Dấu chân Online Radio 01: Cảm thức biên thùy
2011-07-08 17:39
Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team
Bạn đọc Nhacvietplus thân mến.
Có người cho rằng, giá trị của cuộc sống không phải ở chỗ họ bao nhiêu tuổi mà là họ sống thật được bao nhiêu ngày, những người đã sống thật lại nói rằng, cuộc sống có những chuyến đi của lương tâm. Mỗi người nên có những chuyến đi như thế trong cuộc đời. Đi để nhìn, để nghe, để sống, để trải nghiệm và để có thêm những ý niệm của riêng mình về cuộc đời và con người.
Gần một năm qua chương trình Blog Radio vào sáng thứ 7 hàng tuần đã phần nào giúp bạn đọc phát thanh những xúc cảm yêu thương của mình. Ngày hôm nay 24/08/2009, Nhacvietplus, Blogviet xin hân hạnh giới thiệu một chương trình radio mới có tên "Dấu chân Online" - nơi bạn đọc có thể cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm về những chuyến đi của mình. Chương trình được phát trên Nhacvietplus một tháng hai số vào sáng ngày thứ 2.
Chắc hẳn nhiều bạn đọc đang thắc mắc rằng, liệu những chuyến đi thì có liên quan gì đến âm nhạc không? Tại sao đây lại là một chương trình của Nhacvietplus? Bạn đọc thân mến, có thể là bản nhạc vui, bản nhạc buồn, bản nhạc hào hứng rộn rã vui tươi, bản tráng ca bi ai... nhưng chúng tôi tin rằng với các bạn thì mỗi chuyến đi luôn là một bản nhạc. Vậy thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ những bản nhạc ấy với mọi người nhỉ?
Và để bắt đầu cho những chuyến đi, mời bạn đọc lắng nghe những cảm xúc của blogger Huy Bom. Cảm thức biên thùy - tên bài viết là những trải nghiệm của tác giả sau những tháng ngày rong ruổi trên vùng Tây Bắc xa xôi, nơi địa đầu tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang (Ảnh: Thái Phiên)
Cảm thức biên thùy
Tôi đi biên thùy, lần nào cũng mê đắm.
Dù nơi đó là ngôi nhà đầu tiên trên quốc lộ 1A của người phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Sình có tên là Lý Thị Kíu, sát gần cửa khẩu Tân Thanh, mà hướng về xuôi.
Dù đứng ở lâu đài hoang phế của vua Mông lưu vong Dương Trung Nhân, một thuở tranh vương với Vương Chí Sình để bá chủ cao nguyên đá. Lâu đài ấy nằm phía sau UBND huyện Mèo Vạc, giờ ngập chìm trong cỏ dại, hoang vắng như một ngôi mộ đá khổng lồ chứa đựng biết bao câu chuyện cũ của thời gian. Cái xứ huyện vùng cao Mèo Vạc, ai miền xuôi lên công tác đều biết ý tránh buổi chợ phiên, để cán bộ còn tranh thủ ra chợ mua mua bán bán. Chợ Mèo Vạc, phiên chợ trong mây của cao nguyên đá, còn gần như nguyên vẹn cách đây cả trăm năm. Tinh sương đã lũ lượt những ngựa, những người xuống chợ, 1.000 đồng một ống bơ rượu ngô há ía, đàn ông say, đàn bà say, nhũn cả người. Mắt người say vàng như những hạt ngô nương.
(Ảnh: Minh Quốc)
Dù đứng ở đường núi đá nối giữa Đồng Văn và Mèo Vạc, nhìn xuống hẻm sông Nho Quế, chiều ngang chỉ bé tợ 1 lóng tay. Những triền đồi sau lưng đường, ở đó, người tận số được đưa tiễn bằng câu hát đầy nước mắt: “Thức dậy đi, người chết ơi”.
Dù đi xuyên rừng hoa mào gà cao quá đầu người, tới thung lũng Lô Lô Chải, trèo lên đỉnh Pỉ, nơi có cột cờ Cực Bắc mà dõi mắt nhìn bốn hướng. Ở đó, ngút ngát ràng ràng, cỏ gianh và sim mua, xanh thẫm một mầu xanh giầu có đầy lừa dối, thật khó mà phân biệt nổi đâu là đất mẹ, đâu là xứ sở của người. Ở đó, vẫn còn điệu múa săn đầu người trong tiếng trống đồng, loại trống được cư dân Lô Lô chôn dấu, chỉ đào lên mỗi độ mùa về. Ở đó, nhớ lời GS Lê Bá Thảo trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam đã sờn gáy mà tôi vẫn mang theo trong mỗi chuyến đi xa, rằng, có đứng ở biên thùy mới thấy thấm thía tình của nước non.
(Ảnh: Minh Quốc)
Dù ở thượng nguồn sông Đà, nơi núi non trùng điệp, nơi thác ghềnh gầm thét, nơi mùa lũ về nước cuốn trôi trâu, trôi cả ba lô và súng của bộ đội biên phòng, trôi cả những cô gái đương thì, khi dân bản đốt đuốc chạy theo vớt được thì chỉ còn là một cái túi da người dập nát vì ghềnh thác. Ở đó, cá suối to như những đứa trẻ, giấu mình trong những hang hốc sâu thăm thẳm, thuyền lớn mũi cong như vành trăng khỏa nước dọc sông Đà, ngân lanh lảnh tiếng hát hò trong khói lam chiều ngăn ngắt, tiếng chó sủa, tiếng con nít reo hò. Ở chợ Pác Ma, chợ cuối cùng ngược thượng nguồn sông Đà, có ông già người Kinh cứ chiều chiều lại mang cây đàn phong cầm Accordion ra ngâm nga hát, giữa cơ man người Thái, Si La, Cống, Nhắng... Hát cho đỡ nguôi ngoai nỗi nhớ miền xuôi.
Dù ở ngã ba biên giới Apachải, nơi Cực Tây Việt Nam, nơi tổ quốc chia tay với ánh mặt trời, nơi một con gà gáy ba nước nghe tiếng, thiên đường của dân tộc Hà Nhì, cư dân có tỉ lệ đỗ đại học có thời còn cao hơn cả người Kinh. Ở đó, chìm ngập một mầu vàng hoa dã quỳ, đường mòn xuyên rừng thảng hoặc lại thấy lẫn lốt chân hươu nai hổ báo, leo lét sáng những chòi canh lợn rừng về phá rẫy, con gái trần truồng tắm suối chẳng thẹn, trai bản đi tìm bạn tình rấm rích suốt đêm sương.
Ở đó, các cư dân biên giới đa phần sống trong nghèo khó, chân chai sạn, tay chai sạn, lơ lớ tiếng Kinh, rượu uống như nước lã. Uống vì lạnh. Uống vì tục lệ. Uống vì quen. Uống vì ít niềm vui. Có trưởng bản ở chốn Mù Cả xa xôi, quần áo rách buộc bằng lạt vì không có kim có chỉ, trông như trái sầu riêng biết đứng, biết đi. Nhưng hào sảng. Khách đến mời món ăn ngon nhất, ngủ trên chiếc giường ấm nhất, đón tiếp bằng những lời nồng hậu nhất trong căn nhà thông thống gió. Có hộp cao Sao Vàng giữ mãi cũng lấy ra hòa nước ấm, pha muối, để khách ngâm chân. Sáng chia tay còn gửi theo nắm xôi gà. Miếng thịt gà gầy guộc ngấm đầy muối ớt. Ăn mà mắt cay.
(Ảnh: Minh Quốc)
Tôi không biết vì sao, đã suốt một thời tôi có thể lang thang được mãi ở những chốn xa xôi ấy. Nghe tiếng khèn thâu đêm huyền thoại, nghe tiếng trở mình leng keng lục lạc bạc trên sạp nứa, bên bếp lửa ngồi hát ca cùng cư dân những nơi chốn ấy rất tự do, xuyên rừng hàng tháng, mồ hôi như tắm mà cổ áo sạch tinh. Biên thùy không bắt bụi.
Tôi nhớ Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: ở biên thùy Trùng Khánh - Cao Bằng có loại cỏ phân mao, chỉ ngả về hai hướng, đất mẹ và đất của người. Một loại thảo mộc thôi mà cũng rạch ròi. Tôi đã đi tìm loại cỏ huyền thoại ấy, nhưng chưa bao giờ thấy. Chỉ thấy sự mê đắm quê tôi khi đứng ở biên thùy.
Bạn đã đi tới những nơi tận cùng của nước non chưa? Đến một lần đi, bạn sẽ thấy điều mê đắm ấy.
(Ảnh: Minh Quốc)
Mỗi tuần một địa danh: Lũng Cú (Hà Giang), mảnh đất địa đầu cực bắc tổ quốc, là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong và thắng cố, của những nét văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy. Nơi đây còn là xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng vào mùa xuân và náo nhiệt trong buổi chợ phiên. |
Bạn vừa nghe số đầu tiên của chương trình Dấu chân Online Nếu có những câu chuyện, những cảm xúc - trải nghiệm muốn chia sẻ với chương trình, mời bạn đọc click vào đây để gửi bài viết. |
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.