Nepal đã quá quen thuộc với những bước chân của biết bao nhà thám hiểm khắp thế giới muốn tìm đến chinh phục đỉnh Everest huyền thoại. Nepal cũng là miền đất hành hương của những tín đồ Phật giáo về vùng Lumbini (Lâm Tì Ni), nơi ngày xưa Phật đản sanh. Bên cạnh đó, Nepal còn có một vẻ đẹp đầy màu sắc từ đời thường, đến đền đài, cung điện ngày xa xưa, đủ hấp dẫn lữ khách dấn thân vào những hành trình khám phá nhọc nhằn nhưng thật đầy ý nghĩa.
Đường về Kathmandu
Chỉ sau vài phút làm thủ tục nhập cảnh ngay cửa khẩu Sunaoli, biên giới giữa Ấn Độ và Nepal, tôi đã đặt chân đến Nepal - một vùng đất đầy những câu chuyện huyền thoại. Những người bản địa ngay biên giới với nụ cười thân thiện khiến tôi an tâm hơn khi ngồi sau chiếc xe đạp ba bánh do một anh chàng Nepal lực lưỡng chở đi sâu vào lãnh thổ Nepal đến trạm xe buýt cách biên giới 4km. Chuyến xe buýt về thủ đô Kathmandu của Nepal cách đấy hơn 200km dù đã nêm chật người nhưng xe vẫn chưa chịu lăn bánh.
Đang phân vân chưa biết sẽ được bố trí ngồi thế nào thì anh lơ xe sau một tràng thổ ngữ, thấy tôi đớ người, phát hiện ra không phải dân bản địa nên vung tay chỉ thẳng ý nói: “Mời ông lên… mui xe”. Thôi thì kệ, lạ nước lạ cái, không dám phản ứng gì, tôi ôm mớ hành lý lỉnh kỉnh lò dò theo nấc thang lên chỗ anh lơ xe chỉ, bụng tự nhủ: “Ít ra mình cũng có cái chỗ để ngồi”.
Thêm 5 hành khách là sinh viên Mỹ nhập bọn, tất nhiên vẫn trên mui xe. Chạy đoạn nữa thì xe gặp cảnh sát công lộ tuýt còi, xe dừng, lơ xe chạy đến hoa chân múa tay, chỉ vào bọn trên mui xe loạn xạ cả lên, thế rồi cảnh sát khoát tay cho xe chạy. Anh lơ xe dùng vốn tiếng Anh củ chuối của mình lý giải thì tôi mới hiểu ra cái vinh dự ngồi trên mui xe là dành cho người nước ngoài, thực là một ưu ái bởi nếu dồn trong mớ bòng bong đứng ngồi cứng ngắc trong thùng xe thật không dễ chịu tí nào.
Gió lồng lộng, quang cảnh mở rộng trong tầm mắt, tôi lắc lư với cung đường đèo dốc nâng độ cao lên dần. Nhưng càng đi càng thấy mệt, gió làm khô da thịt, hắt hơi nóng rát. Hai bên đường vắng ngắt, chỉ có chuyến xe buýt độc hành. Nắng, gió, đói bụng, khát nước, bởi mãi trên đường về Kathmandu, thi thoảng mới thấy những người bản xứ bày ra ven đường bán dưa chuột trái to như con chuột cống, nhưng ăn mát rười rượi, giảm đi phần nào cái đói cồn cào của ngày dài lắc lư trên mui xe.
Sau hơn 8 giờ rong ruổi từ biên giới Sunaoli, người ê ẩm vì dằn xóc, bụng sôi lọc xọc vì thiếu ăn, miệng khô đắng vì khát, cuối cùng tôi cũng đến được thủ đô Kathmandu khi trời vừa sụp tối.
Tiếng vọng vương triều
Bình minh đầu tiên của tôi trên đất Nepal được mở đầu bằng hình ảnh những khách hành hương hội tụ về tháp Phật Boudanath, còn có tên gọi khác là tháp Như Ý vì người Nepal tin rằng hễ đến tháp Phật này khẩn cầu thì ước nguyện sẽ thành. Đi quanh tháp Phật theo vòng xoay kim đồng hồ, đồng hành cùng tôi là những bước chân của khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó nổi bật lên những bước “tam bộ nhất bái” quen thuộc của người Tạng, khiến tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào một miền đất nào đó trên cao nguyên Tây Tạng xa xôi.
Kathmandu còn được mệnh danh là trái tim của Nepal, bởi thế mà từ thế kỷ 14 xa xưa, vị vua Malla của Bahaktapur đã thống nhất thung lũng Kathmandu thành một vương quốc độc lập và cho xây dựng đền đài, cung điện cho nhà vua trú ngụ. Các đền đài ấy là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo, thể hiện quyền lực, sự hưng vượng của nhà vua. Những câu chuyện đầy hấp dẫn từ các vương triều xa xưa ấy đã đưa bước tôi đến với Kathmandu Dubar Square, một cung điện được vua Laxmi Narsingh Malla xây dựng năm 1596. Điều đặc biệt là toàn bộ số gỗ trong ngôi đền được làm từ một cây gỗ lim cổ thụ. Tên của đền khi dịch ra theo tiếng Sanskrit, Kasth là “gỗ”, Mandap là “nơi trú ẩn”, đó cũng chính là ý nghĩa của tên gọi Kathmandu ngày nay.
Đi dọc trong những tòa kiến trúc ở Kathmandu Dubar Square, tôi như được chìm đắm trong không gian của linh thiêng, của sắc màu từ những vị đạo sĩ với gương mặt đầy trầm tư, những chú bé xúng xính trong sắc áo Phật trong nghi lễ hiến mình cho thời gian tu tập trước ngưỡng cửa vào đời. Cả những nét sinh hoạt đời thường đẹp một cách bình dị ở phiên chợ trời bày bán đầy đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Có cảm tưởng như mỗi bước chân khi dạo trên nền gạch cổ, cứ như một lần được chạm vào quá khứ của những vương triều hùng mạnh ở thung lũng Kathmandu ngày xa xưa.
Một khoảng bình yên
Ánh chiều buông dần ở thủ đô Kathmandu, tôi lại tìm đến một cung điện khác đã được ghi tên mình vào danh sách Di sản Thế giới, đó chính là Patan Dubar Square, một cố đô cổ kính và đẹp nhất trong thung lũng Kathmandu ở Nepal, với những tòa kiến trúc được xây dựng chủ yếu dưới thời trị vì của vua Siddhi Narsingh Malla (1618 - 1661) mà nay được bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian.
Ngồi trên bậc thềm của đền Krishna Mandir được xây dựng vào 1636, đây là tòa kiến trúc độc đáo trong quần thể Patan Dubar Square. Ở Nepal có ba phong cách kiến trúc đặc trưng, phong cách Chùa, phong cách tháp Phật, và phong cách Shikhara (theo tiếng Sanskrit có nghĩa là đỉnh núi), và Krishna Mandir chính là phong cách Shikhara được xây dựng đầu tiên ở Nepal.
Đi trong Patan Dubar Square, sự nhộn nhịp, huyên náo chốn thị thành đã nhường chỗ cho sự tĩnh tại, bình yên một cách lạ kỳ toát lên từ vẻ đẹp của các tòa kiến trúc, nơi những nét chạm trổ tinh tế, cầu kỳ trên các chất liệu gỗ, đá, gạch… thăng hoa theo cảm xúc của những người nghệ nhân từ hàng trăm năm trước và để lại cho hậu thế hôm nay một kiệt tác về nghệ thuật nơi trái tim của Nepal.
Hình ảnh những cô bé, cậu bé Nepal trong trang phục truyền thống dạo chơi bên những con linh thú tạc từ đá sa thạch đứng trấn giữ cửa đền, những phụ nữ Nepal đang tất bật hứng những giọt nước tinh khiết từ bến nước công cộng đưa về dùng cho buổi sinh hoạt thường ngày thật bình yên đến lạ.
Sau những hành trình mệt nhọc với đường xa, gió bụi, để rồi khi đứng trước một cung điện Patan đầy quyến rũ với vẻ đẹp gần như được lưu giữ nguyên vẹn từ xa xưa, bao mệt nhọc của hành trình bỗng như tan biến hết, nhường chỗ cho sự trải nghiệm, khám phá từng góc cạnh của những công trình cổ xưa, nơi truyền tải cả một bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, đáng để hơn một lần trong đời những kẻ lữ hành phải tìm đến, chiêm ngưỡng và khám phá.