Taxi từ sân bay về trung tâm Havana đồng loạt như nhau 25CUC (tương đương khoảng 30USD)/ xe, xe to, xe bé, 5 người, 7 người gì cũng vậy. Rủ thêm được hai bạn người Pháp về cùng đường, chúng tôi chia nhau mỗi người trả 8 CUC. Trên đường đi, chỗ nào cũng tràn ngập chân dung các lãnh tụ và các khẩu hiệu, nhưng nhiều nhất vẫn là ảnh người anh hùng, thần tượng của bao thế hệ Che Guevara.
Đúng như thông tin trên trang mạng, khách sạn Plaza ở trung tâm thủ đô, vị trí đẹp như khách sạn Dân Chủ ở Hà Nội hay khách sạn Rex ở Sài Gòn. Tòa nhà khách sạn với lối kiến trúc thuộc địa Tây Ban Nha về đêm lung linh ánh đèn trông vô cùng rực rỡ và nổi bật. Và cũng đúng như tôi đã nghĩ, dịch vụ và trang thiết bị bên trong cũng không khác là bao so với kiểu cách quản lý và phục vụ mà người Việt Nam thế hệ 7x và các thế hệ về trước không quá xa lạ.
Bàn ghế kiểu nhôm sắt, điều hòa cũ kỹ, tường sơn ẩm mốc, chăn đệm cũ mòn. Cũng đủ các hạng mục để xếp hạng khách sạn 4 sao nhưng mọi thứ đều đã nhuốm màu năm tháng, hoặc được thay mới thì lại là đồ thô cứng mậu dịch, không mấy phù hợp với hoa văn lộng lẫy của kiến trúc tòa nhà. Có quá nhiều lý do để người ta tìm đến Havana. Kiến trúc thuộc địa 5-700 năm, quảng trường, nhà thờ phong cách châu Âu, những điếu xì gà Cohiba, những ly mojito thơm mát, nhạc jazz, nhạc salsa, nhạc truyền thống. Đặc biệt với chúng tôi, đến Cuba lần này còn vì muốn hồi tưởng lại cuộc sống tem phiếu và những đoàn người xếp dài trước cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Nhà thơ, nhà soạn kịch người Tây Ban Nha Federico Lorca nói rằng ông đã sống những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời ông ở Havana, nhà văn Graham Greene (tác giả cuốn “Người Mỹ trầm lặng”) đã mô tả Havana như một thành phố nơi mọi thứ đều có thể, và nhà văn Hemingway đã từng có một thời gian dài sinh sống ở Havana.
Khách sạn Ambos Mundos vẫn còn giữ nguyên căn phòng nơi Hemingway ở, nhà hàng Floridata dựng tượng ông ngay ngoài cửa. Gọi một ly mojito mang tên nhà văn, mờ mờ trong khói thuốc xì gà, thả mình vào tiếng đàn của những nhạc công da đen, và nghĩ không thể không yêu thích Havana. Cuộc sống tập thể chậm chạp, con người hồn hậu, chất phác. Không trung tâm thương mại lớn, không rạp hát hiện đại, cuộc sống chẳng mấy bon chen, niềm vui cũng là nguồn giải trí lớn nhất hàng ngày có lẽ vẫn là âm nhạc và nhảy múa.
Chọn một xe taxi hiệu Cadillac vừa cổ vừa cũ, trang thiết bị bên trong hầu như không còn gì nguyên vẹn, mặc cả xong, người lái xe chở chúng tôi đi thăm mấy pháo đài cổ. Pháo đài Castillo de Los Tres Santos Reyes Magos del Morro và pháo đài Fortaleza de San Carlos de la Cabana ở cạnh nhau, có thể mua vé kết hợp vào thăm cả hai pháo đài. Vẫn còn lại cả dàn các khẩu pháo đồng chạm khắc tinh vi, đứng từ bên này chúng tôi có thể ngắm toàn thành phố.
Rời pháo đài, chúng tôi dừng lại đi dạo khu Malecon dọc bờ biển. Mặt trời nhuộm hồng chân trời, sóng biển đánh táp vào bờ kè, tấp cao trùm lên cả người và xe đi trên phố. Ánh đèn nhấp nháy từ các tòa nhà chọc trời khu Vedado (Havana mới) từ phía xa làm người ta dễ liên tưởng đến khu Mahattan New York. Cảm giác về một cuộc sống hiện đại, sôi động, có phải vì thế mà Malecon là nơi tụ tập yêu thích của giới trẻ Havana mỗi khi chiều xuống.
Ăn tối tại một nhà hàng trên nóc một tòa nhà hiện đại khu Vedado ngắm biển và ngắm thành phố từ trên cao là một lựa chọn được nhiều người yêu thích, tuy nhiên chúng tôi đã không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những nhà hàng ngoài trời trên quảng trường Nhà thờ với những phiến đá lát đường và những tòa nhà xây dựng từ 5-700 năm trước.
Đẹp như bất kỳ một quảng trường nào ở một thành phố cổ châu Âu, lại yên tĩnh an nhàn vì chưa bị quá tải khách du lịch, chưa bị quấy rầy bởi những người bán hàng rong. Thời tiết mát mẻ, không khí cực kỳ lãng mạn với những điệu nhạc Cuba réo rắt bên tai. Âm nhạc ở khắp nơi, Besame mucho, Que sas que sas que sas, và cả bài hát Guantanamera vô cùng quen thuộc với người Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước. Dòng máu hoang dã châu Phi kết hợp với bản tính nồng nhiệt Caribe, lại pha trộn dòng máu Tây Ban Nha, Ấn Độ…, hình như mỗi người Cuba sinh ra đều đã là nghệ sĩ. Giọng hát trầm ấm, âm vực rộng, những cái lắc mông lắc eo chóng mặt, những ngón tay điệu nghệ gảy đàn ghi-ta, họ đàn hát ở khắp nơi, chỗ nào có nhạc là chỗ đó có người đi qua dừng lại nhảy vài điệu. Tôi rất thích trung tâm phố.
Trinidad “xe ngựa, xe đạp và những căn nhà nhiều màu”
Sau 4 ngày thăm quan, chúng tôi rời Havana và có hai đêm nghỉ tại Trinidad, thành phố với những căn nhà nhiều màu được công nhận di sản Unesco (1988). Được xây dựng bởi nhà chinh phục người Tây Ban Nha Diego Velázquez de Cuéllar trên đường đi tìm vàng những năm đầu thế kỷ 16, Trinidad là thủ phủ của tỉnh Sancti Spiritus thuộc miền trung Cuba, một trong những thành phố còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu kể từ thời hình thành các đồn điền trồng mía.
Những căn nhà kiến trúc thuộc địa nhiều màu, những con đường rải sỏi nhẵn bóng, những quảng trường xinh xắn, những nhà thờ nhỏ, đúng như ai đó đã nói, tôi nghĩ mình có thể lang thang chụp hàng trăm bức ảnh, bởi mỗi căn nhà, mỗi cánh cửa, mỗi con đường, mỗi góc nhỏ… đều có thể làm nên những bức tranh nhiều màu. Khu phố cổ của Trinidad không lớn, được giữ gìn khá tốt, cấm ôtô, phương tiện giao thông chủ yếu là ngựa và xe đạp. Không ai vội vàng, không ai hối hả.
Thực ra, đã được các bạn tôi đi trước giới thiệu, tôi rất thích hình thức ở trọ nhà dân, tiếng Cuba gọi là casa particular. Chính phủ Cuba cho phép mỗi gia đình, có phòng dư thừa có thể đăng ký cho khách du lịch thuê trọ. Mỗi nhà được cho thuê tối đa 2 phòng, 4 khách. Giá cả cũng khá thống nhất, khoảng 20-25CUC/phòng đôi. Khoản thu này phần lớn phải nộp lại cho nhà nước, nên thường các chủ nhà trọ cố gắng tăng thêm thu nhập bằng những bữa ăn phục vụ khách du lịch.
(...)
Bài & ảnh: Hiền Bầu