vào tuổi trưởng thành, đứa còn lại đang trong tuổi đi học. Đứa nhỏ tên Quỳnh vừa được 13 tuổi. Chị hãnh diện nhất là chính là con bé này, không những là một học sinh giỏi mà còn là một đứa con ngoan biết vâng lời cha mẹ. Nhưng chị cũng khổ nhất là đứa con đầu đời, tuy đã đến tuổi trưởng thành nhưng chưa bao giờ chị bớt lo lắng và suy tư về nó. Thậm chí chị bỏ tất cả thời gian ra chỉ để dành cho một việc duy nhất là âu lo, mất ăn, mất ngủ, chỉ vì nó với thói ăn chơi lêu lổng.

Từ lúc trưởng thành, tính của cô bé hoàn toàn thay đổi, không còn ngoan ngoãn như những ngày tuổi nhỏ miệng cứ mẹ ơi, ba ơi, khi gặp bất cứ vấn đề gì không giải quyết được. Có thể nói, anh chị chính là một chuyên gia để bé đặt mọi câu hỏi và sẵn sàng giải đáp trước đôi mắt thơ ngây, với tâm hồn trong veo như nước có thể nhìn tận đáy. Vậy mà đến khi trưởng thành, con bé không còn hiền hòa tĩnh lặng như những phút ban đầu. Nhiều khi chị Bình úp mặt khóc và tự hỏi “Nét hiền ngoan mà gia đình đã giáo dục ở những ngày đầu đời, giờ nó bỏ quên đâu rồi"  nhưng trả lời chị là khoảng lặng giữa thinh không và màu xanh của lá ngoài đầu ngõ.

mẹ_2

Chị nhớ có lần nó đi chơi đêm cùng bè bạn đến trời sáng mới trở về. Chị vẫn nhẹ nhàng với câu hỏi, vì sợ đứa con sẽ bị tổn thương ở tuổi mới bắt đầu trưởng thành. Chị luôn quan niệm ở tuổi này cảm xúc của những người trẻ dễ bị kích động bởi những câu hỏi liên quan đến quá nhiều việc riêng tư đời sống cá nhân họ.

“Con đi đâu giờ này mới về?”.

Nó một mạch đi vào phòng không một tiếng trả lời nào. Chị rón rén đem đồ ăn sáng gõ cửa bước vào đưa cho nó, vẫn là câu hỏi cũ.

“Con đi đâu mà bây giờ mới về. Mẹ để cửa chờ cả một đêm”.

Nó nhìn với đôi mắt không mấy thiện cảm. Nó vốn dĩ không thích nói chuyện với người thân trong nhà, vì cứ mỗi lần trò chuyện họ luôn dùng những lời lẽ để khuyên răn dạy bảo, nó cho rằng đó là "dạy đời" vì nó đã trưởng thành hiểu thế nào là đời, không cần phải nói vào tai những lời lẽ cũ rích, cứ lặp đi lặp lại.

“Tôi đi chơi. Được chưa”.

“Mẹ không cấm con đi chơi nhưng đi chơi phải có giờ có giấc, biết nhà biết cửa. Con là con gái mới lớn mà đi qua đêm kiểu đó. Con không sợ người ta dị nghị hay sao?”.

“Tôi đi chơi chứ có làm gì mà họ dị nghị nói ra nói vào. Mà ai nói gì mặc kệ, con trai đi chơi được thế tại sao con gái lại không. Làm ơn đừng nói tới nói lui, tôi từng tuổi này rồi chẳng lẽ không biết ở ngoài đời nó thế nào hay sao. Thôi đi ra đi để tôi ngủ”.

Chị buồn với cách trả lời của nó, dù có dạy dỗ thế nào nó cũng chẳng chịu nghe. Chị đã hết cách, từ cách ứng xử nhẹ nhàng ngọt ngào, rồi đến bực mình la mắng, và có khi là dùng roi nhưng đâu vẫn vào đấy, vẫn không thay đổi và cảm hóa được cái tính ngang ngược, vô phép tắc của nó. 

con_gái1

Chị chán nản và có nhiều lần chị suy nghĩ sẽ bỏ mặc không nói đến nữa, nhưng sao chị không thể nào làm thế được. Cha mẹ nào mà không thương yêu, lo lắng, quan tâm đến con cái. Cha mẹ nào không vui khi thấy con mình trở thành người tốt là đứa con ngoan có ích cho gia đình và xã hội. Cha mẹ nào không buồn đau khi thấy con mình trở thành người không ra gì, ăn chơi tụ tập kết thân với những tầng lớp xấu bên ngoài xã hội. 

Mỗi lần nhìn thấy con nhà người ta, nhìn lại con nhà mình chị thấy hổ thẹn vô cùng. Đồng trang lứa con nhà chị nhưng họ vẫn ăn học đàng hoàng, nếu gia cảnh khó khăn thì nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Còn con nhà chị, bỏ ngang việc học, tụ tập với đám bạn xấu ăn chơi không hề giúp ích hoặc nghĩ ngợi gì đến gia đình.

Nỗi lòng của phận làm cha mẹ có bao giờ không hướng về tương lai số phận của các con, nhưng đa số người con ít khi nào nghĩ đến nỗi lòng của cha mẹ. Chỉ có con cái bỏ rơi cha mẹ, hiếm khi cha mẹ nào mà lại bỏ rơi con cái, vì đó giọt máu mình tạo nên và cất công nuôi dưỡng giáo dục cho đến ngày trưởng thành. 

Chị không dám than phiền cùng chồng. Có lần chị bàn bạc với anh tìm ra mọi giải pháp nhằm khắc phục tình hình của con bé bây giờ. Anh lấy tay đập xuống cái bàn thật mạnh.

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Tre non không uốn nắn, để đến già không đời nào uốn ngay được. Dạy con thì phải dạy từ tuổi còn thơ”.

Chị chỉ biết im lặng khóc thút thít. Cha mẹ nào mà chẳng dạy con, nhưng tâm tính của mỗi đứa con nó vượt xa lòng nghĩ của cha mẹ, nó xuôi theo chiều hướng tiêu cực xã hội bên ngoài. Chỉ có người mẹ là chịu trách nhiệm về chuyện đứa con mình. Ai sẽ hiểu cho cảm giác của chị, chị không dạy những thói hư tật xấu, chị vẫn theo nề nếp truyền thống của ông bà tổ tiên. Thế nhưng sao con chị lại đi ngược lại với những điều ấy. Thật sự, chị không hề có lỗi trong chuyện giáo dục con cái.

con_gái_4

Con bé nhà chị trông xinh xắn vô cùng, 18 tuổi như cánh hoa nở mỗi độ bình minh, nổi bật khoe sắc rực rỡ trong màn sương ướt mọng. Với độ tuổi ấy chập chững mới bước vào đời, không tránh khỏi những lời tán tỉnh của vô số người lạ. Cũng như một loài hoa đầy sắc hương sẽ có ong bướm lượn quanh.

Tuổi mới lớn suy nghĩ quá nông cạn, hết nước hoa, phấn son, giày dép, đến quần áo mới. Những khoản tiền mua sắm ấy dư để chị xây một căn nhà lớn. Nhưng biết sao được, vì chị cũng từng là con gái, cũng muốn bản thân mình đẹp như bao nhiêu người khác. Thời của chị, mộc mạc giản dị vô cùng, không mộc mạc giản dị sao được, vì thuở ấy kinh tế còn quá khó khăn nên chuyện làm đẹp chỉ dành cho giới con nhà giàu. Chị hiểu, và sợ con mình thua những đứa bạn cùng lứa, đành bóp bụng mà chi tiền để con mình làm những điều mà nó thích, miễn sao nó vui thì chị cũng an lòng.

Chị Bình cứ hỏi trời "Tại sao con mình lại trở thành người như vậy?" chẳng phải trước kia nó rất ngoan ngoãn đấy sao. Biết vâng lời, lễ nghĩa rất chuẩn mực, đi đâu cũng xin phép “Dạ thưa". Trước ngoan bao nhiêu thì giờ trái ngược bấy nhiêu, người thân trong nhà ai nấy đều ngán ngẩm. Có một lần nó đi chơi về, vừa đến nhà lột phăng chiếc áo khoác để lộ ra 2 cánh tay đầy những hình xăm. Anh chị như tối tăm mặt mày, không tin người đang đứng đối diện trước mắt là đứa con của mình. Nó vẫn tỉnh bơ nhìn anh chị thản nhiên hỏi.

“Ba mẹ có thấy hình xăm của tôi đẹp không? Mới xăm chưa liền da nên còn sần sùi, vài ngày nó lành lại trông sẽ đẹp hơn bây giờ”.

Anh chị đứng ngẩn ngơ nhìn nhau trong sự tức tối vô cùng, anh nắm lấy tay con bé mà nghiêm giọng nói.

“Con nghĩ gì mà con lại đi xăm mình vậy Như. Tổ tiên mấy đời nhà mình có ai lại xăm mình không? Nói ba nghe, nó đẹp ở chỗ nào”.

Chị kéo con bé sát vào người mình, đưa ngón tay sờ lên làn da vốn dĩ trước đây trắng trẻo không có một vết mực nào.

“Sao con lại làm vậy. Rồi sau này ai dám lấy con làm vợ đây. Rồi con ra xã hội người ta nhìn con bằng đôi mắt gì, người ta sẽ nghĩ con là thành phần gì?”.

“Ba mẹ quê mùa quá, thời buổi này xăm mình là chuyện bình thường, không phải cứ xăm mình là xấu xa. Còn việc ai nhìn tôi bằng đôi mắt gì thì mặc xác họ, tôi chẳng quan tâm. Miễn sao tôi thấy thích là được rồi. Tôi sống không phải để làm vừa lòng thiên hạ”.

con_gái_67

Nó bào chữa cho việc xăm mình bằng những câu từ trích từ mạng xã hội.

"Trai xăm trổ chắc gì đã hổ báo, cũng như gái kín đáo chắc gì đã ngoan”.

Anh tức giận lớn tiếng. Bé Quỳnh đang học bài trong phòng chạy ra đỡ chị hai nó đứng dậy. Nó hốt hoảng khi hai cánh tay của chị đầy những hình xăm quái dị. Nó thì thầm trong bụng "Chị đã trở thành người khác, chị không còn là chị hai của Quỳnh nữa rồi" bỗng nhiên bé Quỳnh thấy có một khoảng cách nào đó rất xa vời mỗi khi đứng gần chị. Nó buông tay ra, lùi về phía ba mẹ. Cũng lần đầu tiên Quỳnh thấy ba giận dữ đến mức độ vậy. 

Từ trước tới giờ ba luôn thương hai chị em hết mực, chưa để cho hai chị em làm bất cứ việc nặng nhọc gì trong nhà. Như tuy lớn nhưng anh chị vẫn xem còn nhỏ dại lắm. Từ lúc Như lêu lổng ham chơi rồi bỏ học, tính của anh cũng thay đổi không còn điềm tĩnh lại và gia trưởng hơn lúc đầu. Anh chỉ tay tay vào mặt Như và lớn tiếng.

“Mày đi ra khỏi nhà tao. Tao không muốn thấy cái hình xăm của mày hiện diện trong căn nhà này bất cứ phút giây nào”.

Dứt lời. Nó vội vàng nhặt lại chiếc áo khoác một mạch quay lưng chạy đi thật nhanh, trong tiếng gọi của chị "Như… Như… Như”, dáng của nó đã khuất trước phía hàng rào, chỉ còn lại tiếng gọi theo của chị vang xa, vang xa. 

Anh ngồi xuống chiếc ghế thì thầm cùng chị.

“Con với chả cái, sống nổi không?”.

Anh nắm lấy bàn tay của bé Quỳnh xoa đầu rồi nói khẽ.

“Sau này con lớn lên phải thật ngoan, đừng giống như chị hai nhé. Cố gắng học thật giỏi để làm người con có ích cho đời. Cho dù không học giỏi, cũng đừng làm người xấu. Nhớ nhé con”.

con_gái_2

Con bé Quỳnh gật đầu dạ dạ. Chị nhìn anh với đôi mắt buồn rất rõ.

“Con nó lớn rồi có gì mình nói nó nghe, cần gì phải bạo lực không giải quyết được gì mà càng khiến nó cứng đầu và khó dạy hơn”.

“Tôi chưa bao giờ gặp tình cảnh nào như ngày hôm nay. Tôi không biết nó có còn là con bé Như con của chúng ta trước đây không nữa. Cũng do mình nuông chiều nó quá mức”.

“Sao mình lại đổ lỗi hết qua cho tôi, mẹ nào mà dạy con hư hỏng mình chỉ cho tôi xem. Tôi chỉ nói mình không nên dùng đòn roi với con gái mới lớn, thì mình lại cho rằng nó hư hỏng là do tôi. Thế mình không có trách nhiệm gì trong việc giáo dục con cái hay sao?”.

“Thôi tôi không nói nữa. Từ nay về sau nó muốn làm gì thì làm”.

Anh đứng dậy bỏ đi ra sau vườn, riêng chị cầm chiếc nón lá đi theo cái hướng Như vừa chạy để gọi nó quay về nhà, chị tìm cả buổi chẳng biết nó đi đâu. Tối đó Như không về nhà, ngọn đèn trước sân lập lòe treo lơ lửng trên cành cây hoa giấy. 

Cổng hàng rào mở toang, chẳng thấy cái dáng nó trở về. Anh chị thao thức vì một chuyện lạ của gia đình vốn dĩ chưa từng có xảy ra. Chị cứ đi tới đi lui đôi mắt như treo ngoài ngõ, anh nằm đó mắt mở trao tráo đưa tay gác trán suy nghĩ cái chuyện của giới trẻ bây giờ. Có phải giới trẻ trong cuộc sống hiện đại họ sống không có khuôn khổ lẫn quy tắc như giới trẻ ngày ấy. Giờ toàn tiếp xúc với công nghệ nhiều nên từng lời nói, cử chỉ hành động, cũng không có bất cứ một trình tự nào. 

Thấp thoáng cái dáng của Như đi xiêu vẹo, bước thấp bước cao dưới ánh đèn bên hàng rào trước ngõ. Chị nôn nao chạy ra nói to nói nhỏ, an ủi về việc anh đã tát mấy cái cho cái chuyện xăm mình.

“Trời ơi con đi đâu mà giờ này mới về. Con là con gái sao lại nhậu nhẹt để say thế này”.

Nó ực ực trong tiếng nấc cụt, huơ tay huơ chân, những tiếng nói không rõ ràng.

“Tôi… đi nhậu… được không… hả?”.

“Con là con gái không được đi như vậy”.

“Sao… không đi như vậy… người ta… được… sao tôi lại không?”

“Thôi vô nhà đi. Ba con vì nóng giận nên mới đánh con, chứ không có ý định đuổi con đi đâu”.

“Tôi… không có người cha như vậy. Quê… mùa”.

con_gái_6

Chị dìu nó vào trong nhà, với bước chân nặng nề đi không vững vàng. Chị cũng thở phào nhẹ nhõm vì nó đã trở về chị bớt phải lo toan và nhẹ nhàng hơn nữa giữa đêm khuya thanh vắng láng giềng đã tắt đèn ngủ hết, nếu ai nhìn thấy cảnh này thì chẳng biết mặt mũi phải để đâu bây giờ. 

Xóm này vốn dĩ từ trước đến giờ chưa có đứa con gái nào mà ngỗ nghịch hư đốn đến như vậy, nếu lỡ họ nhìn thấy cảnh này thì chẳng phải nhà chị đem ra làm trò hề cho thiên hạ hay sao. Chị như vừa tháo khối đá xuống khỏi lồng ngực, thở vội vàng thanh thản như những cơn gió thổi xào xạc lung lay những trên những tàng cây xa. Chị đi ra đóng cổng rào, ánh đèn trước sân vừa chợt tắt, nhà chị chìm vào bóng tối và tìm đến một giấc ngủ yên bình.

Từ đó nó luôn có khoảng cách giữa anh và chị, dù anh chị đã cố gắng lấp đi cái khoảng cách ấy nhưng càng cố lại càng thấy xa. Đứng sát đây nhưng xa đâu vời vợi, ở giữa là khoảng lặng rộng tới vô thường thênh thang. Mỗi khi anh chị nói chuyện với nó thì nó lảng tránh đi nơi khác, nên việc tiếp xúc nhiều với nó thật khó đến vô cùng. 

Nó đi chơi thâu đêm suốt sáng, ăn mặc chẳng giống bất cứ đứa con gái nào trong làng. Người ta dị nghị nói ra nói vào, anh chị bất lực thấy mệt mỏi vô cùng. Những đêm nó đi chơi không về nhà, là đêm đó nhà anh chị thức trắng, cứ ngóng đến cạn vực canh khuya. 

Ai hiểu được nỗi lòng của người cha mẹ khi có con gái vừa mới độ tuổi trưởng thành, ham chơi cặp bè cặp bạn đi thâu đêm suốt sáng. Nghe mấy đứa trong xóm nói có một lần chúng nhìn thấy con Như kéo băng kéo phái hẹn nhau lên cầu giải quyết chuyện mâu thuẫn liên quan đến tình cảm trai gái. Băng phái con Như mạnh lắm, nghe đâu chơi nổi nhất cái huyện này. Bất cứ tên dân chơi nào ra đường gặp con Như cũng phải kiêng nể, vì nó là bạn gái của tên cầm đầu chuyên bảo kê các tụ điểm ăn chơi. 

Chị nghe xong xây xẩm mặt mày, dù chị không hiểu rõ từ "bảo kê" nghĩa chính xác là gì, nhưng chị biết từ đó không dành để nói với những người đàng hoàng làm ăn chân chính. Ngay cả công an cũng tìm đến nhà chị khuyên nhủ gia đình hãy quản thúc giáo dục con bé lại chặt chẽ. Nhưng làm sao chị có thể làm điều ấy được khi chị có hàng trăm việc phải làm, loay hoay thì nó đã trốn đi mất tiêu. 

4

Chị cũng thuộc về cái số khổ về con cái, thậm chí chị không dám kể lể hay chia sẻ cùng ai, người hiểu chuyện và cảm thông thì không nói gì, nhưng người không hiểu họ thêm cười nhạo và cho rằng đó là lỗi của anh chị không biết dạy con. Chỉ có việc đấy thôi cũng đủ làm chị đau đầu, mệt mỏi, mất ăn mất ngủ.

Đêm nay như mọi đêm, ánh đèn trước sân nhà chị còn sáng, cổng rào mở toang. Vẫn có một người phụ nữ ngồi đó đếm thời gian mà trông đợi con về. Cái đêm thật não nề, mọi thứ xung quanh im ắng đến buồn tênh, và mỗi khi nghe tiếng chó sủa vọng đâu từ đầu xóm chị vội vàng chạy ra, gương mặt buồn đầy nỗi thất vọng vì đó chẳng phải là con chị trở về. 

Nghĩ mà thương cho hoàn cảnh anh chị, phận làm cha mẹ, có bao giờ mà yên tâm về con cái, nhất là con gái mới lớn chưa trải qua sự đời. Chị là phụ nữ nên tình thương yêu sự quan tâm dành cho con thường biểu cảm lộ ra ngoài. Riêng về phần anh trong bụng cũng đứng ngồi không yên như chị, anh không nói không có nghĩa là anh bỏ mặc con cái. Là người đàn ông mạnh mẽ tình yêu thương dành cho con hiếm khi nào thể hiện ra bên ngoài, anh âm thầm luôn dõi theo bước đứa con mình. Chị hiểu tuy anh nói "Muốn làm gì mặc kệ" nhưng lòng của anh đi trái ngược với những gì anh nói. Hằng đêm anh vẫn không yên giấc, khi con Như đi chơi quá khuya mà chưa thấy trở về.

Chị nhìn cái đồng hồ, đã hơn 1 giờ sáng. Tiếng chó ở đầu đường sủa inh ỏi, những đèn xe máy lập lòe nối nhau soi xuống hướng nhà chị. Chị đoán có tầm 3 xe, nôn nóng chạy ra, đúng vậy là 3 chiếc xe đang rẽ xuống nhà chị. 

Họ là công an xã đến báo cho chị 1 tin, nghe xong chị như muốn chết lặng. Con Như vừa bị công an huyện bắt về tội danh tàng trữ và sử dụng trái phép chất cấm.

Lúc 0h công an kiểm tra một quán karaoke và phát hiện có nhiều đối tượng nam nữ tuổi từ 18 đến 25 có biểu hiện sử dụng thuốc, tất cả đều bị dẫn về đồn, qua kiểm tra cho thấy, tất cả đều dương tính. Riêng phần Như bị khám xét nơi ở cùng với bạn trai, công an phát hiện nơi này cất giấu nhiều chất cấm.

bất_lực

Chị nghe xong đôi chân như không đứng vững, 3 chiếc xe máy lần lượt đi khỏi trong đêm khuya, chỉ còn lại mình chị đứng bên hàng rào với câu hỏi vô hồn "Sao lại vậy, sao lại như vậy?". Anh đang nằm nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, anh chạy ra đỡ chị, ôm chặt giữ vững vàng vì chị không còn sức đứng yên được nữa.

“Mình ở nhà, để tôi chạy qua công an huyện, xem tình hình thế nào”.

Chị mếu máo nói chẳng nên lời, bàn tay nắm lấy tay anh, tay còn lại vịn cái hàng rào để có thể đứng vững vàng hơn.

“Bây giờ, phải làm sao đây hả mình?”.

Chị không biết làm gì giữa muôn vàn hỗn độn, tất cả mọi thứ đều xáo trộn cả lên, như cuộn chỉ rối ren mà đôi mắt lại mờ phải tìm mối để gỡ. Nhưng càng gỡ lại càng thấy rối thêm. Chị mất đi bình tĩnh, không còn tỉnh táo trước sự việc xảy ra quá bất ngờ, mà nếu đủ tâm trí thì anh chị cũng không thể nào dám chuẩn bị tinh thần mà đón nhận và đối diện với sự việc đang diễn ra trước mắt. Chị khóc, những giọt nước mắt ứa ra xối xả, lăn dài trên gương mặt chảy xuống và ướt đẫm vạt áo màu cánh sen. Anh phải trấn an chị bằng những câu nói đầy an ủi.

“Mình cứ bình tĩnh lại, nghe vậy chứ chưa chắc là đúng. Cũng có thể là Như nào đó chứ không phải con nhà mình. Chắc trùng tên thôi. Hay là mình ở nhà đi, để tôi lấy xe chạy qua huyện xem thật hư như thế nào. Cũng mong rằng, người tên Như ấy không phải con nhà mình”.

“Làm sao tôi có thể ngồi ở nhà mà chờ tin được. Hay là tôi đi cùng mình xuống đó”.

“Không được đâu. Lỡ biết đâu đó là sự thật thì…”.

“Tôi hiểu mình muốn nói gì. Tôi chấp nhận, và sẵn sàng đối diện với bất cứ tình huống nào, dù có tồi tệ đến đâu tôi cũng phải phủ nhận và không trốn tránh cái sự thật ấy”.

mẹ34

Anh chạy vào trong dắt chiếc xe ra nổ máy, đưa chị đến nơi con Như vừa bị bắt. Nhà giờ đây trống vắng đến vô cùng, chỉ còn lại duy nhất bé Quỳnh đang ngủ say sưa chưa biết chuyện gì vừa xảy trong chính căn nhà của mình. Bóng sân hiu quạnh, ánh đèn trước ngõ đêm nay sao trông buồn thê thảm, ánh sáng lập lòe khi những cơn gió đưa lá che nghiêng, vùng sáng vùng tối như hai thế giới khác biệt. Cái hàng rào đứng yên đấy để những cánh hoa giấy rơi xuống, dưới đỏ rực như trải thảm mà chẳng có dấu chân nào bước qua.

Anh chị đã đến đồn công an và bắt đầu tin đây là sự thật, đúng như lời các chú công an xã đã nói trước đó. Trước mắt anh chị là con Như, nó không hề nhận ra cha mẹ đang đứng đối diện với những dòng nước mắt vì nó.

Anh chị ra về. Chị vẫn chưa hết thẫn thờ, cứ ngó trước nhìn quanh, rồi nhìn con Như qua ô cửa mà thấy lòng mình như tím ruột bầm gan. Thế là từ sau về sau chị không còn thấy con gái mình ở nhà như những ngày tháng ấy.

Sáng ấy, anh chị cùng nhau đến đồn công an huyện. Con Như cũng đã tỉnh hẳn trở lại như trạng thái như ban đầu. Nó nhìn ra cửa thấy cha mẹ vẫn đứng đó, thân người ba mẹ gầy còm và 2 đôi mắt thâm quầng sau những đêm thức trắng để chờ nó đi chơi về. Nó hiểu ra rằng trên đời này không ai tốt như người thân trong nhà, thế mà trong thời gian qua nó không hề biết quý trọng, mải mê tìm thú vui với bạn xấu ngoài đời. 

Nó rơi nước mắt, giọt nước mắt quá muộn màng, giá như ngày ấy nó biết nghe theo lời cha mẹ dạy bảo thì bây giờ đâu có ra nông nỗi thế này. Nó hiểu ra rằng không có bạn bè nào mà tốt với nó đến trọn đời. Chứng tỏ nó vào đây trong lúc cô đơn và muốn được nhìn thấy bất cứ một người bạn nào để nó có động lực mà vững vàng tinh thần. Nhưng không, chẳng có một người bạn nào đến nhìn mặt nó, chỉ có ba mẹ đang rơm rớm nước mắt.

Giá như được trở về như những ngày xưa ấy, nó sẽ là một người con hiếu thảo, không ăn chơi đua đòi, biết nghĩ đến gia đình nhiều hơn. Nó hối hận với những giọt nước mắt lăn ngắn lăn dài trên má vì nhớ lại đủ thứ chuyện mà nó từng trải qua. 

mẹ45

Nó vốn dĩ là con nhà đàng hoàng dù không phải là con nhà giàu nhưng cha mẹ vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho nó. Nó nhớ có lần mẹ bị sốt, nhà chỉ còn lại 1 triệu đồng để mẹ đi khám bệnh và lấy thuốc, vậy mà nó nỡ lòng xin cho bằng được để mua mỹ phẩm mà làm đẹp. Vì quá thương con sợ con thua thiệt với người ta, mẹ đành lấy 1 triệu mà đưa cho nó. Mẹ cam tâm chịu những cơn nóng lạnh đau nhức hành hạ, miễn sao con vui bệnh đến mấy mẹ cũng cam lòng. 

Rồi đến ngày sinh nhật, nó đòi ba mua cho chiếc điện thoại, vì quá thương con ba đành phải đi làm thêm 3 tháng để kiếm tiền mà mua quà tặng con, cứ mỗi đêm gần 1 giờ sáng ba mới lủi thủi trở về. 

Nghĩ lại nó chỉ muốn khóc và khóc cho thật lớn. Nó hứa với lòng sau khi cải tạo trở về chắc chắn nó sẽ làm một đứa con ngoan, không để cho ba mẹ phải đau khổ và buồn lòng như bây giờ nữa. Nó lấy tay lau nước mắt, nhắn lại ba mẹ về nói với em Quỳnh "Quỳnh ngoan ngoãn học giỏi, nghe lời ba mẹ và đừng bao giờ đua đòi ăn chơi lêu lổng như chị hai”.

Từ đó, cứ mỗi đêm cái đèn trước ngõ nhà chị Bình luôn mở sáng, dù biết con Như nó đi lâu lắm mới trở về. Có lẽ chị nhớ con, nên đêm nào cũng ra ngồi đó mà trông ngóng. Cũng có thể chị giữ quan niệm con Như sẽ sớm trở về.

Chị ngồi buồn hiu và trách đời nhiều cạm bẫy. Con Như nhà chị vốn dĩ không phải kẻ xấu, do cuộc đời đã cuốn con chị trôi ra vùng xa xăm và mắc kẹt lại ở vũng bùn đầy lầy. Chị nhìn ra hàng rào mà chảy hai hàng nước mắt. Thuở ấy chị đi bán hàng rong, cứ mỗi lần về đã thấy con Như đứng bên rào trước ngõ, trên tay cầm theo chiếc khăn và cốc nước, chị vừa về tới nó sà vào ôm chầm, lấy khăn lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt của chị, đưa nước cho chị uống và thì thầm “Mẹ có mệt không, hôm nay Như ở nhà ngoan lắm”.

Cứ thế, hết ngày lẫn tháng. Cái hàng rào thuở ấu thơ luôn có đứa con thơ đứng tần ngần trước sân, trông chờ cái dáng của mẹ đi bán về. Chị bước ra trước sân đi về phía hàng rào với hai hàng nước mắt chảy không ngừng. Chị luôn miệng gọi "Như ơi, đứa con ngoan của mẹ, giờ này ở đâu rồi".

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Xem thêm:Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

back to top