Đôi chân của mẹ
2016-06-06 01:27
Tác giả:
Đang ngồi học bài thì Nhi thấy ngoài xóm trọ hò reo inh ỏi, đám trẻ con đang đi theo một người đàn bà ăn xin, dáng đi khập khiễng. Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì cô chủ trọ đã chạy ra mắng đám trẻ, cho người đàn bà ấy lon gạo, dáng đi ấy khuất xa dần, mắt Nhi nhòe nước tự lúc nào…
“Ê, chân mẹ mày sao vậy?”
“Mẹ mày có cõng mày được không đó?”
Ngày còn bé, những lúc nghe bạn bè hỏi thế Nhi ức lắm, trong trí óc non nớt của Nhi mẹ luôn đẹp, chưa bao giờ Nhi nghĩ về đôi chân không hoàn hảo của mẹ và buồn về điều đó. Chỉ tức đám bạn không có gì để trêu chọc nên lôi khuyết điểm của mẹ Nhi ra làm trò mỗi lần thấy Nhi đi học một mình.
Ba bỏ hai mẹ con khi Nhi tròn ba tháng tuổi, mẹ và ngoại thương Nhi lắm, sợ Nhi mặc cảm nên dành hết tình yêu thương về Nhi. Ngày sinh Nhi, mọi người sợ mẹ yếu không có sức nhưng mẹ đã chịu đựng quặn thắt cơn đau một mình, và mẹ vui thật vui khi Nhi là đứa trẻ khỏe mạnh, với mẹ, Nhi là một món quà tạo hóa đã bù đắp cho khiếm khuyết của mẹ. Mẹ chăm Nhi từng chút một, cho đến ngày ba muốn đưa Nhi về cùng ba thì mẹ nhất quyết không đồng ý, mẹ quyết định ở một mình nuôi Nhi, không đi bước nữa sợ Nhi sẽ khổ.
Quần áo mới của Nhi là từ đôi chân mẹ đạp máy may mỗi tối, may rất tỉ mẫn, mỗi lần đi chợ về mẹ đều mua một món quà cho Nhi như con tò he hình chú heo hồng hồng ngộ nghĩnh, mẹ còn tự đóng những hộp gỗ nhỏ để Nhi chơi xếp hình. Nhưng mẹ còn bận, vì vậy mà từ ngày học lớp hai Nhi đã bắt đầu một mình đi đến lớp, làm bạn với cỏ cây. Mỗi lần tan trường Nhi thường về rất muộn để không nhìn thấy bạn bè mình được ba mẹ đón, Nhi ước gì mình được ba đưa đến trường, dù chỉ một lần trong đời nhưng đó chỉ là mơ ước thôi, vì Nhi chỉ có mẹ. Nhi thương mẹ lắm, mẹ bị sốt bại liệt từ ngày 3 tuổi nên chân trái mẹ nhỏ hơn bình thường, đi lại hơi khó khăn nhưng Nhi rất thương đôi chân ấy, đôi chân đã dắt Nhi đi học những ngày Nhi khóc không chịu đi mẫu giáo, vừa đi mẹ vừa kể cho Nhi nghe những điều rất thú vị về chữ số, về hình vẽ, về hộp bút chì màu. Đôi chân ấy đã cõng Nhi trong những đêm mưa đi đến cuối xóm để xem những bộ phim trắng đen, để Nhi biết cuộc sống còn có những điều huyền ảo thiện thắng ác như Tây Du Ký, sẽ luôn có công bằng như Bao Thanh Thiên, và bao nhiêu điều thú vị nữa …
Ba rời xa mẹ con Nhi cũng vì bà nội không thích mẹ, không thích đôi chân của mẹ, sao bà nội không nhận ra đôi chân ấy cứng cỏi biết bao khi mẹ đã dẫn Nhi vượt hơn ngàn cây số về quê nội để tìm ba? Sao bà không thấy đôi chân ấy vẫn chịu đựng cái rét xứ Bắc cắt da khi nhìn thấy ba đi cùng người phụ nữ khác, và chắc bà không biết đôi chân ấy chỉ không đứng vững được ngày ba và người lạ nên đôi, những điều ấy chỉ có Nhi biết thôi.
Ôm Nhi vào lòng, nước mắt mẹ ướt đẫm lưng áo Nhi, nóng hổi. Nhi dặn lòng mình phải cùng mẹ bước tiếp mà không có ba, cùng mẹ sống thật vui vẻ để đôi chân mẹ đừng ngã quỵ thêm một lần nào nữa. Cũng vì đôi chân của mẹ mà cả gia đình ba không đồng ý cho ba ở cùng mẹ con Nhi. Bà nội muốn bắt Nhi về với bà, bảo mẹ không đủ sức khỏe để nuôi Nhi. Đêm đó mẹ khóc nhiều lắm, và mẹ đã quyết định ôm Nhi về ở cùng ngoại. Đã bao lần Nhi nhớ lại hình ảnh mẹ, trong đêm mùa đông buốt giá, mẹ khập khiễng bế Nhi rời xa ba, xa gia đình nội. Nhi biết, bên trong thân hình nhỏ nhắn không hoàn hảo của mẹ, là một trái tim mãnh liệt vô cùng.
Từ đó, Nhi cố gắng học thật tốt và hoàn thành những việc được mẹ giao, đi học về Nhi tự mình tìm cơm được mẹ ủ trong chăn cho ấm ăn qua trưa. Mẹ với ngoại giờ còn đang chịu đựng cái nắng giữa đồi rẫy, nhặt nhạnh những hạt cà phê còn sót lại sau mùa thu hoạch, bát cơm Nhi ăn, quần áo Nhi mặc đều từ sự cần mẫn ấy.
Hết mùa cà phê, mỗi sáng sớm, mẹ lại chuẩn bị lưới đi kéo cá, tép ngoài ao. Tiếng lạch cạch làm Nhi tỉnh giấc, tiếng mẹ đi ủng lộp cộp những bước không đều nhau cứ xa dần, văng vẳng vào giấc ngủ chập chờn của Nhi. Hết mùa nước dâng, Nhi phụ mẹ bán hàng trước cổng trường trên chiếc xe lưu động. Tối tối, mẹ chở Nhi trên chiếc xe đạp đi hơn 5 cây số lên phố huyện lấy các mặt hàng bánh kẹo. Trên đường về trăng sáng lắm, ánh điện lấp lánh sau rặng dừa cứ xa dần, xa dần, Nhi sợ mẹ mệt nên vừa ôm mẹ Nhi vừa hát để mẹ hết buồn. Ôm chặt mẹ Nhi bắt đầu nhớ hương mồ hôi từ lưng áo mẹ, hương thơm ngọt ngào của tuổi thơ Nhi.
Nhưng có lúc mẹ cũng đánh đòn và phạt Nhi vì Nhi giống ba từ ngoại hình đến dáng đi. Mỗi lần mẹ giận ba hay có ai đó vừa ở quê ra kể những chuyện về ba và dì, kể rằng Nhi đã có thêm em trai thì Nhi sẽ bị đòn. Nhi biết mẹ buồn, nên Nhi chịu trận, Nhi không khóc, cũng không chạy. Mẹ đánh đòn, xong rồi mẹ khóc, nức nở và oán thương.
Vừa xoa dầu vào những vết thương trên da mẹ vừa hỏi:
“Sao con không chạy đi?”
Lúc này vết thương mới bắt đầu xót, Nhi khóc nấc nhưng vẫn ôm mẹ trả lời:
“Nhi…mà mà…chạy thì…thì…mẹ đuổi theo mỏi chân làm sao?”
Một lần mẹ nhận được thư ba, mẹ khóc nhiều, ngoại cũng khóc, Nhi không hiểu chuyện gì chỉ biết đứng nhìn. Rồi Nhi đến bên mẹ, ôm đôi chân mẹ, Nhi nói sẽ luôn ở bên mẹ, Nhi nói thật mà, không xa mẹ đâu. Lúc ấy mẹ sao hiền đến thế, mẹ còn khóc nhiều hơn Nhi mỗi lần bị đánh đòn nữa. Mãi sau này Nhi mới biết đó là lá đơn ba gửi vào để làm thủ tục ly hôn. Thì ra mẹ vẫn thương ba nhiều thế, vẫn khóc vì ba dù ba chẳng nhớ mẹ con Nhi, vẫn cố gắng nuôi Nhi khôn lớn đợi một ngày ba sẽ về bên mẹ, ngày ấy mẹ chờ lâu lắm, chờ mãi chờ mãi đến khi đôi chân đã yếu, gót chân chai sần theo thời gian…
Mẹ đẹp, trong mắt Nhi mẹ như một thiên thần. Chính vì lẽ đó mà nhiều người đàn ông tìm đến mẹ. Nhi sợ ai đó cướp mẹ đi. Những buổi chạng vạng Nhi ngồi bên hiên nhà cầm cây chổi lớn, hễ cứ có ai đến là Nhi can đảm đánh đuổi đi, hét lên thật to. Nghĩ lại Nhi thấy mình thật trẻ con, vì mẹ chẳng bao giờ bỏ rơi Nhi cả. Nhi đã cùng mẹ trải qua những tháng ngày chông chênh đó. Mẹ đã hi sinh cả tuổi xuân của mình để dành hết cho Nhi.
Ngày Nhi được chọn đi thi học sinh giỏi huyện, mẹ thức dậy rất sớm nấu xôi đậu đỏ, chuẩn bị xe đạp đưa Nhi đi thi. Mẹ vui lắm, cười tươi, mẹ thật là xinh. Sợ trễ giờ thi nên mẹ bảo Nhi cứ ngồi yên và đạp băng qua hai con dốc, bạn được chở bằng xe máy đi ngang qua vẫy vẫy tay chào, Nhi ôm mẹ nói:
“Khi nào Nhi có nhiều tiền Nhi mua xe máy là mẹ hết mệt ha mẹ”
Năm đó Nhi thi huyện đạt giải nhì, không phải dự thi tốt nghiệp mà được lên thẳng cấp hai. Mẹ tự hào ôm Nhi vào lòng.
Và còn biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu gian truân mà đôi chân mẹ đã vượt qua để cho Nhi có một tuổi thơ ấm áp. Đôi bàn chân khập khễnh ấy cho Nhi biết yêu thương cuộc sống, cho Nhi biết khiếm khuyết đôi khi là sức mạnh để vững bước trên đường đời với đôi chân của chính mình. Những khi buồn, khi thấy mình cô đơn, khi tưởng chừng mình sẽ gục ngã, Nhi luôn nhớ đến hình ảnh mẹ, nhớ những âm thanh bước không đều từ đôi chân mẹ để đứng lên, để kiên cường hơn, để cảm ơn cuộc đời vì mình được làm con của mẹ…
Lau nước mắt, sao thấy vẫn ngây ngô như ngày thơ bé, Nhi tự cười với tuổi thơ mình. Trời chiều, giờ này chắc mẹ đang đạp từng vòng xe về trên con đường quen sau một ngày may gia công cách nhà chừng 3 cây số. Đông về rồi, Nhi lấy chiếc khăn len mẹ đan từ ngày Nhi xa nhà ra Hà Nội học quàng lên, ấm như hơi ấm mẹ những đêm mưa có sấm mẹ ôm chặt Nhi. Mẹ ơi mùa đông lạnh lắm, nhưng Nhi biết đông về để chào xuân, để Nhi được về bên mẹ, được úp mặt sau lưng áo mẹ để mùi mồ hôi thấm vào từng hơi thở Nhi, được ôm đôi chân mẹ như ngày còn ấu thơ.
Mẹ ơi, Nhi yêu đôi chân mẹ biết bao.
© Lâm Hạ - blogradio.vn
Có thể bạn quan tâm: Cuộc đời không quá dài
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu